PV: Thời gian qua, việc cơ quan soạn thảo luật đưa ra những quy định gây tranh cãi xảy ra khá phổ biến. Thậm chí , có đề xuất “sáng đưa- chiều rút” tương tự như việc rút ngắn thời hạn GPLX từ 10 năm xuống 5 năm mà bộ Công an đưa ra. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
GS.TS Từ Sỹ Sùa: Ngay ban đầu tiếp cận với đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX mà bộ Công an đề xuất, tôi đã thấy có sự bất cập và không khả thi. Tôi cũng thẳng thắn đặt ra câu hỏi với nhà báo: Vì sao lại đưa ra đề xuất rút ngắn thời hạn của GPLX, liệu có xảy ra việc trục lợi chính sách?
Việc xây dựng văn bản luật đều cần phải có sự nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là phải tham khảo ý kiến của chính người trong cuộc. Xác định thời hạn GPLX cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng, thận trọng bởi đây là vấn đề gây ảnh hưởng đến rất nhiều người, phải căn cứ vào thực tiễn, luận cứ khoa học. Cụ thể với đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX mà bộ Công an đưa ra trước đó, người ảnh hưởng trực tiếp, cần lấy ý kiến chính là những người học và được cấp GPLX. Đồng thời, khi đưa ra đề xuất, bộ Công an cần tham khảo thời hạn GPLX đang áp dụng tại các nước trên thế giới để đối chiếu, so sánh với tình hình trong nước. Qua đó mới có thể đưa ra một sự lựa chọn phù hợp và khoa học nhất.
GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội.
PV: Nói như vậy, bất kỳ một chính sách nào được đưa ra cần có phân tích đánh giá tác động, thưa ông?
GS.TS Từ Sỹ Sùa: Đúng vậy, một đề xuất đưa ra cần dựa trên đánh giá tác động và nghiên cứu thực tiễn. Đối chiếu với đề xuất trước đó của bộ Công an trong dự thảo luật Đảm bảo trật tự ATGT, thời hạn của GPLX rút ngắn xuống 5 năm, việc rút ngắn nhằm mục đích gì?
Trong 10 năm chỉ phải đổi lại GPLX 1 lần thì nay phải đổi hai lần gây phiền toái, tốn kém cho người dân. Việc làm thủ tục cấp đổi GPLX ngoài việc phải khám sức khoẻ lại cho lái xe thì chi phí tiền lệ phí cấp đổi cũng sẽ gây tốn kém cho người dâu. Đặc biệt là việc người dân phải tốn nhiều thời gian đi lại. Đối với người còn trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém, không cần thiết cho người dân. Thời hạn GPLX hạng B giữ nguyên như hiện nay là hợp lý. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước có mục đích rõ ràng trong đổi GPLX là cập nhật kiến thức cho người dân thì việc đổi mới có ý nghĩa.
PV: Mặc dù đề xuất đã được bãi bỏ nhưng có luồng ý kiến cho rằng, nhiều vụ TNGT liên quan đến sách hạch GPLX, việc rút ngắn này sẽ kiểm soát lái xe tốt hơn và đề xuất cũng “có lý”, thưa ông?
GS.TS Từ Sỹ Sùa: Nhiều người cho rằng, điều quan trọng nhất trong công tác đào tạo và cấp GPLX không phải là câu chuyện thời hạn bằng lái kéo dài bao lâu mà là có giảm được TNGT hay không. Tuy nhiên, không thể căn cứ vào số ít hiện tượng, số vụ tai nạn để minh họa và áp vào cho số đông.
Rõ ràng, với một chính sách đưa ra mà gây phiền hà cho dân thì phải rút lại là đúng. Bởi trong quá trình thực tiễn, chính sách đó đang ổn định thì không nên thay đổi. Còn nếu muốn thay đổi thì phải có sự thuyết phục, sự phân tích khoa học và tuyệt đối không được “cài cắm” lợi ích nhóm. Còn nếu không cần thiết thì có thể thực hiện chương trình bổ túc kiến thức bằng các khóa bồi dưỡng, chứ không nhất thiết cứ phải rút ngắn thời hạn GPLX xuống còn 5 năm mới là hiệu quả.
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp) nhận định: Việc tuân thủ quy trình, cơ chế soạn thảo, ban hành văn bản hiện nay chưa nghiêm chỉnh. Để tránh tình trạng văn bản không đi vào đời sống, theo ông Sơn, căn cơ nhất là rà soát tổng thể hệ thống pháp luật; công tác lấy ý kiến cộng đồng, thẩm định, thẩm tra phải được hoàn thiện hơn, để nghe nhiều tai, góp ý nhiều chiều, với sự giám sát độc lập từ phía người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Song song đó, cần tách bạch giữa bộ phận làm chính sách và bộ phận thực thi chính sách. Bởi nếu vừa trực tiếp thực thi, vừa đồng thời làm chính sách dễ dẫn đến “cài cắm” lợi ích. Ngoài ra, phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm với những tổ chức, cá nhân đưa ra những văn bản pháp quy kém hiệu quả, khả năng thực thi thấp...
PV: Vậy theo ông, làm sao xóa bỏ tình trạng xây dựng văn bản “trên trời”, vừa đề xuất đã phải rút?
GS.TS Từ Sỹ Sùa: Tôi nhớ, một vị ĐBQH từng lên tiếng “không thể không quản lý được thì đưa ra những đề xuất rất buồn cười để dư luận ồn lên, không đáng có”. Từ những tranh cãi xung quanh một số văn bản pháp luật thời gian gần đây cho thấy, vấn đề chất lượng văn bản pháp luật còn thấp hoặc quá lạc hậu. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhất thiết phải xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm của những người soạn thảo văn bản vô lý, thiếu tính khả thi.
PV: Xin cảm ơn GS.TS!
Rút ngắn thời hạn cấp đổi giấy phép lái xe có cần thiết? Ảnh: Hải Nguyễn
Một chính sách đưa ra không thể thỏa mãn tất cả các yêu cầu tác động đến từng đối tượng. Trước khi chính sách đưa ra thực hiện phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và phải xác định cụ thể đối tượng thực hiện. Cơ quan soạn thảo luật phải đánh giá tác động và giải thích rõ cho dư luận biết về mục tiêu của chính sách; Cần thông tin rộng rãi cho dư luận biết, lấy ý kiến đông đảo người dân, lắng nghe ý kiến dư luận, ý kiến phản biện, ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý... Theo tôi, khi đánh giá tác động của chính sách thì vừa phải định lượng, vừa phải định tính, cần đưa ra số liệu để chứng minh.
Liên quan đến đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX của bộ Công an trước đó, có lẽ chính sách đưa ra là nhằm vào mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn... Tuy nhiên, nó sẽ phát sinh một số vấn đề như dư luận đang băn khoăn như gây phiền hà, tốn kém, không cần thiết… Những vấn đề này cần phải nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi.
Thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy rằng, việc quản lý lái xe của các doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, chưa thực sự tốt. Trách nhiệm của các doanh nghiệp chưa rõ rằng. Ví dụ, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy…Thứ hai, việc đánh giá sức khỏe của lái xe do doanh nghiệp đặt ra có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của việc quản lý lái xe khi lưu thông trên đường theo các quy định hiện hành. Giả sử, nếu dự thảo lần này đưa ra vì lý do sức khỏe của lái xe thì trong luật sẽ phải quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe cho lái xe. Khi lái xe vi phạm thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc một cơ quan soạn thảo luật đưa ra những đề xuất gây tranh cãi, vốn không phải là điều hiếm gặp trong những năm qua. Với đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX của bộ Công an, nếu xét về mặt câu chữ sẽ dễ lầm tưởng “rút ngắn” sẽ đi đôi với giảm tải thủ tục hành chính, bớt phiền hà cho người dân. Luật Giao thông đường bộ và các nghị định của Chính phủ đã quy định thời hạn đổi GPLX từ 5 năm trước đây lên 10 năm và đã thực hiện nhiều năm nay. Việc này giúp cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân. Đề xuất rút thời hạn GPLX xuống 5 năm sẽ thêm thủ tục, làm phiền người dân. Hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm. Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe. Trong khi GPLX 5 năm phải đổi nhằm mục đích gì, nếu thực hiện sẽ gây lãng phí tốn kém công sức, chi phí, thời gian của người dân.
Ngày 26/8, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó CSGT (bộ Công an) cho biết, Bộ này đã họp với các bộ, ngành liên quan và thống nhất bỏ đề xuất rút thời hạn GPLX xuống còn 5 năm, thay vì 10 năm như hiện nay.
Trước đó, tại dự thảo luật Đảm bảo trật tự an toàn mới nhất, bộ Công an (đơn vị soạn thảo) đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX đối với phương tiện dưới 9 chỗ ngồi và xe tải loại 3,5 tấn từ 10 năm xuống 5 năm. Đề xuất này xuất phát từ việc thời hạn GPLX 10 năm là quá dài, sức khỏe tài xế thay đổi, không đảm bảo, là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, qua lấy ý kiến các ngành có liên quan, bộ Công an nhận thấy, với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được xây dựng và sự liên thông dữ liệu của các bộ, ngành khác nhau, đề xuất nêu trên không còn cần thiết.
Ngoài hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an còn có cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, dữ liệu tai nạn. Bộ GTVT có dữ liệu quản lý phương tiện, bằng lái, bộ Y tế có dữ liệu về sức khỏe... “Khi các loại cơ sở dữ liệu này liên thông, cảnh sát sẽ làm việc trên hệ thống thông tin điện tử để tra cứu và nắm được tình trạng sức khỏe, bằng lái của tài xế thường xuyên, không cần phải sử dụng biện pháp quản lý hành chính khác”, Đại tá Bình cho hay.
N.H - H.L