Những thứ không nhuốm màu "bê bối"

Xong xuôi mọi chuyện, chúng tôi gặp em trên con đường đậm màu buồn của ký ức. Đọng lại trong mắt chúng tôi là hình ảnh một cậu trai người dân tộc Tày, dáng vóc bé nhỏ lầm lũi bước đi giữa nắng Yên Minh – Hà Giang.

Gác lại những âu lo

Kỳ thi THPT quốc gia đã kết thúc, kết quả dù tốt hay xấu thì đối với chúng tôi, đây là một mùa thi đặc biệt bởi chúng tôi đã có mặt để ghi lại những khoảnh khắc mà tại nội thành không có – điểm trường chuyên Hà Giang - một điểm nóng mùa thi cử bởi những bê bối của năm 2018 còn khiến nhiều người dè dặt.

Chặng đường kéo dài 6 tiếng, 4h sáng, chúng tôi di chuyển đến nhà khách, bủa vây khung cảnh nơi đây là một không gian tĩnh lặng, đường phố sạch trơn thưa thớt bóng người.

Gác lại chuyện cũ, gác lại một năm bê bối thi cử khiến nhiều người hoang mang, chúng tôi tin vào một kết quả tốt đẹp. Và tôi biết rằng, năm nay chúng tôi đã chọn đúng địa điểm để tác nghiệp. Hà Giang đẹp và thân thiện không nhuốm màu bê bối.

6h sáng, đoàn chúng tôi cập bến sở Giáo dục tỉnh Hà Giang. Các cán bộ ở đây tiếp đón chúng tôi với tấm lòng ấm áp nồng hậu.

Không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi những thông tin trước kì thi, ông Nguyễn Thế Bình - Phó Giám đốc phụ trách sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang tâm tự: "Chúng tôi đảm bảo quá trình thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực để lấy lại niềm tin của người dân".

Cuộc trò chuyện kết thúc, chúng tôi di chuyển đến một địa điểm đặc biệt khác. Đó là khu nội trú. Tại Hà Giang, có đến 80% các em học sinh là người dân tộc thiểu số, một số em thuộc diện khó khăn, phương tiện đi lại không có, nhà tận trong bản thiểu số xa xôi cách trở.

Cán bộ ở đây chia sẻ: "Mùa nắng đã vậy, còn mùa mưa, lúc nào chúng tôi cũng lo canh cánh sạt lở. Đi dưới đường mà lo đá trượt trên đỉnh núi đỉnh đồi. Mùa thi lại càng lo hơn, tương lai các em nữa".

Thời gian chúng tôi lên Hà Giang khi ấy mưa to, cảnh báo sạt lở và lũ quét. Để đảm bảo cho công tác thi cử an toàn, các em học sinh trên vùng cao được di chuyển xuống khu nội trú để ăn ngủ nghỉ miễn phí.

Men theo đường đi, chúng tôi đến với khu sinh hoạt nội trú. Có lẽ nếu không tận mắt trông coi thì chúng tôi cũng không biết được hoá ra lại có một Hà Giang không nhuốm màu bê bối, một Hà Giang giàu tình thương và sự quan tâm.

Cánh cổng ký túc hiện ra, bao nhiêu thí sinh là bấy nhiêu cảnh ngộ. Có em gia đình đông con, thầy cô phải đến vận động bố mẹ mãi em mới được đi học, có em vẫn nợ học phí, có em ước ao sau kỳ thi được trở về nhà giúp gia đình việc nương rẫy.

Tò mò hồi lâu chúng tôi tiến đến hỏi em Thắm người dân tộc Tày, em nhìn tôi có chút dè dặt rồi ghé sát tai tôi thầm thì: "Em có ước muốn trở thành cô giáo vùng cao gánh con chữ qua nương tới các em học sinh nghèo trên bản".

Lại có cậu trai lém lỉnh nhanh nhảu cầm giúp tôi túi đồ nặng trịch thỏ thẻ ước muốn được trở thành phóng viên thời sự, được cầm chiếc máy ảnh ngao du bốn bể.

Nghe em nói lòng tôi reo lên những cảm xúc kỳ lạ. Cảm ơn cậu học sinh 17 tuổi đã sớm có đam mê với nghề báo.

Ghé chân vào khu ký túc, phòng ốc đơn sơ với 4 chiếc giường tầng kê đối diện nhau, không ai nói với ai cứ chăm chú nhìn vào quyển sách giáo khoa, miệng lẩm nhẩm lại công thức mong chờ ngày mai đến.

Có vẻ nỗi lo lắng của năm cũ không phải điều gì quá lớn lao khiến các em thí sinh nản lòng. Với các em, chuyện cũ chẳng là điều mong muốn, hi vọng mọi người đừng đào sâu, đừng cứa những vết dao vô hình bằng lời nói vào tâm can của các em thêm lần nữa.

Tiếng chuông điểm 11h00, các thí sinh của tôi í ới gọi nhau như ngày hội. Đứa cầm thìa cơm, đứa cầm chiếc bát, không hẹn mà gặp, những gương mặt xa lạ hoá thân quen.

Bữa cơm miễn phí của khu nội trú xôn xao góc phố nhỏ, nơi đây huyên náo đông đúc khiến chúng tôi - những người làm báo thấy ấm lòng.

Không phải sơn hào hải vị, càng không phải những mâm cỗ ngút ngàn, đó là bữa cơm giản dị với những món ăn gia đình được nêm nếm bằng sự chân thành của những người làm trong nghề giáo.

Phải lên Hà Giang mới thấy người thầy người cô quả đúng như những gì bài hát ngày xưa chúng tôi vẫn nghêu ngao: "Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền".

Không còn điểm số, không còn sự toan tính vụ lợi, ở đây chúng tôi cảm nhận rõ nét sự quan tâm, lo lắng, yêu thương của những người mang trên mình trọng trách lái đò.

Đúng 14h00 ngày 26/6, chúng tôi có mặt tại điểm thi chuyên Hà Giang. Cơn mưa rào bất chợt khiến sân trường còn đọng vài vũng nước không tên. Chỉ 30 phút sau, sân trường kín lối đi, những ánh mắt lấp lánh, nụ cười rạng ngỡ khi cầm trên tay phiếu báo danh "thần thánh".

Đón chúng tôi là cô giáo Lương Anh Thiết - điểm trưởng của điểm thi trường chuyên Hà Giang. Không khó để nhận ra lo lắng của cô trước mùa thi quan trọng.

Đến trước chúng tôi cả tiếng đồng hồ, cô Thiết tự tay xem lại danh sách thí sinh được in trên bảng tin, nhắc nhở các em vào phòng đúng giờ, thậm chí chạy đôn đáo chỉ vì một anh học sinh lớn tuổi "lơ ngơ" không hiểu thủ tục.

Gặp chúng tôi, cô bộc bạch nỗi niềm của một giáo viên lâu năm, đồng thời là điểm trưởng của điểm trường từng gây sốt: "Lại một mùa thi đến, tôi và các thầy cô đã cố gắng để các em có điều kiện tốt nhất trong mùa thi năm nay. Bê bối năm 2018 là điều không mong muốn, xong chuyện ấy không ảnh hưởng gì đến thầy cô cả, bởi thầy cô không phải là người có lỗi. Thầy cô cố gắng hết sức để công tác tốt và hoàn thành nhiệm vụ được giao".

"Tại điểm trường của thầy cô, các em học sinh có hoàn cảnh được nhà trường ưu ái giúp đỡ tận tình. Và không ghi nhận trường hợp nào quá đặc biệt để trì hoãn buổi thi quan trọng này", cô chia sẻ thêm.

Sân trường chuyên Hà Giang đông đúc và nhộn nhịp, từng tốp học sinh nối đuôi nhau kéo dài, thấp thoáng bóng áo xanh thân thương của những anh lính cụ Hồ.

Chúng tôi bắt gặp em Lừ Mí Sơn (Hà Giang)– một sỹ bộ đội trẻ tuổi và nhiệt huyết ở bộ Chỉ huy Biên phòng, em nói: "Em thi từ năm 2017, bây giờ kiến thức đã mai một. Em rất bồi hồi và xen lẫn một chút lo sợ. Năm trước em đã thi xong nhưng do nhập ngũ, năm nay em đi thi với tâm thế thử vận may bởi trong quân ngũ em cũng không chuẩn bị được gì nhiều".

Năm ngoái, hễ cứ nhắc đến ngành công an, bộ đội nhiều người lại có cái nhìn ác cảm bởi những thí sinh được nâng điểm không Thủ khoa thì cũng Á khoa điểm cao chót vót. Thậm chí đến mức người ta chép miệng, thở dài với những học sinh đăng kí vào hai ngành mà không cần chần chừ.

Đối diện với bê bối điểm thi năm cũ trong ngành, Lừ Mí Sơn cười hiền bộc bạch: "Chuyện của năm cũ, là điều cũ, đối với em, cố gắng hết sức mình và không hối hận".

Tạm thời chia tay thành phố, chuyến xe cuối ngày đưa chúng tôi đến với thị trấn Yên Minh, Đồng Văn, nơi cách Hà Giang hơn 100 km về phía Đông Bắc.

Nơi chúng tôi đến hoàn toàn xa lạ với thị thành, xung quanh là những đồi cây xa ngút ngàn, con đường đỏ mủn gập ghềnh chực chờ đổ rạp nếu chẳng may có cơn mưa lớn vô duyên.

Chúng tôi nhìn nhau không nói lời nào bởi em – cậu học sinh trường nội trú đã khiến trái tim những người làm báo trong mùa thi nghẹn lại từng hồi.

Dải băng tang mang theo giấc mơ học nghề

Đó là cậu bé Lừu Rỉ Vinh (dân tộc Hán, học sinh Trường PTDT Nội trú THCS-THPT huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang).

Khác với những cô cậu học trò khác, Lừu Rỉ Vinh nhìn chúng tôi bằng con mắt buồn, trên tay còn cầm dải băng tang màu trắng.

Làm thủ tục thi xong xuôi, cậu bé với vóc dáng nhỏ nhắn, làn da ngăm đen lầm lũi bước chân về khu ký túc của trường nội trú. Thu mình vào một góc, Lừu Rỉ Vinh thu hút sự chú ý của chúng tôi đến lạ lùng.

Vinh nhỏ nhẹ nói với chúng tôi trong cơn nấc: "12 năm đèn sách, ngày em đi thi cũng chính là lúc chia tay với bố mãi mãi".

Trái tim chúng tôi như nghẹn lại khi biết rằng em vừa trải qua một cơn dư chấn ít người mạnh mẽ để vượt qua.

Nhà ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn, cả nhà Lừu Rỉ Vinh sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Gia đình em thuộc hộ nghèo ở thị trấn, Vinh may mắn hơn các anh chị là được đi học và học cao nhất ở trong nhà.

Là một cậu bé hiếu học, chúng tôi xúc động khi nhìn vào những quyển sách cũ của em. Không có tiền mua những cuốn sách tham khảo nhiều màu như các bạn dưới xuôi, Vinh chủ yếu học thêm, đọc thêm những tài liệu trên thư viện, Vinh nói: "Kiến thức thầy cô giảng trên lớp đã quá đủ để biến thành một cuốn sách ôn thi đắt tiền rồi chị ạ".

Tính tình hiền lành chất phác, Vinh là đứa con được gia đình và hàng xóm cưng chiều, thế nhưng, Vinh rất ngoan và sớm biết suy nghĩ.

Khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn đang nũng nịu với những món quà thì Vinh đã nhận thức được bài toán cuộc sống gia đình. Em bươn chải lao động thêm phụ giúp bố, tự kiếm tiền mua sách vở, đồ dùng. Sống với bố sau biến cố mẹ bị đi tù vì buôn tiền giả, Vinh không ngờ có một ngày mình phải rời xa bố mãi mãi.

Từng buông xuôi, Vinh từng muốn buông bỏ tất cả, nhưng nhờ sự động viên của họ hàng, thầy cô, Vinh cất nỗi đau trong lòng để lên đường thi tốt nghiệp.

Ngày Vinh đi, bố em nằm im lìm trong cỗ áo quan, em ao ước lắm được nhìn thấy người bố hiền từ vỗ vai chúc công thành danh toại. Thế nhưng, có lẽ điều đó mãi chỉ là ước mơ đáng thương.

Vinh nhớ mãi những ngày trước, mặc dù chuẩn bị tâm lý cho ngày buồn nhất nhưng Vinh không khỏi bị sốc khi bố ra đi. Vinh ngập ngừng: "Bố nói chờ ngày em thi xong, vậy mà….".

Vinh nói rằng em sẽ học nghề bếp khi thi xong bởi đó là ước muốn của em. Khẽ đặt lên vai cậu bé dân tộc Hán một cái vỗ vai truyền lửa, chúng tôi lặng nhìn em khuất dần sau cánh cổng.

Có lẽ bây giờ em đã trở về nhà để chịu nốt tang cha còn để dở theo người dân tộc ở Đồng Văn.

Một mùa thi khép lại, một mùa thi thành công với chúng tôi và cũng là một mùa thi đầy kỷ niệm với mảnh đất Hà Giang - nơi những điều tốt đẹp được lên ngôi.


Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang chi tiền tỷ cho hệ thống giám sát phục vụ kỳ thi THPT QG 2019