Từ một thời vang bóng đến khát vọng “hồi sinh”

Làng nuôi ngựa đua Đức Hòa không còn sự nhộn nhịp, tất bật của vó ngựa. Thanh âm dồn dập của tiếng ngựa hí trên đồng cỏ cũng thưa dần. Khung cảnh người ngựa quần thảo trên đường đê vào sớm tinh sương chỉ còn vang bóng một thời.

Danh bất hư truyền

Từ ngã ba Mỹ Hạnh (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), tôi hỏi thăm người dân về nghề nuôi ngựa đua của địa phương. Nhắc đến nghề này, ai cũng rành rẽ nhưng đều tỏ vẻ tiếc nuối.

Họ nói, gần chục năm trước, huyện Đức Hòa được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi, huấn luyện ngựa đua nhưng giờ đã tan tác, con cháu của những lò ngựa gia truyền đành vào xưởng làm công nhân. Nghề cũ nổi danh xứ sở chỉ còn vài người có tuổi cố gắng bám trụ, nuôi cho đỡ nhớ nghề.

“Hiện tại, huyện Đức Hòa chỉ còn một số xã như: Đức Lập Hạ, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa Thượng, Hòa Khánh Đông…có người nuôi ngựa đua nhưng cũng vài con thôi, không đáng kể”, một người dân sống ở khu vực ngã ba Mỹ Hạnh hướng dẫn.

Theo lời chỉ dẫn, tôi tìm về ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, nơi được giới thiệu là trung tâm của nghề nuôi ngựa đua ở huyện Đức Hòa. Vượt con đường tắt đất đỏ gồ ghề, tôi đến ấp Tân Hòa với đường nhựa thẳng tít tắp với những ngôi nhà khang trang hai bên đường.

Đưa mắt ra xa và dừng lại ở đồng cỏ xanh rì, tôi chợt nhìn thấy 2 con ngựa đang thong dong gặm cỏ lẫn vào giữa đàn bò. Thật khó tin, vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” của ngựa đua dần phải nhường chỗ cho các loài gia súc, gia cầm khác.

Những người nuôi ngựa có tiếng tại huyện Đức Hòa cho biết, sau khi trường đua đóng cửa, hầu hết các lò luyện ngựa đều cố gắng gượng. Tuy nhiên, để tồn tại, nhiều hộ đành cắn răng bán ngựa cho các lò mổ. Lúc này, một con ngựa tốt cũng chỉ bằng giá một con bò.

Nhiều bậc lão niên của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chép miệng tiếc rẻ khi nhắc đến làng nuôi ngựa đua của địa phương. Làng nuôi ngựa đua chỉ mới “lận đận” khoảng chừng chục năm gần đây, khi trường đua Phú Thọ nghỉ thi đấu vào năm 2011.

Theo các bậc lão niên, thời Pháp, chính quyền đương thời có nhu cầu sử dụng nên yêu cầu, khuyến khích người dân từ Hóc Môn cho đến Đức Hòa nuôi ngựa. Ban đầu, ngựa chỉ được dùng vào mục đích kéo xe, thồ hàng. Sau đó, loại hình đua ngựa du nhập vào xứ Nam Kỳ thì bà con bắt đầu chuyển hướng nuôi ngựa đua.

Giống ngựa đua ban đầu chỉ là ngựa cỏ (ngựa bản địa - PV) nhưng dần dà, người ta nhập ngựa từ nước ngoài về phối giống để cải thiện thể chất cho loài vật “hái ra tiền”.

Thuở hoàng kim, nhiều người nuôi cả chục con, nhiều gia đình xem nuôi ngựa là nghề truyền thống. Ông Nguyễn Văn Hãnh (ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) chia sẻ: “Gần 10 năm trước, hễ về Đức Hòa, mọi người sẽ thấy rất nhiều ngựa cao lớn đứng gặm cỏ bên khoảng đất trống ven đường. Tiếng ngựa hí vang khắp xóm làng. Thấy chủ đến, chúng lại tung vó về phía trước, nhìn mê lắm”.

Làng ngựa Đức Hòa mong ngày hồi sinh

“Cứ 4-5h sáng, sương còn đọng trên ngọn cỏ, nhiều chủ trại đưa ngựa đi quần thảo để chuẩn bị đua, làm nhộn nhịp cả làng quê.

Sáng nào, tôi cũng dẫn ngựa đi một vòng, ngựa thì luyện chân, chủ thì thưởng thức cà phê tán gẫu với dân trong nghề.

Tôi còn nhớ, thời điểm đó, chính quyền địa phương thống kê, số lượng ngựa ở Đức Hòa lên đến 3.000 con, trong đó có khoảng 1.000 ngựa đua”, ông Hãnh nhớ lại.

“Ngựa đua mà không thể đua được thì đau khổ lắm!”

Dù đã ngoài 60, ông Hãnh vẫn giữ nếp sinh hoạt cùng những chú ngựa như ngày đầu bước vào nghề nuôi ngựa đua. Buổi sáng, ông dắt ngựa ra đồng ăn cỏ, lúc nắng gắt, ông vội vàng ra dắt ngựa vào.

Ông Hãnh theo nghề khi được 20 tuổi, tiếp nối nghề của cha mẹ, ông bà để lại. Cho đến nay, trong “võ lâm ngũ bá” của nghề nuôi ngựa, ông được nhận định là người có bí quyết trong việc chẩn đoán và trị bệnh kịp thời cho ngựa đua.

Ngựa là loài dễ nuôi nhưng để nuôi được một con ngựa đua đem lại tiếng tăm, thu nhập cho chủ là điều không phải ai cũng làm được. Quá trình trên phải được tích luỹ từ từ trong một thời gian dài.

Ông nói, từ lâu, ông xem chúng như thành viên trong gia đình bởi ông gắn bó với nghề này từ lúc mới lớn. Ông kể: “Làng ngựa đua ở huyện này phát triển từ trước giải phóng và cực thịnh khi có sự xuất hiện của trường đua Phú Thọ. Nghề nuôi ngựa đua đem lại thu nhập cao cho người dân nên vào thời điểm đó nhà nhà nuôi ngựa, người người chăm ngựa đua”.

Những năm đó, nhiều hộ thu nhập từ tiền bán ngựa đua mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngựa đua Đức Hòa rất nổi tiếng, bởi qua các giải thi đấu luôn giành được giải cao. Thế nên, nhiều đại gia đam mê bộ môn đua ngựa sẵn sàng dốc hầu bao để sở hữu một con ngựa tốt.

“Thường người giàu, họ có máu hơn thua. Hễ ngựa đua thắng giải, họ vui sướng ghê lắm. Nhiều khi còn thưởng thêm cho mình và nài ngựa nữa. Ngựa đua của làng thắng giải, nhà nào nhà nấy đều tiệc tùng vui vẻ. Trường đua tổ chức giải thì y như rằng Đức Hòa tiệc tùng liên miên”, ông Hãnh nhớ lại.

Nói đoạn, ông Hãnh kêu tôi ra trước cửa, chỉ tay về mấy ngôi nhà khang trang, rộng rãi. “Mấy cái nhà đó xây dựng lâu rồi, bề thế như vậy là nhờ nuôi ngựa đua không đó. Cô đi hết xóm xem, nhà nào cũng kiên cố, to rộng, mát mẻ. Tiếc là bây giờ hết thời, lớp con cháu sau phải đi làm công nhân. Mấy ông nài ngựa đã lớn tuổi không biết làm gì, lại quen lối ăn chơi khi xưa nên tìm sang Campuchia làm thuê cho mấy sòng bài”, ông Hãnh hóm hỉnh chia sẻ.

Bất chợt, trong dòng ký ức, ông Hãnh nhớ về “chiến mã” Nam Phương 1 bị chấn thương nhưng vẫn thấu hiểu nỗi đau của chủ. Ông Hãnh bất giác chùng giọng buồn bã. Ông nói, sau khi biết nó không thể hồi phục, ông đã cắn răng bán con ngựa quý ấy đi.

“Là ngựa đua mà không thể đua được thì đau khổ lắm. Dù thương yêu nó nhưng tôi đành bán nó đi. Sau này, khi trường đua đóng cửa, việc bán ngựa đua trở nên phổ biến hơn ở làng nuôi ngựa nức tiếng này”, ông Hãnh nói.

Cũng theo ông, trước đây, ở thời hoàng kim, ngựa trưởng thành rất giá trị. Một con ngựa tốt có thể bán được với giá vài trăm triệu đồng. Thế nhưng khi qua thời huy hoàng, ngựa hay, ngựa tốt đều ngang giá như ngựa thịt.

“Ngựa được chứng minh là loài động vật thông minh nhất. Nếu nuôi lâu ngày, nó sẽ nhận ra chủ từ xa và hý mừng. Con Nam Phương 1 của tôi bị chấn thương cũng bởi tôi ép nó đua ráng. Đua về, tôi thấy nó bị đau khi liên tục nằm xuống. Khoảng 9-10 ngày sau, tôi vẫn thấy nó nằm, chưa đứng được. Lúc này, tôi buồn lắm nhưng cố tỏ ra vui, vuốt trán nó nói: “Đâu, mày ráng đứng dậy cho tao coi. Chứ tao thấy mày nằm thế, tao khổ quá”. Vừa nói xong, tôi thấy nó cố gượng chống hai chân trước lên mấy lần nhưng lại ngã quỵ. Thấy vậy, tôi đau khổ đến vuốt mặt nó an ủi: “Thôi đừng ráng nữa, mày nằm nghỉ đi”. Nó nghe lời nằm xuống, nước mắt trào ra”. Tôi quay mặt đi nước mắt cũng nhòe”, ông Hãnh nhớ lại vẫn thoáng nét buồn.

Hiện tại, ông Hãnh còn nuôi 2 con ngựa nái, 2 ngựa con để đỡ nhớ nghề. Thế nhưng, cũng như Nam Phương 1, ngựa đua mà không thể đua được khiến ông Hãnh bứt rứt khi nhìn 2 ngựa con đang trổ mã từng ngày.

Bán ngựa nuôi bò, vẫn quay quắt nhớ nghề

Cũng như ông Hãnh, ông Phan Văn Sơn (46 tuổi, ngụ xã Đức Lập Hạ) được giới trong nghề xếp vị trí cao trong “võ lâm ngũ bá” của nghề nuôi ngựa đua. Người trong nghề nể phục ông Sơn bởi tuyệt kỹ xem ngựa. Với con mắt tinh tường, kinh nghiệm của hậu duệ đời thứ 3 trong gia đình sống nhờ nghề nuôi ngựa đua, ông sớm lĩnh hội tất cả bí thuật để nhận biết một con ngựa có tiềm năng trở thành “ngôi sao” chỉ trong lần quan sát đầu tiên.

Tâm sự về nghề đang dần mai một, ông Sơn cho biết: “Khi trường đua đóng cửa, không còn đất dụng võ, tôi cũng đành giải nghệ. Ngựa hay, ngựa tốt tôi đều bán cả vì nuôi ngựa vào lúc này tốn kém lắm. Nếu mình không chăm sóc nó chu đáo, nó xuống ký, thể trạng gầy ốm nhìn rất xót xa. Ngược lại, để ngựa đẹp thì tốn kém vô cùng. Trước đây, đi đua còn có giải, có đồng ra đồng vô để nuôi. Giờ nuôi ngựa đua cầm chắc lỗ”.

Ông Sơn nói, thời hoàng kim đã qua nên nhiều người phải tập trung làm kinh tế bằng vật nuôi khác. Bản thân ông cũng đang chuyển hướng sang nuôi bò và gà để đảm bảo kinh tế cho gia đình. Nhiều lúc nhớ nghề, ông mơ sao trường đua hoạt động trở lại để ngựa đua Đức Hòa thỏa sức tranh tài.

Về việc này, ông Hãnh cũng chia sẻ một cách thẳng thắn rằng, hiện 4 con ngựa của ông chủ yếu phải ăn cỏ, rơm. Lâu lâu, ông mới cho ăn thêm lúa bởi ông không đủ kinh phí để mua lúa. Ngoài ngựa, ông Hãnh tranh thủ nuôi thêm gà vịt để cải thiện kinh tế gia đình.

Bước ra khỏi nhà của ông Sơn, tôi buồn rời rợi, bởi nghề độc đáo một thời đang dần mai một. Bất chợt, tôi nhìn thấy người đàn ông đội nón tai bèo, chạy xe đạp, tay dắt 2 con ngựa cao to. Tôi mừng rơn chạy phía sau, về đến tận nhà mà ông không hề hay biết.

Đi qua cánh cổng sắt của ngôi nhà mái ngói đỏ, tôi nghe tiếng ngựa hý, tiếng chó sủa vang vang. Không ngờ giữa thời mai một, tôi lại tìm được một người vẫn còn nuôi hơn chục con ngựa đua khỏe mạnh.

Tiếp tôi, ông Huỳnh Văn Le (còn gọi là Hai Le, ngụ xã Đức Hoà Thuận, huyện Đức Hoà) cho rằng, việc nuôi ngựa tốn kém ở khẩu phần ăn. Muốn ngựa đẹp, ngoài việc cho ăn cỏ, người nuôi phải cho ăn lúa.

“Hiện nhà tôi có nuôi hơn chục con ngựa tốt. Việc này khá tốn kém vì muốn ngựa khỏe, ngoại hình đúng chuẩn thì phải cho ăn lúa. Mỗi con người tiêu tốn hết chục kg lúa mỗi ngày là điều bình thường, chưa kể còn phải bồi bổ thêm đậu xanh, đậu nành, ... Nhà tôi nuôi được là nhờ có ruộng trồng lúa, không phải bỏ tiền ra mua. Nếu không chắc trụ không nổi”, ông Hai Le khẳng định.

Ông Hai Le tâm sự: “Ở thời nào cũng vậy, dù là lúc trường đua đang thịnh hay trường đua đóng cửa, là người nuôi ngựa đua, tôi luôn chăm sóc ngựa theo chuẩn. Tôi rất đau lòng khi con ngựa gầy ốm, trông mệt mỏi, nhếch nhác do không được chăm sóc”.

“Do đó, tôi luôn chăm sóc ngựa như con của mình. Nếu sơ suất, ngựa sẽ bị bệnh. Người nuôi như một bác sĩ thú y, phải biết tiêm thuốc, biết ngựa bệnh gì và trị bằng thuốc nào. Mỗi ngày phải thức sớm dắt ngựa đi quần gió, quần nước. Trưa phải cho ngựa ăn, uống, chiều từ 15-16h lại dắt ngựa ra quần nước. Khi ngựa còn nhỏ phải làm giấy khai sinh y như con người… Chăm sóc ngựa vất vả trong khi đầu ra của ngựa lại rất bấp bênh khiến nhiều người không trụ nổi. Ngựa đua thành ngựa thịt”, ông Hai Le phân tích.

Dù còn lắm trăn trở, nhưng ông Hai Le vẫn ấp ủ thời hoàng kim của ngựa đua trở lại. Với giấc mơ đó, ông vẫn đang gồng mình nuôi hơn chục con “bảo mã”.

“Bây giờ, tôi phải nuôi ngựa thịt, nuôi ngựa thuê cho đại gia để có tiền xoay xở nuôi mấy con ngựa đua. Nhìn tụi nó, tôi tội lắm, không nỡ bán. Cái nghề gia truyền của ông cha, giờ không có tiền thì kiếm cái khác làm, rồi đắp đổi lo cho tụi nó”, ông Hai Le nhìn đàn ngựa đang hý vang mà cười.