Đôi khi người ta chỉ biết yêu một cái tên, mà không hiểu rằng, phía sau cái tên đó là những đẹp đẽ gì. Cũng giống việc, nhiều người yêu con đường mang tên Thanh Niên, yêu 3 hàng cây xanh mướt, yêu những vỉa hè đầy thơ mộng bên cốc trà chanh, me đá mà chưa từng hiểu, đường Thanh Niên của hiện tại và quá khứ có nhiều đổi thay và ẩn chứa không ít câu chuyện thú vị phía sau.

Đường Thanh Niên như dải lụa đào nhiều màu sắc, mềm mại vắt ngang, ngăn cách hồ Tây và hồ Trúc Bạch thành 2 vùng đất riêng biệt: Nơi rộng lớn, phóng khoáng, nơi nhỏ bé mà dịu êm, tạo nên một sự khác biệt dường như không nơi đâu có được.

sutit

Có lẽ, trong số rất nhiều những con đường của Hà Nội, Thanh Niên là một trong những con đường đẹp và đặc biệt bậc nhất.

Ngược dòng thời gian, Thanh Niên chính là “đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về” trong bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa. Con đường với buổi chiều không buông nắng, với phố vắng nghiêng nghiêng, quán cóc liêu xiêu thơm mùi hoa sữa... đã đi vào thơ ca, âm nhạc và lọt vào trái tim của biết bao thế hệ người Hà Nội.

Đường thanh niên

Đường Cổ Ngư cũng từng được đổi tên thành đường Thống chế Lyoutey năm 1894, nhưng người Hà Nội vẫn gọi là Cổ Ngư.

Năm 1957, với tinh thần xây dựng xã hội chủ nghĩa, hàng vạn thanh niên từ các cơ quan nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội hăm hở tham gia mở rộng đường Cổ Ngư thành đường đôi. Vậy là sau 2 năm, công trình công ích đầu tiên sau ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 hoàn thành. Đến thăm công trình này, Bác Hồ đã đặt tên đường là Thanh Niên – con đường kết tinh sức lao động của tuổi trẻ.

Cho đến nay, cái tên đường Thanh Niên vẫn trường tồn với thời gian, vẫn tươi trẻ qua 4 mùa mưa nắng. Con đường này đã khiến những người dù khô cằn sỏi đá cũng phải rung động bởi những sắc hoa. Làm sao có thể không rung rinh khi ngắm những bông hoa ban màu tím mỏng manh, khoe mình mơn trớn giữa mùa xuân tươi mát. Làm sao có thể kìm lòng thổn thức trước sắc đỏ rực rỡ lẫn trong những tán phượng vĩ xanh rì báo hiệu mùa hè đã đến. Làm sao có thể giữ chặt tâm hồn trước những chùm hoa sưa trắng muốt đẫm sương sớm, khẽ rung rinh rồi thả mình rơi tự do vào không gian. Và làm sao có thể không thu mình, khi lớp lá khô úa màu cuốn từng lớp, từng lớp cựa vào gió, xào xạc bên tai...

Đường Thanh Niên

Có lẽ, bằng cảm xúc khác nhau, mỗi người đều cảm nhận rất riêng về đường Thanh Niên. Có lẽ cũng vì thế, người yêu mến con đường này đặt cho nó rất nhiều tên gọi khác nhau. Tôi đã từng đọc ở đâu đó, có người nói như thế này: Con người sẽ già đi với thời gian, chỉ có con đường Cổ Ngư – Thanh Niên là trẻ mãi!

Ấy nhưng đâu chỉ có thế, từ lâu, con đường này đã được mệnh danh là đường tình yêu hay con đường lãng mạn nhất thủ đô.

Theo một tài liệu nào đó, từ xa xưa, trên những chiếc ô tô, người Pháp chở vợ con đi hóng mát trên con đường mang tên Thanh Niên. Tất nhiên, chưa nhiều cặp vợ chồng như thế. Cho đến khi, câu chuyện đôi tình nhân trong tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách lên đường Cổ Ngư chơi đã bắt đầu “châm ngòi” cho những chuyến dạo chơi của các cặp trai gái sau này. Khoảng chục năm sau đó, nơi đây bắt đầu trở thành điểm hóng gió ưa thích của sinh viên các trường đại học và cao đẳng. Thời bao cấp, đường Thanh Niên cũng là nơi gặp gỡ và tâm sự của giới trẻ, bất kể đó là mùa Đông giá hay mùa hè nóng nực...

Còn nếu ghé thăm đường Thanh Niên vào những năm tháng của Thế kỷ 21, sẽ chẳng lạ lẫm khi bắt gặp đôi ba thiếu nữ xinh tươi cười khúc khích, e ấp ôm hờ eo chàng trai cạnh bên. Họ ngồi ghế đá, đứng sau lan can sắt, thậm chí ngồi trên yên những chiếc xe máy đời mới, cùng nhau hướng mặt ra hồ Tây ngắm bình minh mỗi buổi sớm hay hoàng hôn khi chiều ta. Cũng có thể, họ chỉ đơn giản đứng trong không gian ấy và cảm nhận trái tim của chính mình.

sutit

Không chỉ sở hữu bề nổi những giá trị về giải trí, ẩn sâu bên trong đó, con đường Thanh Niên với chiều dài khoảng trên dưới 1km còn khoác lên mình tấm áo mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.

Chùa trấn quốc

Ngự đầu đường Thanh Niên, đền Quán Thánh là một trong Thăng Long tứ trấn, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Dù được trùng tu nhiều lần, đền Quán Thánh vẫn hiện lên đầy mộc mạc và giản dị. Cửa tam quan phủ màu trắng nhờ, nhuốm màu thời gian. Chỉ bước qua đây thôi, du khách như lạc vào một thế giới khác với không gian trong lành, tươi xanh và vô cùng yên tĩnh.

Chùa trấn quốc

Bên kia, phía cuối đường, chùa Trấn Quốc - linh thiêng cổ tự nghìn tuổi tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ nằm phía Đông Hồ Tây, nép mình yên tĩnh trên đường Thanh Niên. Đây là ngôi chùa đẹp bậc nhất thế giới, cũng là điểm dừng chân gợi nhắc nhiều giá trị về lịch sử, tâm linh.

Thay vì tên Khai Quốc ban đầu, qua rất nhiều lần đổi tên, người dân vẫn quen gọi chùa là Trấn Quốc và lưu giữ tên đó đến tận ngày nay. Ngôi chùa từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý – Trần. Và ngày nay, Trấn Quốc chưa bao giờ đánh mất vị thế của mình khi vẫn là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Hà thành. Với không gian trầm mặc, an nhiên. Bước chân vào chốn đây, ai cũng muốn buông bỏ hết mọi sân si của cuộc đời, thành tâm hướng Phật…

Hàng năm, mỗi khi Rằm, mùng 1 âm lịch hay những ngày lễ tết lớn, người dân Thủ đô và du khách thập phương nườm nượp ghé thăm chùa Trấn Quốc và đền Quán Thánh. Từ lâu, 2 địa điểm này đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh của nhiều người. Chúng góp phần không nhỏ trong việc tô điểm, nâng tầm giá trị của con đường mang tên Thanh Niên.

Thế nhưng, ngoài vẻ đẹp cổ kính, lãng mạn, con đường “không bao giờ già” còn nhuốm chút màu huyền bí khi có sự xuất hiện của ngôi đền mang tên Thủy Trung Tiên.

chùa trấn quốc

Theo lý giải của GS. Phan Huy Lê - người trực tiếp dịch Đại Việt sử ký toàn thư nói: Chính ông đã tìm thấy chữ “bến Thần Cẩu” và rằng chuyện thờ Chó đã có ở người Việt ít nhất từ năm 1254 (đời Lý)! Nhưng vì người Việt có tín ngưỡng đa thần giáo, tôn thờ thuyết vạn vật hữu linh nên trải qua nhiều biến động, tục thờ Chó bị phai nhạt. Kết quả là trên cái đền ở giữa hồ Trúc Bạch đã có 3 lớp thờ chồng chéo lên nhau: Lớp thờ Chó - thờ Mẫu Thoải và thờ Cá.

sutit

Không chỉ là một địa điểm hóng gió lãng mạn của các cặp đôi, đường Thanh Niên bây giờ còn là một khu vui chơi giải trí sầm uất nhất nhì Thủ đô của giới trẻ.

Ngoài Highland coffe rực sáng một góc hồ Thiền Quang hay một số tiệm bánh trà có tiếng được lòng nhiều du khách, đường Thanh Niên còn tồn tại 2 địa chỉ ẩm thực vô cùng độc đáo là kem hồ Tây và bánh Tôm hồ Tây.

Kem Hồ Tây

Bánh tôm Hồ Tây vốn là một trong các món ăn nổi tiếng của Hà Nội. Bạn có thể tìm thấy và thưởng thức món bánh này ở bất cứ đâu Hà Nội, nhưng nếu muốn cảm nhận những gì tinh tế nhất của nó thì có lẽ chẳng đâu có thể sánh nổi với quán bánh tôm trên đường Thanh Niên.

Không rõ bây giờ, bánh tôm hồ Tây có còn được làm từ những con tôm càng sông hay tôm càng hồ Tây chắc nịch, ngọt thịt hay không. Chứ nghe các cô các bác kể lại chuyện ngày xưa, đèo nhau bằng xe đạp lên hồ Tây chỉ để được ăn 1 đĩa bánh tôm nóng hổi, thơm ngậy cùng nước chấm chua, ngọt và cay, thêm chút dưa góp (đu đủ và cà rốt thái nhỏ ngâm giấm) thì lòng ai chắc cũng thổn thức.

Bên cạnh Tràng Tiền, Thủy Tạ, kem hồ Tây dẫu không quá nổi tiếng nhưng là một trong những thương hiệu kem lâu đời đi cùng người Hà Nội. Trong khi Thủy Tạ hay Tràng Tiền tìm cách thay đổi mẫu mã, đa dạng hương vị thì kem hồ Tây vẫn giữ lại cho mình những nét dung dị nhất. Vỏ ốc quế trơn giòn, không in logo thương hiệu; vị kem ngọt vừa và chỉ có những vị cơ bản như vani, socola… Và có lẽ, cái hay nhất của ăn kem hồ Tây đó chính là phải ăn thật nhanh, thật nhanh mới cảm nhận được hết vị tươi ngon của những que kem trước khi gió hồ có thể làm tan chảy chúng.

Thế nhưng không chỉ có bánh tôm hay kem, với những người yêu hồ Tây, bất cứ gì ở nơi đây đều có thể coi là “đặc sản”. Một chén trà chanh, một cốc me đá, đôi chiếc bò bía… giúp họ cảm thấy cuộc đời đáng yêu hơn rất nhiều.

Người đàn ông hàng chục năm bám đường Thanh Niên bán bò bía liến thoắng kể cho tôi nghe về con đường này với bao sự hấp dẫn. Rằng không chỉ có nam thanh nữ tú, nhiều cụ ông cụ bà sáng sáng dắt tay nhau đi thể dục, ngồi ghế đá nói chuyện nhân gian. Rằng mỗi buổi sớm, nhiều câu lạc bộ tổ chức đạp xe rồi về một góc đường thanh niên làm cốc trà chào ngày mới đầy phấn chấn. Rằng từ sớm tinh mơ, một góc nhỏ đường Thanh Niên phía bên hồ Tây, nhiều người tập trung bán thập cẩm đủ thứ đồ. Đến khi mặt trời lên, họ thu dọn, trả lại không gian vốn có của nó… Rằng đường Thanh Niên không xô bồ như những con đường khác, đi qua đây, một gánh hàng hoa, một xe hàng rong đều có thể khiến chúng ta an lòng.