E ngại chế định ly thân bị lạm dụng

E ngại chế định ly thân bị lạm dụng

Thứ 5, 18/07/2013 | 09:14
0
Nhiều lo ngại chế định ly thân trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 sẽ bị người này lạm dụng làm “vũ khí” bạo hành tinh thần, giam lỏng cuộc đời của người kia.

Chung sống gần 10 năm nhưng “mở miệng là cãi nhau”, mái ấm của chị Duyên và anh Thành ngày càng vắng lạnh. Vợ chồng kín đáo ly thân nhiều năm, anh ra ngoài có niềm vui mới, còn chị mòn mỏi cô quạnh với những nghĩa vụ làm vợ. Ngỡ rằng ly hôn để cả hai có cơ hội tìm kiếm “một nửa” phù hợp thế nhưng anh thẳng thừng tuyên bố: “Cơi nới, chứ không xây mới. Không sống với tôi, cô đừng hòng lấy ai!”. Chẳng phải anh còn vương vấn gì với vợ mà vì anh không muốn hao hụt tài sản, mất người chăm sóc nhà cửa, con cái, mắc công mang tiếng bỏ vợ, bỏ con.

Từ câu chuyện đau lòng của chị Duyên, nhiều đại biểu tham gia hội thảo góp ý dự luật trên do Hội Liên hiệp Phụ nữ VN tổ chức sáng 17-7 không “mặn mà” với chế định ly thân. Nhiều người lo ngại chế định ly thân sẽ hợp pháp hóa những “bản án treo” vô hình lâu nay, tạo điều kiện cho những toan tính “bẩn” với người bạn đời khi đường tình rẽ lối.

Các đại biểu đề nghị: “Không quy định ly thân mà thay bằng các quy định bảo đảm hỗ trợ hôn nhân và gia đình bền vững hơn”. Do ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nên chế định này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ tình cảm mà một trong hai bên hoặc cả hai đang và sẽ thiết lập với người thứ ba, đặc biệt tác động sâu sắc về nhiều mặt đến người vợ, con trẻ trong gia đình. Hiện tại VN chưa có thống kê chính thức về tình trạng ly thân trên thực tế và những khảo sát, nghiên cứu sâu nên khó đo lường hết mức độ nghiêm trọng, những tác động xã hội liên quan khi vấn đề này chính thức trở thành quy định pháp luật.

Luật sư - E ngại chế định ly thân bị lạm dụng

Điều kiện ly thân cần rõ ràng để tránh ảnh hưởng đời sống con trẻ. Trong ảnh: Trẻ em rời gia đình sống lang thang được tập trung tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM. 

Một số nước có chế định ly thân với ý nghĩa là giai đoạn tiền ly hôn, trong đó quy định rõ “khi đã ly thân thì vợ chồng nhất thiết phải ở riêng, muốn quay lại sống chung phải có quyết định tòa án”. Song ở VN, đa phần phụ nữ không có điều kiện về nơi ở mới sau khi ly thân nên buộc vẫn phải sống chung cùng nhà khiến có thể nảy sinh nhiều hệ lụy (bạo hành, xúc phạm…) gây ức chế cho cả hai.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN Trần Thị Hương, nếu “ly thân thực tế” (không còn quan hệ vợ chồng nhưng vẫn duy trì quan hệ về tài sản, con chung) thì pháp luật hiện hành đã có sẵn các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên: về quyền lựa chọn, quyết định nơi ở; quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con chung, tài sản… Thậm chí, nếu một trong hai bên bị cưỡng ép quan hệ sinh lý, tức có hành vi bạo lực tình dục thì đã có quy định về phòng, chống bạo lực gia đình bảo vệ… Vậy có nên chính thức luật hóa vấn đề ly thân hay không? Nếu vẫn muốn đưa vấn đề này vào Luật Hôn nhân và Gia đình thì các cơ quan chức năng cần phải tính toán kỹ để tránh tình trạng lạm dụng nhằm hành hạ nhau. “Thực tế nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng nhưng chưa hoặc không muốn ly hôn không phải vì muốn hàn gắn thật sự mà có nguyên nhân sâu xa từ phía người chồng muốn dùng biện pháp này để hành hạ vợ, không muốn vợ có cơ hội tái hôn với người khác. Tuổi thanh xuân của phụ nữ ngắn hơn nam giới, nếu không nghiên cứu, phân tích kỹ những hệ lụy thì quy định ly thân có thể vô tình cổ súy, tạo điều kiện cho những toan tính xấu” - bà Hương trăn trở.

Cơ quan hộ tịch sẽ xác nhận việc thuận tình ly hôn

Gửi văn bản đến Bộ Tư pháp góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000, UBND TP.HCM đề nghị “nên ban hành Luật HNGĐ mới”. Nguyên do: Trong dự thảo có đến hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung trong tổng số 110 điều của Luật HNGĐ năm 2000. Mặt khác, nhiều nội dung cơ bản quy định trong Luật HNGĐ năm 2000 được đưa ra để sửa đổi.

Về độ tuổi được quyền kết hôn, UBND TP cho rằng nên quy định “Nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Quy định độ tuổi như trên sẽ đảm bảo cá nhân khi kết hôn là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không bị hạn chế trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, đời sống ngày càng được nâng cao kéo theo sự phát triển về thể chất và nhận thức xã hội nên việc quy định độ tuổi kết hôn như nêu trên là phù hợp, thể hiện quyền bình đẳng giữa nam, nữ trong việc kết hôn.

Liên quan đến người được nhờ mang thai hộ, UBND TP đề nghị cân nhắc việc quy định cho phép mang thai hộ “do mâu thuẫn về đạo đức vì chưa có đánh giá tác động đầy đủ đối với vấn đề này”. Trường hợp có quy định thì nên mở rộng đối tượng được mang thai hộ, không nên bó hẹp trong phạm vi chỉ những người thân thích của vợ chồng nhờ mang thai hộ mới được mang thai hộ. Cụ thể, UBND TP đề nghị cần quy định điều kiện này như sau: “Người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp không có người thân thích hoặc có nhưng không ai đồng ý mang thai hộ thì vợ chồng có thể nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ”.

UBND TP cũng thống nhất với quy định vợ chồng hoặc vợ, chồng có quyền yêu cầu ly thân, áp dụng các quy định về giải quyết yêu cầu ly hôn từ khoản 2 Điều 85 đến Điều 91 của Luật HNGĐ để giải quyết yêu cầu ly thân.

Về thuận tình ly hôn, UBND TP thống nhất với phương án “Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác nhận việc thuận tình ly hôn trong trường hợp vợ chồng không có tranh chấp về con chung và tài sản chung…”. Theo UBND TP, quy định nêu trên tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng yêu cầu ly hôn của vợ chồng mà không có tranh chấp về con chung, tài sản chung do không phải trải qua trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

TM - TH

Sao lại cấm người mang thai hộ nhận thù lao?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 còn thiếu các quy định bảo vệ quyền lợi cho người mang thai hộ. Mang thai và sinh một đứa bé vô cùng khó nhọc và cũng có nguy hiểm “đi biển một mình”, vậy sao không có quy định bồi dưỡng cho người mang thai hộ, dù là bà con thân thuộc chăng nữa? Thực tế đó là bù đắp tổn hại sức khỏe cho người mang thai hộ.

Rồi khi được người mang thai hộ đem đến niềm vui, gia đình người hiếm muộn muốn bày tỏ lòng biết ơn là bình thường và người mang thai hộ nhận tiền cũng rất chính đáng, sao lại cấm không được nhận thù lao?

GS-TS LÊ THỊ QUÝ, 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Muốn ly thân, thì sao?

Thứ 4, 10/07/2013 | 09:30
Theo dự luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, bổ sung, xác nhận ly thân phải được lưu vào sổ bộ hộ tịch. Tuy nhiên, ly thân trong bao lâu và có được xem là căn cứ của ly hôn hay không thì chưa rõ.

Ly thân thì chồng không có quyền đòi hỏi 'chuyện ấy'

Thứ 5, 27/06/2013 | 14:08
Ông Dương Đăng Huệ, vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng việc ghi nhận chế định ly thân trong Luật hôn nhân mang nhiều ý nghĩa tích cực, trong đó có một ý nghĩa rất quan trọng là bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.

Tranh cãi quanh việc đưa chế định ly thân vào luật

Chủ nhật, 05/05/2013 | 16:10
Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa chế định ly thân vào Luật Hôn nhân & Gia đình để vợ chồng có trách nhiệm với con cái.

Chế định ly thân cần phải được luật hóa

Thứ 5, 04/04/2013 | 11:36
Có nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung chế định ly thân vào Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, do những vấn đề về nhân thân tài sản và con từ việc ly thân tồn tại phổ biến trong thực tế.