Sinh ra với cơ thể bình thường, thế nhưng trong một vụ tai nạn điện giật Lê Văn Tuấn đã phải cắt bỏ hai tay. Nỗi đau da thịt và nỗi đau tinh thần khiến anh mất đi niềm tin vào cuộc sống. Nhưng với ý chí của một người trẻ tuổi, Tuấn quyết tâm không đầu hàng số phận.

Rẽ vào một quán sửa điện thoại bên đường vào tối muộn, chúng tôi giật mình khi chủ quán là một chàng trai trẻ, khôi ngô, tuấn tú, nói năng hoạt bát nhưng hai tay đã bị cụt đến tận khuỷu. Trước ánh mắt kinh ngạc của những vị khách, Lê Văn Tuấn (SN 1991), trú thôn 3, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn thoăn thoắt sửa điện thoại cho khách như đã quen với cảm giác này. Chỉ với hai cái cùi tay, Tuấn chụm lại để “cầm” tuốc nơ vít và mở các ốc vít bé xíu trong điện thoại một cách khá dễ dàng.

Lặng lẽ chờ Tuấn sửa xong, chúng tôi mới đến xin được hỏi chuyện. Trả lời thắc mắc của những vị khách lạ, chàng trai “chim cánh cụt” mới nở nụ cười cho biết: “Tôi sinh ra bình thường nên muốn làm được như vậy phải tập luyện đến ứa máu. Nghĩ lại quãng thời gian vừa qua, tôi cũng không biết mình đã trải qua như thế nào nữa”.

Lê Văn Tuấn sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Năm 2012, Tuấn lên đường nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, Tuấn trở về và đi học nghề với ước mơ sống một cuộc đời bình dị như bao người.

Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu ập đến vào năm 2015. Trong một lần giúp người quen sửa nhà, Tuấn bất ngờ bị điện giật và mất cả hai bàn tay. “Khi tôi tỉnh lại thì đã thấy nằm ở trong bệnh viện, nhìn xuống đã không còn đôi tay đâu nữa, thậm chí các bác sĩ cũng bảo là hai chân cũng có nguy cơ bị cắt bỏ. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả cảm giác đau đớn, suy sụp của tôi vào lúc đó. Tôi thấy cuộc đời mình đã chấm dứt, thậm chí còn nghĩ đến cái chết”, Tuấn nhớ lại.

Thế nhưng, nhìn thấy người mẹ già mắt đỏ au ngồi dưới giường bệnh, anh lại nuốt nước mắt vào trong, tự nhủ phải sống lạc quan, cố gắng vượt lên số phận. Sau 2 tháng điều trị ở Viện Bỏng quốc gia, Tuấn trở về với đôi tay bị cắt cụt gần đến khuỷu, nhưng may mắn đôi chân được giữ lại.

Nghị lực chàng thanh niên cụt hai tay

Tuy nhiên, việc điều trị cho Tuấn cũng tiêu tốn gần 400 triệu đồng đã khiến gia đình Tuấn trở nên khó khăn. Không cam lòng sống một cuộc đời phụ thuộc vào người khác, Tuấn quyết tâm tự tập bằng hai cùi tay còn lại. Anh nghĩ, trước tiên là phải tự mình làm mọi việc từ vệ sinh cá nhân cho đến giúp mọi người trong gia đình những việc nhẹ nhàng. Tuấn bắt đầu tập cầm nắm, rồi bưng vác. Sau khi thuần thục, Tuấn dần học những công việc đòi hỏi sự khéo léo hơn như viết lách, sửa chữa đồ vật. Chỉ trong thời gian ngắn, Tuấn đã có thể làm được tất cả các công việc như một người bình thường.

Tuy nhiên, để thành thục được thì Tuấn đã phải tập cho ứa máu, những chỗ chưa lành lặn ở đôi bàn tay vẫn vô cùng đau rát khi anh cầm nắm một đồ vật gì đó. Anh Tuấn tâm sự, nhiều lần anh bật khóc, tức giận cho chính sự bất lực của bản thân mình. Ngoài nỗi đau từ vết thương, anh cũng cảm thấy vô cùng xót xa khi nhìn thấy những ánh mắt thương cảm của mọi người.

“Tôi biết mọi người cũng không có ý gì, nhưng họ tiếc 1 thì tôi tiếc cho bản thân mình 100 lần. Thế nhưng dù không nói nhưng tôi biết bố mẹ khóc rất nhiều, điều đó càng khiến tôi càng phải cố gắng hơn. Khi thấy tôi có thể hoạt động mà không cần người hỗ trợ thì bố mẹ vô cùng vui mừng. Lúc đó tôi nhận ra là những cố gắng của mình không hề vô ích”, Tuấn chia sẻ.

Khi mọi công việc đã dần trở nên quen và thuần thục, Lê Văn Tuấn quyết định đi học nghề để tự mình kiếm tiền trang trải cho cuộc sống và để mọi người thấy rằng dù thế nào mình vẫn là người có ích cho xã hội. Nhận thấy nhu cầu về máy vi tính của bà con khá cao mà trên địa bàn xã chưa có thợ sửa chữa, buôn bán máy tính, do vậy mà tháng 8/2015, Tuấn tự mình đi học công nghệ thông tin ở thành phố Vinh.

Sau 1 năm theo học, tháng 8/2016, Tuấn trở về quê vay vốn để mở cho mình một cửa hàng chuyên sửa chữa, buôn bán máy tính, điện thoại. Thời gian đầu còn vắng khách bởi nhiều người còn e ngại “người lành sửa chữa còn chưa biết thế nào, huống hồ gì người mất cả hai bàn tay”.

“Lúc đầu thì chỉ có một số người thân, bạn bè đến sửa chữa với mục đích giúp đỡ là chính. Tôi biết rằng mọi người nghi ngờ vào khả năng của mình nên đã cố gắng chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất, làm vô cùng cẩn thận để lấy uy tín. Từ đó dần dần mọi người biết đến mình và tin tưởng mang điện thoại đến sửa”, Tuấn cười.

Bên cạnh đó, có một số người tò mò đến sửa thử. Tuy nhiên khi họ nhìn cách Tuấn làm vô cùng điệu nghệ, nhanh nhẹn như thường, lại cẩn thận và chu đáo do vậy mà khách hàng truyền tai nhau tìm đến mỗi lúc một đông.

Để chứng minh khả năng, Tuấn lấy một chiếc điện thoại mở ra cho chúng tôi xem. Không ai có thể nghĩ được dù mất đi những ngón tay nhưng chàng trai này có thể thao tác thuần thục được như vậy. Đặc biệt, phía trong linh kiện điện thoại vô cùng nhỏ bé, thế nhưng Tuấn vẫn làm một cách dễ dàng bằng hai cùi tay. Dường như ông trời đã lấy mất đi đôi tay nhưng lại cho anh một món quà là sự khéo léo.

Tuấn chia sẻ: “Càng trong những khốn khó, mình lại càng cảm thấy biết ơn. Biết ơn bố mẹ đã sinh ra mình, biết ơn những người luôn động viên mình những lúc khốn khó, vì họ mà Tuấn phải tự hứa với lòng mình, phải vươn lên để không làm mọi người thất vọng, hay phiền lòng…”.

Ông Phan Sỹ Quỳ, Phó chủ tịch xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn cho biết, từ thời điểm nhận được thông tin phía chính quyền cùng các đoàn thể đã vào cuộc, chung tay ủng hộ nam thanh niên kém may mắn.

“Vụ điện giật đó khiến 2 người thương vong, Lê Văn Tuấn là người sống sót nhưng lại phải mất đôi tay, thậm chí sức khỏe cũng suy giảm khiến cho ai cũng tiếc nuối. Tuấn là một thanh niên năng động, vui vẻ, hiền lành nên khi biết anh mở quán điện thoại thì chúng tôi đã huy động mọi người đóng góp, hỗ trợ, của ít lòng nhiều. Giờ đây, với cửa hàng nhỏ của mình, Tuấn đã có thể tự trang trải được cuộc sống cho bản thân. Nghị lực đó không phải ai cũng làm được”, ông Quỳ nói.

Mới đây, trước nghị lực phi thường của chàng trai “chim cánh cụt”, Lê Văn Tuấn vinh dự là 1 trong 1000 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, nhiệm kỳ 2019 – 2024. Tại phần thảo luận tại diễn đàn, Tuấn đã mạnh dạn đứng lên cầm micro, chia sẻ về câu chuyện của chính cuộc đời mình một cách chân thật khiến cho toàn đại hội vô cùng xúc động.

Tuấn mong muốn các cấp hội có nhiều hơn những chương trình, hoạt động hỗ trợ những người tàn tật, để họ có thể vươn lên tự nuôi sống bản thân, có đóng góp dù nhỏ cho gia đình, xã hội. Đồng thời, Tuấn mong muốn Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp sẽ là cầu nối để thanh niên khuyết tật có được cơ hội giao lưu, học tập, học nghề, tìm kiếm việc làm và tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật. Từ đó, để bản thân những người khuyết tật cảm thấy hoà đồng, không mặc cảm.

“Tôi là một người gặp việc không may trong cuộc sống. Có những thời gian vô cùng tuyệt vọng, không muốn sống nữa. Vì vậy, sau khi xuất viện tôi xin phép bố mẹ cho được đi gặp những người cùng hoàn cảnh. Tôi sang Hà Tĩnh, ra Hà Nội, thậm chí vào tận TP.Hồ Chí Minh. Những chuyến đi đó đã giúp tôi gặp nhiều trường hợp khuyết tật, nhưng họ có nghị lực vô cùng lớn, từ đó đã giúp tôi thêm sức mạnh để tiếp tục sống”, Tuấn kể.

Một trong những trường hợp Tuấn gặp mà giống như mình đó là anh Nguyễn Văn Hải (SN 1990), trú thôn 4, xã Cổ Đạm, huyên Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vào năm 2017, khi đi làm thuê tại tỉnh Kon Tum, do bất cẩn anh Hải đã để thanh sắt chạm vào đường dây điện. Chỉ trong chốc lát toàn thân Hải bị điện giật cháy đen. Các bác sỹ đã phải cắt bỏ hai cánh tay để ngăn vết thương gây hoại tử; phẫu thuật lấy da cấy ghép chiếc chân trái bị bỏng nặng.

Tai nạn nghiệt ngã, vợ lại bỏ đi khiến cuộc sống của Hải và con trai thơ bé hết sức khó khăn. Hải nhiều lần muốn tìm đến cái chết để chấm dứt cuộc sống quá bế tắc. “Khi tôi đến nhà, nhìn thấy cháu bé hơn 1 tuổi mà không cầm được nước mắt. Thế nhưng anh Hải đã vượt qua tất cả, cố gắng sống để nuôi cháu bé. Trước hoàn cảnh của anh Hải khiến tôi thấy mình càng phải cố gắng hơn nữa”, Tuấn nhớ lại.

Vì vậy, mặc dù rất bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Lê Văn Tuấn rất nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động xã hội do Đoàn xã tổ chức, các buổi sinh hoạt đoàn, hội. Anh nghĩ rằng, dù không làm được gì nhiều nhưng với trách nhiệm của người thanh niên, anh luôn tiên phong đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng phong trào Hội hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn.

Không những vậy, anh còn tham gia các chương trình thiện nguyện, là cầu nối những người khuyết tật với nhau cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, anh còn đi nhiều nơi tham gia hoạt động các chương trình thiện nguyện với nhóm CLB “Ngọc trong tim”, là cầu nối để những người khuyết tật với nhau cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

“Khi tham gia phong trào, bản thân tôi cảm thấy vui hơn, năng động hơn và giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Vì vậy, tôi rất muốn phát triển, kết nối những người khuyết tật với nhau. Chúng tôi đã không may mắn trong cuộc sống, vì vậy khi đến với nhau có thể thấu hiểu và giúp đỡ được nhau”, Tuấn nói.

Quyền Bí thư tỉnh đoàn Nghệ An Nguyễn Thị Thơm cho biết, khi biết được thông tin về những việc làm của chàng trai nghị lực Lê Văn Tuấn thì phía tỉnh đoàn đã lập tức chung tay ủng hộ, giúp Tuấn ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn. Đồng thời, phía tỉnh đoàn cũng nhiều lần lấy hình ảnh của Lê Văn Tuấn làm gương cho các đoàn viên, thanh niên học hỏi, vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng bản thân.