sutit

Là một du học sinh tại Rotterdam (Hà Lan), sau khi bay từ Hà Lan sang Qatar rồi quá cảnh tại đây để về Việt Nam, Nguyễn Thúy Huyền (SN 2000) không khỏi hốt hoảng, nhưng cũng “thở phào” khi nhận được thông báo, kể từ sau chuyến bay của cô, Qatar Airways sẽ ngừng vận chuyển hành khách mọi quốc tịch vào Việt Nam.

Ngay sau đó, cô gái trẻ được cách ly tập trung tại Thanh Trì (Hà Nội).

Đối với Thúy Huyền, mọi thứ trong khu cách ly đều rất ổn! “Nhiều người động viên bảo cố lên nhưng thật ra chúng mình có phải cố đâu, sướng lắm đó chứ... Chỉ thương các chú bộ đội và những ai đã phải vất vả với chúng mình trong đợt dịch này thôi”, cô khẽ mỉm cười.

Với một tâm hồn của thiếu nữ đôi mươi cùng sự lạc quan vốn có, Thúy Huyền cảm giác cuộc sống trong khu cách ly này giống như một “kỳ nghỉ hấp dẫn”, có lẽ vì thế, cô quyết định chia sẻ nhật ký cách ly cho mọi người cùng cảm nhận.

Nhật ký cách ly covid-19 Vương Quốc Việt

Qua lăng kính của mình, nữ du học sinh đã ghi lại những hình ảnh chân thực, lan tỏa năng lượng tích cực bằng tinh thần lạc quan và cách kể chuyện hài hước: “Từ hôm mình về Việt Nam, cũng là hôm có lệnh đưa du học sinh về thẳng khu cách ly rồi mới xét nghiệm... Lúc nhìn hộ chiếu của mình, các chú trong trang phục bảo hộ kín mít vẫn hóm hỉnh bông đùa: “Ngay và luôn một vé đi nghỉ dưỡng 2 tuần nhé!”... “Kỳ nghỉ” của mình bắt đầu như thế!”.

sutit

Trong lúc chờ làm xét nghiệm dưới sân, thầy Trung (một trong những người để lại ấn tượng nhiều nhất đối với Thúy Huyền trong khu cách ly - PV) ngồi xuống, trò chuyện, hỏi han những du học sinh một cách tỉ mỉ, khiến những cô cậu học trò xa nhà cảm thấy ấm áp, như một người thân trong gia đình lâu ngày gặp lại.

Sau khi nhận phòng, làm vệ sinh cá nhân và ăn nhẹ xong, Thúy Huyền được gọi loa xuống nhận đồ tiếp tế từ người thân.

Cô gái 20 tuổi vẫn còn nhớ cái khoảnh khắc mà cô bắt gặp lúc xuống sân: “Lúc xuống nhận đồ tiếp tế của bố mẹ, vẫn còn rất nhiều người ở đợt cuối cùng phải xếp hàng, 12h đêm rồi vẫn chưa được nhận phòng.

Điều đáng nói là trong khi mình đã được tắm táp mát mẻ thơm tho, được ăn uống no bụng, các chú bộ đội với thầy Trung vẫn đang làm việc liên tục, từ lúc mình đến tới tận lúc đoàn cuối từ sân bay Quốc tế Nội Bài về.

Lúc ấy, nhìn từ trên khu cách ly, phòng mình trên tầng 4 xuống, thấy mọi người dáng lom khom, trông thương lắm!

Một chị cùng phòng được nhận giường lúc hơn 1h sáng, trông mệt mỏi vô cùng, nhưng ai cũng “mừng ra mặt” khi đã có một vị trí thật an toàn tại “đất mẹ”. Các chú bộ đội sau đó còn đến tận phòng để mang đồ ăn cho từng người nữa”.

Chứng kiến khung cảnh ấy, chính Thúy Huyền cũng cảm thấy, việc gia đình tới tấp gửi đồ tiếp tế vào cho người thân trong khu cách ly, không những không cần thiết, mà còn tạo thêm “gánh nặng” cho những chiến sĩ nơi đây.

“Trước đó, mẹ mình lo lắng gửi tận 2 chai nước súc miệng siêu to vào, nhưng không hề biết rằng, ở trong này, nước súc miệng, nước rửa tay, sát khuẩn, nước muối, đến nước lau nhà, bột giặt, nước xả vải... cũng đều được trang bị đầy đủ... và được khử khuẩn cẩn thận. Các bố mẹ đừng lo nhé! Trong này, con được ăn uống rất tốt... Sống cùng tập thể nếu mọi người sống được thì mình cũng sống được, bố mình cũng nghĩ như vậy đó!”, cô khẽ nhún vai.

sutit

Ngay từ buổi đầu tiên đặt chân đến khu cách ly, điều mà Thúy Huyền cảm nhận rõ rệt nhất chính là sự quan tâm, chu đáo mà các nhân viên y tế, các chú bộ đội dành cho mình.

Sau khi làm quen với các bạn cùng phòng, Thúy Huyền chợt nhận ra, đây giống như một gia đình cùng tụ họp về sau những tháng ngày bay bổng ở phương trời xa lạ, cùng nhau tận hưởng “kỳ nghỉ 14 ngày” bên nhau thật ấm áp.

Mỗi ngày, cô cùng mọi người đều được bộ đội hỏi han 4-5 lần, chế độ ăn uống đầy đủ, được chuyển đến tận cửa phòng để đảm bảo hạn chế tụ tập đông người.

Một ngày mới của nữ du học sinh thường bắt đầu lúc 6h30, sau đó, cô nhận đồ ăn sáng. Đến 9h30, cán bộ y tế tiến hành đo nhiệt độ cho từng người. Phòng sinh hoạt sẽ được phun khử trùng đều đặn vào 10h sáng. 11h30 sẽ là thời gian cho bữa trưa và nghỉ ngơi. Đến 18h, bữa tối sẵn sàng.

Rồi mọi người cùng trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống. “Trong phòng mình có 8 người, mỗi người một tính cách, công việc nhưng đều là du học sinh nên ai cũng rất hòa đồng và quan tâm lẫn nhau, có những câu chuyện bất tận để tỉ tê”, Huyền chia sẻ.

Một ngày thường kết thúc vào lúc 22h, mọi người bắt đầu chìm vào giấc ngủ... “Đây đích thực là “kỳ nghỉ” chứ không hề gò bó, mệt mỏi như nhiều người vẫn tưởng tượng”, cô nàng nháy mắt khi chia sẻ với PV.

Không phải với riêng cô nữ sinh 20 tuổi này, mà toàn bộ những người trong khu cách ly đều có chung một cảm nhận, quãng thời gian này giống như “một kỳ nghỉ đầu hè thú vị, trong một không gian sinh thái trong lành, nhiều bóng cây xanh, với hệ thống các sàn tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, dụng cụ tập gym ngoài trời”.

sutit

Huyền cũng chia sẻ trên trang cá nhân Facebook những dòng nhật ký cập nhật cùng hình ảnh vô cùng chân thực. Suất cháo hành không tiêu nhiều thịt được cô bạn đính kèm những thông tin hết sức ngộ nghĩnh: “Vì sao mình không ăn cháo ở trong phòng, mà lại ra ban công ăn nhỉ? Là vì, buổi sáng, các chú bộ đội bật nhạc nên mình mới ra ngoài này ăn cháo hưởng nhạc đó!”.

Rồi đến những suất cơm, suất xôi hay bánh bao... cũng là những hương vị quê nhà khiến Thúy Huyền nhớ đến nao lòng: “Xôi cùng thịt kho và 2 trứng cút đậm đà tình yêu thương. Đồng bào đã nghe tới câu “Xôi chan nước mắt” chưa ạ? Chính là mình đây. Hơn một năm rưỡi rồi, mình mới được ăn lại vị xôi quê nhà, lại còn được ăn trong khu nghỉ dưỡng của các chú bộ đội... Hết nấc luôn bà con ơi...”; hay “Bánh bao 2 trứng. Trời ơi! Chỉ có du học sinh mới hiểu cái bánh bao 2 trứng này nó xa hoa cỡ nào thôi”.

Bên cạnh những chăm lo sức khỏe, ẩm thực, Thúy Huyền cũng không khỏi “tan chảy” trong khu cách ly bởi những quan tâm đến “sự học” của du học sinh.

Cô nàng bật mí: “Các chú thu xếp hẳn một chỗ học cho chúng mình và lắp thêm wifi ngay ở trong phòng. Bình thường là 23h đóng cửa rồi mà các chú cho tụi mình học thâu đêm luôn. Thương một cái là ngay bên cạnh phòng này là một phòng ngủ của các chú bộ đội (tường phía trên thông nhau nên đèn điện, âm thanh lọt qua hết), dù để đèn cho chúng mình học là cũng khó ngủ lắm nhưng vẫn tạo điều kiện hết sức cho cả bọn...”.

“Chưa hết đâu, các chú dễ thương tới nỗi mua sách và truyện về cho chúng mình đọc!!! Nhìn cắt dán cái dòng chữ “Binh đoàn 11 thân tặng các cháu, chúc các cháu có kỳ trải nghiệm vui vẻ” nghe có cưng không chứ. Tâm lý lắm!”, cô nữ sinh không ngừng tấm tắc.

Mặc dù mới ở trong khu cách ly được vài ngày, nhưng Thúy Huyền tâm sự, cô đã được ăn không ít “bát cháo hành”: “Mình xin giải thích siêu nhanh tại sao lại là “bát cháo hành”? “Bát cháo hành” ở đây chính là “bát cháo hành” mà Thị Nở đã nấu cho Chí Phèo bằng tất cả tình yêu thương, và cũng chính tình yêu thương ấy thay đổi cuộc đời một con người.

Ở đây “bát cháo hành” mà em nhận mỗi ngày, đơn giản là tình cảm, là sự tỉ mỉ chăm sóc của các cán bộ chiến sĩ, nhân viên y tế; và là sự lan tỏa yêu thương đến những ai đang cần nó nhất...”.

sutit

Chỉ mới trải qua vài ngày ngắn ngủi tại khu cách ly, nhưng những hình ảnh thường nhật đang hiện hữu của các cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ không khỏi khiến Thúy Huyền xúc động.

“Mình thực sự không biết mình có vi phạm luật gì không khi mình post bức ảnh này. Nhưng thực sự thương lắm! Nhìn thấy ai cũng phờ phạc, ngồi sụp xuống đất, người thì kín từ đầu đến chân. Rồi ghế đâu không ngồi, mà phải kê bìa các-tông ngồi đất như vầy? Chắc ai cũng biết vì sao…

Mình thấy biết ơn thật sự, cũng thấy có lỗi là có phải mình đang làm “gánh nặng” cho đất nước không. Dù mệt mỏi nhưng các cô chú cán bộ vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng mình”.

Mỗi bữa ăn trong khu cách ly đều khiến Huyền “rưng rưng” đến lạ.

“Có bữa, các chú bảo: “Nhà bếp hôm nay bận quá không nấu được nên phải đặt cơm ngoài, đồng bào ăn tạm nhé!”. Huhu, chú ơi vậy là các chú chưa biết ăn ngày đủ 3 bữa đối với du học sinh chúng cháu là đã xa hoa lắm rồi, giờ được phục vụ tận tình thế này sao dám đòi hỏi gì”.

Cô nữ sinh cũng không khỏi bất ngờ khi được nhận những món quà nhỏ.

“Chúng mình đi cách ly mà còn được nhận quà nữa… “Cảm ơn đồng bào, mình cùng nhau cố gắng nhé!”. Cái dáng lom khom cúi gập cả người xuống để cảm ơn mọi người của chú bộ đội, nhìn mà có thương ghê không? Chạnh cả lòng. Phải nói thế nào nhỉ? Kiểu thương lắm!

Vì hai tiếng đồng bào mà đẫm cả mồ hôi, nước mắt. Đâu có ai ngại khổ đâu? Chỉ sợ sức dài vai rộng mà vẫn không lo được cho đồng bào thôi. Cuộc chiến này không phải của một mình ai cả mà, nên là mỗi người cùng cố gắng một tí nhé!”.

“Các chú bộ đội lúc nào cũng nhiệt tình, mình đã nhanh tay chụp được bức hình các chú đang lắp thêm cho phòng một ổ lioa mới và sửa ổ điện cho mình... Có những đồng chí đã xuất hiện những nếp nhăn, nhưng không sao. Trong cuộc chiến này, tinh thần mới là quan trọng nhất!

Điều khiến mình thấy thân thương nhất là việc các chú mang đồ ăn tận nơi cho chúng mình nhằm cố gắng giảm thiểu mọi nguy cơ lây nhiễm cho đồng bào dù các chú phải làm việc vất vả hơn. Sau khi phát đồ ăn xong, các chú hỏi từng phòng một, hôm nào cũng như hôm nào: “Cả nhà đủ đồ ăn chưa?”. Rồi, một câu đồng bào, hai câu đồng bào nữa, nghe ấm lòng thực sự. Hay, nào các công dân, các anh chị…, nghe “người nhớn” hẳn ra!”, Thúy Huyền không giấu nổi sự thích thú khi nhắc đến những câu chuyện trong khu cách ly.

Nữ du học sinh thực sự cảm động khi bắt gặp hình ảnh: “Các chú bê đồ từ tầng 1 lên tầng 4 cho chúng mình. Thiệt chứ, mình bê cái valy thôi đã khó thở rồi mà ngày ngày các chú bê lên bê xuống 3 lần!!!

Thấy mình cầm điện thoại chụp hình, chú bộ đội hóm hỉnh trêu, đeo khẩu trang như này không thấy hết nhan sắc…

Thầy Tạ Quang Trung, Trưởng ban Quản sinh, trung tâm Đào tạo nghề Thành An, Binh đoàn 11 chia sẻ: “Mặc dù các bạn du học sinh mới sống trong khu cách ly này được khoảng 1 tuần, nhưng cũng có khá nhiều kỷ niệm. Chúng tôi tổ chức tặng quà sinh nhật, tặng những món quà nho nhỏ cho đồng bào. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho du học sinh học tập, chúng tôi cũng tổ chức những hoạt động thể thao, giải trí để rèn luyện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng”.