Với Luật gia Hoàng Thúc Cảnh, những năm tháng được tham gia công tác tại Hội Luật gia Việt Nam là những, kỷ niệm, hồi ức mà ông không bao giờ quên.

Từ cậu bé nghèo hiếu học…

Trong không khí các hội viên, các cấp Hội Luật gia đang hướng đến kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (4/4/1955 – 4/4/2022), Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) tìm về tư gia của Luật gia Hoàng Thúc Cảnh (tên thường gọi Lê Phong, SN 1922), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh Văn phòng Trung ương Hội trên con phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để lắng nghe những hồi ức khi ông còn công tác tại Trung ương Hội.

Dù đã ở cái tuổi bách niên, nhưng khi gợi nhắc những kỷ niệm trong quá trình hoạt động Hội, người cán bộ cách mạng Hoàng Thúc Cảnh ánh lên niềm vui xen lẫn sự tự hào.

Trò chuyện với chúng tôi, Luật gia Hoàng Thúc Cảnh bảo rằng có nhiều chuyện đã qua cho đến nay ông cũng không nhớ hết được, có cái nhớ cái quên, nhưng được công tác tại Văn phòng Chính phủ, Trung ương Hội đã để lại những hồi ức đẹp trong cuộc đời công tác, cống hiến mà ông không bao giờ quên.

Nói rồi, Luật gia Hoàng Thúc Cảnh kể tiếp: ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo (ở Quảng Bình). Sau khi học hết bậc tiểu học, ông học tiếp cấp hai tại Huế. Vì nhà nghèo, ông phải làm nghề gõ đầu trẻ (gia sư) để có chỗ ăn, chỗ ngủ và đi học. Dù rất ít thì giờ học tập nhưng ông luôn tự cố gắng nên có thêm học bổng tuy rất khiêm tốn. Ngôi trường mà ông theo học là Trường Thuận Hoá (Huế) do ông Tôn Quang Phiệt làm hiệu trưởng.

Ông Cảnh nói: “Ngôi trường này tập hợp những nhà giáo, cán bộ chính trị, đảng viên bị tù thả ra như: Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Hoài Thanh… Tôi may mắn được học tập với những nhà cách mạng, do đó từ cậu bé chưa hiểu gì về tinh thần yêu nước, tôi may mắn được các thầy giáo dục 4 năm, từ đó tôi hiểu được ý nghĩa của độc lập, tự do, tinh thần yêu nước của tôi được hun đúc, nên sau khi học xong tôi tham gia cách mạng, hoạt động bí mật từ năm 1943”.

Năm 1949, Luật gia Hoàng Thúc Cảnh làm Bí thư cho cụ Hồ Tùng Mậu khi ấy là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Liên khu 4. Từ đây, cái duyên đưa đẩy ông về làm việc tại Văn phòng Chủ tịch phủ (nay là Văn phòng Chính phủ) thời bấy giờ đóng ở Chiến khu Việt Bắc.

Ông kể rằng: “Thời kỳ tôi làm Bí thư cho cụ Mậu tôi được giao nhiệm vụ tổ chức đón đoàn của đồng chí Phạm Văn Đồng, đặc phái viên của Đảng và Chính phủ từ miền Nam ra, trên đường đi lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Một hôm, cụ Mậu gọi tôi và hỏi: “Chú có muốn lên Việt Bắc làm việc tại văn phòng Bác Hồ không?”, tôi mừng quýnh trả lời ngay là “Thưa bác, cháu xin đi và bao giờ thì đi hả bác?”. Cụ bảo tôi sắp xếp lại hồ sơ tài liệu và bàn giao cho người khác, bao giờ có đoàn thì đi. Cả đêm hôm đó về tôi thao thức không ngủ được, mừng vì mình may mắn và vinh dự được chọn lên làm việc tại văn phòng Bác, sẽ có dịp được gặp Bác. Nhưng cũng buồn vì sẽ xa cha mẹ và các em thơ trong vùng tạm chiếm và ba em trai đang ở chiến trường chẳng biết bao giờ mới có tin tức của nhau, vì thời bấy giờ thông tin liên lạc rất khó”.

Từ đầu năm 1950, ông Cảnh công tác tại Văn phòng Chủ tịch phủ (Bí danh là Ban Kiểm tra 12), ông lấy tên mới là Lê Phong vì công tác bảo mật.

… đến cơ duyên làm việc tại Hội Luật gia Việt Nam

Nhắc nhớ về những kỷ niệm trong quá trình công tác tại Hội, Luật gia Hoàng Thúc Cảnh cho biết ông tham gia công tác Hội hơn 10 năm từ năm 1989 – 2000, thấy sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Hội ông không giấu nổi xúc động và tự hào.

Đại hội thành lập Hội Luật gia Việt Nam năm 1955 (là Hội thứ hai do Bác Hồ sáng lập), tập hợp khoảng 40 luật gia. Khi đó, Chủ tịch Hội là Luật sư Phan Anh. Hội nghị đã thông qua Điều lệ, trong đó Điều 1 ghi: “Hội Luật gia Việt Nam có mục đích đoàn kết các luật gia Việt Nam để cùng toàn dân đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Trao đổi tài liệu và kinh nghiệm pháp lý với luật gia nước ngoài, cùng nhau bảo vệ những nguyên tắc pháp lý quốc tế căn bản nhằm thực hiện các quyền lợi dân tộc, xây dựng một đời sống hòa bình, hợp tác bình đẳng giữa các nước trên thế giới”.

Có thể khẳng định, ngay từ đầu thành lập, Hội đã được Đảng lãnh đạo, nhiệm vụ của Hội là tập trung vào hai nhiệm vụ chính mà Đại hội Đảng đã đề ra là: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.

Sau này khi về công tác tại Hội với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh Văn phòng Trung ương Hội, Luật gia Hoàng Thúc Cảnh cho biết công việc của ông là làm báo cáo các văn bản pháp luật, nghiên cứu luật pháp, tập hợp các ý kiến góp ý cho dự thảo luật, chỉ đạo các địa phương xây dựng chi Hội Luật gia các tỉnh…

Ngoài ra, ông Cảnh còn làm công tác đối ngoại là tổ chức đón các đoàn luật sư, luật gia của các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Thái Lan, Lào, vào thăm hữu nghị Hội, trao đổi kinh nghiệm công tác. Bên cạnh đó, đoàn của Hội Luật gia Việt Nam khi ấy cũng vinh dự được sang thăm, trao đổi kinh nghiệm với Hội Luật gia Thái Lan, Hội Luật gia Canada.

Với ông Cảnh, tình cảm của các cán bộ, hội viên Hội Luật gia giành cho nhau, đặc biệt là từ khi thành lập còn nhiều gian khó là điều mà ông luôn trân quý.

Theo lời ông Cảnh, 10 năm về công tác tại Hội, ông đã cống hiến tận tâm, hết mình đối với công việc của Hội, chỉ đến khi chân chậm, mắt mờ đến năm 2000 ông mới gác lại công việc.

Ông Cảnh bảo, giai đoạn đầu trụ sở, trang thiết bị vật chất của Hội Luật gia còn thô sơ, số lượng hội viên ít, cán bộ phục vụ công tác hội còn thiếu thốn, nhưng hiện nay văn phòng Trung ương Hội Luật gia Việt Nam khang trang, số lượng hội viên lên tới hàng ngàn hội viên… Hội thực sự lớn mạnh không ngừng, ông rất cảm phục sự lãnh đạo của Trung ương Hội qua các thời kỳ.

Giờ đây, dù tuổi cao sức yếu nhưng hàng ngày, Luật gia Hoàng Thúc Cảnh vẫn thường xuyên theo dõi các hoạt động Hội thông qua các kênh thông tin tuyên truyền của Hội.

Luật gia Hoàng Thúc Cảnh mong muốn thế hệ Luật gia hôm nay và tương lai tiếp bước truyền thống của Hội, đưa Hội ngày càng phát triển. Ông nói: “Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội tôi xin kính chúc Ban chấp hành Trung ương Hội đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền và các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Hội dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, xây dựng Hội ngày càng phát triển, lập được nhiều thành tích trong công tác đối nội và đối ngoại, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Ông cũng mạn phép xin có bài thơ mừng kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội.

Hội vào Thuyền

(Kính tặng Hội Luật gia Việt Nam nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội)

Hội ta tuổi quá 60 rồi

Như thuyền vượt sóng ở ngoài khơi

Năm ông PH thay nhau lái (1)

Lưu Nguyễn thiên thai về tiếp tay (2)

***

Có qua gian khổ mới thật vui

Thuyền ta đã đến bên đây rồi

Hàng vạn chiến sĩ về khắp chốn

Đem hồn pháp luật toả khắp nơi

***

Dù rằng xa Hội đã lâu rồi

Hội vẫn quan tâm nhớ đến tôi

Cảm kích tình thương bao la ấy

Xin tặng bài thơ mộc mạc này.

Hoàng Thúc Cảnh (Lê Phong, 101 tuổi)

Lưu ý: (1): PH chữ đầu tên họ của 5 vị Chủ tịch Hội: Phan, Phạm, Phùng; Phan Anh, Phan Hiền, Phùng Văn Tửu, Phạm Hưng, Phạm Quốc Anh, không dùng chữ PH có thể thay “PH” là “Phơi phới”.

(2): Lưu nguyễn lấy từ truyện dân gian “Lưu nguyễn nhập thiên thai”, Lưu Văn Đạt, Nguyễn văn Quyền.

Chia sẻ thêm về những cống hiến của Luật gia Hoàng Thúc Cảnh đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, ông Trần Đức Long, Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam cho hay: “Luật gia Hoàng Thúc Cảnh là cán bộ lão thành cách mạng, công tác tại Văn phòng Chính phủ nhiều năm, sau khi về hưu thay vì nghỉ ngơi Luật gia Hoàng Thúc Cảnh làm Chánh văn phòng Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Tham gia công tác Hội, Luật gia Hoàng Thúc Cảnh là người sát cánh cùng Chủ tịch Hội Luật gia Phan Anh và các đồng chí lãnh đạo của thời kỳ trước tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, đưa ra những lập luận mang tính chất pháp lý để bảo vệ chính nghĩa. Luật gia Hoàng Thúc Cảnh là người hiểu biết pháp luật, yêu nghề, luôn tham gia tích cực trong công tác Hội với tấm lòng vì nước, vì dân, vì công lý. Hiện tại, dù đã nghỉ công tác Hội, với tuổi đã rất cao nhưng Luật gia Hoàng Thúc Cảnh vẫn luôn luôn dõi theo, tham gia góp ý các hoạt động trong từng thời kỳ của Hội”.

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 03/04/2022 | 08:00