NSƯT Trung Anh: Có một người đàn ông đã sống những ngày như thế

Có một người đàn ông cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật, có một người chồng người cha là nhạc trưởng của bản giao hưởng yêu thương, có một người con đã từng nếm trải mọi vị cay đắng của cuộc đời, nghệ sĩ Trung Anh từng thừa nhận: "Có lẽ, hết thảy nước mắt của tôi đã dồn vào những tháng ngày thơ bé".

"Có lẽ, hết thảy nước mắt của tôi đã dồn vào những tháng ngày thơ bé"

Sinh năm 1961 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, cậu bé Trung Anh 7 tuổi chẳng còn xa lạ với tiếng đạn bom, với những chớp loé của pháo sáng trên bầu trời chiến trận.

Và đó cũng chính là lúc ký ức đau thương dội vào tiềm thức của một đứa bé thơ bất hạnh. Nghệ sĩ Trung Anh nhớ lại: "Chuyện xảy ra khi tôi còn bé. Đó là năm 1968, tôi chỉ mới 7 tuổi. Đêm ấy Mỹ ném bom xuống sân nhà tôi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, cướp đi mẹ, dì và chị ruột tôi cùng một lúc. Tôi ngủ ở dưới hầm nên may mắn sống sót. Đến bây giờ hình ảnh đó vẫn ám ảnh tôi. Tôi nghĩ dù có bao nhiêu năm trôi qua đi chăng nữa thì tôi cũng không thể quên được giây phút tang tóc đó".

Năm ấy nước sông La dâng cao cuốn đi niềm hạnh phúc duy nhất trong đời cậu bé. Giây phút tang thương, khoảnh khắc đượm màu ly tán, Trung Anh ngậm ngùi trong ngơ ngác tổ chức lễ tang cho mẹ trong cay đắng. Xong xuôi, Trung Anh chân đất lếch thếch lên Hà Nội tìm bố.

Đoạn đường từ Hà Tĩnh lên Hà Nội là cả muôn trùng gian khó mà không phải đứa trẻ 7 tuổi nào cũng chịu được.

Anh tâm sự: "Tôi đi bộ 400 cây số từ Đức Thọ ra Hà Nội để tìm bố. Tôi không nhớ đi trong bao lâu, đường đi khó khăn thế nào. Tôi vẫn còn nhớ nguyên ấn tượng về chặng đường ra Hà Nội, cái cảm giác sợ hãi và run bần bật khi lần đầu tiên ngồi trên tàu điện".

Mới bước lên thuyền, Trung Anh bị hụt chân suýt chết đuối. Đứa trẻ 7 tuổi bé loắt choắt còi cọc, đầu đội chiếc mũ sắt, mặc cái áo trấn thủ dài đến đầu gối, mặt mũi lấm lem bụi đường thường xuyên phải ăn hoa quả dại và uống nước lã, đến tối thì xin người ta cho ngủ nhờ, nếu không đành vạ vật ngủ ở đống rơm vệ đường.

Anh cũng chẳng nhớ chính xác quãng đường mình đi bao lâu và bao xa. Có những hôm, anh bị chó đuổi phải cắm đầu cắm cổ chạy như ăn trộm.

Những mất mát ám ảnh anh nhiều năm, tạo nên một Trung Anh trầm lặng, khép kín, ít giao du, tụ tập.

Những tháng ngày sau đó, Trung Anh và bố - một người có trái tim nồng ấm nhưng trầm lặng cùng nương tựa nhau vượt qua những mất mát.

Trung Anh làm bạn với sách vở, làm bạn với phố cổ và những cảm xúc trong veo đầy lạ lẫm, hiếu kỳ

Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa

Hạnh phúc đến với Trung Anh muộn mằn. Anh thường đùa mình "ham chơi, yêu nghệ thuật" nên kết hôn muộn, thế nhưng "chậm lại chắc".

Năm 37 tuổi, anh đến với chị Hiếu - người phụ nữ làm nghề kế toán, kém anh 10 tuổi. Sống cùng khu phố, chị lại là fan của anh nên khi về chung một nhà, chị dễ dàng hiểu và thông cảm cho công việc của chồng.

Vợ nghệ sĩ Trung Anh cho biết hai người "tận dụng triệt để quy luật bù trừ để hòa hợp với đối phương. Chồng cao, tôi thấp, chồng gầy, tôi béo, chồng nói ít, tôi nói nhiều. Khi ở bên nhau, chúng tôi cảm thấy dễ chịu".

Về phần mình, nhìn ánh mắt của nghệ sĩ Trung Anh là đủ hiểu với anh gia đình quan trọng như thế nào.

Những phức hợp âm thanh không thể làm mờ đi nốt nhạc giản dị hàng ngày xuất hiện trên khuông nhạc tình thân.

Thương vợ bao nhiêu, NSƯT Trung Anh lại lo nghĩ bấy nhiêu. Mải mê với những vai diễn, anh từng tâm sự rằng: "Cô ấy lặng lẽ gánh vác công việc gia đình. Từ việc đưa con đi học, đón con về cũng một mình cô ấy đảm nhận. Chúng tôi có 2 cháu.

Việc chăm lo con cái, đúng là đôi khi tôi hơi lơ là. Mọi việc, vẫn một mình vợ tôi lo, để tôi có thời gian đi đóng phim, hay tập vở kịch mới. Tôi nhận thấy vợ rất vất vả trong việc gia đình và thiệt thòi nhiều điều trong cuộc sống. Con trai lớn của tôi đang học Đại học Bách Khoa Hà Nội và con gái thứ đang học lớp 8. Vợ chồng tôi không có ý định cho con theo nghề bố, trước tiên vì các con không thích, một mình tôi theo đuổi cũng đã mệt mỏi cho gia đình rồi".

Nhìn lại sự nghiệp 40 năm, Trung Anh cho biết chặng đường nghệ thuật của anh không trải hoa hồng.

Hồi ấy, bố của anh đang làm hành chính tại Nhà hát kịch Hà Nội, cũng vì lẽ đó nên anh thường xuyên được tiếp xúc với nghệ thuật.

Sau này, khi Nhà hát kịch Việt Nam có khóa đào tạo diễn viên đầu tiên, Trung Anh được các cô chú trong đoàn của bố khuyên nên đăng ký tham gia.

Sau đó vì muốn thoát ly gia đình sớm để không bị phụ thuộc nên Trung Anh đã thi thử vào Nhà hát kịch với suy nghĩ là tìm một nghề để học.

Nhờ môi trường học tập và sự chỉ dạy tận tình của thầy cô, niềm đam mê nghệ thuật của Trung Anh cứ thế lớn dần lên.

Sau 4 năm học hệ trung cấp, khi ước nguyện cống hiến cho nghệ thuật chưa thành thì Trung Anh nhận được giấy nhập ngũ lên đường đến biên giới phía bắc Móng Cái. Đóng quân cùng với anh còn có các bạn học cùng khóa như Đỗ Kỷ, Quốc Khánh và Trọng Trinh. 

Sau hơn một năm đóng quân, Trung Anh, Đỗ Kỷ, Quốc Khánh và Trọng Trinh được thủ trưởng ký lệnh cho ra quân sớm nhờ đạt được nhiều thành tích trong các hoạt động của đơn vị.

Trở về Nhà hát kịch Việt Nam trong niềm vui sướng, nhưng Trung Anh không biết rằng có cả một chặng đường gian lao đang chờ mình phía trước.

Thời điểm đó, phong trào xuất khẩu lao động rộ lên mạnh mẽ, Trung Anh đã từng nghĩ đến việc từ bỏ nghệ thuật để ra nước ngoài kiếm tiền.

Tuy nhiên, cái duyên với nghề diễn đã khiến anh không thể buông bỏ được. Nhìn lại những bộ phim và vở kịch mình đã từng tham gia, nhớ lại những quyết tâm khi theo đuổi nghiệp diễn và biết bao khó khăn mình đã trải qua, Trung Anh đã quyết định bước tiếp trên con đường nghệ thuật. Nỗ lực học hỏi lối diễn từ các tiền bối cùng với sự nghiêm túc, chỉn chu với nghề, nghệ sĩ Trung Anh đã lấy lại được chỗ đứng của mình trong Nhà hát kịch Việt Nam.

Trung Anh coi sân khấu là "thánh đường". Anh ví mình như con nghiện, chỉ được diễn mới được "cắt cơn". Mỗi lần tập kịch hay diễn phim, anh sẵn sàng gác công việc để hóa thân nhân vật.

Anh yêu sân khấu đến cực đoan. Anh tôn thờ vẻ đẹp mực thước của kịch cổ điển và chán chường khi kịch nói mai một, bị khán giả quay lưng. Diễn viên tâm sự từng bật khóc vì cảm thấy cố gắng, nỗ lực của mình với sân khấu không được ghi nhận.

Hình như chuyện đời nhiều nước mắt cũng tạo nên ngoại hình của anh và rồi vận vào những vai diễn anh mang. Trung Anh dường như bị "đóng đinh" với những vai diễn khắc khổ, bất hạnh với số phận buồn.

Chia sẻ về cái duyên này, Trung Anh cho biết vì mặt anh có nhiều nếp nhăn, khi lên hình những nếp nhăn đó càng ấn tượng, nên anh chưa diễn đã thấy rất khổ. Cũng vì thế mà các đạo diễn thường giao cho Trung Anh những vai diễn khổ hạnh.

Và chỉ đến khi trở thành gã giang hồ khét tiếng Lương Bổng của Người phán xử, nghệ sĩ Trung Anh đã "lột xác" thoát khỏi cái bóng những vai diễn hiền lành, kham khổ trước đó.

Tính đến thời điểm hiện tại, tuy đã tham gia rất nhiều phim, song Trung Anh vẫn chưa tìm được vai để thỏa mãn khát vọng diễn xuất của anh. Trung Anh thẳng thắn thừa nhận sở dĩ anh chưa có được vai diễn tỏa sáng trong sự nghiệp một phần là do chưa thể phát huy hết được khả năng diễn xuất của mình.

Ở tuổi 58, anh vẫn lăn xả trên phim trường và những chuyến công tác liên miên. Với anh, điện ảnh là niềm đam mê cháy bỏng cuốn hết mọi ưu tư buồn phiền, anh cười nói: "Tôi sẽ tiếp tục đóng nhiều phim hơn nữa vì ngoài đóng phim tôi còn biết làm gì đâu".