Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch, kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) đã dành thời gian hiếm hoi của mình để chia sẻ với Người Đưa Tin về câu chuyện kinh doanh của Tập đoàn thời gian qua. Nói là hiếm hoi, bởi vị lãnh đạo Bamboo Capital luôn tối ưu triệt để thời gian làm việc.

Trong cuộc chia sẻ với Người Đưa Tin, vị lãnh đạo Bamboo Capital nhấn mạnh câu chuyện phát triển dựa vào năng lượng tái tạo - là bước ngoặt lớn về mặt chiến lược, thể hiện sự uyển chuyển trong quản lý của Tập đoàn này.

NĐT: Công ty thành lập ban đầu khởi điểm trong lĩnh vực M&A và càng ngày càng lớn mạnh. Hiện Bamboo Capital đã trở thành tập đoàn đa ngành. Nhìn lại chặng đường phát triển, đâu là giai đoạn bước ngoặt của công ty để có thể phát triển mạnh như bây giờ?

Ông Phạm Minh Tuấn: Thực ra M&A là DNA (văn hóa và chiến lược) của Bamboo Capital và từ trước tới nay. Nhờ vậy, Tập đoàn phát triển mạnh trong 10 năm qua. Nếu nhìn vào tổng tài sản, lợi nhuận cũng như vốn tăng thêm của Bamboo Capital, sẽ thấy mức tăng trưởng trải dài trong 10 năm chứ không chỉ riêng năm nào. Đây là sự chuẩn bị của 10 năm, từ năm 2011 đến 2021.

Đến thời điểm cần thiết thì doanh nghiệp sẽ phải lớn. Việc định hình mũi phát triển dựa vào năng lượng tái tạo và bất động sản cũng như phát triển xây dựng mảng cơ sở hạ tầng của Tracodi vào năm 2019 là bước ngoặt lớn về mặt chiến lược, thể hiện sự uyển chuyển trong quản lý so với thị trường. Đây là quyết định lớn để định hình Bamboo Capital như hiện nay.

NĐT: Đầu tư vào việc phát triển đa ngành thì công ty có gặp rủi ro trong vấn đề quản lý không, thưa ông?

Ông Phạm Minh Tuấn: Bamboo Capital là công ty đa ngành, nhưng xét về mặt cốt lõi, chúng tôi hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là bất động sản, năng lượng tái tạo và dịch vụ tài chính, bảo hiểm. Chúng tôi đã chuẩn bị thời gian dài để đào tạo đội ngũ cán bộ có kỹ năng chuyên môn để quản trị điều hành doanh nghiệp và tự tin phát triển tốt với 3 mảng chính này.

Mảng sản xuất đóng vai trò nhỏ và những doanh nghiệp này đã tái cơ cấu thành công từ những năm 2015 cho đến năm 2018, nên hiện đã đi vào ổn định, không cần đầu tư nhiều về con người.

Các công ty xây dựng hiện hỗ trợ tốt cho những mảng còn lại. Phần lớn công việc trong công ty là làm cho dự án trong ngành. Việc đồng thời có những lĩnh vực hàng dọc, hàng ngang đã bổ trợ nhiều cho hoạt động quản lý, kinh doanh của công ty. Nói là đa ngành nhưng chúng tôi đi vào chuyên sâu và hòa nhập.

NĐT: Đi cùng với sự phát triển, không khó để nhận thấy các Tập đoàn đều gặp áp lực về tài chính. Thời điểm năm 2020, tỉ lệ nợ trên vốn của Bamboo Capital khá cao nhưng tỉ lệ này ngày càng xuống thấp. Tập đoàn có kế hoạch gì để đưa tỉ lệ xuống mức thấp nhất có thể, thưa ông?

Ông Phạm Minh Tuấn: Đây là bài toán về cấu trúc vốn. Năm 2020 chưa hoàn thành các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản nhiều nên lợi nhuận của Bamboo Capital đến từ hoạt động M&A không đều. Việc này khó có thể thuyết phục được cổ đông đầu tư vào phần vốn chủ sở hữu.

Do vậy, Bamboo Capital sử dụng phương án đòn bẩy nợ, như phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng. Tại thời điểm đó, tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao.

Tuy nhiên, khi các dự án hoàn thành và các hoạt động đi vào ổn định, các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn hơn tin tưởng hơn về năng lực của Tập đoàn. Nhờ vậy, Bamboo Capital dễ dàng hơn trong việc tăng vốn chủ sở hữu và lợi nhuận giữ lại ở Tập đoàn cũng dùng để tăng vốn chủ sở hữu.

Song song với việc đó, Bamboo Capital cũng tích cực giảm tỉ lệ nợ chung xuống. Trong 2 năm vừa rồi, khi Bamboo Capital nhìn nhận ổn định tài chính cũng như cân nợ cao có thể ảnh hưởng đến việc phát triển dài hạn của Tập đoàn, chúng tôi có đặt ra lộ trình và thực hiện nghiêm túc để giảm tỉ lệ nợ. Cho tới quý II/2022, Bamboo Capital đã giữ tỉ lệ nợ ở mức thị trường, đây là tín hiệu tích cực và là dấu hiệu tốt để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng mà Tập đoàn nhìn nhận là có thể xảy ra tại Việt Nam thời gian tới.

NĐT: Năm 2021, BCG thành lập BCG Financial, việc thâm nhập sâu hơn vào mảng tài chính sẽ giúp ích thế nào cho công ty?

Ông Phạm Minh Tuấn: Đội ngũ lãnh đạo của Bamboo Capital có quan hệ sâu rộng trong thị trường tài chính của Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhờ vậy, Bamboo Capital hoạt động trên 2 lĩnh vực thâm dụng vốn là bất động sản và năng lượng tái tạo.

Khi thành lập BCG Financial, bản chất là công ty đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm và dịch vụ tài chính. Đây là mảng mà chúng tôi tin rằng, khi kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh hơn thì sẽ là thị trường sôi động. Việc tham gia vào thị trường dịch vụ tài chính và bảo hiểm cũng giúp Bamboo Capital tiếp cận tốt hơn vào thị trường tài chính và gây dựng mối quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng.

NĐT: Quay lại câu chuyện nửa đầu năm nay, thị trường gặp những rào cản về kinh tế vĩ mô, nhiều doanh nghiệp khó khăn, Bamboo Capital có nằm ngoài diễn biến này không, thưa ông?

Ông Phạm Minh Tuấn: Bamboo Capital cũng bị ảnh hưởng giống các doanh nghiệp khác. Năm 2021 là đại dịch và đầu năm 2022 là xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng ở các quốc gia phương Tây, biện pháp thắt chặt tiền tệ và hạn chế đi lại của Trung Quốc sau đại dịch… đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu. Ở một số quốc gia còn có dấu hiệu của một cuộc đại khủng hoảng. Theo dự báo của nhiều nhà kinh tế, giai đoạn đại khủng hoảng này còn lớn hơn thời điểm năm 2008 hay 2010.

Ngoài ra, lạm phát tăng khiến giá cả đầu vào tăng cao, từ đó khiến lợi nhuận sụt giảm. Đặc biệt, với lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc chậm đưa ra khung giá mới cũng như phê duyệt Quy hoạch điện VIII khiến một số doanh nghiệp đầu tư vào mảng này không có luồng tiền vào.

Những lĩnh vực chính mà Bamboo Capital hoạt động là bất động sản và năng lượng tái tạo đều bị ảnh hưởng. Khi lập kế hoạch dự báo trong 2022, chúng tôi có quan niệm về bức tranh sáng hơn, tuy nhiên tình hình hiện tại cho tháy thị trường chung đang gặp nhiều thách thức, để hoàn thành kế hoạch năm nay sẽ rất khó khăn. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi lúc này là quản trị rủi ro ở mức thấp nhất, gia tăng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, nỗ lực để vững vàng trước những biến động của thị trường.

NĐT: Vậy thì với riêng năm nay và đặc biệt trong những tháng cuối năm, mảng nào của Bamboo Capital sẽ đóng góp lớn cho bức tranh kinh doanh, thưa ông?

Ông Phạm Minh Tuấn: Trong dự phóng doanh thu và lợi nhuận, mảng bất động sản của Bamboo Capital vẫn đóng góp tỉ trọng lớn vì khi hoàn thành dự án bất động sản sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.

Năm nay, Bamboo Capital dự báo hoàn thành xong dự án King Crown Village tại Thảo Điền với 17 căn biệt thự, ngoài ra đưa ra thị trường dự án Malibu Hội An. Cho đến hiện tại, tiến độ công trình không trượt khỏi dự kiến ban đầu.

Còn mảng năng lượng tái tạo không có nhiều dự án mới, độ trễ về chính sách cũng sẽ làm doanh thu của năng lượng tái tạo không đạt được như kỳ vọng, nhưng điều này không ảnh hưởng lớn đến bức tranh lợi nhuận chung.

NĐT: Để tháo gỡ điểm nghẽn chính sách giúp các doanh nghiệp tư nhân phát triển thì cần cần sự vào cuộc của bộ ban ngành chức năng và cũng không thể thiếu những đóng góp và đề xuất của các doanh nghiệp lớn, với mặt kinh doanh mà Bamboo Capital đang hoạt động thì ông có đề xuất cụ thể ra sao?

Ông Phạm Minh Tuấn: Quá trình các doanh nghiệp trao đổi và làm việc với các cơ quan chủ quản là một quá trình diễn ra thường xuyên và liên tục, dưới nhiều hình thức, từ việc tham gia vào các diễn đàn hội thảo, đơn thư góp ý trực tiếp qua các dự thảo về luật cũng như là tham gia vào các hiệp hội ngành nghề. Tập đoàn cũng là đơn vị luôn luôn đưa ra ý kiến đóng góp về lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo.

Quan điểm của Bamboo Capital là phải cân bằng về thực tiễn giữa cơ quan chủ quản và doanh nghiệp, thì các chính sách đưa ra mới có tính thực tế cao.

NĐT: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian quý báu để chia sẻ!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 02/11/2022 | 10:38