ĐÀM LINH - KIM NGÂN

Sống trong căn nhà xập xệ, rách nát mà bố mẹ để lại, hai người phụ nữ dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời sống nương tựa vào nhau vẫn phải gánh trên vai nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Đối với họ, hai chú chó nhỏ có tên là “thằng cu”, “thằng cậu” vừa là bạn, vừa là tài sản quý giá nhất giúp họ quên đi những khó nhọc cuộc đời.

Dưới cái nắng cháy da của những ngày cuối tháng 7 theo chân một cán bộ xã, PV Người Đưa Tin Pháp luật tìm đến nhà của hai chị em bà Đỗ Thị Phê (SN 1493) và Đỗ Thị Hồng (SN 1955) ở xã Văn Võ, Chương Mỹ, Hà Nội.

Nếu không có người dẫn đường, có lẽ không ai có thể tìm được nơi mà hai người đàn bà khốn khổ ấy đang sinh sống. Bởi lẽ, chúng tôi phải đi xuyên ra những con ngõ dài quanh co, những con đường gập ghềnh sỏi đá.

Căn nhà ọp ẹp của hai chị em bà không có gì đáng giá.

Căn nhà nhỏ, nơi hai chị em bà Phê sinh sống nằm khuất sâu trong một khu đất nhỏ, um tùm cây cối. Khi chúng tôi chuẩn bị bước vào, những tiếng chó sủa vang lên dồn dập.

Không lâu sau đó, một người phụ nữ dáng vẻ gầy guộc, dong dỏng cao với những bước chân chậm chạp bước ra. Đó là bà Đỗ Thị Hồng. Hướng ánh mắt đầy băn khoăn xen lẫn vui mừng, bà mời chúng tôi vào nhà.

Bước vào khoảng sân, một căn nhà cũ kỹ, xập xệ hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhìn xung quanh, chúng tôi thấy căn nhà không một đồ vật nào đáng giá. Thứ xuất hiện nhiều nhất ở đây có lẽ chỉ là những bao tải nhiều kích cỡ chằng chịt xung quanh.

Ngôi nhà này đã xuống cấp đến nỗi cánh cửa ra vào cũng đã không còn, những bức tường đã bong tróc và phủ lên mình một lớp rêu phong nhàn nhạt.

Trên chiếc giường cũ kỹ, bà Đỗ Thị Phê đứng một cách đầy khó nhọc, lê những bước chân run rẩy bước ra chào chúng tôi. “Lâu lâu mới có khách đến chơi. Anh chị thông cảm, già rồi, chân tay yếu không tiếp đón từ xa được.

Bà Đỗ Thị Phê ngồi trên chiếc phản cũ kỹ.

Nhà tôi không có ghế, cảm phiền anh chị ngồi tạm xuống cái chiếu này nghỉ”, bàn tay gầy guộc run run chỉ về phía chiếc chiếu ở dưới mái hiên, bà Phê nói.

Nhìn gương mặt đã hằn sâu những nếp nhăn của tuổi tác cùng ánh mắt buồn vời vợi của bà Phê, chúng tôi cảm thấy xót xa vô cùng.

Trầm ngâm hồi lâu, bà Phê thở dài cho biết, căn nhà mà chị em bà đang ở là của bố mẹ để lại. Nhà nghèo, nên hồi còn sức khỏe, bà và người em cũng không đủ khả năng để sửa sang lại.

Hình ảnh lam lũ của Bà Đỗ Thị Hồng.

Theo lời kể của bà Phê, từ hồi còn thiếu nữ, bà không chồng con gì mà sống vậy cho đến giờ. Không phải do bà mắc bệnh hay xấu xí, đơn giản là bà bị ám ảnh bởi những vụ bạo hành gia đình mà bà từng được chứng kiến: “Hồi trẻ, chứng kiến hình ảnh những người chồng đánh đập vợ, tôi sợ lắm. Đến tuổi trưởng thành, tôi không có ý định lập gia đình dù bố mẹ có khuyên ngăn. Tôi cứ ở vậy đến bây giờ !”.

Ngồi một lát, chúng tôi thấy bà Đỗ Thị Hồng bước vội về phía chúng tôi từ ngoài sân. Nở nụ cười đôn hậu, bà cho biết: “Tình duyên của tôi cũng lận đận, không hợp với người chồng nên tôi đem con về ở với chị. Dù nghèo nhưng tôi vẫn nuôi dạy con thành người. Giờ cháu đã xây dựng gia đình”.

Gạt vội giọt mồ hôi còn vương trên vầng trán nhăn nheo, bà Hồng ngậm ngùi nói với chúng tôi rằng hai chị em bà sống nương tựa vào nhau suốt nhiều năm qua trong căn nhà cũ kỹ mà bố mẹ để lại.

Bà Đỗ Thị Hồng tâm sự với PV ĐS&PL.

Trong nhà lại không có gì ngoài cái quạt cũ nên mỗi khi nắng nóng, hai bà chỉ biết ra gốc cây khế ngồi tránh nóng. Còn mỗi khi mưa, căn nhà nhỏ dột khắp nơi buộc hai bà phải ngồi thu mình vào một góc nhỏ.

“Các cô, các chú cũng thấy rồi đấy. Nhà chị em tôi chẳng có gì đáng giá. Cánh cửa nhà cũng đã hỏng từ lâu. Mỗi khi mưa, nhà dột, chị em tôi phải tìm chỗ nào khô ráo nhất rồi cùng nhau ngồi nói chuyện thâu đêm”, bà Hồng thở dài.

Với giọng nói buồn buồn, bà Hồng tâm sự, hiện tại, mọi nguồn thu nhập của gia đình đều phụ thuộc vào bà bởi người chị đau ốm liên miên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bà Hồng cũng yếu đi nhiều nên cuộc sống khó khăn hơn.

Đang trò chuyện, bỗng bà Hồng xin phép đứng dậy bước ra ngoài sân, thì ra bà đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa. Thấy chúng tôi tò mò đến gần, bà xua tay và nói: “Vào đi anh, khói lắm”.

Nhìn vào bữa cơm, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi bữa ăn của hai người phụ nữ ấy quá đạm bạc. Đó là nồi nước đun sôi cho vài quả sấu nhặt ở cây nhà hàng xóm đun thành canh.

Sấu luộc được hai chị em dầm với muối làm thức ăn mặn, con nồi nước sôi dùng để chan cùng cơm ăn cho đỡ bị nghẹn.

Nồi canh đơn sơ của hai chị em bà Phê.

“Bữa ăn của chúng tôi ngày nào cũng vậy. Đơn giản vậy thôi vì đâu có tiền. Bữa chiều thì có thêm nắm rau đồng hay con tôm, con tép tôi mò được.

Còn thịt cá đối với chúng tôi là khá xa xỉ. Chỉ khi nào giỗ bố mẹ hay ngày tết, tôi mới vay mượn hoặc chắt bóp được ít tiền để mua”, ánh mắt ngấn lệ, bà Hồng nghẹn ngào nói.

Vuốt lại cái áo cũ kỹ, sờn màu, gương mặt suy tư, bà Hồng cho biết dù muốn được an hưởng tuổi già nhưng hoàn cảnh như vậy buộc hai bà phải bươn chải mưu sinh: “Ai cũng muốn có cuộc sống hạnh phúc, an hưởng tuổi già nhưng số phận, hoàn cảnh của chị em tôi vậy phải chấp nhận thôi…

Những lúc mưa, hai chị em tôi thường nhịn đói vì tuổi cao, đi lại khó khăn, nhỡ ngã ra đấy thì khổ”.

Bà Hồng bật khóc vì tủi thân.

Tâm sự với chúng tôi, bà Hồng cho biết, thi thoảng người con gái vẫn sang thăm mẹ và bác. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình người con gái cũng khó khăn nên không giúp đỡ được gì nhiều.

Ngoài những lúc đi làm, bà Hồng và bà Phê chỉ quanh quẩn ở nhà. Chắc chắn ít nhiều họ sẽ cảm thấy cô đơn, vắng vẻ bởi ít người lui tới. Những lúc như vậy, họ chỉ biết tâm sự, bầu bạn với hai chú chó mà mình nuôi.

Đối với họ, hai chú chó là người bạn thân thiết: “Những lúc buồn chán, chị em tôi mỗi người thường ngồi tâm sự với “thằng Cu” và “thằng Cậu”. Chả hiểu chúng nó có hiểu không nhưng mắt chúng long lanh và vẫy đuôi tíu tít lắm”.

Dù vậy, hai bà chưa bao giờ thấy bất lực hay chán nản bởi cuộc sống khó khăn. Họ luôn bên cạnh, động viên nhau vượt qua khó khăn.

Tâm sự với chúng tôi, hai bà cho biết vẫn có đôi chút canh cánh trong lòng vì không được là hộ nghèo hay cận nghèo của xã: “Hai chị em tôi già yếu rồi, không kiếm ra tiền nên mong muốn nhận được chút tiền trợ cấp sống qua ngày nhưng không hiểu vì sao chưa được”.


“Chúng tôi đã nắm được thông tin về trường hợp của gia đình hai bà Đỗ Thị Phê và Đỗ Thị Hồng. Hai bà sống cùng nhau và có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đã cho cán bộ xuống tận gia đình để hướng dẫn việc kê khai, viết đơn… và gửi ra huyện xin ý kiến chỉ đạo để bổ sung vào hộ nghèo. Trong trường hợp không được, chúng tôi sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp".

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Đỗ Hữu Toan,
Chủ tịch UBND xã Văn Võ cho biết

Đ.L-K.N