Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Đó là những trăn trở của người mẹ 9X, vì những lầm lỡ, nông nổi nhất thời mà phải trả giá những giây phút thanh xuân phía sau cánh cổng trại giam Quyết Tiến (bộ Công an).

Hơn 24 tuổi, Bùi Hiền Thương (Tuyên Quang) với nụ cười trong trẻo hiện đang là người mẹ trẻ nhất với cậu con trai bé́ bỏng ở nhà trẻ đặc biệt. Đây là nhà trẻ hiện đang chăm sóc sáu đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi, con của các nữ phạm nhân, phải theo mẹ vào trại giam vì gia đình không còn ai nuôi dưỡng.

Với tội mua bán trái phép chất ma túy, Thương bị bắt từ ngày 16/01/2018 và đang chấp hành án phạt 7 năm tù. Hàng ngày, sau những giờ lao động cải tạo tại xưởng thêu rèm, Thương trở về thiên chức làm mẹ với cậu con trai Bùi Thiện Anh (SN 2018).

Gia đình Thương vốn neo người, mẹ Thương là một bà mẹ đơn thân phải một mình còm cõi, lam lũ, chắt chiu mỗi tháng gửi vào cho con gái và cháu ngoại chút ít, Thương chưa dám ngỏ lời nhờ mẹ chăm sóc con trai, nhưng nếu Thiện Anh đủ 36 tháng tuổi, Thương chắc cũng không còn cách nào.

Học hết lớp 7, vì sự ham chơi và nông nổi của tuổi mới lớn, Thương nghỉ học rồi bị bạn bè rủ rê, Thương trốn gia đình xuống Hà Nội chơi. Thương yêu và kết hôn với một người đàn ông, rồi sinh hạ một cô con gái năm 2012.

Những tưởng cuộc sống đã có thể êm đềm hạnh phúc, nhưng cô gái trẻ lại quá kém may mắn! Chồng Thương nghiện ma túy rồi sinh ra ảo giác, luôn nghi ngờ vợ ngoại tình, dẫn đến đánh đập không thương tiếc.

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Trải qua nhiều trận đòn roi tủi nhục vì những cơn ghen vô lý, Thương không thể cắn răng chịu đựng được nữa nên đã quyết định ly hôn rồi ở nhờ nhà một người quen, định bụng tìm một công việc tử tế nuôi thân và thỉnh thoảng ghé thăm con.

Cô gái Tuyên Quang với nước da trắng xin làm phục vụ bưng bê tại quán ăn, rồi vô tình quen biết với một tài xế taxi. Người đàn ông buông lời ngọt ngào tán tỉnh khiến Thương xiêu lòng mà không hề biết anh ta là người đã có gia đình. Chính vì vậy, ngay khi hay tin Thương có thai, anh ta nhanh chóng rũ bỏ trách nhiệm và trốn biệt tăm.


Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Đầu năm 2018, công việc càng lúc càng vất vả, Thương cũng dần mỏi mệt với việc phải bươn trải một thân một mình nơi đất khách, nên đã nghe theo bạn bè dụ dỗ, đi theo con đường ma túy. Lần đầu tiên Thương nghe lời bạn, thực hiện một giao dịch cũng là lúc Thương bị bắt. Vì thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, lại đang trong thời gian mang thai nên Thương được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với 7 năm tù giam.

“Bây giờ nghĩ lại, em thực sự vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc đó. Không có từ gì để diễn tả được! Đặc biệt là lúc bị bắt, em biết mình mang thai được 4 tuần. Thế giới dường như sụp đổ”, Thương bộc bạch khi nhớ lại những ngày tháng đó.


Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Thương tâm sự: “Trước kia, khi sinh bé lớn, em còn quá trẻ, mới 17 tuổi, tâm lý vẫn còn ham chơi, đã biết gì đâu. Lại chẳng có kinh nghiệm chăm con nên đa phần là ông bà nội chăm cháu. Có lẽ vì thế mà con gái em cũng chẳng mấy khi bện mẹ...

Còn bây giờ, cu Thiện Anh là do một tay em chăm từ lúc mới sinh, có lẽ vì thế mà con quấn mẹ hơn chị cả lúc nhỏ”.

Đến nay, dường như đã quen nếp, cứ 5h sáng, Thương lại tỉnh dậy, đánh thức con, làm “thủ tục” vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đưa con đến nhà trẻ. Đó là một nhà trẻ đặc biệt, với hai bà bảo mẫu và sáu đứa trẻ cùng chung cảnh ngộ như Thiện Anh.

Sau đó, Thương yên tâm đến xưởng may để lao động, hết giờ thì nghỉ về đón con, giờ giấc tương tự như những người mẹ “công sở” ở thế giới tự do bên ngoài cánh cửa trại giam. Đó là một trong những điều khiến những đứa trẻ không bị khác biệt quá nhiều với môi trường ngoài kia.

Hôm chúng tôi gặp mẹ con Thương lại đúng ngày Thiện Anh đang bị ốm, nên Thương được nghỉ lao động để ở nhà trẻ chăm con và hỗ trợ hai bà bảo mẫu.

Cậu bé Thiện Anh được “nuôi bộ” hoàn toàn, vì có lẽ thời gian mang thai và sinh Thiện Anh, Thương đã căng thẳng quá nhiều nên không có sữa nuôi con. Ấy vậy mà Thiện Anh vẫn bụ bẫm nhất so với các bạn trong nhà trẻ. Cậu bé 11 tháng tuổi khá ngoan, gần như chẳng mấy khi “o oe” khóc dù đang bị ốm, rời tay mẹ là ngồi chơi đồ chơi, ăn bánh hoặc bim bim.

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Sau khi vỗ về cho con ngủ, Thương giúp hai bà bảo mẫu bón cháo và thay quần áo cho những đứa trẻ khác. “À, ôi, Quốc Kiên ơi, mẹ thương bế Quốc Kiên nhá!”, “Lim có gì trong tay đấy, cho mẹ Thương xem nào!”, “Chơ cho mẹ Thương xin cây bút nhá, Chơ ngoan lắm!”, “Mẹ Thương bón cháo cho May ăn nhá, mẹ thương, mẹ thương May”... khi nghe Thương dỗ trẻ con, những đứa trẻ cũng có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi bỗng thấy nao lòng.

Một trong những điều đặc biệt ở nhà trẻ này là mỗi bà mẹ có sáu đứa con, các mẹ yêu thương cả sáu con như con ruột của mình. Có lẽ, cũng chính vì điều này mà người mẹ trẻ trở nên trưởng thành hơn rất nhiều so với trước đây, chăm sóc con, chiều chuộng con hơn.

Được làm mẹ của sáu đứa con líu lo cả ngày cũng khiến Thương có trách nhiệm hơn với vai trò người mẹ, cũng vơi bớt những nỗi buồn sâu thẳm.


Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Chỉ khi đêm xuống, trở về với buồng giam lạnh lẽo, nằm ôm con đang say giấc ngủ thiên thần, Thương mới có thời gian suy nghĩ, dằn vặt bản thân: “Mỗi lần nghĩ đến con, em lại cảm giác tội lỗi vô cùng. Tự nhiên mẹ lại đi tù, bắt con vào cùng, khổ thân con, vừa chào đời đã phải sống cuộc sống sau cánh cổng kia (cánh cổng trại giam - PV). Thương con lắm! Mà lỗi là do mẹ đành bất lực!”.

Nhiều đêm, Thương nghĩ lan man chuyện quá khứ bồng bột, chuyện ngày về còn khá xa xôi, chuyện tương lai của con trai mà lặng lẽ rơi nước mắt. Ban ngày, trước mặt mọi người, Thương không bao giờ nhắc đến những u uất của bản thân, nhưng vẫn luôn canh cánh về lỗi lầm của mình, thậm chí còn tủi hổ trước ánh mắt của nhiều phạm nhân nữ khác.

Chiều hôm ấy, trông thấy có một khóm hoa đẹp trước sân nhà trẻ, chúng tôi có ý muốn chụp cho hai mẹ con Thương một bức ảnh làm kỷ niệm, liền bảo Thương bế Thiện Anh ra. Vừa bước đến cạnh khóm hoa, Thương nhận thấy có ánh mắt của một vài phạm nhân nữ ngồi từ trong phòng bệnh xá nhìn ra, liền cúi gằm mặt rồi hấp tấp bế Thiện Anh chạy ngay vào nhà trẻ.

“Em ngại lắm! Mấy bà mấy cô trông thấy lại bảo mẹ không biết chăm con, con ốm mà bế ra bêu nắng… Ở trong này, em cũng ngại những ánh mắt ấy lắm, càng khiến em chạnh lòng về quá khứ, về tội lỗi của mình”, người mẹ trẻ vội phân trần.


Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Nhắc đến cô con gái lớn, giọng Thương hơi nhỏ lại: “Trước đây, hai mẹ con cũng không gần gũi nhau nhiều vì chủ yếu con theo ông bà nội. Từ khi bị bắt, em cũng chưa một lần gặp lại con. Giờ con cũng đã lên lớp 2 rồi, em cũng nhớ con lắm nhưng biết làm sao. Giờ chỉ mong mình cải tạo thật tốt để sớm được tự do. Điều đầu tiên em sẽ làm là về thăm con gái”.

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

Chia sẻ về mong mỏi hiện tại, Thương không ngần ngại giãi bày: “Được các cán bộ giải thích, em đã biết ma túy là chất gây nghiện làm tổn hại sức khỏe con người, là mầm mống của các loại tội phạm khác, nên em đã sợ lắm rồi. Sau này, được trở về, em sẽ tìm một công việc lương thiện, chuyên tâm làm ăn, sẽ không bao giờ dính dáng đến ma túy hay tệ nạn nào nữa”.

Có lẽ, giấc mơ về một cuộc sống mới, lành mạnh, lương thiện đã được Thương nhen nhóm ngay sau khi bị bắt và biết mình đang mang một sinh linh bé nhỏ trong mình, nên người mẹ ấy mới đặt tên con trai là “Bùi Thiện Anh”, gửi gắm mong mỏi về một cuộc sống thiện lành.

Mặc dù chỉ có một thân một mình, bà Lụa, mẹ của Thương vẫn cố gắng tích cóp, chu cấp một phần và vào thăm con gái với cháu ngoại mỗi tháng một lần. Có người mẹ nào mà chẳng thương con, dù con có mắc lỗi thế nào, vẫn là con của mẹ… Thương mỗi lần gặp mẹ vẫn còn đôi chút e dè, chưa dám nhìn thẳng vào đôi mắt của mẹ vì trước đây đã nông nổi, trốn mẹ đi xa nhà, để rồi đến nông nỗi phải trả giá cho tội lỗi là 7 năm sau song sắt.

“Khi nào Thiện Anh đủ 36 tháng tuổi, em sẽ gửi bé về cho bà ngoại chăm sóc... Em có lỗi với mẹ nhiều lắm… nhưng mẹ sẽ bao dung thôi… em biết điều đó. Chờ khi được ra trại, em sẽ làm việc chăm chỉ để chuộc lại lỗi lầm với mẹ, chăm sóc mẹ và chăm sóc con trai thật tốt!”, Thương vẫn còn khá ngập ngừng khi nhắc đến mẹ.

Trở lại với câu chuyện thực tại, Thương chia sẻ, điều kiện cho các con ở trong trại giam Quyết Tiến cũng khá tốt, hai bà bảo mẫu hiền từ, rất yêu trẻ, thậm chí, những ngày đầu còn dạy Thương cách cho con ăn, tắm cho con, ru con ngủ… sao cho khéo.

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt

“Các cô quản giáo cũng rất quan tâm đến bọn trẻ, các cô hay mua bánh kẹo, sữa, đồ chơi và có cô còn may quần áo mới cho bọn trẻ nữa. Khi các con ốm cũng được chăm sóc y tế kịp thời. Ở đây, các con nhận được thật nhiều tình thương!”, người mẹ trẻ khẽ mỉm cười.

Nắng mùa hè trải vàng rực bên ngoài cánh cổng sắt, vài chiếc lá khô tí tách dạo nhạc, sân nhà trẻ vẫn nép mình lặng lẽ dưới những tán cây râm mát phía bên trong. Như bao người mẹ khác, Thương vẫn đang từng ngày lặng lẽ, chăm chỉ lao động, cải tạo thật tốt, chờ một ngày mai tươi sáng cho mầm xanh của mình.

Số phận đặc biệt và giọt nước mắt hối hận của người mẹ trẻ ôm con sau song sắt