cover Sĩ Đức Quang

Vốn yêu thích Toán từ nhỏ, nhưng vào nhầm phòng thi nên vô tình trở thành cậu học trò chuyên Văn. Nhưng có lẽ tình yêu dành cho Toán quá lớn, cậu học trò ngày nào quyết định “nối lại duyên xưa” và theo đuổi đam mê bằng cả trái tim và sự chân thành.

GS Sĩ Đức Quang và học trò
sutit

Cái tên Sĩ Đức Quang (SN 1981), giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội được chú ý bởi anh là người trẻ nhất trong số 75 người đạt chuẩn chức danh giáo sư năm nay.

Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, Sĩ Đức Quang vẫn luôn cảm thấy mình may mắn vì là người duy nhất được theo đuổi con đường học vấn “đến nơi đến chốn”.

Sĩ Đức Quang 2
quote

Gia đình với nghề truyền thống làm đậu phụ ở Bắc Ninh vốn không dư dả, cuộc sống cũng nhiều phen chật vật, mẹ lại thường xuyên đau ốm, các anh chị của Quang lần lượt phải nghỉ học, phụ giúp gia đình. Anh tâm sự: “Tôi không phải đứa trẻ thông minh nhất trong gia đình, nhưng vì là con út, nên may mắn được bố mẹ và các anh chị yêu thương, cố gắng tạo điều kiện cho tôi theo đuổi con đường học vấn. Lúc đó, đối với tôi, chỉ cần được đi học thôi đã là một niềm hạnh phúc”.

Với tình yêu phần nhiều dành cho môn Toán ngay từ nhỏ, lên lớp 6, cậu học trò đã tham gia kỳ thi học sinh giỏi Toán. Đến khi lên lớp 7, phải theo gia đình chuyển lên Hòa Bình làm kinh tế, Quang phải làm quen với môi trường mới, trong ngày thi chọn đội tuyển học sinh giỏi, run rủi thế nào, cậu học trò lại đến nhầm phòng thi môn Ngữ văn. Vì đã muộn 30 phút, nên cô giáo khuyên Quang cứ làm bài thi. Suốt ba năm sau đó, cậu học trò gắn bó với đội tuyển học sinh giỏi Văn, tham gia nhiều cuộc thi ở các cấp nhưng dường như vẫn “nhớ nhung” Toán học.

Sĩ Đức Quang 3

Chính vì vậy, năm học lớp 9 vừa khép lại, Quang hạ quyết tâm quay lại với Toán học. Giai đoạn khó khăn nhất đối với cậu học sinh lớp 10 khi đó là phải làm lại từ đầu, học lại toàn bộ những kỹ năng của học sinh chuyên Toán. Một năm sau, cậu học trò mới bắt nhịp lại được với các bạn cùng lớp.

Sĩ Đức Quang 4

Dòng ký ức bồi hồi ùa về trong đôi mắt như trở lại tuổi 16 năm nào: “Thực sự tôi cũng rất may mắn khi vừa có bước chuyển từ Văn sang Toán thì được học với một thầy dạy Toán có phương pháp giáo dục rất khác biệt, hướng học sinh đến tư duy tự học nhiều hơn.

quote

Và đó chính là nền tảng ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, hầu hết kiến thức là tự đọc, tự suy luận từ những định hướng của thầy. Bởi vì, khi mình tự tìm hiểu, chủ động khám phá kiến thức thì khi “vỡ” ra được vấn đề, sẽ tạo một cảm giác rất thú vị, giống như kiến thức đó là của mình vậy!”.

Cũng chính năm học lớp 11, được một người bạn thân cùng lớp cho mượn cuốn tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, 30 năm Toán học tuổi trẻ, sau khi ngấu nghiến từng trang, bị cuốn theo từng câu chữ về các nhà Toán học nổi tiếng, Quang mới nhận thấy ngọn lửa trong mình rực lên, mới cảm nhận được đam mê dành cho Toán học lớn đến nhường nào.

Trong thời điểm đó, Sĩ Đức Quang đặc biệt yêu thích “hoàng tử của các nhà Toán học” Gauss và một nhà Toán học mà hầu như học sinh chuyên Toán nào cũng mê, đó là Andrew Wiles, được biết đến như người đầu tiên chứng minh được định lý lớn Fermat.

“Tuy nhiên, những thần tượng gần gũi nhất của tôi chính là các bậc đàn anh. Anh Lê Quang Nẫm, từ một người có hoàn cảnh khó khăn lại bứt phá, giành huy chương vàng Châu Á Thái Bình Dương; hay anh Vũ Việt Anh, một người rất thông minh mà sau này tôi có cơ hội được tiếp xúc, học tập. Đó là những thần tượng thắp thêm ngọn lửa đam mê dành cho Toán học trong tôi”, vị giảng viên nhớ lại.

sutit

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu học sinh lớp 12 năm đó sau khi thi học sinh giỏi quốc gia, đã quyết định nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào một trường duy nhất, học viện Kỹ thuật Quân sự, sẵn sàng viết sang một trang khác của cuộc đời.

Đến khi có kết quả chính thức, ẵm trong tay giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Quang được tuyển thẳng đại học và đứng trước quyền chọn lựa một giảng đường khác.

Sĩ Đức Quang 5

“Lúc này, tôi đứng trước một sự đấu tranh dữ dội. Nửa muốn vào học viện Kỹ thuật Quân sự, như một chế độ an toàn, vì tương lai được đảm bảo; nửa lại muốn chạy theo đam mê Toán học nhưng lo lắng không biết gia đình có thể hỗ trợ được hay không?

Cuối cùng, có lẽ vì đam mê lớn hơn, khát khao được tiếp tục học Toán và nghiên cứu về Toán đã chiến thắng, nên tôi mới trở thành sinh viên của lớp cử nhân Sư phạm chất lượng cao, khoa Toán - Tin, trường đại học Sư phạm Hà Nội”, anh chia sẻ.

Học tại lớp cử nhân sư phạm chất lượng cao, các giáo sư của khoa có ý tưởng rõ ràng về việc phát triển đội ngũ nghiên cứu. Những sinh viên có tài năng như Sĩ Đức Quang đều được tập hợp để đào tạo định hướng nghiên cứu từ khá sớm.

Giai đoạn chàng sinh viên đắm chìm trong Toán học nhiều nhất, phải kể đến quãng thời gian năm thứ ba, thứ tư đại học. Đó là lúc anh bắt đầu miệt mài với những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, như mở ra một chân trời mới chưa từng được chiêm ngưỡng.

Sĩ Đức Quang 6

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, Sĩ Đức Quang được giữ lại khoa và tiếp tục học lên cao học. Học xong thạc sĩ, anh lên đường sang Nhật làm nghiên cứu sinh.

Gương mặt anh lộ rõ nét đăm chiêu khi nhớ lại: “Học ở môi trường nước ngoài, tôi đặc biệt ấn tượng với thầy Junjiro Noguchi ở phong cách làm việc khoa học, cẩn thận, tỉ mỉ, luôn đặt ra những bài toán vượt trên sức học trò để học trò có động lực chạy theo bài toán.

Đặc biệt, khi thầy sửa luận án cho tôi, mặc dù chỉ sửa một chương đầu tiên, thầy gọi tôi đến phòng làm việc, chiếu lên máy chiếu, chỉ rõ từng đoạn, từng chữ phải thế nào và sửa từng chi tiết nhỏ rất tỉ mỉ, từ dấu chấm, dấu phẩy đến cách hành văn. Thầy nói: “Bây giờ tôi sửa cho cậu, để sau này cậu sửa cho học trò”. Đó cũng là kinh nghiệm rất quan trọng mà thầy truyền cho tôi”.

Sĩ Đức Quang 7

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ Toán học ở nước ngoài, Sĩ Đức Quang quyết định trở về Việt Nam với mong muốn được nghiên cứu sâu hơn về Toán lý thuyết và đóng góp cho sự phát triển của giảng đường đại học nơi mình đã học tập.

Công việc hiện tại đã xuất hiện trong suy nghĩ, mường tượng của anh từ năm thứ hai đại học, con đường làm khoa học của anh vẫn đang từng bước theo đúng lộ trình và kế hoạch năm nào.

sutit

Tình yêu với Toán học của Sĩ Đức Quang được nuôi lớn từng ngày, ngay khi bước vào giảng đường đại học, có chút chênh vênh vì thay đổi môi trường học tập, chàng sinh viên khi ấy đã ngay lập tức được truyền lửa từ người thầy của mình. “Khi tôi vào trường, thầy Đỗ Đức Thái gần 40 tuổi, đang sung sức với nhiệm vụ định hướng, đào tạo lớp kế cận. Thầy có một câu nói khiến tôi thực sự có động lực, thế hệ đi trước phải đặt niềm tin vào thế hệ sau, luôn tin tưởng, kề vai sát cánh, gánh thế hệ đi sau để hỗ trợ họ thành công hơn”.

Chính vì lẽ đó, hiện tại, trong vai trò là một giảng viên, anh cũng hết lòng với học trò của mình: “Nhiều sinh viên hỏi tôi: Làm nghiên cứu về Toán học có sống được không? Khi đó, tôi cố gắng khơi dậy những điều tốt đẹp nhất trong Toán học, cho các em thấy được đam mê, thắp lên những hy vọng trên con đường nghiên cứu: Thầy vẫn sống được thì các em cũng sống được!”.

quote 2

“Làm Toán là một công việc có ý nghĩa, chúng ta làm Toán là đang làm một nghiên cứu khoa học cực kỳ đẹp đẽ! Trong Toán học và khoa học nói chung, luôn tồn tại một tiêu chí rất quan trọng, đó là sự trung thực. Mà điều đó trong xã hội hiện nay, đang ngày càng khó khăn, khan hiếm, chỉ có khoa học là mảnh đất vẫn còn chứa đựng nhiều sự trong sáng nhất, tươi đẹp nhất!”, đó là những điều mà vị giảng viên này vẫn hay nhắc với học trò.

Dành trọn thời gian cho nghiên cứu, nhưng vị giáo sư 38 tuổi khẳng định, cuộc sống của dân Toán không hề khô khan như mọi người vẫn tưởng, thậm chí, bản thân anh không nhận thấy sự khác biệt nào giữa học Toán và học Văn, trong Toán có Văn, trong Văn có Toán.

“Bởi vì, trong Toán học, đặc biệt khi ngồi làm toán cao cấp chẳng hạn, không phải lúc nào cũng ngồi cầm bút mà có thể suy nghĩ được. Có những ý tưởng mới chỉ được nảy sinh trong một vài tích tắc, chỉ có thể xuất hiện khi đầu học thoải mái, bay bổng nhất. Rất nhiều nhà Toán học cũng yêu thích văn học”, anh lý giải.

Sĩ Đức Quang 8

Khẽ mỉm cười, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội tự nhận góc nhìn của mình về Toán học khác với mọi người một chút: “Tôi thấy Toán học chứa đựng những điều trong sáng nhất, hoàn hảo nhất, đậm tính triết lý. Những vấn đề sau khi ta giải quyết được, sẽ cảm thấy thực sự đẹp, thực sự tròn trịa. Toán học khiến ta luôn luôn tìm kiếm những phương pháp để đạt đến, hướng đến cái đích, luôn luôn có khát khao khám phá, vì những thứ phía sau sẽ còn đẹp hơn những thứ hiện tại”.

Trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2019, anh dự định vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn để đóng góp cho cộng đồng khoa học. Đây có thể là một dấu mốc quan trọng, một niềm tự hào, nhưng anh vẫn luôn tâm niệm: “Chức danh này trên con đường làm khoa học chắc chắn chúng ta sẽ đi đến trong một lúc nào đó. Song, điều nhà khoa học đáng làm là không thể vì một chức danh mà thay đổi cả con đường đi ấy.

Bản thân phải ý thức hơn trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng khoa học, có những đóng góp thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và sự nghiệp đào tạo những thế hệ kế cận”.

Theo vị tân giáo sư, Toán học không phải là môn trực tiếp mang đến lợi ích hay và có tính ứng dụng tức thời, nhưng có liên quan đến tất cả các ngành khoa học ứng dụng khác để sinh ra sản phẩm.

“Muốn đất nước phát triển và nâng tầm vị thế thì không có cách nào khác, phải tập trung cho phát triển nghiên cứu khoa học. Những năm gần đây, cơ chế của nhà nước đã có những thay đổi lớn, quan tâm và tập trung hơn trong lĩnh vực nghiên cứu.

Đặc biệt, sau “tiếng pháo mở màn” của giáo sư Ngô Bảo Châu, thế hệ tiếp nối hăng say lựa chọn nghiên cứu Toán học nhiều hơn, trình độ chuyên môn cao, đội ngũ thực sự mạnh mẽ, tinh anh. Đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ngày càng trẻ hóa cũng tạo động lực rất lớn cho những thế hệ tiếp bước có thêm niềm tin vào con đường nghiên cứu”, nụ cười của anh như ánh lên một niềm hy vọng mãnh liệt cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học.