img

“Tuyệt đối không vì sức ép
hay sự vận động nào chi phối lá phiếu của mình”

Nguyễn Hương Lan

Hướng tới sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước là Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/1-2/2/2021, trao đổi với PV ĐS&PL, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh: "Mỗi đại biểu khi cầm lá phiếu trên tay phải làm tròn sứ mệnh của mình, kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương những người không xứng đáng".

img

PV: Tại mỗi kỳ đại hội Đảng, công tác chọn lựa nhân sự cấp cao, những người gánh vác trọng trách của đất nước là vấn đề luôn được các tầng lớp nhân dân quan tâm. Ông có kỳ vọng gì trước sự kiện đặc biệt này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Ông cha ta từng nói "hiền tài là nguyên khí quốc gia", yếu tố con người quyết định hết thảy, những người lãnh đạo, quản lý đất nước phải là những người có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín (đáp ứng đủ phẩm chất, năng lực như Trung ương đã đề ra- PV).

img

Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung ương cũng như các cấp, đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ tiêu biểu, đại diện cho ý nguyện của Đảng và nhân dân. Từ đó đảm đương được trọng trách, nhiệm vụ mà toàn Đảng giao phó, gánh vác trách nhiệm nặng nề để giữ gìn và phát triển "cơ đồ và tiềm lực" chưa từng có như ngày nay mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến.

PV: Trước đây, lựa chọn cán bộ nhìn vào thành tích thông qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc có thể "so bó đũa chọn cột cờ" nhưng hiện nay để chọn được cán bộ có tài, có đức không thể chỉ dựa vào thành tích hay bằng cấp. Ông đánh giá như thế nào về công tác lựa chọn cán bộ hiện nay?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đảng ta chuẩn bị kỹ lưỡng về khâu lựa chọn cán bộ. Theo tôi, lựa chọn cán bộ, đặc biệt là thế hệ "tre già, măng mọc" cũng chính là trách nhiệm của người tiến cử, ủng hộ những người trẻ để họ xứng đáng với mong đợi của mình.

img

Trước đây, những cán bộ cốt cán được tôi luyện trong môi trường chiến tranh khốc liệt. Thời đó, cán bộ kinh qua những hoạt động cách mạng gian khổ, "dãi nắng dầm sương" - Đó là sự thử thách rất rõ cả về ý chí và thân thể. Thời kỳ đổi mới (nói một cách hình ảnh "trời quang mây tạnh") không có nghĩa cán bộ trẻ không có môi trường rèn luyện. Chúng ta nên coi trọng những cán bộ trẻ, thế hệ kế cận, họ cũng được tôi luyện ở môi trường đẫy rẫy thách thức của thời đại 4.0. Môi trường rèn luyện của cán bộ hiện nay là trong sạch, liêm chính- Đó cũng là thử thách rất lớn. Nếu cán bộ không vượt qua được chính mình, vượt qua được cám dỗ vật chất tầm thường thì rất dễ "dính chàm". Thực tế nhiệm kỳ vừa qua đã có không ít lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, xử lý hình sự. Điều đó chứng tỏ đã có những cán bộ có khuyết điểm, yếu kém năng lực, tha hóa lọt vào Trung ương.

Ở thời nào cũng vậy, yêu cầu nhất thiết phải có của cán bộ là "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", "tứ đức" cơ bản làm nên "gốc" của người cách mạng. Những phẩm chất đó còn nguyên giá trị.

img
img

PV: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Ông đánh giá như thế nào về quy trình lựa chọn cán bộ hiện nay?

Ông Vũ Quốc Hùng: Từ trước đến nay quy trình để lựa chọn cán bộ là 3 bước. Thực tiễn cho thấy đã lựa chọn được những người có năng lực, có đạo đức và tâm huyết. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện, bổ sung. Để tránh những hiện tượng như vậy, Đảng ta đã đề ra quy trình 5 bước, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, chính xác hơn.

So với quy trình 3 bước ở nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, lần này, Bộ Chính trị đã quy định cụ thể đối với nhân sự tái cử và lần đầu tham gia cấp uỷ được thực hiện theo 5 bước. Trong 5 bước có việc chuẩn bị đề án; ý kiến của cán bộ chủ chốt; qua 2 lần lấy ý kiến của Ban chấp hành và cuối cùng là Thường vụ bỏ phiếu... Với quy trình 5 bước, đã mở rộng công khai dân chủ trong quy trình nhân sự.

img

Một nội dung đáng chú ý trong quy trình 5 bước, đó là đã tiến hành khảo sát nhân sự trước Ban chấp hành, nếu có đơn thư, khiếu nại, tố cáo về năng lực phẩm chất, bằng cấp, kê khai tài sản... Tiểu Ban nhân sự có trách nhiệm tổng hợp báo cáo trước khi đưa vào nhân sự đại hội. Quy trình 5 bước là hoàn toàn đúng đắn và rất tốt nếu chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh việc đó, điều này thể hiện ở ý thức của những người cầm lá phiếu.

PV: Theo ông, làm thế nào để không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển nhưng cũng không để lọt những cán bộ tư lợi, tha hóa vào bộ máy?

Trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nói "đừng thấy đỏ mà tưởng chín". Theo đó, công tác cán bộ là then chốt của then chốt, lựa chọn cán bộ phải hết sức công tâm. Công tác cán bộ phải kết hợp hài hòa giữa chuyên môn đào tạo với sở trường năng khiếu; giữa kinh nghiệm với chiều hướng phát triển, giữa tính phổ biến và tính đặc thù. Để chọn được những cán bộ có đức có tài, trước tiên phải chọn được những người đi làm công tác cán bộ là những người liêm chính, vô tư, khách quan và phải có năng lực đánh giá cán bộ (nhìn nhận cán bộ không thiển cận-PV).

img

Người được chọn, tiến cử phải được xem xét tất cả quá trình xuyên suốt từ khi còn là học sinh phổ thông đến thời điểm công tác hiện tại. Con người là nhất quán và đánh giá cán bộ không được định kiến. Người làm công tác cán bộ phải lắng nghe từ tổ chức, từ các cá nhân nơi, tổ dân cư mà cán bộ đó từng công tác, sinh sống. Bên cạnh đó, cần phải có những tiêu chuẩn cụ thể, hàng rào chặt chẽ để loại trừ những kẻ sâu mọt, thoái hoá biến chất lọt vào Đảng bộ các cấp, Trung ương. Kể cả sau đại hội, những người lọt vào Trung ương rồi nhưng nếu phát hiện ra có sai phạm thì vẫn bị xử lý.

img

PV: Nhắc đến việc kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Kỷ luật một vài người để cứu muôn người". Nói như vậy, việc xử lý cán bộ cũng chính là làm cho "cơ thể" của Đảng khỏe mạnh hơn, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói là rất đúng và nhân văn. Việc xem xét kỷ luật đối với những hành vi vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước không chỉ vì sự nghiêm minh của Đảng, sự vững mạnh của tổ chức mà còn cho cả người vi phạm.

img

Nếu phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, Đảng không chỉ giúp cán bộ, đảng viên đó tránh bước thêm vào con đường sa ngã, mà còn giúp nhiều người khác không bị liên lụy. Ngược lại, nếu không xử lý kiên quyết, để vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn thì không những ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của tổ chức, mà có khi còn kéo theo nhiều cán bộ, đảng viên khác sa ngã. Đến khi bị kỷ luật, lâm vào vòng lao lý, khổ cho nhiều người, nhiều gia đình...

Theo quan điểm của tôi, nếu cá nhân, tổ chức nào có vi phạm thì càng phải xử lý. Việc xử lý như vậy không chỉ tốt cho nhiệm kỳ này mà còn cho cả nhiệm kỳ sau. Tất cả những việc đó phải làm một cách nghiêm túc.

PV: Công tác cán bộ tốt sẽ lựa chọn ra những người đủ đức đủ tài. Vậy trách nhiệm của người bỏ lá phiếu quan trọng thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Điều quan trọng nhất Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý "không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn", bởi yếu tố tiêu chuẩn mới quyết định cán bộ có đảm đương được công việc của Đảng, của dân hay không. Trong công tác chuẩn bị nhân sự, cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm"...

img

Vừa qua, Đảng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công tác nhân sự cho đại hội. Để bầu ra Ban chấp hành Trung ương với những thành viên ưu tú, thể hiện kết tinh trí tuệ của Đảng thì những đại biểu đi dự đại hội có vai trò quyết định không nhỏ. Những người cầm lá phiếu trên tay phải luôn ghi nhớ rằng người mà họ bầu ra sẽ thay mặt họ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.

Khi thực hiện quyền bầu cử của mình, đại biểu dự đại hội phải đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết, phải lựa chọn kỹ càng, bầu ra những người ưu tú, đủ đức, đủ tài. Tuyệt đối không vì sức ép hay sự vận động nào chi phối lá phiếu của mình. Những đại biểu dự đại hội sẽ thực hiện sứ mệnh của mình và phải nghiên cứu thật kỹ trước khi bỏ phiếu. Bản thân mỗi đại biểu phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về chương trình hành động, quá trình hoạt động thực tiễn của các ứng cử... để lựa chọn những người có đức có tài gánh vác trọng trách của đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

H.L