Phạm Chu Sa

Tuần rồi, nhà điêu khắc Nguyễn Trần Ưu Đàm post lên Facebook ảnh tượng gỗ thi sĩ Bùi Giáng tuyệt đẹp, đậm chất “Trung niên thi sĩ”. Ưu Đàm cho biết post nhân ngày mất Bùi Giáng 7/10 – ngẫu nhiên trùng với ngày tháng mất Du Tử Lê ( 2 thi sĩ mất cách nhau 21 năm). Tôi ngồi ngay vào bàn viết một bài tưởng niệm Du Tử Lê mà hai năm trước tôi định viết khi anh vừa mất…

Lần cuối tôi gặp vợ chồng Du Tử Lê - Hạnh Tuyền tại Tp. Hồ Chí Minh trước khi anh chị trở lại Mỹ khoảng tháng Tư năm 2019. Tôi mời anh chị ăn sáng, cà phê tại quán Đồng, đường Lê Quý Đôn. Hôm đó, nghe tôi báo tin, họa sĩ - nhà điêu khắc Việt kiều Nguyễn Trần Ưu Đàm đang mở triển lãm Nghệ thuật sắp đặt, đã đến chào anh chị (Ưu Đàm là người làm tượng Du Tử Lê mười mấy năm trước, hiện trưng bày tại nhà riêng của anh ở Mỹ)… Sáu tháng sau được tin anh mất do đột quỵ, tôi cảm thấy hụt hẫng.

Năm trước, Du Tử Lê về, tôi đã giới thiệu anh với đại diện Công ty sách Sài Gòn. Họ ký hợp đồng mua bản quyền mấy tác phẩm của anh gồm cả thơ, tản văn và tiểu thuyết. Kỳ này Du Tử Lê về đúng dịp Công ty sách Sài Gòn phát hành 2 tác phẩm mới in của anh gồm một tập thơ và một tiểu thuyết viết trước năm 1975. Nhuận bút cũng khá nhờ số ấn bản phát hành cao. Cùng trong năm 2019, một nhà xuất bản ở Mỹ ấn hành tuyển tập thơ Du Tử Lê 2016-2019: “Em cho tôi mãi nhé: Ấu thơ mình” với bìa và nhiều phụ bản do chính tay anh vẽ và trình bày. Anh bảo, sách chưa kịp phát hành, anh chỉ lấy được một cuốn từ nhà in về tặng tôi. Tôi rất cảm động về tấm thịnh tình của anh dành cho tôi. Và cũng không ngờ rằng đó là tác phẩm cuối cùng của anh tặng tôi.

Thi sĩ Du Tử Lê

Anh và tôi ngồi cà phê với nhau trên đường Lê Thánh Tôn - gần khách sạn nơi vợ chồng anh vẫn thường ở mỗi khi về. Anh rút trong túi ra tập thơ duy nhất tặng tôi như sợ có ai thấy sẽ trách chăng? Chỉ có hai chúng tôi nên tôi đã hỏi anh những thông tin tế nhị về đời riêng của Du Tử Lê ở Mỹ. Anh trả lời như lời tâm sự: “Thôi, toa đừng bận tâm chi, biết bao thông tin lệch lạc về moa mà moa chả quan tâm đính chính, thanh minh làm gì. Ai muốn nghĩ sao cũng được”.

Đó là tính cách mềm mỏng, nhẹ nhàng của Du Tử Lê tôi đã từng biết. Và, theo lời chị Hạnh Tuyền, Du Tử Lê đã ra đi rất nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi rất thương tiếc vì biết anh bị ung thư đại tràng đã mổ từ 7-8 năm trước sức khỏe đã ổn, nay anh lại ra đi vì đột quỵ!

Tôi nhớ mấy lần sang Mỹ lần nào cũng gặp anh. Sáng sáng anh hay ngồi ở quán Tài Bửu, ăn một mẩu bánh mì con con với ly cà phê sữa và đốt thuốc liên tục. Anh ngồi từ 9h đến 11h “phải về trả xe cho bà xã đi làm” - cách anh nói để không phải ngồi lâu. Dưới chỗ anh ngồi là một đống tàn thuốc lá! Du Tử Lê không uống rượu bia nhưng nghiện cà phê, thuốc lá. Ở Mỹ hay về Việt Nam anh phải tìm cái quán nào có chỗ ngồi hút thuốc.

Mấy năm cuối đời, Du Tử Lê thường xuyên về Việt Nam thăm quê hương, bạn bè; gặp gỡ các công ty sách để in mấy tập thơ. Có lần tôi thắc mắc sao anh ốm yếu vậy mà ngồi máy bay gần 20 tiếng giỏi vậy? Chị Hạnh Tuyền “bật mí”: Hai người mua vé nguyên hàng 3 ghế, chị ngồi còn anh nằm 2 ghế! Anh vốn nhỏ con nay nhiều tuổi lại vừa qua bạo bệnh nên người anh như teo tóp lại nằm 2 ghế rất êm! Chị Hạnh Tuyền còn cho biết, trường hợp như anh, hãng máy bay bớt giá nửa vé, mua 3 vé chỉ phải trả tiền hai vé rưỡi thôi, cũng đỡ.

Du Tử Lê biết tôi có quen biết giới làm sách, nên đợt về năm 2013, anh nhờ tôi tổ chức in cho anh một tuyển tập thơ. Tôi hứa sẽ cố gắng in một tuyển tập thật đẹp và sang trọng. Anh gửi cho tôi file tập thơ ấn hành trước năm 1975 và file một số bài thơ mới, bảo tôi toàn quyền tuyển chọn. Tôi chọn hầu hết các bài chính trong tập Thơ Du Tử Lê 1967 – 1972 - tập thơ đoạt giải Nhất Thơ toàn quốc năm 1974 (giải thưởng của miền Nam trước 1975) và bổ sung một số bài anh mới làm thời gian sau này có chút hơi thở Thiền. Tôi đề nghị nên lấy tựa Tình sầu Du Tử Lê - như tên một ca khúc Phạm Duy phổ nhạc từ thơ anh. Anh đồng ý. Họa sĩ Nguyễn Trung Dũng (tức Dũng KQĐ) giúp trình bày cả bìa và ruột sách tuyệt đẹp. Giấy phép xuất bản của Nhà xuất bản Thanh Niên. Một bữa tôi ngồi quán cà phê trong khu du lịch Văn Thánh, tình cờ gặp anh Cao Lập - một người quen Du Tử Lê và vài thân hữu. Các bạn biết tôi đang chuẩn bị in tập thơ Du Tử Lê, bèn bàn nhau hôm ra mắt sách sẽ tổ chức một đêm thơ nhạc Du Tử Lê tại quán cà phê này (vì anh Lập nguyên là Giám đốc khu du lịch Văn Thánh vừa về hưu, chắc sẽ dễ mượn hay thuê quán). Sách chưa in mà không biết ai thông tin “đêm thơ nhạc Du Tử Lê” dự kiến tổ chức, biến thành “buổi hội thảo thơ Du Tử Lê”. Tuy nhiên, thời điểm đó, với một nhà thơ Việt kiều Mỹ, lại từng đoạt “Giải thưởng văn chương toàn quốc”- một giải thưởng của miền Nam trước năm 1975 như Du Tử Lê, ở trong nước còn nhiều góc nhìn định kiến, chưa cởi mở như sau này nên buổi ra mắt sách và đêm thơ nhạc không thành.

Trong khi tôi đang làm thủ tục liên kết với Công ty văn hóa Hương Trang, đặt mua giấy đặc biệt để in thì Giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên từ Hà Nội điện khẩn vào yêu cầu Giám đốc chi nhánh NXB tại Tp.HCM thu hồi giấy phép xuất bản tập thơ Du Tử Lê! Tôi là người được ủy quyền đứng ra xin phép nên phải mang giấy phép mới ký chưa ráo mực đến trả lại cho chi nhánh phía Nam NXB Thanh Niên. Tôi hỏi Giám đốc chi nhánh - một nhà văn rất thích thơ Du Tử Lê. Anh cho tôi xem bản nhận xét anh viết khá tốt về thơ Du Tử Lê gửi ra Giám đốc nhà xuất bản đề nghị cấp phép. Và anh xin tôi thông cảm, vì sự việc ngoài tầm của anh! Tôi gọi báo Du Tử Lê việc in thơ coi như gác lại, anh có hơi buồn. Buồn nhẹ nhàng “rất Du Tử Lê”! Anh bảo có lẽ mình xuất hiện chưa đúng lúc. Có lẽ vậy vì đến năm 2014, một công ty sách có tên tuổi đã liên kết tổ chức in được tuyển tập thơ Du Tử Lê với tựa Giỏ hoa thời mới lớn. Cái tựa sách nghe hơi… kỳ kỳ và cái bìa sách trông cũng hơi… mới lớn! Nhưng anh Lê bảo, thôi in được là tốt rồi.

Thi sĩ Du Tử Lê (trái) và Tác giả, Westminster - 2014.

Hôm phát hành tập thơ, nhà báo Đoàn Thạch Hãn - một bạn cũ từ trước năm 1975 của anh Lê đứng ra tổ chức một đêm thơ nhạc tại quán cà phê VÂN của ca sĩ Cẩm Vân trên đường Phạm Ngọc Thạch. Tôi đang ở Mỹ nên không tham dự mà chỉ nghe anh Lê nói lại khi anh về Mỹ, gặp cà phê với tôi. Đoàn Thạch Hãn rất thân với vợ chồng Cẩm Vân - Khắc Triệu nên dễ dàng mượn quán của cặp nghệ sĩ này... Nghe kể lại đêm thơ nhạc khá thành công với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng bạn của Cẩm Vân. Cả Đoàn Thạch Hãn cũng quen biết rộng trong giới showbiz, vì khi còn làm ở báo Công an Tp.HCM, Hãn chuyên viết về văn hóa nghệ thuật, thường có chân trong ban tổ chức nhiều show ca nhạc… Đoàn Thạch Hãn mất cuối năm 2014. Năm sau, Du Tử Lê từ Mỹ gọi về nhờ tôi tập hợp một số thơ văn của Hãn và một số bài thân hữu viết về Hãn để in một tuyển tập tưởng nhớ bạn kịp dịp giỗ đầu của bạn.

Tuyển tập thơ văn Đoàn Kế Tường - bút hiệu trước năm 1975 của Đoàn Thạch Hãn - được nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ lo chăm sóc in tại Mỹ và gửi về cho thân hữu nhân giỗ đầu Hãn tổ chức tại chùa Xá Lợi. Sách có in bài “Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn: Hai bút danh một cuộc đời lắm oan khiên” tôi viết hôm 49 ngày mất của Hãn. Đến nay cả ba người đã lần lượt ra đi: Đoàn Thạch Hãn mất năm 2014, Du Tử Lê ra đi năm 2019 và Nguyễn Lương Vỵ cũng từ giã cõi đời vì Covid năm 2020!

Nhà thơ Du Tử Lê trong một lần hội ngộ nhà thơ Hoàng Cầm ở Hà Nội, 2008. Ảnh: H.T

Tuần rồi, Nguyễn Trần Ưu Đàm post lên Facebook ảnh tượng gỗ thi sĩ Bùi Giáng tuyệt đẹp, đậm chất “Trung niên thi sĩ”. Ưu Đàm cho biết post nhân ngày mất Bùi Giáng 7/10 – ngẫu nhiên trùng với ngày tháng mất Du Tử Lê (2 thi sĩ mất cách nhau 21 năm). Tôi ngồi ngay vào bàn viết một bài tưởng niệm Du Tử Lê mà 2 năm trước tôi định viết khi anh vừa mất, nhưng thấy nhiều người viết về Du Tử Lê quá, nên thôi để chờ dịp giỗ đầu của anh. Nhưng rồi gần 2 năm qua đại dịch Covid lây nhiễm tràn lan, đầu óc có khi lộn xộn nhớ trước quên sau. Giỗ đầu Du Tử Lê qua đi tôi không nhớ. Vài tháng trước, tôi điện hỏi chị Hạnh Tuyền sắp giỗ đầu anh chưa? Tôi giật mình khi nghe chị bảo tháng Mười tới là giỗ thứ hai rồi đó anh!

Ôi thời gian, thời gian. Bao nhiêu kỷ niệm tràn về…

Tôi quen biết Du Tử Lê từ cuối năm 1971, khi tôi về tuần báo Tuổi Ngọc phụ trách Trị sự thay nhà văn Nguyễn Mai đã chuyển sang tuần báo Mây Hồng mới thành lập. Tòa soạn Tuổi Ngọc nằm trên lầu 1 nhà in Nguyễn Đình Vượng - cùng địa chỉ tòa soạn bán nguyệt san Văn ở tầng trệt 38 Phạm Ngũ Lão - Sài Gòn. Muốn lên tòa soạn Tuổi Ngọc phải băng ngang qua tòa soạn Văn, đi xuyên qua dàn máy in ở phòng trong, rồi leo lên tầng 1 đi ngược qua phòng sắp chữ trước khi bước vô căn gác rộng vài chục mét vuông với một chiếc bàn tròn và bốn cái ghế. Đó là tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc. Còn tòa soạn Văn khá khang trang ở ngay mặt tiền, là nơi các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cộng tác thường tới đưa bài hay lãnh nhuận bút, nhận báo biếu hoặc gặp gỡ trò chuyện với chủ bút Mai Thảo, Thư ký tòa soạn Nguyễn Xuân Hoàng.

Hàng ngày tôi lên xuống băng ngang qua lại tòa soạn Văn có khi năm bảy lượt do công việc hay gặp cộng tác viên đến đưa bài hoặc tiếp độc giả ở cái quán cà phê cóc đầu hẻm bên cạnh (vì “tòa soạn” quá chật chội, đi lại khó khăn như đã nói trên. Và tôi gần như thường trực tòa soạn, phải tiếp độc giả ). Tôi vẫn thường gặp nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở tòa soạn Văn mà trước đó tôi chỉ biết tên qua tác phẩm. Ngoài Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng gặp hàng ngày, tôi thỉnh thoảng gặp và rất có cảm tình với nhà thơ Du Tử Lê - một người dáng mảnh khảnh, nói chuyện nhỏ nhẹ, từ tốn nhưng rất lôi cuốn, rất dễ gây cảm tình. Chúng tôi thân nhau chỉ sau một thời gian ngắn quen biết.

Tôi nhớ năm 1972, khoảng sau mùa hè đỏ lửa, chiều chiều khi xong công việc tòa soạn, tôi thường chạy qua nhà anh rủ ra quán cà phê Hân trên đường Đinh Tiên Hoàng. Anh và tôi ngồi nhìn ra dòng xe chạy xuôi chiều như một dòng sông, mỗi người một ý tưởng lan man, thỉnh thoảng mới trao đổi vài chuyện chẳng liên quan gì tới văn chương.

Nhà thơ Du Tử Lê và bài viết trên Người Đô Thị tháng 8/2019, kể lại kỷ niệm trong lần gặp đầu tiên với nhà thơ Phan Vũ tại Sài Gòn. Ảnh: HT

…Căn phòng rộng chừng vài chục mét vuông của ngôi biệt thự trong khu cư xá bưu điện, Du Tử Lê thuê ở để tiện đi bộ sang nơi làm việc cách đó mấy trăm mét. Được cái là phòng anh ở ngay phía trái của biệt thự, có cửa sổ nhìn ra một khoảnh sân nhỏ. Nhà thơ trẻ Nguyễn Tất Nhiên, tác giả tập thơ Thiên Tai in năm 1970 khi Nhiên mới 18 tuổi, được Du Tử Lê coi như em và giới thiệu thơ Nhiên cho Phạm Duy phổ nhạc, có khi từ Biên Hòa xuống Sài Gòn, ghé nhà ông anh thi sĩ chiếm chiếc bàn duy nhất cả đêm ngồi làm thơ!

Thỉnh thoảng bạn bè, nhất là mấy bạn từ tỉnh về, cứ tưởng nhà Du Tử Lê là căn biệt thự nguy nga đâu ngờ rằng chàng thi sĩ chỉ thuê được một căn phòng thôi! Tôi nhớ nhất những chiều tôi từ trên gác xuống băng ngang qua tòa soạn Văn chuẩn bị về thì gặp Du Tử Lê ghé gặp cụ Vượng- Chủ nhiệm tạp chí Văn, kiêm Giám đốc Nhà xuất bản và Giám đốc nhà in Nguyễn Đình Vượng xin tạm ứng nhuận bút các tác phẩm … chưa viết! Cụ chủ nhiệm Vượng ngồi ở cái bàn trong cùng tòa soạn, ngày nắng cũng như mưa thường xuyên mặc áo len, quấn khăn choàng cổ, bởi ông bị hen. Thi sĩ phải chờ cho cụ Vượng dứt cơn ho sù sụ liên miên mới hỏi tạm ứng! Tôi biết chắc chàng thi sĩ đang có cái hẹn ăn tối hay cà phê với ai đó nhưng túi hết tiền.

Còn nhà phê bình văn học kiêm dịch giả Huỳnh Phan Anh cũng thường ghé cụ Vượng tạm ứng nhuận bút những bài chưa viết, những sách chưa dịch, bởi có lẽ hôm trước chơi xì phé đã cháy túi! Huỳnh Phan Anh từng nói với tôi rằng, có lẽ để chữa thẹn, rằng tạm ứng là động cơ thúc đẩy cho mình viết! Du Tử Lê và Huỳnh Phan Anh tính cách rất khác nhau nhưng đều là chỗ thân tình với tôi đến những ngày cuối đời!

Thỉnh thoảng Du Tử Lê cũng gửi truyện hoặc thơ cho Tuổi Ngọc. Giống các nhà văn nhà thơ nổi tiếng khác như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Phan Anh … khi viết cộng tác với Tuổi Ngọc, chủ nhiệm Duyên Anh móc tiền túi riêng đưa nhuận bút tận tay tác giả, bao nhiêu không ai biết.

Xin lan man một chút: Tôi về Tuổi Ngọc ban đầu lãnh công việc trị sự, nhưng một thời gian ngắn sau, khoảng tháng Tư năm 1972, Từ Kế Tường - “đồng thư ký tòa soạn” với Đinh Tiến Luyện - rời Tuổi Ngọc sang làm chủ bút tuần báo Mây Hồng. Chủ nhiệm Duyên Anh bèn đôn thư ký Đinh Tiến Luyện lên làm chủ bút, tôi được nâng lên làm thư ký tòa soạn. Xin nói thêm, tôi đề nghị chủ nhiệm trên manchette chỉ ghi tên cúng cơm của tôi là Phạm Đình Thống (vì có nhiều bạn nghe nói ông Phạm Chu Sa trước kia làm thư ký này nọ ở báo Tuổi Ngọc sao chẳng thấy tên trên manchette). Bởi tôi quan niệm công việc làm báo và làm thơ phải tách rời ra. Tôi là thư ký kiêm trị sự kiêm quản lý (vì quản lý Đặng Xuân Côn ít khi tới tòa soạn)... Công việc bù đầu như: Đọc sơ tuyển bản thảo, viết mục “Nhìn xuống cuộc đời”, sửa morrase, theo dõi in, đi nộp lưu chiểu, đi lấy tiền phát hành, ra bưu điện nhận tiền bưu phiếu độc giả gửi mua báo dài hạn ghi tên cúng cơm của mình, đi nhận thư (mỗi tuần cả một bao cát) ở hộp thư bưu điện mang về nhà cắt ra sắp xếp từng chuyên mục và có khi trả lời thư độc giả thay chủ nhiệm lúc nào anh ấy bận hay đi vắng hoặc… lười, đi gửi báo biếu, gửi báo bạn đọc mua qua bưu điện v.v… Đinh Tiến Luyện hiện ở Houston, Hoa Kỳ chắc còn nhớ những điều tôi vừa kể.

Nhà thơ Du Tử Lê trong một dịp về Sài Gòn, năm 2018. Ảnh: NĐT

Giỗ đầu Du Tử Lê qua đi tôi không nhớ. Vài tháng trước, tôi điện hỏi chị Hạnh Tuyền sắp giỗ đầu anh chưa? Tôi giật mình khi nghe chị bảo tháng Mười tới là giỗ thứ hai rồi đó anh!

Tôi rất nhớ thời gian ở Tuổi Ngọc, tuy vất vả kiêm nhiệm đủ thứ chuyện “bếp núc” của tòa soạn, nhưng đây là nơi tôi quen biết được những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà mình ngưỡng mộ như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Trần Tuần Kiệt… (trong một bài khác tôi sẽ viết về Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền – cặp “bài trùng” trong văn học miền Nam). Một số người sau này trở nên thân thiết lâu dài như Võ Hồng, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Phan Anh…Nhất là Du Tử Lê có nhiều kỷ niệm sâu sắc với tôi. Đến nay tất cả họ đã thành người thiên cổ!

Khi tôi in tập thơ đầu tay Những nụ tình xanh cuối năm 1972, tôi gửi bản thảo nhờ nhà thơ Nguyên Sa viết lời tựa, Du Tử Lê bảo: “Để anh Nguyên Sa viết tựa xong, moa sẽ viết lời bạt”. Nhưng thời điểm này Du Tử Lê bận đi công tác liên miên, hết ở Huế lại lên Pleiku, nên anh bảo thôi để sách in xong, anh về sẽ viết bài giới thiệu trên tạp chí Tiền Phong - tờ tạp chí Văn học nghệ thuật mà anh là Thư ký tòa soạn. Tuy là bài giới thiệu sách nhưng Du Tử Lê viết rất tâm huyết về tập thơ đầu tay của tôi. Tôi rất cảm động tấm chân tình của anh. Năm 2011, khi in tập thơ Một Nửa tôi đã trích in trên bìa 4 bài nhận xét về thơ tôi mà Du Tử Lê đã viết từ gần bốn mươi năm trước - như một “lời bạt phi thời gian tính”.

P.C.S