Edmund Kemper: Kẻ sát nhân hàng loạt có chỉ số IQ 145

Mạnh Kiên

Edmund Kemper lẽ ra đã là một con người hoàn hảo khi có ngoại hình vượt trội, chỉ số IQ rất cao, nhưng tâm trí của hắn lại thuộc về một kẻ sát nhân.

Là một trong những kẻ giết người hàng loạt ghê tởm nhưng lại ít được nhắc đến nhất trong lịch sử Mỹ, Edmund Kemper chỉ mới gây sự chú ý trở lại gần đây khi câu chuyện của hắn được kể lại trong loạt phim truyền hình tội phạm Mindhunter nổi tiếng.

Cao tới 2m5 và có chỉ số IQ 145, Edmund Kemper là một tên sát nhân đáng sợ theo mọi nghĩa. Giống như nhiều kẻ giết người hàng loạt khác, những thôi thúc tội ác của Kemper có thể bắt nguồn từ những rạn vỡ thời thơ ấu.

Tuổi thơ đen tối của Edmund Kemper

Edmund Kemper sinh năm 1948 tại thành phố Burbank, bang California. Ngay từ nhỏ, Kemper đã là một đứa trẻ có những hành vi đáng lo ngại. Gia đình không mấy yên ấm của Kemper cũng khiến cho tình trạng của hắn trở nên tồi tệ hơn.

Chỉ mới vài tuổi, Kemper bắt đầu thể hiện những xu hướng lệch lạc liên quan đến tình dục và cái chết. Đứa trẻ này thường chặt đầu búp bê của chị gái mình để thực hiện những nghi thức kỳ lạ và thậm chí còn mang lưỡi lê của cha đi rình rập nhà của cô giáo. Năm 10 tuổi, Kemper có hành vi hành hạ súc vật, giết và giấu xác những con mèo của gia đình rồi giấu vào trong tủ.

Năm 1957, cha của Kemper rời gia đình, để lại hắn trong ngôi nhà chỉ có mẹ và hai chị gái. Người mẹ tỏ ra sợ hãi Kemper - đứa trẻ mới ở tuổi 15 đã cao đến 1m93 - nên bắt hắn ngủ trong một tầng hầm khóa ngoài vì lo ngại hắn sẽ làm hại các chị em của mình.

Người mẹ thường xuyên mắng mỏ và xúc phạm Kemper, nói với đứa con rằng sẽ không có người phụ nữ nào yêu hắn. Năm 14 tuổi, Kemper trốn khỏi nhà mẹ để đến sống với cha ở California. Tuy nhiên, người cha đã tái hôn và gửi Kemper đến sống với ông bà trong trang trại của họ. Ở đó Kemper đã dồn hết sự giận dữ của mình dành cho cha mẹ sang những người trông nom mới.

Trong một lần cãi nhau, Edmund Kemper đã dùng súng trường sát hại chính người bà thân yêu của mình. Sau đó, hắn cũng giết luôn người ông khi vừa về đến nhà. Ed Kemper sau đó tự mình đến cảnh sát đầu thú một cách rất hồn nhiên sau khi gọi cho mẹ để hỏi phải làm gì sau khi giết người.

Với hành động khó hiểu này, hắn được gửi đến trung tâm tội phạm tâm thần của bệnh viện Atascadero. Tại đây, lần đầu tiên hắn được kiểm tra chỉ số thông minh và biết được chỉ số IQ của mình rất cao.

Năm 1969, vào ngày sinh nhật thứ 21, Kemper được phóng thích khỏi Atascadero để trở về với sự chăm sóc của mẹ, người đang làm trợ lý hành chính tại đại học Santa Cruz. Kemper vẫn bị quản chế và được kiểm tra thường xuyên bởi các bác sĩ tâm thần, nhưng sau quãng thời gian thể hiện khá tốt ở bệnh viện Atascadero, hắn được coi là khá an toàn với cộng đồng.

Sau một năm, Kemper bắt đầu sống ở nhiều nơi trên khắp Bắc California, định kỳ trở về nhà mẹ đẻ khi hết tiền. Đó là thời điểm Kemper bắt tay vào các vụ giết người khét tiếng của mình.

Những vụ giết người của Kemper

Những nạn nhân đầu tiên của tên sát nhân bệnh hoạn là Mary Ann Pesce và Anita Luchessa, hai nữ sinh viên mà hắn gặp khi lái xe quanh thành phố Berkley, California. Kemper đưa những người phụ nữ đến khu vực vắng vẻ và có ý định cưỡng hiếp họ, nhưng do vấp phải sự chống trả dữ dội, hắn hoảng sợ nên bóp cổ hai người phụ nữ tử vong.

Sau đó, hắn nhét xác nạn nhân vào cốp xe và lái xe đến nhà ở Alameda, nơi hắn đang sống vào thời điểm đó. Trên đường đi, một cảnh sát đã chặn xe Kemper lại vì đèn hậu bị hỏng nhưng không khám xét xe. Khi về nhà, Kemper cưỡng hiếp các thi thể trước khi phi tang xuống một khe núi gần núi Loma Prieta.

Kemper tiếp tục công thức giết người này đối với nạn nhân tiếp theo là nữ sinh 15 tuổi người Hàn Quốc Aiko Koo. Trong lần ra tay này, Kemper ra ngoài xe và đã vô tình khiến cửa xe bị khóa từ bên trong, nhưng bằng sự lươn lẹo của mình, hắn thuyết phục được Koo mở cửa để vào trở lại.

Đến đầu năm 1973, Kemper hết tiền và chuyển về sống cùng mẹ tại nhà của bà trong khuôn viên trường đại học Santa Cruz. Ở đó, hắn tiếp tục các hành vi tội ác một cách ngang nhiên, giết thêm ba sinh viên đại học mà hắn lân la làm quen được xung quanh khuôn viên trường.

Hắn thậm chí còn chôn xác của nạn nhân trong vườn của mẹ và để nó hướng lên phía phòng ngủ của bà. Trong suy nghĩ điên rồ của mình, Kemper nói rằng làm vậy vì mẹ hắn “luôn thích được mọi người chú ý”.

Sau đó, vào ngày 20/4/1973, tội ác của Kemper lên đến tột đỉnh kinh hoàng khi hắn dùng một cây búa để giết chết chính người mẹ của mình khi bà đang ngủ trên giường, mà theo lời hắn nói là để “trả thù vì đã la mắng hắn trong nhiều năm”.

Kemper còn mời người bạn thân của mẹ đến nhà rồi sát hại người phụ nữ này và lấy trộm xe bỏ trốn. Hắn lái xe đến Colorado, nhưng sau khi không nghe thấy bất kỳ tin tức nào về vụ giết người, cuối cùng hắn đã gọi cảnh sát từ một bốt điện thoại bên đường để thú nhận đã giết mẹ mình.

Cảnh sát đã không đón nhận cuộc gọi một cách nghiêm túc vì tưởng rằng chỉ là một trò lừa bịp, điều này khiến Kemper phải thừa nhận tất cả các vụ giết người mà hắn từng thực hiện để thuyết phục nhà chức trách bắt hắn. Khi được hỏi tại sao lại tự thú, Kemper nói rằng "mục đích ban đầu đã không còn nữa và mọi thứ đã kết thúc”.

Kemper bị bắt và bị kết án 8 tội danh giết người cấp độ một. Kemper đã cố gắng tự tử hai lần và thậm chí còn yêu cầu án tử hình nhưng không thành, thay vào đó, hắn bị tuyên 7 án tù chung thân.

Edmund Kemper bị giam giữ tại Trung tâm Y tế California cùng với những tên giết người hàng loạt tâm thần khét tiếng khác như Herbert Mullin và Charles Manson, và vẫn còn bị quản chế cho đến ngày nay. Ở trong nhà giam, Kemper luôn tỏ ra hứng thú với việc tham gia một số cuộc phỏng vấn từ các phóng viên và cơ quan thực thi pháp luật.

Lời khai của Edmund Kemper về những dòng suy nghĩ điên rồ của hắn khi giết người được coi là những tư liệu không thể thiếu để cơ quan thực thi pháp luật hiểu được tâm trí của những tên sát nhân hàng loạt, giúp ích cho các vụ án sau này.

Sau nhiều năm sống tại nhà giam, Edmund Kemper thậm chí còn trở thành một tù nhân kiểu mẫu tại Trung tâm Y tế California, nơi hắn phụ trách việc sắp xếp các cuộc hẹn của các tù nhân với bác sĩ tâm thần và đã dành hơn 5.000 giờ thu âm những cuốn sách cho người mù.

M.K