Gặp chàng sinh viên “Tiếp sức mùa thi” đặc biệt

Gặp chàng sinh viên “Tiếp sức mùa thi” đặc biệt

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Người dân xã Thạch Châu, Thạch Hà, Hà Tĩnh mỗi khi nhắc đến Phan Huy Tứ (SN 1986) đều nói đến một nghị lực vươn lên và sức học đến kỳ lạ. Còn các bạn sinh viên trường đại học Vinh thì nhắc đến Tứ, một chàng sinh viên “Tiếp sức mùa thi” đặc biệt bởi mọi hoạt động của em chỉ là trên chiếc xe lăn.

Nghị lực kỳ lạ

Phan Huy Tứ là người con thứ 4 trong gia đình nghèo có 5 anh chị em tại xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Sinh ra, Tứ cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, cú sốc tuổi thơ đã làm cho Tứ vĩnh viễn bại liệt đôi chân, không thể đi lại được. Năm đó, Tứ vừa tròn một tuổi, trong một lần sốt biến chứng đã bị bại liệt hai chân và ngón tay cái đều teo lại.

Tứ kể, vì bị bại liệt hai chân không thể đi lại được nên mặc cảm với bạn bè, suốt ngày Tứ chỉ thui thủi một mình trong nhà. Đến tuổi cắp sách đến trường, Tứ thèm lắm nhưng không biết làm cách nào để được đi học cùng bạn bè. Nhà đông anh em lại nghèo, thân thể lành lặn đã khó huống hồ một người tàn tật. Tứ đành ngậm ngùi ở nhà, thỉnh thoảng được anh trai bày cho ít chữ cái để học. Nhưng càng học Tứ càng thấy khó, đặc biệt là thằng Nghiêm, đứa em út (thua Tứ 3 tuổi) mỗi lần học được chữ cái hay phép tính nào lại về “đố anh”. Nhưng vì không học nên Tứ đành chịu thua. Là anh trai nhưng bị em đố nên Tứ buồn và tự ái lắm. Thế rồi, Tứ mang những thắc mắc đó hỏi anh trai Tương và anh Phúc khi đó đang học cấp II. Được sự giúp đỡ của hai anh, Tứ đã trả lời hết mọi câu hỏi của thằng em hiếu thắng. Không chỉ thằng em trai ngạc nhiên mà cả gia đình đều hết sức thán phục trước trí thông minh nhưng không may mắn của Tứ.

Càng ngày Tứ càng tiến bộ dần, những chữ nghĩa trong sách Tứ đều đọc được. Rồi những phép tính cộng, trừ, nhân, chia Tứ đều hỏi anh rồi mày mò đọc sách và hiểu hết. Một lần Tứ đang ngồi đọc truyện ở thềm nhà thì có thầy Phan Huy Xương (Nguyên trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà) đi vào thấy ngạc nhiên vì cậu bé không đi học mà vẫn đọc truyện thành thạo. Khi đó Tứ đã 12 tuổi, bạn bè cùng trang lứa với cậu cũng đã rục rịch đã thi chuyển cấp.

Thầy Xương cảm phục trước nghị lực và lòng ham học của Tứ nên đã giúp cậu làm thủ tục để tham dự kì thi chuyển cấp cùng với bạn bè. Mặc dầu được “đặc cách” nhưng mọi người đều không tin vào năng lực của cậu. Bố Tứ, ông Phan Huy Sơn thì lắc đầu “cho nó thi cho toại nguyện chứ có đi học đâu mà thi đậu được”. Tuy nhiên, lần đó Tứ đạt 15,5 điểm (2 môn Văn và Toán) trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Đậu cấp II là niềm vui mừng không riêng gì Tứ mà còn cả gia đình người thân của cậu bé tàn tật. Tuy nhiên, một điều nan giải đặt ra là khi đi học ai sẽ đưa Tứ đến trường. Đứng trước khó khăn đó, thầy Xương đã một lần nữa giúp cậu được đến trường. Thầy đã đặt vấn đề với Hội chữ thập đỏ xin cho cậu một chiếc xe lăn để Tứ một mình đến trường mà không phải làm phiền nhiều đến gia đình.

Những năm đầu học cấp II, Tứ thấy khó khăn vô cùng. Bài vở Tứ không thể theo kịp bạn bè vì cậu không được học đầy đủ như các bạn khác. Mặc dầu, Tứ vẫn làm đúng đáp án nhưng Tứ lại không biết triển khai bài như thế nào cho đúng phương pháp. Tuy nhiên, dần dần Tứ cũng tiến bộ dần. Năm lớp 6, Tứ xếp học lực loại yếu. Lên lớp 7, xếp loại trung bình nhưng sang đến lớp 8, Tứ vượt tất cả các bạn trong lớp và đứng đầu lớp và xếp học lực giỏi toàn diện. Tứ bảo, lúc đầu khó khăn lắm, vì một phần tự ti nữa nên không dám hỏi bạn bè. Cậu chỉ biết hỏi bài ở hai người anh trai và lấy sách tham khảo của bạn bè để xem các ví dụ có sẵn để học phương pháp làm bài.

Xong cấp II, Tứ tham gia kì thi vào lớp chuyên Toán, trường THPT Mai Thúc Loan, Lộc Hà. Những năm học cấp III, Tứ đều đạt danh hiệu học sinh tiến tiến. Bây giờ, Tứ đang là sinh viên năm 4, k48, khoa Công nghệ thông tin trường Đại Học Vinh. Tại đây, Tứ vừa học vừa làm thêm cho một công ty phần mền và thiết kế website tại Nghệ An. “Bây giờ nghĩ lại, em thấy cuộc đời cũng thật diệu kỳ. Mất đi đôi chân, nhưng còn đôi tay em vẫn còn làm việc được. em chọn nghành CNTT chính là mong muốn sau này đôi tay còn làm được nhiều điều để không phụ lòng những công lao mà gia đình, người thân, bạn bè đã mong đợi”.

Tình nguyện viên “Tiếp sức mùa thi” đặc biệt Phan Huy Tứ trên chiếc xe lăn

“Tiếp sức mùa thi” trên xe lăn

Nghị lực vươn lên đã làm nên điều kỳ lạ ở cậu học trò nghèo. Thế nhưng điều đặc biệt hơn khi cậu sinh viên tàn tật ngồi trên trước chiếc xe lăn đã tham gia chiến dịch tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”.

Những sinh viên tình nguyện với thân hình lành lặn đã khó, đối với Tứ việc đó lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, những ai đến công trường đại học Vinh vào những ngày này sẽ thấy một người ngồi trên xe lăn, hướng dẫn tận tình các em thí sinh đi thi thì đó là chàng sinh viên tình nguyện tàn tật Phan Huy Tứ. Trên chiếc xe lăn cũ kỹ Tứ vẫn nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn thí sinh, phụ huynh ân cần.

Đây là năm thứ 2, Tứ tham gia chương trình "Tiếp sức mùa thi” do đoàn trường Đại học Vinh tổ chức. “Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, em tham gia tình nguyện lần đầu. Năm 2010 do sức khỏe yếu, không tham dự được nên em rất buồn. Mùa hè năm nay đã là sinh viên năm cuối, em đã xin phép bố mẹ được ở lại trường để tham gia chương trình”.

Khi chúng tôi hỏi tại sao Tứ lại có mong muốn được tham gia Tiếp sức mùa thi trong khi bản thân đi lại rất khó khăn? Tứ chia sẽ: “Tiếp sức mùa thi là mong ước nhưng cũng như là “cái nợ” cần phải trả. Mình chịu ơn mọi người quá nhiều. Thời học cấp 3, nếu không có bạn bè cõng mỗi ngày 4 bận lên xuống tầng 3 có lẽ mình đã không có ngày như bây giờ. Chính những hành động và những lời động viên chân thành đã giúp mình vượt qua tất cả.

Tình nguyện viên Cao Mạnh - Đội trưởng đội tình nguyện xe lai miễn phí - Trường Đại học Vinh cho biết: “Mặc dầu Tứ không thể làm xe lai nhưng cậu ấy có thể tư vấn, hướng dẫn thủ tục dự thi các các em. Tứ là một nghị lực để các bạn sinh viên và các thí sinh dự thi noi theo. Mình rất cảm phục trước tấm gương giầu nghị lực của Tứ”.

Chia tay Tứ, giữa cái nắng như đổ lửa của trưa tháng 7, chúng tôi vẫn còn nhìn thấy chàng sinh viên ngồi trên chiếc xe lăn ân cần hướng dẫn cho các thí sinh, phụ huynh. Cánh tay viết viết rồi chỉ chỉ từng động tác ân cần đã làm cảm động những phụ huynh và thí sinh có mặt tại đây. Chính Tứ đã góp một phần không nhỏ giúp các em được vững tin bước vào kì thi thành ông hơn.

Lê Quyết