Gặp lại người bán vé số từng gây chấn động khi trả lại vé trúng thưởng tiền tỷ cho… người mua chịu

Ngọc Lài

9 năm trước, tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, người dân xôn xao truyền tai nhau câu chuyện về người phụ nữ tên Lành bán vé số không tham “lộc trời”. Người phụ nữ này đã trả lại toàn bộ vé số trúng độc đắc, an ủi với tiền thưởng hơn 5 tỷ đồng cho vị khách hàng mua nợ. Hiện tại, chị vẫn ở nhà trọ, bán vé số, không tham lam và còn chênh vênh trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Nỗi buồn “của thiên trả địa”

Sau ngần ấy thời gian, chị Phạm Thị Lành (SN 1982, tạm trú thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã biết cách chăm chút nhan sắc cho xinh đẹp hơn nhưng chị vẫn rất mộc mạc với nụ cười hồn hậu, ở nhà trọ, bán vé số. Chị nói: “Chuyện cũng lâu, chắc mọi người đã quên, tiền thì tiêu hết rồi. Tình bạn với người khách trúng số có phần nhạt đi khi mỗi người có gia đình riêng phải chăm lo”.

Nhớ lại chuyện cũ, chị Lành nhớ, lúc đó, nhiều người đàm tiếu, nói chị có tình ý với khách, mới trả lại vé số trúng độc đắc. “Nghe nói thế, tôi chỉ cười đáp lời: “Tôi sống có tình có nghĩa. Nếu chúng tôi có quan hệ tình cảm thì việc gì phải đưa cho anh ấy. Tôi giữ luôn, anh cũng chẳng nói gì”, chị Lành chia sẻ.

Chị Lành vẫn rất chất phác, đôn hậu.

Thực ra, chị tự thấy bản thân phải trung thực với một người đối xử với mình không tệ. Lúc từ Đồng Tháp về thị trấn Bến Lức tạm trú, anh Đỗ Ngọc Tuấn (50 tuổi, ngụ thị trấn Bến Lức) chạy xe ba gác thường mua vé số của chị. “Anh Tuấn tốt bụng lắm, ngày nào ảnh cũng mua vé số ủng hộ. Có khi chạy xe được có 200.000 đồng, anh cũng lấy ra mua vé số giúp tôi”, chị Lành cho biết.

Ngày 15/11/2011, một ngày bán buôn ế ẩm của chị Lành. Thường ngày, chị bán rất “đắt hàng”, mối quen mua nườm nượp, lượn vài vòng trên chiếc xe đạp, vé số đã hết veo. Vậy mà, ngày hôm đó, chị đi từ sáng cho đến tận 3h chiều vẫn còn xấp vé số dày cộm. Chị Lành nhớ: “Ế quá, tôi gọi điện thoại mời anh Tuấn mua vé số. Anh liền mua ủng hộ 10 tờ và dặn ngồi quán cây Mai, xíu ảnh ghé qua lấy. Thế nhưng, đến 16h10, gần giờ xổ số, tôi cũng không thấy anh sang nên điện lại một lần nữa. Lần này, anh nói cứ giữ giúp anh 10 tờ vé số bất kỳ”.

Kết thúc cuộc gọi, chị xoay qua gọi tô hủ tiếu gõ lót dạ, chờ xổ số. Giữa làn khói nóng của tô hủ tiếu bay lên, chị Lành lờ mờ nhìn thấy dãy số 191207 ở giải đặc biệt. “Tôi nói không nên lời, chỉ kịp kêu con bạn: “Chết rồi, Thanh ơi Thanh, trúng số rồi…”. Lúc này, mặt mày tối tăm, tôi không còn biết gì nữa. Tôi lật đật nhờ người này người kia xem lại tờ vé số. Nghe mọi người khẳng định: “Mày trúng số rồi”, tôi mới chợt nhớ và nói anh Bon (tên thường gọi của anh Tuấn) cũng trúng nữa. Trong lúc mọi người còn ngạc nhiên hỏi tại sao anh Bon trúng, tôi mới nói, tôi có bán thiếu cho ảnh 10 tờ, trong số đó có 3 tờ trúng độc đắc, còn lại đều trúng giải an ủi”.

Nghe chị Lành thông báo anh Tuấn cũng trúng độc đắc, nhiều người khuyên, cơ hội chỉ có một lần, trước khi thông báo cho khách hàng, phải suy nghĩ kỹ, đừng hấp tấp. Họ nói, vé số còn trong tay chị, khách chưa đưa tiền và cũng không dặn mua số nào. “Tôi nói, thôi, của anh ấy thì đưa cho ảnh, tôi có rồi, tôi cũng trúng 2 tờ đặc biệt, 2 tờ an ủi. Tôi điện thoại mà khoảng 1 giờ đồng hồ sau anh mới chạy xe đến. Anh chưa tin, sợ tôi nói dối để anh chạy lại trả tiền vé số mua thiếu. Đến nơi, mặt anh ấy không còn chút máu, cảm ơn và rút cho tôi 1 tờ vé số trúng giải an ủi”, chị Lành nhớ lại.

Sau này, cảm phục hành động trả lại vé số trúng cho khách của chị Lành, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Dustin Nguyễn đã đưa hình tượng này vào bộ phim điện ảnh Trúng số. Nhắc đến tình bạn với chị Lành, anh Tuấn chia sẻ: “Trước khi trúng số, anh em thân nhau lắm. Về sau này, mỗi người lo cuộc sống riêng. Từ hồi Lành có chồng, tôi cũng ngại điều tiếng nên ít qua lại. Lành tốt, chứ nó không nói vé số trúng, tôi cũng biết gì đâu”.

Chênh vênh trên con đường tìm hạnh phúc

Trúng số, chị Lành làm đủ chuyện phước đức, cho tiền gia đình, họ hàng nhưng vẫn bị nhiều người dè bĩu. Cho người này, không cho người kia cũng bị quở trách, giận dỗi. Cứ vậy, tiền trúng số của Lành “vé số” vơi dần, đến nay cũng đã hết sạch. Cũng may, trúng số nhưng chị không tiêu pha phung phí, không bỏ nghề bán vé số. Nên, khi hết tiền, chị không thấy hụt hẫng, vẫn còn quen với nắng mưa, tần tảo mưu sinh.

Chị nhớ: “Trúng số, tôi lãnh thưởng rồi chia cho gia đình, cất nhà dưới quê, gửi ngân hàng 1 tỷ đồng. Thế nhưng, hết người này đến người kia vay mượn, tôi rút lần hồi đến khi không còn đồng nào. Tôi buồn khi bản thân có được lộc trời cho mà không biết tính toán, phải chi tôi sáng suốt mua miếng đất ở thị trấn Bến Lức thì bây giờ đâu phải ở nhà thuê”.

Chị Lành có thói quen mua vé số ủng hộ đồng nghiệp.

Đã vậy, chị còn mang tiếng có tiền phụ rẫy nghĩa ân, bỏ chồng tìm hạnh phúc mới. Không nhiều người biết, nhiều năm trước, giận chồng, chị mới dắt díu con cái đến thị trấn Bến Lức sinh sống. Lúc đó, con trai chị được 10 tháng tuổi, bị bệnh liên tục. Chị làm công nhân mà cứ xin nghỉ phép nhiều lần nên người quản lý cũng bực mình. Sau đó, chị nghỉ hẳn, chuyển qua bán vé số.

Lúc làm công nhân, chiều tối, tan ca, chị lại cầm vé số rong ruổi khắp thị trấn. Có những đêm, chị đi bộ mỏi rạc chân, đến tận 11h đêm mới quay về phòng trọ. Bụng đói meo móc, chị ngồi quay mặt vào tường khóc tủi phận. Bà con thị trấn Bến Lức đều quen với hình ảnh cô Lành bán vé số đội nón tai bèo, mặt đen nhẻm, ăn nói lanh lẹ, dễ thương. Một năm sau, chồng chị lần dò đến thị trấn Bến Lức tìm vợ con và van nài nối lại tình xưa. Nghĩ con còn nhỏ, chị cho người đàn ông này thêm một cơ hội thay đổi.

Đến lúc trúng số, cứ ngỡ kinh tế đã đủ đầy, hạnh phúc gia đình sẽ được vun vén, không ngờ hôn nhân vẫn không thể vẹn nguyên. Mệt mỏi với những bất đồng kéo dài, chị quyết định ly hôn. Người ngoài cuộc không hiểu, liền nghĩ chị có tiền nên phụ rẫy chồng. Chị kệ, miễn bản thân cảm thấy thoải mái hơn, chẳng cần phải cãi nhau, tranh đúng sai.

2-3 năm sau ly hôn, chị quen một người đàn ông khác cũng nhờ tiếng thơm từ câu chuyện trả vé số. “Trong một lần bán vé số cho khách quen, tôi gặp người chồng hiện tại. Thấy tôi, ảnh nói: “Tôi nghe tiếng tăm cô Lành bấy lâu mà nay mới được gặp”. Mình nghĩ ảnh nói chuyện cho vui, không ngờ anh ấy xin số điện thoại, mua vé số làm quen”, chị Lành kể.

Hai người đến với nhau cũng được 4-5 năm nhưng lại không được sự chấp thuận của nhà chồng. Điều này khiến chị Lành buồn bã: “Chắc tại, má chồng không thích có con dâu bán vé số, chứ má thương cháu nội lắm. Người chồng hiện tại thương tôi, quan tâm con cái, làm lụng chăm chỉ… không có gì phải than phiền. Tôi chỉ ước má chồng chấp nhận người con dâu như tôi để cùng nhau quây quần dưới một mái nhà”.

Làm việc nghĩa không tính thiệt hơn

Được hỏi nếu chuyện tương tự xảy ra ở thời điểm hiện tại chị có hành động khác, chị Lành bộc bạch: “Tôi không hối hận đâu, tiền xài cũng hết thôi. Đâu phải chỉ có tôi trả vé số trúng cho khách mua thiếu, em gái tôi cũng vậy. Nó cũng giữ hộ khách 30 tờ trúng giải nhất. Nhiều người khuyên gia đình tôi nên cầm vé số đó mà về quê sinh sống nhưng chúng tôi đâu có làm”.

N.L