Gặp nghệ nhân chơi diều nổi tiếng đất Cố đô

Gặp nghệ nhân chơi diều nổi tiếng đất Cố đô

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Ba mươi lăm tuổi đời nhưng có đến hơn 20 tuổi nghề trong làng diều, anh đã góp phần giữ lửa cho nghệ thuật chơi diều vốn rất nổi tiếng trên đất cố đô.

Ít ai ngờ rằng chàng trai Nguyễn Đăng Hoàng, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Diều Huế là một nghệ nhân "xịn" được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) trao tặng danh hiệu nghệ nhân khi chưa đầy 20 tuổi, là nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong làng diều Việt Nam hiện nay. Đam mê nghệ thuật chơi diều từ khi còn là một mục đồng, anh đã từ bỏ rất nhiều công việc khác để gắn bó cuộc đời với những cánh diều.

Chiếc diều đầu rồng tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010)

Nghệ nhân thế hệ 8X

Hoàng kể lại, nhà anh bên bãi bồi cầu Gia Hội bờ sông Hương, chiều nào cũng có hàng chục lượt người về đây thả diều, có hôm mải mê xem diều quên cả cơm tối. Một hôm nọ, thầy Nguyễn Văn Bê, Chủ nhiệm CLB diều Huế bất ngờ gặp cảnh cậu bé đang đắm đuối ánh mắt theo những cánh diều liền ngỏ ý: "Cháu có thích học chơi diều không?". Cậu bé chăn trâu tham gia vào CLB lúc ấy chỉ mới 14 tuổi.

Hoàng tâm sự rằng ngày trước gia đình không muốn anh theo nghiệp "thợ diều" mà hướng anh theo một nghề ổn định. Hoàng nhẩm tính tiểu sử bản thân: hơn 3 năm theo học nghề thuốc gia truyền, 4 năm chuyên đi làm quảng cáo thuê nhưng đều từ bỏ tất cả để gắn bó với môn nghệ thuật chơi diều, làm diều, sống với diều. "Để có tiền chơi diều mình phải làm nhiều nghề khác nhau để bù trừ kinh phí", Hoàng cười kể về quá khứ.

Toàn bộ tầng ba của ngôi nhà được Hoàng dùng để làm xưởng diều, tại đây hàng trăm con diều đủ hình dáng, màu sắc đang được bàn tay nghệ nhân trau chuốt trước khi xuất xưởng.

Kì công nghệ thuật chơi diều

Hoàng chia sẻ: "Tre làm diều phải dẻo, lóng dài mới dễ uốn và chống mối mọt. Còn lớp hồ này giúp bề mặt khung bằng phẳng hơn, khi bọc vải lên sẽ giảm bớt lực cản của gió".

Đặc trưng của diều Huế là hoàn toàn làm thủ công, giúp nghệ nhân tùy ý thay đổi linh hoạt mẫu mã cũng như màu sắc tạo cho diều Huế "muôn hình vạn trạng". "Diều công nghiệp làm nhanh nhưng không thể có những mô hình như chim công, chim phụng... mà phần lớn là diều ống. Nếu như diều ống bay được nhờ gió thổi phồng thân diều thì diều bướm, diều công, phụng... bay được nhờ lực nâng của gió và dễ dàng lượn theo chiều gió”, Hoàng cho biết ưu điểm diều Huế.

Thông thường một sản phẩm diều Huế phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi mức độ kì công rất cao: "Trước tiên phải chọn tre, vót tre sao cho thật mỏng đều, sau đó bôi hồ, bọc vải xoa (một loại vải mỏng) lên khung diều. Cuối cùng là khâu trang điểm diều bằng những họa tiết do nghệ nhân trực tiếp vẽ lên thân diều. Mỗi con diều làm nhanh nhất cũng mất từ 3 - 5 ngày.

Làm diều Huế đã khó, để chơi được diều Huế càng khó hơn. Lấy diều rồng làm ví dụ, Hoàng dẫn chứng: "Có hình dáng khá phức tạp nên muốn nâng diều cần chọn đúng thời điểm. Đó là lúc gió đang mạnh dần nhưng không xoáy và người chơi phải chạy theo hướng gió để nâng diều. Khi diều đã lên cao cần cân bằng được thân diều, không để diều chao lượn qua nhiều sẽ dễ rơi giữa chừng'.

Tiêu chí được giới chơi diều thầm quy ước với nhau để đánh giá đẳng cấp là khả năng nhận biết từng loại gió qua sợi gấc nhỏ nối với thân diều cách xa hàng trăm mét. Hoàng cho biết: "Dây gấc chùng tức diều đang ở tầng thấp, gió chưa đủ mạnh. Dây diều càng căng chứng tỏ sức gió đang mạnh dần. Đối với chơi diều khó nhất là khi gió yếu, phải giữ thăng bằng nhờ sức giật của tay, phải giật sao cho vừa đủ lực tạo đà cho diều thăng bằng".

Tay chơi diều giỏi ngoài kiến thức về lực học, khí động học còn phải có sự nhanh nhẹn, khả năng xử lí tình huống cao. Hơn 20 năm thâm niên trong làng nghệ thuật chơi diều, Hoàng tự tin : "Bây giờ chỉ cần cầm sợi gấc thả diều là có thể biết được tốc độ gió, hướng gió để điều chỉnh con diều bay lượn giữa trời cao". Hoàng bật mí bí quyết "Chơi diều cần nhất là sự đam mê, không nên nản chí hay vội vàng bỏ cuộc, không phải ai thả con diều đầu tay đều bay cao, bay xa cả".

Hành trình diều Huế xuất ngoại

Những năm trở lại đây thương hiệu diều Huế không chỉ nổi tiếng trong nước mà được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến qua các cuộc triển lãm, liên hoan hay những lễ hội lớn như Festival Huế. Là người luôn có mặt trong những đợt xuất ngoại của diều Huế tham gia các cuộc thi diều quốc tế, Hoàng cho biết người chơi diều các nước đánh giá rất cao về diều Việt Nam cũng như diều Huế nói riêng.

Những cánh diều của Hoàng trang trí tại một lễ hội

Anh kể lại: "Năm 1992 diều Huế tham gia biểu diễn tại hội chợ ba miền ở Vũng Tàu, 5 năm sau chúng tôi lại vinh dự được mời biểu diễn tại triển lãm ở Hà Nội, từ năm 2000 đến nay diều Huế không thể thiếu trong mỗi kì festival. Diều Huế cũng được mời tham dự tại liên hoan diều quốc tế ở Trung Quốc, Canada, Pháp...".

Tại liên hoan diều quốc tế Diepp tổ chức ở thành phố biển cùng tên bên bờ biển Manche nước Pháp hai tháng trước đây, hơn 40 con diều Huế đại diện cho Việt Nam đã thu hút sự chú ý của người xem.

Hoàng chia sẻ : "Kể từ lần đầu tiên tham gia liên hoan vào năm 1994 đến nay diều Huế luôn được người xem đón chờ với sự nồng nhiệt nhất. Sau mỗi dịp biểu diễn đều có hàng ngàn khán giả đến hỏi mua, học hỏi cách làm, nhiều người còn xin địa chỉ sang tận Việt Nam tìm học".

Thế nhưng có một thực tế rằng số người chơi diều đang ít dần, nói như Hoàng : "So với hồi trước, người chơi diều ở Huế bây giờ chỉ còn khoảng 1/3. ở Huế vẫn chưa có một cơ sở đào tạo nghề làm diều chuyên nghiệp nào; nếu không chú ý khâu đào tạo nhân lực, tôi nghĩ nguy cơ mai một loại hình nghệ thuật truyền thống này chỉ là chuyện sớm muộn", Hoàng trăn trở.

Hoàng ấp ủ : "Mình đang tiếp tục thu nhận những bạn trẻ đam mê diều Huế để phát triển xưởng diều tại nhà. Chỉ khi nào sống được bằng nghề diều mới có nhiều người theo đuổi môn nghệ thuật này, đó cũng là cách tiếp thêm sức sống cho diều Huế".

Huế Thương