Gặp ngư phủ “đánh vật” dòng nước dữ sông Lam cứu người

Gặp ngư phủ “đánh vật” dòng nước dữ sông Lam cứu người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Đến miền Tây Nghệ An, vào mùa lũ mọi thứ ngập chìm trong biển nước, dòng Lam trở nên hung dữ điên cuồng. Nơi đó có một ngư phủ ngày đêm liều mình đánh vật với dòng nước dữ để cứu người. Người dân ở đây gọi anh là "Yết Kiêu" trên dòng Lam.

Liều mình cứu người

Năm 2006, câu chuyện anh Nguyễn Văn Sáng ở xóm 7, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) bất chấp hiểm nguy liều mình lao xuống dòng sông Lam giữa đêm tối, cứu 6 người thoát chết được bàn tán râm ran khắp nơi.

Ngồi trước mặt chúng tôi là một người đàn ông thấp nhỏ, gầy gò, nước da đen sạm, giọng nói trầm ấm, đôi mắt hiền từ. Anh Sáng kể: "Lúc đó khoảng 7h tối, trời vùng cao tối và lạnh, cũng như thường lệ tui (tôi) đang chèo thuyền về nhà, đến đoạn đền ông Đà thì nghe tiếng kêu thất thanh. Biết vậy, tui chèo nhanh hơn đến gần chỗ tiếng kêu rồi nhảy xuống tìm người để cứu. Vớt được người đầu tiên, tui buộc vào thuyền rồi tiếp tục tìm kiếm được 2 người phụ nữ, tui quấn tóc ở chân mình để tìm người khác. Đến khi tìm đủ mới đưa tất cả lên thuyền rồi chèo vào bờ cấp cứu".

Xã hội - Gặp ngư phủ “đánh vật” dòng nước dữ sông Lam cứu người

Ngư phủ Nguyễn Văn Sáng đang đánh cá trên sông

Chị Hồ Thị Lý (52 tuổi), 1 trong 6 người được anh Sáng cứu sống, nhớ lại: "Hôm đó, tôi cùng với 2 đứa con và 3 người nữa chèo thuyền sang bãi bồi xã Đức Sơn để chặt ngọn mía về cho trâu bò ăn. Ai cũng chặt được nhiều nên khi tập kết lên thuyền thành quá nặng. Một phần chưa quen tay lái, lúc đó trời lại nhá nhem tối, nên khi thuyền ra giữa sông thì bị chìm. Mọi người hoảng hốt ôm lấy nhau, tìm những bó ngọn mía để bám nhưng trời lạnh, áo quần ướt, thuyền sắt nên chìm rất nhanh. Lúc đó, tôi nghĩ mình chết chắc rồi, vừa bắt đầu uống nước thì bỗng có một bàn tay nắm chặt lôi tôi lên mặt nước. Khi mở mắt ra thì thấy anh Sáng đang cứu chúng tôi trên bờ. Nếu hôm đó không có anh Sáng, cả 6 chúng tôi đã mồ yên mả đẹp rồi".

Một người hàng xóm của anh Sáng cho biết, năm 2006, cũng 10h đêm, trời mưa to gió lớn, ở đoạn động Đò Lù, trên đền ông Đà một đoạn, anh Sáng ở trong bờ nghe tiếng kêu cứu ngoài xa. Với tất cả sự dũng cảm và kinh nghiệm sông nước của mình, năm đó, hai anh em Sáng đã cứu được 4 người thoát khỏi tay hà bá.

Bước qua lời nguyền

Anh Nguyễn Văn Sáng (SN 1970), quê gốc tại xã Nam Tân, huyện Nam Đàn. Sinh ra và lớn lên trên sông nước nên anh Sáng chỉ được học cách câu tôm, đánh cá.

Năm 1990, anh Nguyễn Văn Sáng cứu 45 người ở Nam Đàn, năm 1992 anh cứu 3 người ở Giăng (Thanh Chương), và 14 người ở huyện Anh Sơn trong những năm gần đây. Ngoài việc cứu người sống, khi có người chết trên sông Lam anh vẫn thường giúp gia đình nạn nhân tìm xác. Đặc biệt, năm 2000, khi xe ca rơi xuống sông Lam đoạn qua rú Nguộc, huyện Thanh Chương, anh cùng với anh trai đã lặn vớt được 17 tử thi.

Không biết từ bao giờ, giới ngư dân vẫn truyền nhau một quan niệm rằng, những người làm nghề chài lưới trên sông, khi gặp người chết đuối mà cứu thì sau đó phải trả mạng cho hà bá canh sông, nên nhiều người làm nghề chài lưới khi thấy người gặp nạn họ chỉ ném một vật gì đó xuống rồi chèo thuyền đi nơi khác. Nhưng với Nguyễn Văn Sáng, lấy việc cứu người làm phúc được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, anh đã dũng cảm bước qua lời nguyền khắc nghiệt của nghề sông nước để cứu lấy những sinh mạng chơi vơi giữa dòng nước dữ.

Đắn đo một hồi lâu, Nguyễn Văn Sáng mới kể lại cho chúng tôi kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời sông nước của mình: "Đó là lần đầu tiên tui cứu được người. Vào một buổi chiều hè năm 1990, khi đang đánh cá cùng cha ở thung Rú Đụn (Nam Đàn), hai con đò dọc đi ngược chiều đâm nhau chìm ngay giữa sông. Hai cha con tui đã dùng hết khả năng bơi lội cứu được 45 người sống sót khi nước sông đang dồn dập đổ về sau một cơn mưa lớn ở thượng nguồn. Cũng may cha con tui nhanh tay, chậm một chút nữa thì tất cả đều bị nước sông cuốn phăng đi rồi, không ngồi nói chuyện được với các chú nữa mô (đâu)".

Từ nhỏ, vì theo nghiệp cha ông, anh cứ lênh đênh trên sông nước. Năm 1994, anh Sáng lập gia đình cùng với chị Thái Thị Hồng rồi lập nghiệp tại xóm 7 xã Thạch Sơn (Anh Sơn). Làm lụng cật lực nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, 5 đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học. "Làm cái nghề sông nước này thất thường lắm, rủi nhiều hơn may. Mấy năm nay, kiếm ăn bằng con cá, con tôm ở sông Lam cũng chẳng được là bao, may lắm chỉ đủ ăn ngày ba bữa", anh Sáng chia sẻ.

Hồ Ngọc - Phan Duy