Gas tăng giá, than tổ ong “leo”... chung cư

Gas tăng giá, than tổ ong “leo”... chung cư

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Thay vì ngồi chờ giá gas xuống, nhiều bà nội trợ phải tìm đủ mọi cách giảm bớt chi tiêu hàng tháng. Nhà nào có điều kiện thì tìm đến bếp từ, còn đa số quay trở lại trung thành với bếp than tổ ong.

Cảnh khói than mù mịt, ngồi trong nhà mà vẫn phải đeo khẩu trang không chỉ xuất hiện ở các khu nhà riêng mà ngay ở chung cư, nhiều người dân phải lén lút dùng thêm bếp than dù biết tiết kiệm 1 đồng gas có thể mất thêm 3 đồng mua thuốc.

Xã hội - Gas tăng giá, than tổ ong “leo”... chung cư

Bếp than được nấu ngay ở hành lang chung cư

Cực nhưng buộc phải dùng

Từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước liên tục tăng. Từ ngày 1/3, giá nhiên liệu này tiếp tục tăng thêm 52.000 đồng mỗi bình 12 kg, nâng giá giá bán lẻ lên gần 500.000 đồng. Đây là lần thứ ba giá gas tăng kể từ đầu năm. Đến thời điểm hiện tại, theo niêm yết giá gas của chi nhánh Công ty cổ phần gas Petrolimex Hà Nội, giá bình gas 12kg là 493.548 đồng, bình 13 kg là 534.677 kg. Với mức tăng và tần suất tăng giá nhanh như vậy, các bà nội trợ đang phải tìm mọi cách xoay sở để "chống chọi" với túi tiền có hạn.

Chị Nguyễn Thị Mai, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, gia đình chị kinh doanh nhà nghỉ. Thu nhập một ngày không dưới 2 triệu đồng tiền cho thuê phòng, nhưng từ ra Tết, giá gas tăng, mẹ chồng chị sắm hẳn đến 3 bếp than. Theo lý giải của chị Mai, việc hàng ngày phải đun nước phục vụ cho khách, nấu ăn cho những khách thuê phòng dài ngày thì không dùng bếp than không được. Bếp gas chỉ để nấu các món xào, ăn nhanh hoặc hâm nóng thức ăn. Giờ đây, mỗi ngày đi làm về, chị phải vật lộn với bếp than để nấu bữa cơm như một cực hình.

"Bếp than cháy chậm, mùi than xộc lên mũi khi nấu. Không những vậy, bếp than để ở tầng trong ngôi nhà ống khiến nhà không lúc nào hết mùi than. Tôi mà có ý kiến kiểu gì cũng bị mẹ chồng cho là lười, là không biết sống tiết kiệm, nên cả nhà đành sống chung với khói than", chị Mai chia sẻ.

Nếu như trước kia có được căn hộ ở chung cư là mơ ước của nhiều người thì giờ những người sống ở chung cư lại phải tìm mọi cách "lọt", "lách" bảo vệ để dùng trộm bếp than. Bất chấp những nguy cơ hỏa hoạn và bệnh tật bủa vây của khói độc từ than tổ ong.

Chị Nguyễn Thị H, sống tại chung cư Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, gia đình chị có đến 7 người. Một ngày phải nấu ăn 2 bữa, ngoài ra còn đun nước uống, nước tắm vì nếu cả nhà mùa đông tắm mà dùng bình nóng lạnh thì tháng phải hết hàng triệu đồng tiền điện. "Tôi cầm hóa đơn tiền điện mà xót ruột. Vì thế thi thoảng tôi cũng phải tiết kiệm bằng cách dùng thêm bếp than, dù biết về quy định là không được đun nấu bếp than trong chung cư. Mỗi lần xách viên than lên phòng, tôi phải dùng túi đen, đi vứt bỏ than nấu xong cũng vậy, lúc nào cũng nơm nớp lo bảo vệ chung cư phát hiện. Tôi cũng mệt mỏi lắm nhưng không biết làm thế nào!".

Bệnh tật bủa vây người dùng

Một cán bộ làm việc tại xí nghiệp quản lý nhà Hà Nội cho biết, tình trạng các hộ sống trong chung cư sử dụng bếp than không phải là hiếm. Họ nấu lén lút ở ban công, nhân viên bảo vệ tòa nhà không thể ngày nào cũng vào tận từng căn hộ để kiểm tra. Nếu phát hiện thì nhắc nhở hoặc yêu cầu họ viết cam kết không nấu bếp than nữa. Thường khi phát hiện, gia đình nào cũng lấy lý do họ không có điều kiện kinh tế, dùng bếp gas không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Đặc biệt, hiện tại các nhân viên quản lý tòa nhà chỉ có thể nhắc nhở chứ chưa thể xử phạt vì chưa có chế tài.

Chị Trần Phương Lan, Linh Đàm, Hà Nội cho biết: "Quả thật từ khi sử dụng bếp than, thay vì mỗi tháng dùng hết một bình gas 12kg thì nay được khoảng gần 2 tháng. Tuy nhiên, vì nhà xây không gian hẹp nên khí than không thoát được nên trong nhà lúc nào cũng có mùi than gây khó thở. Mỗi lần nấu, tôi lại phải đưa cậu con trai (2 tuổi) vào phòng đóng kín cửa, cố hạn chế hơi than lọt vào nhưng thằng bé vẫn hay bị ho, ốm vặt liên tục".

Theo tính toán của chị Lan, gia đình chị tiết kiệm được khoảng 200.000 tiền gas mỗi tháng nhưng lại phải mất hàng triệu đồng tiền đi khám và mua thuốc cho con trai. "Con ốm, sốt quấy đâm ra hai vợ chồng tôi lại hay cãi nhau. Chồng tôi thì bắt bỏ bếp than nhưng nếu bỏ bếp than thì các món hầm, kho chắc chỉ dám ăn mỗi tháng một lần. Còn đun nước tắm, hầm cháo, hầm xương cho con. Chuẩn bị một loạt các mặt hàng tiêu dùng tăng giá, tôi cầm tiền đi chợ mà như bị mất cắp, về nhà chế biến kiểu gì cũng phải đau đầu suy nghĩ", chị than thở.

Hoàng Mai