Gây ra hàng loạt vụ trộm, đối tượng lao thẳng xe vào tổ tuần tra khi bị vây bắt

Đặng Thủy

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lơ là quản lý tài sản, Đàm Văn Quảng và Lê Quốc Duy đã gây ra hàng loạt vụ trộm cắp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong quá trình chạy trốn, Duy còn táo tợn đâm thẳng xe về phía CSGT. ".

Hành vi táo tợn

Ngày 7/4, thông tin với Người Đưa Tin Pháp luật, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Công an huyện Chiêm Hoá đang xử lý 2 đối tượng trộm cắp tài sản, trong quá trình truy bắt một kẻ còn táo tợn lao xe về phía các chiến sỹ CSGT.

Cụ thể, trưa ngày 3/4, tại địa bàn Thôn Hợp Long, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa xảy ra vụ mất trộm xe mô tô biển số 22F1-305.97, đối tượng trộm cắp chạy theo hướng Chiêm Hóa đi thành phố Tuyên Quang.

Nhận được tin báo, Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên thuộc phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã triển khai lực lượng, lên phương án vây bắt đối tượng.

Đến 13h45 cùng ngày, tổ tuần tra phát hiện đối tượng nam giới điều khiển xe mô tô có màu sơn, nhãn hiệu giống như xe bị mất cắp, tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên đã ra hiệu lệnh dừng xe nhưng đối tượng không chấp hành hiệu lệnh. Táo tợn hơn đối tượng tăng ga điều khiển phương tiện đâm thẳng vào tổ công tác để tẩu thoát.

Bằng sự mưu trí và có sự chuẩn bị trước, Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên đã nhanh chóng truy đuổi và bắt giữ được đối tượng. Qua đấu tranh, đối tượng khai tên là Lê Quốc Duy (SN 1985, trú tại xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Ngay sau đó, đối tượng cùng tang vật được bàn giao cho Công an huyện Chiêm Hóa điều tra.

Ngựa quen đường cũ

Mở rộng điều tra, đến 2h sáng ngày 6/4, Công an huyện Chiêm Hóa đã bắt giữ thêm Đàm Văn Quảng (SN 1991, trú tại xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, đồng phạm với Duy), khi Quảng đang lẩn trốn tại một người quen tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tại cơ quan điều tra, cả 2 đã cúi đầu nhận tội. Theo đó trong khoảng thời gian từ tháng 01/2020 đến khi bị bắt Duy và Quảng đã gây ra 8 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và TP. Tuyên Quang.

"Mặc dù trong thời gian cách ly xã hội nhưng Duy và Quảng không chấp hành. Bọn chúng thường xuyên đi xe máy dọc các dãy phố, khu dân cư, thấy nhà nào để xe máy bên ngoài, không ai trông coi là chúng hành động. Lấy được xe máy, chúng đem về Hà Nội bán với giá chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng chia nhau tiêu sài.

Cả hai đối tượng đều là thành phần bất hảo tại địa phương. Đàm Văn Quảng từng có một tiền án về tội Cướp giật tài sản còn Lê Quốc Duy có 2 tiền án về Trộm cắp tài sản. Tuy nhiên đối tượng không chịu làm ăn chân chính mà vẫn ngựa quen đường cũ. Hiện cơ quan công an vẫn tiếp tục điều tra làm rõ”, lãnh đạo Công an huyện Chiêm Hoá thông tin thêm.

Trả giá đắt trước pháp luật

Về trách nhiệm pháp lý trong vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Công ty luật TNHH MTV Đại Dương Long, Đoàn Luật sư TP. Hà cho biết, theo thông tin trong vụ án thì hành vi của các đối tượng đủ cấu thành tội Trộm cắp theo quy định tại điều 173 bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Ngoài ra đối tượng Lê Quốc Huy có hành vi lao xe vào tổ công tác CSGT thì có thể phải chịu tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 BLHS 2015.

Theo quy định tại Điều 173 – Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội trộm cắp tài sản như sau: “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 1. a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; 2. b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 3. c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 4. d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: 3. a) Có tổ chức; 4. b) Có tính chất chuyên nghiệp; 5. c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; 6. d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; 1. e) Tài sản là bảo vật quốc gia; 2. g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: 4. a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; 5. b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: 7. a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; 8. b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Theo đó các đối tượng có thể phải đối mặt với mức án từ 7 năm đến 15 năm tù theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 173 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội trộm cắp tài sản nếu cơ quan cảnh sát điều tra chứng minh được người phạm tội đã dựa vào những điều kiện thuận lợi cho mình được tạo ra bởi chính sự khó khăn trong hoàn cảnh đất nước đang có dịch bệnh để phạm tội.

Bên cạnh đó các đối tượng trên đều có tiền án và phạm tội nhiều lần nên trong quá trình giải quyết vụ án cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, thu hồi tài sản trộm cắp để định giá tài sản làm căn cứ định khung cũng như hoàn trả tài sản bị mất cho người bị hại.

Ngoài ra hai đối tượng trên còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị mất tài sản theo quy định tại điều 584 BLDS 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP hướng dân áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Cũng theo tinh thần của điều luật nếu có thiệt hại xảy ra với tổ CSGT các đối tượng trên cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra đối tượng Lê Quốc Huy còn có thể bị khởi tố thêm về hành vi chống người thi hành công vụ được quy định tại khoản 1 điều 330 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát , Chính phủ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội mà các đối tượng còn lợi dụng sơ hở để phạm tội. Chỉ thị 16/CT-TTg là “cách ly xã hội”, để đảm bảo an toàn cá nhân. Hiện nay chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm quy định về cách ly xã hội nên người nào ra khỏi nhà trái quy định thì được xác định là hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân”. Hành vi này có mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CS.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với người dân không được chủ quan trong bất kì hoàn cảnh nào, cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với mọi loại tội phạm cũng như chấp hành nghiêm chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội.

Đ.T