Ghé thăm

Ghé thăm "Thủ đô văn hóa châu Âu"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Thành phố công nghiệp Linz có một đời sống văn hóa nghệ thuật hiện đại, mang nhiều thiên nhiên trong lòng thành phố và qua truyền thống lâu đời của một nơi buôn bán trong lịch sử đã bảo tồn được một nét sống động đặc biệt.

Trên đường từ thành phố Salzburg xinh đẹp đến thủ đô Wien lộng lẫy người ta thường không nhìn thấy Linz: Không có toàn cảnh dãy núi Alps, không có quyến rũ Baroque di sản thế giới của UNESCO, không có lãng mạn xe ngựa tráng lệ và ngay đến nhà soạn nhạc vĩ đại Mozart cũng chỉ đến viếng thăm qua loa. Thành phố chỉ đi vào sách nấu ăn với món bánh ngọt truyền thống và đi vào sử sách như một nơi có nhiều dự án hoang đường của Adolf Hitler.

Người đẹp tỉnh lẻ cạnh dòng sông Danube. Ảnh: TMN.

Nhưng có phải nhiều tình yêu chỉ bắt đầu từ cái nhìn lần thứ hai hay không? Và nàng công chúa ngủ trong rừng cũng đã phải cần đến một hoàng tử đánh thức. Chàng hoàng tử của thành phố cạnh sông Danube này mang tên "Linz09", nơi được mệnh danh là "Thủ đô văn hóa châu Âu".

Mang văn hóa đến người dân: Lễ hội nghệ thuật trên đường phố mang tên "Pflasterspektakel" trong tháng 7. Ảnh: TMN.

Vươn cao trên thành phố, trong ngôi Nhà thờ Thánh Martin là Chúa Giê xu trên thập tự giá, một bích họa của năm 1440 – minh chứng lâu đời nhất cho tính quốc tế của Linz. Đấy là bản sao của tác phẩm trong Thánh đường Lucca ở Ý. Có lẽ một thương gia đã nhìn thấy tác phẩm này ở Lucca và cho sao chép lại tại Linz.

Vì xưa nay dòng sông Danube bao giờ cũng mang người từ khắp nơi trên châu Âu đến thành phố Linz. Con người đã định cư ở đây từ thời Đồ đá mới. Linz được nhắc đến lần đầu tiên trong các văn kiện trong năm 799 như một nơi buôn bán thời Trung cổ.

Linz về đêm. Ảnh: Christian Hiebl/Fotocommunity.

Quảng trường chính (Hauptplatz) là trái tim của Linz: Một quần thể nhà cổ với mặt tiền Baroque có màu sắc tươi sáng. Trong một căn nhà 600 năm tuổi là "Hotel Wolfinger", nơi nhiều hoàng đế và vua chúa đã từng qua đêm. Mặt tiền không quá rộng, không có quá nhiều cửa sổ. Ngày xưa người ta phải đóng thuế theo chiều dài của mặt tiền. Vì thế mà những căn nhà ở đây được xây hẹp nhưng rất sâu vào phía sau. Người ta đã xây như thế trước đây 600 năm, thời mà Linz là một nơi buôn bán sầm uất.

Quảng trường chính của Linz. Ảnh: TMN.

Linz là một trong số các trung tâm kinh tế lớn nhất của Áo với nhiều tập đoàn công nghiệp như tập đoàn thép Voestalpine hay công nghiệp hóa. Nhiều hội chợ và hội nghị mang doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới đến đây.

Thế nhưng đời sống mang tính quốc tế cạnh dòng sông Danube không tạo được dấu ấu trong người dân thành phố Linz. "Linz – người ta luôn mỉm cười ở Áo, khi ai đó nhắc đến tên thành phố này, nó tự nhiên có vần với tỉnh lẻ", nhà thơ, nhà văn người Áo Stefan Zweig (1881-1942) đã từng chế nhạo như vậy. Người dân Linz chắc chắn là những người thân thiện, nhưng họ không để cho cái mới, cái lạ đến với họ một cách dễ dàng.

Vì thế mà những người sáng tạo nghệ thuật, những người mong muốn Linz trở thành một thành phố hiện đại với một giới nghệ thuật mang tính đột phá, luôn phải đấu tranh với nhiều sức cản. Công trình xây dựng có dạng như một cây cầu của Viện bảo tàng nghệ thuật Lentos cạnh bờ sông Danube đã nhanh chóng có cái tên "hộp đựng giày". Nhiều người dân đã phàn nàn rằng họ có cảm giác bị lóa mắt bởi mặt tiền phản chiếu của tòa nhà.

"Hộp đựng giày" ở Linz. Ảnh: TMN.

Chiếu sáng nghệ thuật nhân dịp Giáng Sinh vài năm trước đây – một phác thảo của Đại học Nghệ thuật – cũng đã gây ồn ào với nhiều thiên thần nhỏ "khỏa thân". Người ta đã thất vọng vì không có "sao nhỏ" và "chuông nhỏ".

Trong năm là thủ đô văn hóa châu Âu (2009), Linz cũng không ngần ngại trình bày một chương lịch sử không mang nhiều niềm tự hào hãnh diện. Vì đã một lần thành phố này được dự định trở thành trung tâm của văn hóa và nghệ thuật – nhưng từ một phương diện khác. Adolf Hitler, đã từng đi học phổ thông tại Linz, đã có kế hoạch cho nhiều công trình xây dựng phô trương và nhiều con đường lộng lẫy, muốn xây dựng ở Linz một nhà triển lãm nghệ thuật lớn nhất thế giới. Cho đến nay, người ta vẫn còn gọi những khu nhà ở được xây vào thời đấy là "nhà Hitler". Nhưng may mắn là ngoài cây Cầu Nibelungen ra, nhiều kế hoạch của ông ta vẫn chỉ là ảo tưởng.

Chiếc bánh truyền thống mang tên thành phố. Ảnh: Wikipedia.

Người đẹp kín đáo sẽ làm cho cả châu Âu ngạc nhiên và sẽ cho cả thế giới biết rằng họ có rất nhiều khả năng hơn là làm chiếc bánh ngọt truyền thống.

Phan Ba