“Giá điện tùy thuộc vào tình hình kinh tế”

“Giá điện tùy thuộc vào tình hình kinh tế”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Chiều 3/8 Bộ Công Thương đã chính thức công bố Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 2020, có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII).

Quy hoạch điện này dự tính sẽ cung cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 sẽ đạt khoảng 210 tỷ kWh, năm 2020 sản lượng điện có thể đạt từ 330-362 tỷ kWh. Bộ Công Thương cho biết, để thực hiện được Quy hoạch điện VII sẽ phải cần đến khoảng 930 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi năm sẽ phải cần đến gần 5 tỷ USD đầu tư cho ngành điện. ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Đầu tư ngành điện luôn là chuyện đau đầu về nguồn vốn

Giá điện còn thấp?

Quy hoạch điện VII cần một lượng vốn không nhỏ, Bộ Công thương đã có những giải pháp nào tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành điện và hoàn thành Quy hoạch điện sắp tới?

Từ đầu năm nay chúng ta có một đợt tăng giá điện, giá điện bình quân năm 2011 là 1.242 đồng, giá điện này còn thấp so với mức giá ngành điện có thể vận hành có lãi. Tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2010 rất khó khăn, điều này không còn là bí mật nữa. Sơ bộ, nguyên lỗ về sản xuất kinh doanh năm 2010 của EVN là 8.185 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm lỗ gần 3.500 tỷ đồng. Với số lỗ như vậy, EVN đang nợ Tập đoàn Than khoáng sản (TKV), Tập đoàn Dầu khí (PVN) gần 10.000 tỷ đồng.

Với giá điện hiện nay, EVN và các đơn vị hoạt động kinh doanh điện năng đang rất khó khăn. Để thực hiện thành công Quy hoạch điện VII này cần một nguồn tài chính rất lớn. Chương trình đầu tư trong 10 năm đầu, mỗi năm gần 5 tỷ USD, trong năm 2020 mỗi năm huy động khoảng 7,5 tỷ USD. Có nhiều giải pháp để tạo nguồn vốn cho ngành điện, nhưng giải pháp quan trọng nhất vẫn là cải thiện giá điện.

Giá điện phải đủ bù đắp được chi phí đầu tư và có lợi nhuận hợp lý để thu hút được các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào các dự án điện. Trong quy hoạch điện VII, giá điện sẽ đạt tới 8-9 cent, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào, vào lúc nào Chính phủ sẽ cân nhắc, xem xét để đảm bảo giải quyết khó khăn về tài chính cho EVN nhưng mặt khác cũng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô chung. Đến một giai đoạn nào đó, ngành điện có thể có một cơ chế giá điện linh hoạt để khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào ngành điện.

Nhiều năm nay, ngành điện luôn nói rằng thiếu điện do thiếu nước, thủy điện chiếm tới 65%. Vậy trong quy hoạch điện VII, nguyên nhân thiếu điện do thiếu nước có khắc phục được không?

Trong cơ cấu nguồn, thủy điện chiếm 35%, vào mùa khô sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng điện của toàn hệ thống. Trong tương lai, tỷ trọng của nhiệt điện sẽ lớn hơn rất nhiều, thủy điện chỉ còn hơn 10 %, ảnh hưởng của nước trong mùa khô đến sản lượng điện sẽ ít hơn.

Giá điện phụ thuộc vào tình hình kinh tế

Ở Quy hoạch điện VI, một trong những nguyên nhân làm Quy hoạch điện VI chậm tiến độ là do EVN trả lại 13 dự án nhiệt điện than. Trong Quy hoạch điện VII, EVN chiếm bao nhiêu phần trong trong tổng cơ cấu nguồn?

Hầu hết các dự án nguồn từ nay đến năm 2020 đều đã xác định được các chủ đầu tư. Trong đó có nhiều dự án là do EVN đầu tư, không ít dự án do các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước như PVN, TKV là chủ đầu tư, một số ít các dự án BOT của nước ngoài. Các dự án của các ngành khác có lẽ dễ dàng hơn so với ngành điện bởi mỗi dự án điện phải đầu tư hàng tỷ usd. Rõ ràng, trách nhiệm chính vẫn nằm trên vai các tập đoàn kinh tế của Nhà nước như EVN, PVN,TKV, một số ít là các nhà đầu tư tư nhân. Cho tới thời điểm hiện nay, EVN hiện đang tham gia vào khoảng dưới 50% với 39 dự án, vốn đầu tư lên tới 27.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới EVN tiếp tục đầu tư vào các dự án lớn cùng với PVN và TKV.

Đầu tư ngành điện luôn là chuyện đau đầu về nguồn vốn

Có thông tin rằng, với giá điện hiện hành là 1242 đồng /kWh, ngành điện đang lãi 18%, điều này có đúng không?

EVN đang nợ gần 10 nghìn tỷ đồng, giá điện đang áp dụng chưa đủ để EVN hoạt động có lãi. 6 tháng đầu năm lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, định hướng của Chính phủ cũng đã nêu là đến năm 2020 giá điện sẽ tiến tới 8-9 cent. Từ nay đến lúc đó có 10 năm để triển khai lộ trình tăng giá điện này, tăng như thế nào còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế nói chung. Thông tin ngành điện đang lãi đến 18% là không có cơ sở. Nếu EVN lãi cao như thông tin đã đưa thì với giá điện 1.242 đồng, EVN có lẽ đã thanh toán được 10.000 tỷ đồng tiền nợ.

Xuyến Chi