Giá lợn vừa tăng đã giảm: ‘Người chăn nuôi đang ‘mù’ thông tin'?

Giá lợn vừa tăng đã giảm: ‘Người chăn nuôi đang ‘mù’ thông tin'?

Thứ 7, 29/07/2017 | 07:10
0
“Bộ nào cũng cát cứ, thông tin không rõ ràng, rủi ro đẩy cho người chăn nuôi”, TS. Trần Duy Khánh nói.
Xã hội - Giá lợn vừa tăng đã giảm: ‘Người chăn nuôi đang ‘mù’ thông tin'?

TS. Trần Duy Khanh: "Người chăn nuôi đang "mù" thông tin". (Ảnh: Internet).

Giá thịt lợn bất ngờ giảm sau 2 tuần biến động. Người tiêu dùng không hiểu điều gì đang diễn ra với sản phẩm do mình làm ra. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam về tình trạng này.

PV: Chưa đầy nửa tháng, giá lợn hơi đã có những biến động vô cùng bất ngờ. Giá đang leo thang từng ngày, có lúc đỉnh điểm tiến sát mốc 45.000 đồng/kg, nhưng sau đó lại đột ngột quay đầu giảm. Ông nhận định sao về thực trạng này?

TS. Trần Duy Khanh: Giá lợn bất ngờ giảm sau 2 tuần biến động đang phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường. Nhà nước không thể can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính được.

Dư luận đặt câu hỏi tại sao giá lợn hơi tăng cao 40.000 - 42.000 đồng/kg, có nơi lên tới 45.000 đồng rồi bất ngờ giảm xuống? Điều này được lý giải rằng, đặc điểm của ngành chăn nuôi là tính mùa vụ rất rõ và phụ thuộc vào sức tiêu thụ của người tiêu dùng. Trong khi đó, người nông dân chăn nuôi theo tâm lý đám đông chứ không tính đến quan hệ cung cầu, nhu cầu của thị trường.

PV: Đành rằng lỗi của người nông dân là chăn nuôi theo tâm lý đám đông, nhưng xem ra vai trò của cơ quan quản lý quá mờ nhạt, không điều tiết được thị trường, thưa ông?

TS. Trần Duy Khanh: Có một thực trạng đang tồn tại là cơ quan quản lý không dự báo được thị trường, con số thống kê về đàn lợn cũng không chính xác. Số liệu đầu lợn tính theo thời điểm, trong khi lợn nuôi quay vòng một năm hai lứa thì làm sao cơ quan quản lý chỉ đạo chính xác được? Tôi đã từng công tác tại một địa phương, rất bất ngờ với việc cán bộ tại đó đưa ra số liệu thống kê “áng chừng” và tôi gọi vui đó là “số liệu liều”.

Số liệu thống kê không chính xác dẫn đến việc chỉ đạo của cơ quan quản lý mạnh ai nấy làm. Bộ Công Thương chỉ quan tâm đến việc làm thị trường, xúc tiến thương mại và vẫn cho “lệnh” nhập thịt. Ngành nông nghiệp hô hào sản xuất, ngành thống kê đưa ra số liệu “trên trời”... Từ số liệu thống kê cho thấy, các Bộ đang quản lý theo kiểu cát cứ, cắt rời, không thống nhất. Tôi cũng xin thẳng thắn nói rằng, các Bộ chưa bao giờ ngồi bàn với nhau để cứu ngành chăn nuôi.

PV: Hiện, chúng ta vẫn có cơ quan dự báo thị trường nhưng thực tế những dự báo đó chưa giúp người chăn nuôi thích nghi với quy luật cung- cầu, vì sao vậy, thưa ông?

TS. Trần Duy Khanh: Bộ nào cũng có cơ quan dự báo thị trường nhưng nghịch lý là dự báo đó chỉ để cung cấp cho các nhà khoa học chứ không phục vụ người chăn nuôi. Mà điều tệ hại, muốn có dự báo, các nhà khoa học cũng phải bỏ tiền ra để mua (tôi đã phải bỏ ra 1,5 triệu đồng mua bộ thống kê đàn lợn của một năm-PV). Cơ quan quản lý phải đưa được dự báo đến với người dân nhưng thực tế khâu truyền thông lại không có. Người chăn nuôi đang “mù” thông tin. Chả lẽ người dân phải bỏ tiền mua dự báo từ cơ quan quản lý?

PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp cứu ngành chăn nuôi, không đẩy rủi ro cho người dân?

TS. Trần Duy Khanh: Theo tôi, chúng ta cần có kênh chuyên dự báo về nông sản trên truyền hình hàng ngày, hàng tuần để người dân theo dõi và nắm được. Nếu vẫn giữ cách thông tin nhỏ giọt, mập mờ như hiện nay thì người dân còn khổ.

Cơ quan quản lý phải điều hành đồng bộ, không cát cứ, thông tin thị trường phải minh bạch, công khai. Vụ Thị trường ngoài nước, vụ Giá cả của bộ Công Thương, bộ NN&PTNT phải có thông tin hằng ngày để người dân tiếp cận một cách nhanh nhạy, chính xác. Hơn nữa, các cơ quan quản lý cũng cần thay đổi lại phương pháp thống kê nhằm đánh giá chính xác số gia súc, gia cầm. Chỉ cần làm được điều đó là người nông dân sẽ biết cách tự cứu mình. Khi đó, người chăn nuôi đã có kênh thông tin hằng ngày, họ phải thay đổi ý thức, không còn là chăn nuôi tự túc, tự cấp mà là cung cấp hàng hóa ra thị trường.

Nếu thông tin thị trường minh bạch mà nông dân vẫn chăn nuôi theo đám đông thì không thể đổ lỗi cho cơ quan quản lý. Trước hết, người chăn nuôi phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Để thay đổi được tư duy của bà con hiện nay là rất khó. Có thực trạng doanh nghiệp ký hợp đồng ổn định giá cho nông dân nhưng khi giá cao, người dân phá hợp đồng, đẩy khó cho doanh nghiệp. Trong thời buổi sản xuất công nghệ cao không thể tồn tại kiểu làm ăn chụp giật được.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xã hội - Giá lợn vừa tăng đã giảm: ‘Người chăn nuôi đang ‘mù’ thông tin'? (Hình 2).

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT):

Biến động vừa qua là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại chính mình

Việc giá lợn quay đầu giảm không phải là vấn đề lớn, nó phản ánh đúng quy luật thị trường. Cung - cầu gặp nhau ở ngưỡng từ 38.000 đến 40.000 đồng, thậm chí lên đến 45.000 đồng/kg vẫn nằm trong giới hạn kiểm soát. Tất nhiên, khi giá vừa lên được 2 tuần đã giảm sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của người chăn nuôi.

Giá lợn tăng hay giảm trong vài ba ngày không phải thước đo cho cả ngành chăn nuôi, chúng ta phải tính giá bình quân của tháng chứ không thể tính theo tuần. Cung - cầu hiện nay không bị ảnh hưởng từ thị trường ngoài nước, với mức giá thời điểm này, người nông dân có thể hòa, thậm chí có chút lãi. Thực tế, dù có giảm nhưng tôi nhận định thị trường đang hoàn toàn bình thường, thậm chí là tích cực, vì thế người dân cũng không nên điều chỉnh tốc độ tăng đàn hay phá đàn.

H.Lan - Đ.Thơm