img

Không thực hiện Nghị quyết 88 và hệ luỵ từ bộ GD&ĐT

Cẩm Mịch

Bộ GD&ĐT không thể tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đã kéo theo nhiều hệ lụy cả về giá thành lẫn chất lượng. Phía sau những lý giải mà Bộ đưa ra, liệu có phải do việc biên soạn sách giáo khoa phải “có mâm có đọi”, “có ban có bệ” quy củ?

Hệ lụy từ “thất bại” của bộ GD&ĐT

img

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, bộ GD&ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa khác do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ không thể biên soạn được một bộ sách giáo khoa riêng, bởi không tuyển chọn được một đội ngũ tác giả. Bộ GD&ĐT lý giải, ngay từ khi công bố chương trình tổng thể thì một số nhà xuất bản đã nhanh tay ký hợp đồng với số đông tác giả có kinh nghiệm viết sách giáo khoa.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật về vấn đề này, ThS Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài - giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Bình Hưng Hòa (TP Hồ Chí Minh) - đánh giá: “Từ chỗ bộ GD&ĐT không biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội dẫn đến giá sách tăng phi mã (Có bộ sách tăng tới 4 lần – PV), thiếu tính cạnh tranh cả về giá và chất lượng làm ảnh hưởng đến người dân - nhất là dân nghèo”.

Vấn đề này, nhà xuất bản Giáo dục lý giải, bộ sách mới có nhiều cuốn hơn so với bộ sách hiện hành; chi phí tổ chức bản thảo, vật tư, công in, lưu thông bán hàng; tích hợp công nghệ 4.0 và kể cả dán tem công nghệ chống giả nên giá bị đẩy lên cao.

“Công bằng mà nói, những viện dẫn này đều hợp lý nhưng cũng chỉ có thể chấp nhận được một phần nào đó. Trên thực tế, giá sách giáo khoa mới tăng cao là do các nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách đã “lờ” chỉ đạo về giá của bộ Tài chính và bộ GD&ĐT, đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 88. Vậy nên, về bản chất, các nhà xuất bản đã xã hội hóa về giá sách giáo khoa, chứ không phải xã hội hóa về đổi mới chất lượng”, ThS Phan Thế Hoài bày tỏ.

Theo ông Hoài, lẽ ra, với vai trò và thẩm quyền của mình, bộ GD&ĐT phải tham mưu cho cơ quan quản lý giá, kể cả báo cáo với Quốc hội và Chính phủ, chứ không để giá sách “nhảy múa” như giá.. vàng ngoài thị trường”.

Đồng quan điểm đó, ThS Ngôn ngữ Anh Huỳnh Hoài An - nghiên cứu sinh Ngôn ngữ học, Giám đốc tổ chức Đầu tư và phát triển giáo dục Hoa Kỳ Tâm An - cũng nhận định: “Nếu bộ GD&ĐT biên soạn được một bộ sách của riêng mình như tinh thần của Nghị quyết 88 thì sẽ là quy chuẩn về mọi mặt từ nội dung, số lượng sách cũng như giá thành để từ đó áp dụng cho các đơn vị tham gia biên soạn, tránh được tình trạng tăng giá”.

ThS Huỳnh Hoài An phân tích: “Hiện nay, cả 5 bộ sách giáo khoa mới vừa được công bố thì đã nhận được nhiều ý kiến xã hội, đặc biệt nhất là về giá thành. Tại sao giá sách giáo khoa mới lại cao hơn gấp 4 - 5 lần sách giáo khoa hiện hành?

Các nhà xuất bản tự quyết định giá bán mà như trong giải trình bao gồm tất cả các chi phí, thậm chí có cả chi phí các khâu như hành chính, bao tiêu, tiếp khách, quảng cáo… Tất cả những cái đó cấu thành nên giá sách khiến người dân phải chịu. Việc tự ý đưa ra nhiều sách như vậy nên rất dễ độc quyền về giá, cũng giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Bộ GD&ĐT đã không thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội, mà “thả nổi” cho thị trường nâng giá, có thể nói đây là xã hội hóa về giá sách giáo khoa thì đúng hơn!”.

“Tạm gác qua vấn đề về giá thành, đến thời điểm hiện tại, các môn học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đều đã có đủ sách giáo khoa, nhưng riêng chương trình tiếng dân tộc thiểu số, sách chữ nổi, là môn học tự chọn thì chưa có sách.

img

Lý do mà Bộ đưa ra sau đó, chưa thực sự thuyết phục, vì 8 chương trình tiếng dân tộc thiểu số sau khi được phê duyệt năm 2018, theo kế hoạch, việc thực nghiệm chương trình được tổ chức vào học kỳ II năm học 2019 - 2020 để hoàn thiện, ban hành chương trình và triển khai biên soạn sách giáo khoa theo lộ trình áp dụng.

Nhưng rõ ràng vẫn chưa thể thực hiện vì về cơ bản, Bộ không biên soạn sách, nên không có bản quyền để làm bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc song ngữ. Mà bộ GD&ĐT không làm sách giáo khoa, thì ai lo cho học sinh dân tộc thiểu số?”, Giám đốc tổ chức Đầu tư và phát triển giáo dục Hoa Kỳ Tâm An băn khoăn.

“Không mời được chuyên gia” chỉ là viện dẫn cho việc “có mâm có đọi”?

Theo ThS Phan Thế Hoài, lý giải mà bộ GD&ĐT đưa ra khi không thể tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa là rất thiếu thuyết phục: “Tôi cho rằng, lý giải của Bộ khó thuyết phục, bởi thực tế, chuyên gia viết sách giáo khoa còn rất nhiều, không chỉ giới hạn ở mấy chục tác giả quen thuộc như hiện nay.

Hơn nữa, phần đông đội ngũ tác giả viết sách từ trước đến nay đa phần làm công tác nghiên cứu mà không trực tiếp giảng dạy học sinh các cấp nên việc biên soạn nội dung kiến thức còn rất bất cập.

Chẳng hạn, môn Toán (các cấp) của bộ sách giáo khoa hiện hành, có nhiều kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế, gây trở ngại cho học sinh. Hoặc môn Ngữ văn, càng cải cách thì càng dở bởi nhiều văn bản văn học được đưa vào sách giáo khoa một cách khô khan, không gần gũi với hơi thở cuộc sống, thậm chí, thiếu giá trị văn chương khiến thầy và trò đều chán ngán.

Qua thực tiễn dạy học tôi nhận thấy, đội ngũ nhà giáo giỏi, tâm huyết, nhiều kinh nghiệm sư phạm - tức “vừa có tâm, vừa có tầm”, ở các trường đại học sư phạm và các trường phổ thông không hề thiếu. Vấn đề ở đây, Bộ có tiếp cận được với những thầy cô như thế hay không? Hay việc biên soạn sách giáo khoa, tới lui cũng chừng ấy mặt người, phải “có mâm có đọi”, “có ban có bệ” quy củ?”.

“Ngoài ra, tôi cũng rất băn khoăn một điều nữa, các thành viên của ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 viết chương trình tổng thể, chương trình môn học cho Bộ nhưng lại ký hợp đồng viết sách giáo khoa cho các nhà xuất bản khác. Sức đâu ra mà họ đi “thâm canh” nhiều thế?

Như vậy, có thể khẳng định, nếu Bộ chủ động, dứt khoát, có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu thì đội ngũ tác giả này đã không cao chạy xa bay”, ThS Phan Thế Hoài bày tỏ.

img

Trước thông tin lý do mà Bộ không làm được sách vì “hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản”, hay “thiếu nguồn nhân lực viết sách giáo khoa”, ThS Huỳnh Hoài An cũng hoài nghi: “Nguồn nhân lực có khả năng viết sách giáo khoa không chỉ có vài trăm người. Các lý do này khó thuyết phục, liệu có vấn đề gì đằng sau đó hay không? Điều này thực sự khiến dư luận lo ngại về tính minh bạch khi lựa chọn sách giáo khoa...”.

C.M

img