Khép phiên 11/8, giá vàng giao ngay giảm 5,2% xuống 1.921,5 USD/ounce, giảm mạnh từ mức cao kỷ lục 2.072,5 USD/ounce ghi nhận trong phiên cuối tuần trước và trên đà hướng đến ngày giao dịch tệ nhất kể từ tháng 6/2013. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 4,6% xuống 1.946,3 USD/ounce.
Điều này khiến giá vàng trong nước liên tục được điều chỉnh giảm, mỗi lượng vàng miếng tính tới 17h chiều 11/8 đã mất hơn 7 triệu đồng so với 5 ngày trước, còn đến sáng nay (12/8), con số chênh lệch lên gần 10 triệu đồng.
Ghi nhận số lượng giao dịch tại các hệ thống kinh doanh vàng tại Hà Nội cũng giảm đáng kể so với cuối tuần trước.
Mở cửa sáng nay 12/8, công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 50,7 - 52,94 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên hôm qua, mức giá này giảm 2,88 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2,56 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Còn tại tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC hôm nay 12/8 được điều chỉnh giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 51,5 - 54 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận định số liệu kinh tế tốt hơn dự kiến đã giúp thúc đẩy hoạt động bán tháo, song triển vọng đối với giá vàng vẫn lạc quan. Giá sản xuất tại Mỹ đã phục hồi nhiều hơn dự kiến trong tháng 7/2020, trong khi chỉ số S&P đang tiến gần hơn đến các mức cao kỷ lục.
Đà tăng xô đổ các mức kỷ lục của giá vàng đã bị chi phối bởi việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cao hơn khiến tài sản không sinh lời như vàng trở nên kém hấp dẫn.
Bá Di