Giá xăng dầu tăng đẩy lạm phát dâng cao, WB khuyến nghị giải pháp

Giá xăng dầu tăng đẩy lạm phát dâng cao, WB khuyến nghị giải pháp

ctv ban 2

ctv ban 2

Thứ 3, 14/06/2022 15:51

Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam tăng tháng thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm, chủ yếu do giá xăng và dầu diesel tăng vọt, liên tục đạt kỷ lục.

Theo báo cáo cập nhật về kinh tế vĩ mô của Việt Nam mới nhất được tổng hợp và phân tích bởi The World Bank, kinh tế Việt Nam đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.

Theo The World Bank, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 5/2022 tăng 10,4% (so với cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ trước đại dịch. Sản xuất đồ uống tăng 13,8% cho thấy tiêu dùng trong nước đang được đẩy mạnh.

Sản xuất may mặc, giày da, và máy vi tính, điện tử và sản phẩm quang học cũng duy trì tăng trưởng vững chắc với tốc độ lần lượt là 26,8%, 17,9% và 16,8% (so cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị giảm tốc từ tốc độ tăng trưởng 26,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3 xuống còn 6,1% trong tháng 4 và chỉ đạt 3,7% trong tháng 5.

Xu hướng chững lại này có thể liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Thực tế, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị đã giảm trong 3 tháng qua so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 51,7% trong tháng 4 lên 54,7% trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này.

Kinh tế vĩ mô - Giá xăng dầu tăng đẩy lạm phát dâng cao, WB khuyến nghị giải pháp

Chỉ số sản xuất công nghiệp

Vốn FDI đăng ký trong tháng 5 đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp, phản ánh bất định gia tăng do cuộc chiến kéo dài tại Ukraine và giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện trong tháng 5 vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, đánh dấu chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp.

Kinh tế vĩ mô - Giá xăng dầu tăng đẩy lạm phát dâng cao, WB khuyến nghị giải pháp  (Hình 2).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 5 tăng 16,9% (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tốc độ tăng trong vài tháng qua và cao hơn cùng kỳ năm trước 1,5 điểm phần trăm.

Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế làm tăng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng qua đêm (cuối kỳ) giảm mạnh từ 2,56% trong tháng 2 xuống 1,37% trong tháng 4 và 0,33% trong tháng 5, gần bằng mức lãi suất trong tháng 5/2021, là dấu hiệu cho thấy thanh khoản đang dồi dào.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 29,4% (so cùng kỳ năm trước), tháng tăng thứ 5 liên tiếp nhờ tổng cầu trong nước được củng cố, trong khi tổng chi ngân sách Nhà nước đi ngang so với tháng 5/2021. Vì vậy, cân đối ngân sách Nhà nước tháng 5/2022 đạt bội thu 1,8 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Chính phủ thu được 57,1% tổng dự toán thu nhưng chỉ chi một phần ba tổng dự toán chi, dẫn đến cân đối ngân sách bội thu 9,5 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,0% kế hoạch Quốc hội giao, tăng nhẹ so với tỷ lệ 21,4% ghi nhận cùng kỳ năm trước. Chi thường xuyên chỉ đạt 38,6% dự đoán, thấp hơn so với tỷ lệ 41,6% cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng với tốc độ kỷ lục 22,6% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 12,7% trong tháng 4. Sự tăng tốc này một phần xuất phát từ hiệu ứng cơ sở thấp do doanh thu bán lẻ tháng 5/2021 đã giảm 2,1% sau khi COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 buộc Chính phủ phải áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, một phần lớn hơn, tốc độ tăng trưởng này phản ánh sự củng cố của tiêu dùng trong nước và sự quay trở lại của du khách quốc tế sau khi Chính phủ mở cửa biên giới vào cuối tháng 3/2022. Khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng – lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với doanh thu bán lẻ hàng hóa trong năm 2021- bật tăng mạnh mẽ hơn trong tháng 5 (với tốc độ lần lượt 41% và 18,3% so cùng kỳ năm trước) nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ, tăng đến gần 70% và đã cao hơn 12,4% so với mức trước đại dịch cách đây 3 năm. Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn 60% so với mức trước đại dịch.

Dự báo về xu thị trường trong tương lai gần, các chuyên gia kinh tế WB cho rằng, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy chuyển đổi mô hình logistics từ truyền thống sang hiện đại; trong đó, có chuyển phát nhanh. Chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành chuyển phát nhanh tận dụng thời cơ và tiếp tục khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chuyển phát nhanh đang không ngừng đầu tư phát triển hệ thống, nâng cao năng lực vận chuyển.

Kinh tế vĩ mô - Giá xăng dầu tăng đẩy lạm phát dâng cao, WB khuyến nghị giải pháp  (Hình 3).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Để đẩy mạnh thêm tiêu dùng, thời gian tới, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các FTA đã ký kết. Tận dụng và triển khai thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả.

Ngoài ra, đổi mới công tác thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường.

Song song với đó, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa…

Lạm phát nhích lên nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tháng thứ tư liên tiếp, từ 2,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5/2022, tương đương với tỷ lệ lạm phát tháng 5/2021 (Hình 7).

Giá xăng và dầu diesel tăng vọt là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát. Lạm phát giá lương thực, thực phẩm cũng nhích nhẹ từ 1,1% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 1,3% trong tháng 5.

Kinh tế vĩ mô - Giá xăng dầu tăng đẩy lạm phát dâng cao, WB khuyến nghị giải pháp  (Hình 4).

Giá bình quân một số mặt hàng nhập khẩu

Tuy mức độ lạm phát tại Việt Nam có gia tăng, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4%. Mặc dù vậy, các chuyên gia của WB vẫn cảnh báo, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.

Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Cũng theo WB, do cú sốc giá hàng hóa thế giới có thể ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, WB khuyến nghị Chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung. Việc khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá hàng hóa leo thang và FED thắt chặt chính sách tiền tệ, VnDirect quyết định hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống mức 7,1% so với cùng kỳ, dự báo trước đó là 7,5%. Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay.

Minh Tuấn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.