Giải mã về ngôi mộ cổ với xác ướp kỳ bí ở Sài Gòn

Giải mã về ngôi mộ cổ với xác ướp kỳ bí ở Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Trong quá trình di dời nghĩa trang trong khu vực trung tâm TP.HCM ra ngoại thành, người ta đã phát hiện ra nhiều ngôi mộ độc đáo, thu hút giới khảo cổ nói riêng và cộng đồng khoa học nói chung.

Năm 1994, khi di dời nghĩa trang khu vực xóm Cải (phường 8, quận 5. TP.HCM), người dân đã phát hiện một ngôi mộ mà sau khi khai quật đã gây rất nhiều sự ngỡ ngàng cho các nhà khoa học.

Xã hội - Giải mã về ngôi mộ cổ với xác ướp kỳ bí ở Sài Gòn

Xác ướp đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Kỳ bí ngôi mộ hợp chất song táng

Theo tài liệu hiện còn lưu lại tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, vào những ngày cuối tháng giêng năm 1994, khi giải tỏa mặt bằng xóm Cải, rộng gần 5ha nằm trong khu vực các đường Hùng Vương, Ngô Quyền, Phước Hưng và Nguyễn Trãi để xây dựng khu chung cư mới, người ta đã phát hiện một ngôi mộ khác thường.

Chị Lan, cán bộ bảo tàng cho biết, vào thời điểm đó, trong quá trình xử lý các ngôi mộ cổ, các nhà khoa học đã phát hiện một ngôi mộ hợp chất song táng. Ngôi mộ này có một quan tài trong quách gỗ còn nguyên vẹn xác và một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, cao 1,52m được bó nhiều lớp vải nằm trong dung dịch màu nâu đỏ, với dung tích khoảng 0,87m3.

Ngay sau đó, các nhà khảo cổ đã bắt tay khai quật ngôi mộ này. Nhiều công nhân đã phải đào rất lâu mới chạm đến quan tài. Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật, người đã theo suốt quá trình khai quật này cho biết, ngôi mộ chôn xác ướp này có quy mô khá lớn. Nó có cổng, có vòng thành bao quanh, có sân thờ và gò mộ kiểu một căn nhà. Toàn bộ mộ được xây bằng hỗn hợp vật liệu như vôi sống, mật, đường mía, nước nhớt dây tơ hồng, một ít than hoạt tính, cát... tạo thành hợp chất khá rắn chắc.

Theo đó, vòng thành mộ hình chữ nhật có kích thước dài 10m, ngang 6m, cao 1,2m, dày 0,8m. Nhìn bề ngoài, cổng tam quan được trang trí mặt tròn, có búp sen trên đầu cột. Chiếc cổng được xây dựng có mái vòm cong lót giả ngói ống trang trí hình rồng. Còn sân thờ là khoảng đất rộng 6m, ngang 4m, giữa có bệ thờ chân quỳ dài 1,2m, rộng 0,8m, cao 0,6m.

Được biết, gò mộ là một khối hợp chất lớn dài 3,6m, rộng 3m, cao 3,2m, bao gồm hai phần: Phần trước có bia mộ nằm chìm trong khối hợp chất và phần sau có trang trí hoa văn như cổng. Mỗi bên hông đều vẽ một mặt tròn lớn. Chữ trên bia bị mòn còn đọc được ba chữ Hán: "Kỷ Tị niên". Khi phá gò mộ thành bình địa mới thấy hai huyệt mộ, một nam và một nữ.

Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật kể lại: Lúc chúng tôi đào lên thấy huyệt mộ nam dài 2,3m, rộng 0,8m, sâu 1,56m, từ miệng huyệt xuống đáy được xây lớp hợp chất, có một lớp cát mỏng phủ lên quách gỗ. Quách và quan tài còn nguyên lớp sơn màu đen, bên trong quan tài còn lại ít xương và một số hiện vật như: Bảy chiếc nhẫn vàng có mặt đá, quạt giấy, lược, ống và cây ngoáy trầu bằng đồng, hộp bạc có dây xích hình cầu dẹt chạm dây lá, nút áo mạ vàng, bút lông... Điều này cho thấy người nam là một văn nhân.

Trong khi đó, huyệt mộ nữ có kích thước nhỏ hơn một chút. Bên trong quách và quan tài còn khá nguyên vẹn. Khi mở quách, trong quan tài được sắp xếp theo một trình tự. Trên cùng là hai chiếc chiếu cói trải rộng che phủ diện tích mặt áo quan. Tiếp đến là một lớp giấy bản, từng tờ cuộn dày 10cm trải đều diện tích mặt quan tài. Dưới lớp chiếu là một tấm lá triệu (lá phướn) bằng lụa viết nhiều chữ Hán song chữ đã bị dung dịch thấm nhòe, các nhà khảo cổ chỉ đọc được bốn chữ: "Hoàng gia cung liệm". Cuối cùng là một lớp vải bó tròn thắt 9 nút cũng trải đều trên diện tích mặt áo quan. Có lẽ con số 9 ở đây tượng trưng cho người nữ theo câu: "Nam thất nữ cửu" (trai bảy, nữ chín).

Phần chính yếu là một bọc dài lớn cuốn bằng lụa và gấm, có 9 dây vải thắt 9 nút. Kiểm tra gói bọc xác người đàn bà thấy bàn chân đi hài bằng vải bố thêu kim tuyến và một đôi hài khác để bên. Mở bọc ra, các nhà khảo cổ thấy trọn vẹn cái xác với mái tóc còn đen nhánh. Tuy nhiên, nhãn cầu và sụn mũi đã bị tiêu tan hết. Da còn lại trên cơ thể mềm và có màu tái xám. Người đàn bà này mặc hàng chục lớp vừa áo vừa quần may theo kiểu thụng bằng lụa và gấm, áo rộng cài khuy chéo, khuy bằng mã não và kim loại mạ vàng. Bà đeo trên cổ một xâu chuỗi hạt bồ đề, túi nhỏ bằng gấm bên trong có phong bì đựng ba tờ giấy viết chữ Hán. Một tờ viết bài Lòng phái quy y, một tờ chép bài Chú vãng sanh tịnh độ và tờ cuối cùng ghi tên năm vị Phật. Mỗi tay bà đeo một vòng bằng vàng.

Dưới bọc xác bà là một lớp nhựa thông dày khoảng 10cm và dưới cùng là một tấm gỗ đục bảy lỗ tròn theo hình Thất tinh cách ván địa tạo ra áo quan kiểu hai đáy. Toàn bộ đều bị thấm dung dịch ướp xác. Được biết, khi các nhà khảo cổ đem xác đi để thẩm định, khớp cổ và các chi của xác bà còn mềm, nhưng chẳng bao lâu sau xác cứng lại và màu da đen dần. Hiện tại, cái xác đã teo khô và chuyển màu đen.

Thông tin về sự kiện khai quật ngôi mộ có xác ướp vào thời điểm đó được truyền đi nhanh chóng trong giới khoa học trong và ngoài nước. Và từ đó, các nhà khảo cổ, nhà khoa học bắt đầu đi tìm các chứng cứ để giải mã xác ướp này.

Hành trình giải mã xác ướp

Theo nghiên cứu bước đầu, căn cứ vào tờ Lòng phái quy y và những chữ Hán còn lại, các nhà khoa học có thể tạm xác định đây là một phụ nữ người dân tộc Kinh, thuộc tầng lớp trên trong xã hội phong kiến xưa. Bà tên là Trần Thị Hiệu, pháp danh là Minh Trường. Qua các dấu ấn đóng trên tờ Lòng phái quy y có thể thấy bà thuộc một trong các đời tổ thứ 31 đến 37 của dòng đạo Bổn Nguyên, tông Lâm Tế. Vị sư truyền giới cho bà là thiền sư Chánh Niệm, húy Tiên Liễu thuộc đời thứ 37. Có thể người đàn bà này thuộc Hoàng gia triều Nguyễn, là dâu hoặc bên ngoại của các chúa hoặc vua Nguyễn. Năm mất của bà là năm Kỷ Tỵ. Các nhà khoa học cho rằng đó là năm 1809 hoặc1869.

Qua khảo cổ về ngôi mộ hợp chất, các nhà khoa học nhận định, đây có thể thấy là xác được ướp nhằm kéo dài thời gian tổ chức ma chay. Điều này chỉ có ở tầng lớp trên hay những gia tộc giàu có Việt Nam mới có khả năng thực hiện. Việc xác bà còn tồn tại tới nay là một trường hợp hãn hữu. Cái xác và những di vật tìm thấy trong ngôi mộ hợp chất này đã trở thành một phần di sản vật chất và tinh thần quý giá của TP.HCM và góp phần làm nên bộ mặt Sài Gòn xưa. Đây là giai đoạn mà người Việt đã trở thành chủ thể chính thức của vùng đất Nam bộ.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã dành riêng một phòng để trưng bày xác ướp và cỗ quan tài cùng một số hình ảnh trong quá trình khai quật mộ cổ. Thi hài người đàn bà này được đặt trong tủ kính với đồ khâm liệm gồm nhiều lớp áo lụa và gấm, một đôi hài bằng vải thêu sợi vàng. Quan tài và quách bằng gỗ được đặt hai bên tủ. Để tăng thêm sức bí hiểm cũng như sự tò mò với khách du lịch, bảo tàng đã thiết kế gian trưng bày mô phỏng theo ngôi mộ khi được phát hiện.

Trao đổi với PV Người đưa tin, chị Lan cho biết, trước đây bảo tàng trưng bày xác ướp và các đồ tùy táng tại một gian khác. Tuy nhiên sau này, vì muốn đảm bảo an toàn cũng như có điều kiện để giữ xác lâu hơn nên họ đã di chuyển vào gian trưng bày 15 như hiện nay. Còn các hiện vật kèm theo đang được lưu giữ trong kho gồm: Đồ tùy táng trong quan tài người đàn ông gồm bảy chiếc nhẫn vàng, một hộp đựng vôi bằng bạc, một ống ngoáy trầu, một cây lược bằng sừng. Trong khi đó, đồ tùy táng trong quan tài người đàn bà gồm hai vòng đeo tay bằng vàng, một xâu chuỗi hạt bồ đề, một đôi hài bằng vải thêu sợi vàng

Liên tiếp phát hiện xác ướp

Trước đó, năm 2011, tại huyện Long Thành (Đồng Nai) cũng phát hiện ra một xác ướp với niên đại trên 200 năm. Được biết, ngôi mộ cổ này có kiến trúc khép kín, hình chữ nhật. Mộ được cấu tạo trong quan ngoài quách gồm quách hợp chất bao quanh sáu mặt dày khoảng 50cm. Bên trong có quách bằng gỗ và trong cùng là quan tài với nắp hình bán nguyệt, phía trên có phủ vải với họa tiết hoa văn dây, lá và hoa cúc. Phía trong quan tài, khối xác ướp được bao bọc bằng vải và trên cùng phủ lá sen. Các nhà khảo cổ cho biết, căn cứ những thông tin bên ngoài và phần xác ướp bên trong quan tài có thể khẳng định người trong quan tài là cụ bà, hoặc có thể là một mệnh phụ phu nhân gắn bó mật thiết với triều Nguyễn.

Thanh Tùng