Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công”

Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Không chỉ nổi danh với các chiêu thức võ thuật, võ sư Hồng Long còn có hàng trăm người đẹp “xin chết”.

Giờ đây, người dân xứ võ Gò Công không còn thấy người võ sĩ bách chiến bách thắng ngày nào với khuôn mặt ưa nhìn, thanh tú nữa. Cơn tai biến bất ngờ ập đến khiến ông chẳng thể đi lại, nói năng. Từ đó, vị võ sư vang danh một thời này quyết định “đóng cửa” với cuộc đời. Nhưng, những mảnh ghép quá khứ oai hùng về người võ sĩ thanh sắc, mưu lược toàn tài ấy vẫn luôn được các môn đồ truyền tụng....

Người mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là võ sư Hồng Long. Được biết, vị võ sư này góp phần rất lớn vào việc “phát dương quang đại” cho hệ phái võ kinh xứ Gò Công.

Sự kiện - Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công”

Hình ảnh hiếm hoi của Hồng Long thời trai trẻ mà môn sinh của ông còn gìn giữ

Bách chiến bách thắng

Hồng Long tên thật là Phạm Văn Thời, con trai thứ bảy của võ sư Phạm Văn Chí, người sáng lập ra võ đường Triệu Tử Long. Nơi ông cất tiếng khóc chào đời chính là cái nôi của nhiều võ sĩ một thời danh chấn miền lục tỉnh. Từ thuở nhỏ, cậu bé Bảy Thời đã nức tiếng thông minh. Hằng ngày được sống bên cạnh người cha, cũng là người thầy tinh thông võ học, Bảy Thời đã sớm am tường và say mê các chiêu thức võ cổ truyền bấy giờ.

Từ thuở niên thiếu đến lúc trưởng thành, Bảy Thời theo học và làm việc tại Sài Gòn - Gia Định (cũ). Năm 1972, cha của ông, võ sư Phạm Văn Chí không may bị mất trong một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhận được tin dữ, Bảy Thời tức tốc khăn gói về Tiền Giang. Tuy nhiên, khi ông chưa về đến nhà thì bố đã nhắm mắt xuôi tay. Ông yên nghỉ lúc 61 tuổi. Sự ra đi của vị võ sư Gò Công tài ba khiến giới võ học miền Tây không khỏi bàng hoàng thương tiếc.

Vốn tính kiên cường, ngay sau đó Bảy Thời nén lại nỗi đau để dồn tâm luyện võ. Ông từ bỏ công việc ở Sài Gòn, tiếp quản võ đường Triệu Tử Long để thực hiện tâm nguyện của người cha quá cố. Cái tên hiệu Hồng Long thuở xưa do người cha đặt bấy giờ mới được vang danh. Năm ấy Hồng Long vừa tròn 27 tuổi.

Việc xây dựng Võ đường Triệu Tử Long và phát triển bộ môn võ kinh cổ truyền chính là tâm huyết một đời của người cha oanh liệt. Ý thức được điều đó, Hồng Long đã dồn hết tâm sức để gây dựng nên danh tiếng của võ đường và hệ phái võ kinh xứ Gò Công.

Hàng trăm cô gái đi tập võ để gặp Hồng Long

Một buổi chiều Gò Công nắng vàng trên Trường Đua lấp loáng, tôi may mắn có cơ duyên được ngồi với các võ sĩ từng làm nên tiếng tăm của võ đường Triệu Tử Long. Trong lúc cao hứng, võ sĩ Trần Bình Long, người học trò ưu tú của võ sư Hồng Long đã kể những chuyện kỳ thú về dung mạo và tài ăn nói của thầy mình. Được biết, thuở trước, Hồng Long rất hiếm khi thượng đài. Nhưng một khi ông lên sới thì hàng trăm, hàng nghìn cô gái chen chúc đi mua vé. Trước đó, nơi đấu võ đường như chỉ có cánh đàn ông quan tâm, nhưng khi có Hồng Long thì khác. “Nhan sắc” của ông đã khiến không ít cô gái cũng tập tành đến khán đài hay vào võ đường của ông để luyện tập.

Ngày ấy, thầy trò Hồng Long đánh đâu thắng đó nên chẳng mấy chốc tên tuổi đã vang danh từ Nam ra Bắc. Chưa muốn dừng lại, với học vấn và tài thương thảo, Hồng Long không ít lần thuyết phục được Tổng cục võ thuật cho học trò của mình đấu với các võ sĩ nước ngoài. Ông muốn giới thiệu võ thuật cổ truyền Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Sau giải phóng, võ đường Triệu Tử Long do Hồng Long tiếp quản liên tục phát triển, mang tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với nền võ thuật miền Tây Nam Bộ. Với sự thông minh trời phú, Hồng Long không ngừng học hỏi, tìm hiểu kiến thức võ thuật của nhiều môn phái khác nhau. Từ đó, dựa trên cái nền của võ Gò Công mà sáng tạo, cải tạo nên những chiêu thức vô cùng ảo diệu.

Năm 30 tuổi, Hồng Long được mời về làm huấn luyện viên võ thuật cho Sở Thể Dục - Thể thao tỉnh Tiền Giang (nay là Sở VH, TT&DL). Lớp vận động viên dưới tay Hồng Long “thiện chiến” vô cùng. Chẳng mấy chốc võ thuật Tiền Giang được bạn đồng môn trên khắp dải đất hình chữ S nghe danh thán phục. Đây được đánh giá là giai đoạn đỉnh cao nhất của võ thuật cổ truyền tỉnh Tiền Giang. Võ đường Triệu Tử Long dưới “bàn tay” của vị chưởng môn Hồng Long “thanh sắc, thao lược toàn tài” chính là trang vàng son, rực rỡ nhất của lịch sử võ kinh xứ Gò Công.

Sự kiện - Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công” (Hình 2).

Hồng Long (phải) trên võ đài

Nổi danh “người đẹp Gò Công”

Người ta biết đến Hồng Long không chỉ vì tài năng mà còn ông nổi tiếng thanh sắc hơn người. Để tìm hiểu thực hư về cái danh truyền tụng “người đẹp Gò Công”, chúng tôi đã tìm về xứ võ kinh đất Tiền Giang, nơi Hồng Long sinh ra và lớn lên. Không quá khó để hỏi về Hồng Long vì người dân quanh đây hầu như ai cũng từng nghe danh tiếng.

Theo lời thầy giáo Nguyễn Văn Chính, giáo viên trường THPT Bình Long (huyện Gò Công Tây), người từng là môn đồ của Hồng Long thì: Thời còn trẻ Hồng Long cao gần 1m80, da trắng, mắt sáng, sống mũi cao thanh tú, khuôn miệng hay cười. Tuy ngày đêm luyện võ nhưng lạ là sắc vóc, cốt cách Hồng Long không hề “gân guốc” như những võ sĩ khác. Ông viết chữ đẹp, nói chuyện hay, khiến cho người đối diện rất dễ sinh lòng cảm mến. Các học trò của Hồng Long giờ vẫn còn lưu giữ “bút tích” do ông ký tặng.

Ông Lê Minh Trang, môn sinh của Hồng Long cho biết: “Với thanh sắc và tài mạo như Hồng Long mà theo nghiệp võ thì quả thật xưa nay hiếm”. Và cũng chính Lê Minh Trang đã từng tuyên bố rằng: “Với tài mạo, cách ăn nói của mình, Hồng Long hoàn toàn có thể “điều khiển” được hơn 40.000 khán giả tại sân vận động Cộng Hòa (nay là SVĐ Thống Nhất). Khi ông thượng đài, mọi chiêu thức, câu nói của ông mọi người đều chăm chú nghe”. Vì thế, chẳng ngẫu nhiên mà đại hội Thể Dục - Thể Thao năm ấy, Hồng Long được chọn là người cầm cờ dẫn đầu đoàn diễu hành trong lễ khai mạc.

Nhưng với người tài hoa, số phận thường rất truân chuyên. Đến năm 2001 khi đang tập tenis cùng bạn bè thì võ sư Hồng Long đột ngột ngã quỵ do cơn tai biến. Tai nạn này đã khiến ông bị liệt toàn thân nhưng đầu óc vẫn còn rất minh mẫn, sáng suốt. Có điều, từ đó người ta không còn được gặp Hồng Long nữa. Cửa nhà ông luôn đóng im ỉm, kể cả những người thời xưa từng là học trò của Hồng Long cũng họa hoằn lắm mới được gặp mặt hỏi han.

Chúng tôi ghé ngôi nhà nhỏ của ông cạnh Ao Trường Đua, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu buồn bã của người thân võ sư Hồng Long. Nhìn căn nhà cửa khép, vắng lặng như tờ bỗng miên man buồn khi nhớ lại lúc Bình Long kết thúc câu chuyện. Ông thở dài, cám cảnh cho thầy mà than: “Còn đâu thời oanh liệt”.

Môn phái danh chấn võ lâm

Được biết, ở Gò Công có hệ phái Lâm Sơn phát nguồn từ lực lượng kháng chiến của Trương Định. Sau nhiều thế hệ, hệ phái này phân mảnh thành nhiều chi phái, trong đó có hệ phái võ Gò Công. Sư tổ của hệ phái võ này là võ sư Triệu Tử Long (tên thật là Phạm Văn Chí, bố của Hồng Long). Tương truyền rằng, ông là người đi học võ từ nghĩa quân của Trương Định. Sau khi nghĩa quân thất bại, Tử Long về mai danh ẩn tích tại vùng Gò Công. Ngoài ra, ông còn đi học nhiều thầy võ khác để cuối cùng chọn lọc, sáng tạo ra bài quyền, thế đánh riêng cho hệ phái võ Gò Công sau này. Nhiều võ sư đã thành danh từ võ đường Gò Công như võ sư Hồng Long, võ sư Sơn Long (tên thật Phạm Văn Chơi), võ sư Hồng Yên (tên thật Nguyễn Văn Yên), võ sư Hồng Cầm (tên thật Nguyễn Thanh Hồng), võ sư Trần Bình Long (tên thật Nguyễn Văn Mừng), võ sư Hắc Long, võ sư Ngọc Long, võ sư Huỳnh Long...

Vân Thiên