Giám đốc sở TT&TT Bắc Giang đừng bẻ cong luật để làm liều, lộng quyền

Đường đường là Giám đốc sở TT&TT của tỉnh Bắc Giang bận trăm công ngàn việc, nhất là ngăn cản phóng viên, nhà báo thì sao ông Chiêu có thời gian mà tìm hiểu luật Báo chí được chứ?

Là phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp báo chí, hẳn ai cũng từng bị cản trở, bị từ chối tiếp. Nhưng bị Giám đốc sở Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) từ chối tiếp xúc vì không hiểu Luật thì quả là xưa nay hiếm.

Cụ thể, chiều 5/11, dư luận tiếp tục xôn xao trước thông tin việc sở TT&TT tỉnh Bắc Giang từ chối làm việc, với phóng viên Hà Giang Nam của tạp chí Đời sống & Pháp Luật.

Nguyên nhân bắt nguồn từ lá đơn của nam ca sĩ Du Thiên tố bị các “Youtuber” (trú huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đăng video nhảm nhí lên mạng bôi nhọ, xúc phạm danh dự.

Phóng viên Hà Giang Nam đã liên hệ với sở TT&TT tỉnh Bắc Giang để liên hệ lấy thông tin về vụ việc trên. Việc phóng viên tới tác nghiệp, thu thập thông tin xử lý những video nhảm, xúc phạm danh dự người khác nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật là chuyện hết sức bình thường, nhưng ông Giám đốc Sở này lại có cách xử lý rất lạ kỳ kiểu một mình một luật, chẳng coi ai ra gì!.

Khi phóng viên Hà Giang Nam tới thì bị Thanh tra sở TT&TT tỉnh Bắc Giang lập biên bản với lý do chưa có thẻ nhà báo và tạp chí Đời sống và Pháp luật hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích. Việc lập biên bản được đích thân ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở chỉ đạo.

Là người làm trong lĩnh vực báo chí sẽ hiểu, phóng viên là người chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo. Họ là người đến cơ sở, sử dụng nghiệp vụ báo chí của mình khai thác, xử lý thông tin viết bài đăng báo.

Thông thường phóng viên chưa có thẻ nhà báo khi đến cơ quan, tổ chức tác nghiệp thì chỉ cần dùng Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử đi và Chứng minh nhân thân là đủ.

Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.

Cụ thể, tại khoản 12, Điều 9, luật Báo chí sửa đổi năm 2016, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Luật quy định rõ là vậy, nên việc ông Chiêu yêu cầu lập biên bản vì phóng viên không có thẻ nhà báo khiến người làm nghề như chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm.

Nhưng nghĩ lại tôi lại thấy thương ông Giám đốc kia. Đường đường là Giám đốc sở TT&TT của 1 tỉnh, bận trăm công ngàn việc, nhất là phải ngăn cản phóng viên, nhà báo thì sao ông Chiêu có thời gian mà tìm hiểu luật Báo chí được chứ?.

Tuy nhiên trong buổi làm việc còn có cả đại diện Thanh tra Sở, vốn là những người nắm rõ Luật, chẳng lẽ họ cũng bận như ông Giám đốc sao?. Hay phải chăng họ biết, nhưng trước cái uy của ông Giám đốc thì chỉ biết “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”?

Nhớ lại một lần tôi về liên hệ lấy thông tin viết bài ở 1 xã ở miền núi. Sau khi xem Giấy giới thiệu và Chứng minh thư nhân dân của tôi, ông Chủ tịch UBND xã hỏi: "Thẻ nhà báo của em đâu?".

Lập tức, cán bộ văn thư nhanh miệng nói: "Xuất trình thẻ nhà báo hoặc Giấy giới thiệu kèm Chứng minh thư là tác nghiệp được rồi anh". Ông Chủ tịch đáp: "Vậy à, xin lỗi em, anh không biết nên tưởng cứ đi lấy tin là phải có thẻ nhà báo". Không biết hãy nhận là không biết thì đó mới là người biết.

Đáng chú ý, trong bài báo mang tựa đề “Vụ ca sỹ Du Thiên và những Youtuber “tự xưng”: Giám đốc sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bắc Giang gây khó dễ cho phóng viên vì… không hiểu luật Báo chí” của phóng viên Hà Nam Giang còn cho biết, khi làm việc với phóng viên, ông Trần Minh Chiêu xưng “tao” và “khoe” có thâm niên 26 năm làm báo. Thông tin này càng khiến dư luận tròn mắt kinh ngạc. Không hiểu vì sao với 1 người có trình độ như vậy lại được giao trọng trách làm Giám đốc sở TT&TT?. Phải chăng “thành tích” của ông chính là ngăn cản báo chí tác nghiệp?!

Trích nguyên văn: “Tao không phải nói với chú! Đây biên bản ghi rõ phải hướng dẫn tôi là sao. Cái việc biên bản đấy cái việc thống nhất cả hai bên. Lập thế nào do thanh tra người ta lập…”, “tôi làm nhà báo lâu này, tôi 26 năm”, “Em đến gây cản trở cơ quan Nhà nước”. Nghe ngôn từ khoe khoang này, người làm báo chưa bằng số lẻ của ông bất giác như bị…á khẩu. Không hiểu 26 năm này, ông Chiêu có từng tác nghiệp báo chí như một phóng viên không mà sao đến kỹ năng săn tin ông không biết, luật Báo chí ông không hiểu?!

Ngẫm mà thấy buồn, 1 ông Chủ tịch xã chưa một ngày làm báo lại biết Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cấp cho phóng viên là hợp với quy định của Luật. Vậy mà, ông Giám đốc sở TT&TT lại không biết, hay ông cố tình cát cứ tại địa phương ông, ngồi trên luật pháp để định ra một quy định riêng cho mình?

Cách làm tùy hứng này, tôi cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cần phải xem xét lại. Đừng vì xuê xoa cho cấp dưới, dung túng cấp dưới lộng quyền mà làm xấu hình ảnh lãnh đạo của địa phương!.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Không hiểu luật Báo chí, GĐ sở TT&TT tỉnh Bắc Giang gây khó dễ cho PV

Thứ 6, 06/11/2020 | 08:52
Sau khi có đơn kiến nghị của PV gửi Bí thư tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái – Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch tỉnh cho biết: “Tôi sẽ chỉ đạo”.