Giảm tải bằng cách xây dựng bệnh viện vệ tinh

Giảm tải bằng cách xây dựng bệnh viện vệ tinh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Hà Nội là một trong hai địa phương (cùng với TP. Hồ Chí Minh) xảy ra tình trạng quá tải trong khám chữa bệnh rõ rệt nhất cả nước. Làm thế nào để giảm tải cho các bệnh viện TW, dưới góc độ là chuyên gia y tế, TS. Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc sở Y tế Hà Nội đã trao đổi với PV báo ĐS&PL xung quanh vấn đề trên.

Thưa tiến sỹ “giảm tải bệnh viện nói thì dễ, làm khó”, giải pháp nào để xử lý dứt điểm?

TS. Nguyễn Khắc Hiền: Vấn đề bức xúc nhất hiện nay của ngành y tế chính là quá tải trong khám chữa bệnh (KCB). Vì thế, cần tập trung cải cách ở khâu khám bệnh. Theo đó, các các cơ sở y tế sẽ phải cải cách, sắp xếp lại khu vực bố trí đón tiếp, khám, ứng dụng công nghệ thông tin vào KCB, quản lý bệnh nhân. Tiếp theo đó là giải pháp xây dựng các bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho tuyến trên. Theo mô hình của bộ Y tế, hiện nay có 2 loại hình bệnh viện vệ tinh. Về ngoại khoa thì bệnh viện Việt - Đức đứng đầu; nội khoa là bệnh viện Bạch Mai.

Xã hội - Giảm tải bằng cách xây dựng bệnh viện vệ tinh

TS. Nguyễn Khắc Hiền

Tiến sỹ có thể cho biết cụ thể hơn việc “chia lửa” giảm tải của y tế toàn ngành như thế nào không?

TS. Nguyễn Khắc Hiền: Việc “chia lửa” trong ngành y tế không khó nhưng thực hiện như thế nào mới là vấn đề phải bàn bạc. Hà Nội và TP.HCM, tuyến bệnh viện của thành phố, công suất sử dụng giường bệnh cũng quá tải trên 120%. Vì thế, chúng ta phải trông vào sự “chia sẻ” của y tế ngoại biên.

Hà Nội và TP. HCM có thể “chia sẻ” được bằng cách đầu tư cơ sở vật chất, con người cho tuyến huyện, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của tuyến dưới để họ không lên tuyến TW chữa bệnh, nhất là những bệnh thông thường, đơn giản.

“Chia sẻ” cụ thể như sau: tăng cường bổ sung giường bệnh các tuyến; bố trí đủ giường bệnh điều trị nội trú theo kế hoạch và khuyến khích mở rộng giường thực kê, giường bệnh xã hội hóa, đảm bảo yêu cầu điều trị, chăm sóc người bệnh. Triển khai thực hiện BHYT về xã; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn giảm tải thì phải cải thiện hoạt động y tế cơ sở bằng những việc cụ thể như đầu tư trang thiết bị, nhân lực. Tiến sỹ nhìn nhận như thế nào về ý kiến trên?

TS. Nguyễn Khắc Hiền: Theo tôi, đó chỉ là một trong nhiều khía cạnh chúng ta cần quan tâm, xem xét khi bắt tay vào công việc giảm tải bệnh viện tuyến TW. Y tế thôn, bản, xã phường đã được ngành y tế quan tâm đúng mức. Song, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta phải thừa nhận rằng, ở những tuyến cơ sở đó, có rất ít ca khó để bác sỹ được trau dồi nghiệp vụ nên việc nâng cao tay nghề của bác sỹ tuyến cơ sở không đơn giản. Hơn nữa, nếu trang bị cơ sở vật chất không đúng nơi, đúng chỗ sẽ rất phí. Tôi đồng ý quan điểm thành lập các bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật với những bệnh viện vệ tinh đó, sẽ giảm tải được cho tuyến TW. Với các địa phương xa với TW, ta có thể thành lập những bệnh viện khu vực để giảm tải.

Tiến sỹ có thể đưa ra những ví dụ cụ thể?

TS.Nguyễn Khắc Hiền: Khi còn sống, GS. Tôn Thất Bách rất chú trọng xây dựng bệnh viện vệ tinh xung quanh bệnh viện Việt - Đức. Ông đã trực tiếp đi đến các địa phương, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật y tế... Hiện nay, bệnh viện Việt Đức Hà Nội cũng đã xây dựng được một số bệnh viện vệ tinh có một số kỹ thuật phẫu thuật đạt tiêu chuẩn như ở bệnh viện Việt - Đức. Làm được như thế này, chắc chắn sẽ giảm tải được cho bệnh viện tuyến TW.

Cá nhân tôi cho rằng, không phải bệnh nhân có điều kiện kinh tế nào cũng thích ra bệnh viện TW điều trị trong sự chật trội đến ngột ngạt cả. Nếu bệnh viện vệ tinh đảm nhiệm được vai trò khám chữa bệnh như bệnh viện TW, người ta sẵn sàng tìm đến điều trị để được nằm 1 bệnh nhân 1 giường với dịch vụ y tế không khác gì bệnh viện TW.

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh – bộ Y tế đưa ra giải pháp siết chặt việc chuyển viện sẽ giảm tải. Tiến sỹ có ý kiến gì về giải pháp trên?

TS.Nguyễn Khắc Hiền: Luật Khám chữa bệnh cho phép người bệnh nhân có quyền lựa cơ sở khám chữa bệnh. Bảo hiểm Y tế thì cho phép người bệnh KCB tự chọn, được hưởng 30% viện phí... Với những quy định trên, siết chặt việc chuyển viện tôi e rằng hiệu quả rất ít. Muốn giảm tải bệnh viện tuyến TW, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp nhịp nhàng, nếu không, thời hạn giảm tải năm 2015 có thể sẽ khó là hiện thực!

Trân trọng cảm ơn tiến sỹ!

Văn Hoàng (thực hiện)