GS Ngô Bảo Châu: Thiếu tranh biện người trẻ sẽ bế tắc

GS Ngô Bảo Châu: Thiếu tranh biện người trẻ sẽ bế tắc

Thứ 2, 25/03/2013 | 09:58
0
'Mỗi con người sinh ra đều khác nhau, không thể ép tất cả vào một khuôn khổ. Nền giáo dục chỉ nên làm nhiệm vụ định hướng cho các em tìm đến đam mê thực sự phát xuất từ nội lực và năng khiếu của từng cá nhân...", giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ tại ngày hội 'Hướng nghiệp và Khởi nghiệp'.

Bản chất con người là yếu đuối nên cần có kỷ luật

Chia sẻ thêm về điều này, giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết hai yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng đam mê trong lòng mỗi người và phát triển nó vượt bậc là sự trung thực và tính sáng tạo. Trung thực với mọi người và trung thực ngay cả với bản thân mình, biết chấp nhận khả năng mình ở đâu, lên kế hoạch biến đam mê thành hiện thực. Bản thân mỗi người phải luôn tìm tòi cái mới, sáng tạo ở quy mô rộng, để biết đam mê hiện tại có thực sự đam mê chưa, hay sẽ thay đổi theo thời gian và điều kiện.

Xã hội - GS Ngô Bảo Châu: Thiếu tranh biện người trẻ sẽ bế tắc

Hình ảnh giáo sư Ngô Bảo Châu tại hội thảo "Hướng nghiệp và Khởi nghiệp".

Trả lời câu hỏi "cách định hướng nghề nghiệp và biến đam mê thành hiện thực" của sinh viên trường đại học Nguyễn Tất Thành, giáo sư Châu từ tốn trả lời: "Tôi nghĩ, ba yếu tố trong phương pháp học tập để biến đam mê thành thành tựu đó là kỷ luật, đam mê và lòng dũng cảm".

Giải thích lý do đặt kỷ luật lên hàng đầu trước cả đam mê, giáo sư Châu nhấn mạnh: "Tại sao tôi phải nhấn mạnh kỷ luật và nên đặt nó đứng trước đam mê? Chúng ta ai cũng có đam mê, ví dụ khoa học, toán, thể dục,... nhưng bản chất của con người là sự yếu đuối. Đam mê nào của con người rồi cũng bị mờ nhạt đi, chỉ có kỷ luật mới giữ cho đam mê mãi mãi".

Theo giáo sư Châu, kỷ luật ở đây không giống như trong quân đội mà là kỷ luật trong một nhóm và tôn trọng luật chơi. Ví dụ, khi tham gia một trò chơi, có thể niềm đam mê sẽ giảm, nhưng bạn vẫn phải chơi vì bạn tôn trọng người cùng chơi và luật của trò chơi.

GS Ngô Bảo Châu khẳng định rất nhiều lần với những bạn trẻ là học sinh, sinh viên có mặt tại ngày hội về lòng đam mê: "Tôi nghĩ rằng giáo viên không thể truyền đam mê mà chỉ có thể truyền cảm hứng cho bạn. Trước hết, bạn phải có sẵn niềm đam mê và biết nội lực của bản thân, giáo viên sẽ giúp bạn tăng thêm sự tự tin để thực hiện".

Giáo sư Châu cũng khơi gợi lại một vấn đề lớn trong cuộc chơi trí tuệ hiện nay là sự tha hóa của hệ thống. Những sự việc qua rồi, nhưng không thể không nhắc lại để làm sáng tỏ vấn đề như vụ việc gian lận thi cử tại Đồi Ngô.

Giáo sư cho rằng, đây là một tiền lệ chưa từng có. Đó là việc thí sinh quay giám thị vi phạm quy chế thi. Hãy khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân mà cần bình tâm suy nghĩ, có phải chăng sự việc xảy ra là do rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài ngành giáo dục đều không tôn trọng luật chơi. Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp, một thủ tục mang tính thiêng liêng khẳng định cột mốc lao động và học tập của học sinh lại trở thành một trò đùa làm người trong cuộc dở khóc, dở cười.

Giáo sư Châu cho rằng, sự trung thực cần thiết cho quá trình nuôi dưỡng đam mê. Bản thân trung thực trong việc xác định năng lực, đam mê một điều quá tầm và cố sức thực hiện cho bằng được, thì cũng có lúc phải chìm trong bể đam mê đó.

Xã hội - GS Ngô Bảo Châu: Thiếu tranh biện người trẻ sẽ bế tắc (Hình 2).

GS Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và sinh viên trường Nguyễn Tất Thành.

Lắng nghe tiếng nói của lý trí

Trả lời câu hỏi "cách xác định đam mê" của học sinh, sinh viên có mặt tại buổi hội thảo "Hướng nghiệp và Khởi nghiệp", giáo sư Ngô Bảo Châu đã đưa ra một ví dụ cụ thể: "Khi tôi đến thăm và nói chuyện động viên các em trong đội tuyển Việt Nam tham gia một cuộc thi quốc tế, tôi có hỏi các em định hướng trong tương lai sẽ làm những gì?.

Trong năm em, hết bốn em chọn làm kỹ sư, bác sỹ, nhà kinh doanh,... chỉ một em chia sẻ với tôi rằng, em thích nghiên cứu toán học nhưng gia đình muốn em theo học thương mại. Tôi đã khuyên em ấy nên lắng nghe tiếng nói lý trí của bản thân, những thông tin cha mẹ có được chưa hẳn đã đầy đủ và phù hợp với bản thân các em".

Giáo sư Châu chia sẻ: "Về sau, khi có dịp gặp lại em học sinh này, em ấy đã vui vẻ báo cho  biết, cha mẹ đã đồng ý cho em theo toán học. Tôi dẫn ra câu chuyện này, để các em biết, các em sẽ là người chịu trách nhiệm và thực hiện niềm đam mê đó, cha mẹ các em không làm điều đó thay các em được, nên phải để con tim và lý trí của mình xác định chứ không trông chờ vào sự ra lệnh hay bắt buộc của ai cả". Trước câu trả lời của giáo sư Châu, đông đảo bạn trẻ có mặt tại sân vận động Phan Đình Phùng đã vỗ tay tán dương, đồng tình. 

"Nếu chỉ có một cuộc đời để sống, bạn chọn cuộc đời làm con cừu hay phụ thuộc vào chính bạn. Nếu làm con cừu thì có thể không bao giờ chết đói vì được bầy đàn che chở. Ngược lại, không làm cừu có thể không có thức ăn, thậm chí còn bị cho sói ăn thịt. Việc không làm con cừu đòi hỏi sự quả cảm, quyết tâm của mỗi người. Nhưng mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, đã là sự lựa chọn của mình, tốt nhất không nên a dua theo người khác", một minh họa cụ thể mà giáo sư Châu thông qua đó gửi đến thông điệp tự tin, nỗ lực và dũng cảm cho hàng ngàn học sinh, sinh viên có mặt tại buổi giao lưu.

Điều khiến giáo sư Ngô Bảo Châu trăn trở, lo ngại cho học sinh, sinh viên Việt Nam đang phải học tập trong một môi trường có tổ chức nhưng thiếu một tập thể có tổ chức. Trong môi trường này, người trẻ sẽ không thể duy trì khả năng của mình trong thời gian dài, thiếu tranh biện người trẻ sẽ nhanh chóng lạc vào chủ quan và sự bế tắc. Vì bản tính con người là hiếu thắng, sự hiếu thắng cũng cần thiết trong tranh luận, nhưng đôi khi lại làm hỏng cuộc tranh luận. Môi trường giáo dục ở nước ta chưa thực sự lành mạnh và có chỗ cho sự cạnh tranh công bằng, khiến học sinh, sinh viên không thể nỗ lực để vượt lên chính mình.

Giáo sư Châu đúc kết những kinh nghiệm trong suốt thời gian nghiên cứu toán học: "Lý trí cũng góp phần định hướng say mê của con người có tính hướng thượng, hướng thiện. Bởi những giá trị nhân văn, chân, thiện, mỹ, tình yêu sự thật và niềm hạnh phúc của sự khám phá có thể vượt qua biên giới của những điều đã biết và chưa biết. Bên cạnh đó, lý trí cộng sự quả cảm xua đi sự lười biếng, hèn nhát, dụ dỗ ta quay lưng với sự thật, với đam mê. Trong đó, sự quả cảm cũng rất cần khi đi tìm cái mới.

Mỗi người đều có thể học tập từ tập thể và cộng đồng. Để khi vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự theo đuổi cái chưa biết, đi tìm những cái mới, tôi không thấy hành trình đó cô đơn và kéo dài trong nhiều năm". Bên cạnh đó, vị giáo sư này cũng thừa nhận: "Trong quá trình nghiên cứu khoa học, nhiều khi phải đối mặt với khó khăn vì người khác không tin mình nhưng không khắc nghiệt bằng mình không tin vào chính mình. Lúc đó, tôi tin vào số phận...".

Đó là kinh nghiệm vượt qua những ngày tháng khắc nghiệt nhất của hành trình nghiên cứu toán học, và thành công của GS Ngô Bảo Châu. Từ đó truyền tải bài học về lòng tin vào bản thân cho các bạn trẻ Việt Nam.

Ngọc Lài - Quyên Triệu

'CAREER WEEK 2013': Định hướng nghề nghiệp và tuyển dụng

Thứ 3, 19/03/2013 | 09:32
Từ 24/3 đến 31/3 tại trường ĐH Thương mại (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), sẽ diễn ra tuần lễ định hướng nghề nghiệp và tuyển dụng “CAREER WEEK 2013”.

Người trẻ 'nổ' quá sẽ có sát thương

Thứ 5, 14/03/2013 | 13:15
“Nổ” chơi cho vui (hay còn gọi là “chém gió”, “quăng bom”...) đang trở thành một thói quen phổ biến ở một bộ phận bạn trẻ hiện nay. Hầu hết đều cho rằng đây là thú vui vô thưởng vô phạt và không có gì đáng lo ngại.

Khủng hoảng là... cơ hội của người trẻ

Thứ 2, 18/02/2013 | 20:42
Khủng hoảng chính là cơ hội của người trẻ, vấn đề là người trẻ có ý thức được điều đó và có đủ tự tin để gánh vác việc kiến tạo những thay đổi.

Người trẻ đang lãng phí những điều gì?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Trong hành trình tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa, nếu bạn lỡ coi thường một trong 10 điều thiết yếu dưới đây, coi như bạn đã tự đánh mất một phần nhựa sống của chính mình.

Khi người trẻ tuổi cũng... lập di chúc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
(Nguoiduati.vn) Không ít người mới bước vào tuổi 30, thậm chí là trẻ hơn nữa đã tiến hành các thủ tục để lập di chúc.