Giáo viên băng rừng, lội suối, đến từng nhà vận động học sinh đến trường

Anh Ngọc

Cứ vào đầu năm học mới, rất nhiều học sinh của tộc người Đan Lai không chịu đến trường, nên thầy cô nơi đây lại băng rừng, lội suối vào từng nhà vận động. Sau bao năm sự kiên trì, nhẫn nại của những người chèo đò đã được đền đáp. Lần đầu tiên, gần như cơ bản các em đều chịu ra khỏi rừng để tới lớp.

Từ “vùng trũng” trở thành “điểm sáng” của ngành giáo dục

Người Đan Lai là một trong những dân tộc ít người của Việt Nam, hiện chỉ sinh sống tại một số điểm ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Đặc biệt, hiện có trên 1.000 hộ với trên 3.000 khẩu sống rải rác ở đầu các con khe ngọn suối trong khu vực lõi Vườn quốc gia Pù Mát, thuộc xã Môn Sơn, Con Cuông. Do giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu, lấy vợ gả chồng sớm nên các em ở đây không có cơ hội đến trường như bạn bè đồng trang lứa.

Các thầy cô vào bản vận động học sinh. Ảnh TH.

Thầy Lê Duy Thuận, Hiệu trưởng trường THCS Môn Sơn nhớ lại: “Thời điểm tôi mới về đây thì tình trạng bỏ học đang ở mức báo động, đặc biệt là các em học sinh người dân tộc Đan Lai. Cứ mỗi năm học mới bắt đầu thì lại có hơn mười em bỏ học. Nguyên nhân là do nhà cách xa trường tới hơn 20 ki - lô - mét, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Ngoài ra, đời sống bà con còn rất nghèo, phần lớn là không đủ ăn nên chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con em mình”.

Điển hình, năm học 2015 - 2016, đến ngày khai giảng năm học có tới 53/173 em học sinh Đan Lai chưa đến trường nhập học. Năm học 2017 – 2018, sau ngày khai giảng năm học mới, vẫn còn 12 học sinh Đan Lai chưa đến lớp. Năm học 2019 – 2020, cũng có gần mười em không đi học. Đáng lo lắng hơn, giữa năm học lại có thêm một số em nghỉ nữa vì lý do lấy chồng hoặc ở nhà phụ giúp bố mẹ đi làm nương rẫy. Vì thế, cứ đều đặn vào năm học mới, các thầy giáo trường THCS Môn Sơn lại băng rừng, lội suối đi tìm học trò Đan Lai đưa trở lại trường.

Thế nhưng, chỉ riêng việc di chuyển vào nhà các học sinh cũng là một vấn đề. Nguyên do các học sinh này đều ở bản Cò Phạt và Khe Búng - hai bản nằm ở thượng nguồn Sông Giăng, cách trung tâm xã hàng chục ki - lô - mét đường đèo dốc. Con đường độc đạo vào với bản thường bị sạt lở nghiêm trọng mỗi khi mùa mưa đến. Điều đáng nói, mùa này bà con Đan Lai đã vào sâu trong rừng để hái măng, việc gặp gỡ và thuyết phục họ cho con em đến trường là cực kỳ khó.

Học sinh ở Môn Sơn tập trung đầy đủ trong ngày khai giảng.

“Các thầy, cô giáo phải đến tận các nương rẫy để vận động, thuyết phục các gia đình cho các em đến trường kịp học. Thậm chí có những đêm trắng vào tận các bản để gặp gỡ học sinh, gặp gỡ phụ huynh để vận động các em tới trường. Chúng tôi tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động, bởi chỉ một lần thì khó thuyết phục các em và gia đình lắm”, thầy Thuận nói.

Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết, ngay từ đầu tháng Tám, Phòng GD&ĐT và trường đã lập nhiều đoàn công tác phối hợp với hai đồn Biên phòng Môn Sơn và Châu Khê đến tận từng gia đình để tuyên truyền vận động các em học sinh đi học. “Trước những nỗi lực không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo, năm nay thực sự đã đạt tín hiệu rất khả quan. Cho đến thời điểm hiện nay, đã có tới 66/69 em người dân tộc Đan Lai đến lớp. Còn 3 học sinh nữa cũng đã đồng ý thứ 2 tuần sau sẽ đến trường”, ông An vui vẻ thông tin.

Đưa trò ra khỏi núi đã khó, giữ trò ở trường còn khó hơn

Thầy Du với 12 năm gắn bó học trò Môn Sơn.

Thầy Lộc Huy Du bắt đầu về công tác tại trường THCS Môn Sơn từ năm 2008. Cũng bắt đầu từ đó, năm nào thầy cùng đồng nghiệp cũng lặn lội đi tới từng bản vận động học sinh đến lớp. Thầy Du tâm sự: “Không giống như ở dưới xuôi, việc dạy học trên vùng cao gặp rất nhiều khó khăn, các thầy cô phải “dỗ” cả bố mẹ và học sinh đến trường. Đầu năm học, các thầy đến vận động đến trường, giữa năm các em bỏ học lại phải đến vận động lần nữa. Nói nặng lời thì bà con tự ái, không chịu nghe lời thầy. Nói nhẹ thì khó thuyết phục gia đình nghe theo. Vì vậy, phải tùy vào từng hoàn cảnh để vận dụng biện pháp”.

Theo thầy Du, nguyên nhân thì rất nhiều như : Các em nhớ nhà, không muốn học chữ, bố mẹ bảo ở lại để đi rẫy, và nhất là lấy vợ/lấy chồng… Đặc biệt, dù trường THCS Môn Sơn không thuộc diện bán trú nhưng do tính chất đặc thù đường sá đi lại hiểm trở, nhà trường đã tổ chức cho hàng chục em học sinh đồng bào dân tộc Đan Lai được ở lại ký túc xá của trường. Việc xa gia đình, lại bị ảnh hưởng bởi mạng internet nên đã khiến các em chểnh mảng trong học tập.

“Các thầy cô lại chia nhau nhau tổ chức hỗ trợ, trích kinh phí để thuê người nấu ăn cho các em; phân công các nhóm giáo viên quan tâm, theo dõi sâu sát, đảm bảo chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ… của các em học sinh. Ở đây, chúng tôi vừa là thầy, vừa là bố mẹ để giúp các em học tập, thay đổi nhận thức”, thầy Du nói.

Học sinh Đan Lai được đến trường, thay đổi nhận thức từ nhỏ.

May mắn, một trong những đơn vị đi đầu trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh nghèo được đến trường cùng với ngành giáo dục là đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội biên phòng Nghệ An. Ngoài việc phối hợp với ngành giáo dục vận động các em tới trường, đồn còn nhận đỡ đầu học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường” mà Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều năm nay.

Hiệu trưởng trường THCS Môn Sơn cho biết, trước đây nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các em học sinh tộc người Đan Lai đến trường. Sau khi có chương trình phối hợp giữa đồn Biên phòng, địa phương và nhà trường, tình trạng vắng học của các em học sinh người Đan Lai đã chấm dứt. Các em đã đi học bảo đảm quân số. Ngoài ra, cán bộ biên phòng còn giúp hướng còn “cắm” trường để hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, lao động, thể dục thể thao…

Bộ đội Môn Sơn chăm sóc cho các học sinh nhận nuôi.

“Ngoài nhận đỡ đầu 4 học sinh tiểu học ở hai bản Cò Phạt, bản Búng thì đồn Biên phòng còn nhận nuôi 4 học sinh đang ăn học tập trung tại trường nội trú dành cho học sinh người Đan Lai ở trung tâm xã Môn Sơn. Đây là việc làm rất ý nghĩa và hiệu quả nhằm giữ chân học sinh ở trường”, thầy Lê Duy Thuận nói.

Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lễ khai giảng ở Nghệ An vẫn được diễn ra đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm học này, toàn tỉnh Nghệ An có 1.532 trường học, trong đó có 548 trường mầm non, 495 trường tiểu học, 399 trường THCS và 90 THPT. Tổng số học sinh ở các bậc học là 841.528 học sinh, tăng gần 30.000 học sinh so với kế hoạch phê duyệt trong năm học trước.

A.N