Giật mình chợ mua giáo án online: Họ đã bán tư cách người thầy

Cẩm Mịch

Thực trạng giáo án được mua bán, trao đổi, thậm chí mặc cả một cách dễ dàng và công khai trên mạng xã hội khiến chúng ta không khỏi giật mình về đạo đức nhà giáo.

Giáo án rao bán như... rau

Chỉ cần tham gia vào một nhóm, hội dành cho giáo viên trên mạng xã hội, chúng ta sẽ dễ dàng mua - bán giáo án hoặc thậm chí là những sáng kiến kinh nghiệm, kế hoạch hoạt động giáo dục... Chỉ cần một tin nhắn, một dấu chấm hay nút like thì bất cứ ai cũng có thể mua được những trang giáo án, những sáng kiến kinh nghiệm... bản điện tử với nhiều mức giá khác nhau.

Bên cạnh đó, có không ít trang, trang cá nhân ảo được lập trên Facebook với mục đích chủ yếu là rao bán giáo án, hoặc chêm xen những bài viết như “Organic Math - Toán học Hữu cơ”, “Kho Giáo án giảng dạy các cấp”, “Giaoan Mamnon”, “Word Violet”, “Gia Linh Lcđ”... Tất cả đều có những lời mời hấp dẫn, những quảng cáo “có cánh” chứng tỏ một bản giáo án ưu việt và thậm chí là chỉn chu, không tì vết.

Để mục sở thị, PV đã lướt một vòng vào nhóm Giáo viên Việt Nam - một trong những nhóm công khai dành cho giáo viên và tận mắt chứng kiến những “lời mời” hấp dẫn như: “Em vẫn đang giảm giá giáo án điện tử cho tất cả các khối...”; hay “Mình chuyển công tác, không có thời gian nên thanh lý toàn bộ kho sáng kiến kinh nghiệm và giáo án thi giáo viên giỏi cùng toàn bộ các bài tham khảo trong các cuộc thi về giáo dục...”... Đính kèm với đó là những hình ảnh chụp lại màn hình kho dữ liệu giáo án, sáng kiến kinh nghiệm trên máy tính, những phản hồi, đánh giá của khách hàng về bộ giáo án.

Những từ khóa xuất hiện nhiều nhất chính là “giảm giá”, “sale trọn bộ”, “bán tất cả”, “thanh lý toàn bộ”, “chỉ với giá...”, giống như những lời rao bán một mớ rau của tiểu thương vậy.

Theo tìm hiểu của PV, đa số các “mặt hàng chất xám” được rao bán bởi các tài khoản ảo. Khi liên hệ, các tài khoản ảo tư vấn rất nhiệt tình. Sau khi nhắn tin hỏi về một bộ giáo án, PV được tài khoản “Nghia Minh” hồ hởi tư vấn: “Kho giáo án mầm non gồm: Giáo án trọn cả năm, giáo án Powerpoint đủ cả năm tất cả các lĩnh vực các độ tuổi, giáo án thi giáo viên giỏi tất cả các độ tuổi, giáo án chuyên đề mẫu của TP.Hà Nội chỉ 500.000 đồng. Cả kho sáng kiến kinh nghiệm gần 100 bài cũng 500.000 đồng”.

Hay như tài khoản “Nguyễn Giao An” cũng thường xuyên rao bán giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, kế hoạch hoạt động... Mới đây nhất là bài viết về một bộ kế hoạch và giáo án chủ đề Phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ mầm non được rao với giá 100.000 đồng.

Thậm chí có những bài đăng trong các hội nhóm như “Thầy cô nào cần giáo án... cứ ới mình gửi nhé!”. Thoạt nhìn, tưởng như người đăng muốn chia sẻ tài liệu miễn phí cho đồng nghiệp, nhưng khi liên hệ thì “cái giá của sự chia sẻ” này là 50.000 đồng/file.

Dưới mỗi bài đăng rao bán, lại có hàng trăm lượt bình luận muốn được nhắn tin tư vấn.

Cũng theo tìm hiểu của PV, người mua giáo án thường là những giáo viên mới ra trường, còn ít kinh nghiệm. Người bán giáo án thì có nhiều thành phần, đôi khi có cả những người đã từng mua giáo án của người khác rồi rao bán lại. Chính điều này đã khiến trên nhiều diễn đàn có cả những cuộc “khẩu chiến”, bóc mẽ chuyện mua bán giáo án. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư cách đạo đức của người thầy.

Khi PV dò hỏi một trong những người đã mua giáo án qua mạng, người này đã không ngần ngại chia sẻ: “Thường thì giáo án được bán theo khối, còn Powerpoint thì bán lẻ. Tầm 100.000-200.000 đồng/khối cũng có, còn giáo án Powerpoint tôi hỏi là 50.000 đồng/bài. Khi thấy có người đăng bán thì vào hỏi mua, ưng thì lấy, không thì thôi, mình có quyền hỏi và tham khảo mà... Những trường hợp nếu mình đòi xem mẫu mà không chịu gửi, chứng tỏ không tự tin vào sản phẩm mà họ bán. Một số trường hợp lập nick ảo rồi đăng bán lại giáo án đi mua, chỉ là tác giả không đồng tình khi giáo án của mình bị bán lại”.

Hành vi gian dối

Là một giáo viên với gần 20 năm công tác, cô Hoàng Thanh Sâm, trường mầm non Ánh Dương (Lào Cai) bày tỏ: “Theo tôi, việc soạn giáo án đối với giáo viên đương nhiên là việc làm thường nhật. Những người mới ra trường càng cần phải soạn giáo án tỉ mỉ, chính xác, hiểu kỹ thì mới dạy được.

Nhưng vẫn còn nhiều người vì chủ quan hoặc lười soạn bài nên mới đi mua giáo án. Thậm chí, có người mua về còn chẳng để ý đến nội dung, chất lượng, đến khi bị kiểm tra mới biết giáo án không đảm bảo, lúc ấy thì “tiền mất, tật mang”. Vậy nên, là giáo viên thì chí ít, giáo án của mình phải tự soạn mới có thể truyền đạt cho học trò được”.

Cô Nguyễn Lan Anh, giáo viên tại Hà Nội chia sẻ: “Giáo án dù gì cũng phải mang dấu ấn cá nhân của giáo viên thì mới thành công, giáo án phải thực sự là của mình thì mới có thể chủ động dạy cho học sinh.

Đồng ý là giáo viên mới ra trường chưa tự tin soạn giáo án hay, thì có thể tham khảo từ những người có kinh nghiệm, nhưng làm sao lại có chuyện tham khảo giáo án của nguyên một kỳ học, một năm học. Hôm trước, tôi cũng bắt gặp một bài đăng trong nhóm Giáo viên mầm non, hỏi thăm có ai có giáo án lớp lá cả năm không để tham khảo... Tham khảo gì mà nhiều thế?!”.

“Tôi không hiểu, những người đi mua giáo án nghĩ gì, nhất là mua giáo án thi giáo viên dạy giỏi hay những người mua sáng kiến kinh nghiệm, họ muốn thể hiện tài năng khi bản thân không chịu bỏ chất xám, thật gian dối!”, cô giáo Nguyễn Lan Anh băn khoăn.

Mua giáo án thì không đủ tư cách làm giáo viên

Sau khi tìm hiểu “thị trường” giáo án, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Thưa ông, đối với nghề giáo, sự trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Những người mua giáo án đã tự mình “xóa” tư cách một nhà giáo?

Đúng vậy, làm gì cũng phải trung thực, nghề giáo càng cần điều đó. Bởi người thầy chính là tấm gương cho học sinh noi theo, cả xã hội biết đến. Cả người bán lẫn người mua đều đáng lên án khi đã coi giáo án, vốn là một công trình thể hiện tri thức và năng lực của người giáo viên như một “món hàng” trên thị trường. Rõ ràng, cả hai đều không có sự trung thực...

Nhiều giáo viên lên mạng mua giáo án, điều đó có phản ánh một phần về năng lực của nhà giáo hiện nay không, thưa ông?

Trước hết, nhiệm vụ của người giáo viên là phải nghiên cứu, soạn giáo án để giảng dạy học sinh. Vậy mà bây giờ, một người giáo viên lại không thể làm được là do không có đủ năng lực, phải đi mua giáo án của người khác. Người không đủ năng lực thì làm sao để giảng dạy cho người khác? Họ không đủ tư cách để làm một người giáo viên!

Giáo án là một trong những phương thức phản ánh rõ nét nhất về phong cách, năng lực của một người thầy, có thể nói là “dấu ấn” riêng với mỗi người trong sự nghiệp. Giáo án hay sẽ đào tạo được học trò giỏi. Ông quan điểm thế nào về điều này?

Trước đây, người thầy phải đọc sách, đọc tài liệu, nắm được nội dung rồi dùng phương thức của mình thể hiện trong giáo án, mỗi người có một đặc trưng, một cách thể hiện riêng. Nếu như giáo án mà giống nhau, thì người ta in thành sách để bán chứ cần gì giáo viên phải soạn? Tất nhiên, sẽ có khung chung, nhưng mỗi giáo viên đều có dấu ấn cá nhân riêng, mỗi người có cách thể hiện riêng, tùy thuộc không gian, thời gian, hoàn cảnh, đối tượng học sinh, tùy trình độ... để có những câu hỏi riêng. Đó là nhiệm vụ của người giáo viên phải làm. Hơn nữa, nếu cứ đi mua giáo án “ăn sẵn” thì năng lực giáo viên cũng không thể cải thiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

C.M