Giật mình... vì trẻ mắc bệnh dậy thì sớm

Giật mình... vì trẻ mắc bệnh dậy thì sớm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Hai tuổi ngực đã phát triển lùm lùm như thiếu nữ, 3 tuổi đã có kinh nguyệt, thậm chí vài tháng tuổi đã có hành vi tự kích thích bộ phận nhạy cảm. Những chuyện tưởng như khó tin đó lại hoàn toàn có thật.

Những cháu bé bị mắc bệnh dậy thì sớm đang điều trị tại khoa Nội tiết, Khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương)... thật không may mắn khi phải sớm mang những biểu hiện dậy thì trước tuổi.

2 tuổi đã... có ngực

Cách đây khoảng 2 - 3 tháng, chị N (phường Phú Xá, TP.Thái Nguyên) vô cùng hốt hoảng khi thấy con gái mình, bé T.M mới hơn 2 tuổi (sinh tháng 6/2009) vật vã cọ bộ phận sinh dục vào giường và đầu gối chị. Thấy con có biểu hiện khác lạ, chị N sờ lên ngực con gái thì thấy vú phát triển khác thường so với trẻ cùng lứa. Chị N tiếp tục kiểm tra phần âm đạo của con gái thì thấy có tiết ra chất nhầy.

Câu chuyện lạ đời của bé T.M nhanh chóng trở thành đề tài ở khắp mọi nơi. Ngay bản thân chị N cũng không hiểu tại sao con mình lại như vậy. Nhiều người đoán già đoán non do con chị uống phải một loại sữa rẻ tiền có xuất xứ từ nước ngoài, do có chứa nhiều chất hormone nên cháu T.M đã phát triển không bình thường. Tin đồn nhanh chóng được truyền đi, khiến chị N cũng tỏ ra e dè khi tiếp chúng tôi trong căn nhà trống huếch trống hoác và cũng là quán kinh doanh gội đầu, mát - xa bình dân, nơi giúp chị kiếm tiền nuôi sống gần chục miệng ăn trong gia đình.

Chị N cho biết, đêm nào cũng vậy, hễ cứ tắt điện đi ngủ là cháu T.M lại vật vã, cọ bộ phận sinh dục vào người chị. Nhưng nếu chị đánh nhẹ vào mông con, hoặc có tiếng động lạ là cháu dừng ngay chuyện ấy lại và tỏ ra biết xấu hổ. Thấy con có biểu hiện lạ lùng, chị N thương con, muốn đưa con đến các cơ sở y tế để khám nhưng hoàn cảnh không có tiền, cha của đứa trẻ thì từ ngày sinh cháu T.M ra cũng cao chạy xa bay bởi mối tình vụng dại, cộng với sự thiếu hiểu biết, tự ti. Nhiều đêm chị N chỉ biết ôm con vào mà lòng khóc.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Hoàn, nguyên trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chị đã từng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp rất đặc biệt liên quan đến dậy thì sớm. Có bé gái mới 3 tháng tuổi đã có kinh nguyệt. Hiện nay, cháu bé này vẫn được điều trị, uống thuốc thường xuyên theo chỉ định.

Xã hội - Giật mình... vì trẻ mắc bệnh dậy thì sớm

Trẻ dậy thì sớm là mối lo ngại với các bậc cha mẹ. ảnh minh họa.

Có nguyên nhân thực phẩm chứa hormone...

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Hoàn, nguyên trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện nay trẻ dậy thì sớm được phát hiện khá nhiều ở cả nam - nữ và thường ở độ tuổi 9-10 tuổi. Trường hợp của cháu T.M hơn 2 tuổi, có tuyến vú, có chất nhầy ở vùng âm đạo tiết ra cho thấy cháu có biểu hiện của dậy thì sớm nhưng ít gặp. Dậy thì có 2 dạng: Dậy thì sớm trung ương (hay còn gọi là dậy thì sớm thật) và dậy thì sớm ngoại vi (dậy thì sớm giả).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm như, môi trường xã hội, ăn uống, nội tiết tố, các loại thực phẩm chăn nuôi có nhiều chất hormone, điều kiện sống trong gia đình. Đối với dậy thì sớm giả có thể điều trị hoặc không điều trị cũng sẽ dần trở lại bình thường. Còn đối với dậy thì sớm thật thì cần phải có các biện pháp y học để ức chế ngay. Trẻ dậy thì sớm có thể phát triển nhanh chóng ở giai đoạn đầu so với những bạn cùng độ tuổi (vì xương trưởng thành nhanh hơn bình thường) nhưng sau đó sẽ ngừng phát triển sớm.

"Đối với trường hợp của cháu T.M, gia đình cần phải đưa cháu đến bệnh viện để tiến hành làm các xét nghiệm. Bởi khi xác định được nguyên nhân của dậy thì sớm, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn", TS.Hoàn đưa ra lời khuyên.

Trưởng khoa Tâm bệnh, thạc sỹ, bác sỹ Quách Thúy Minh cho hay, khoa Tâm bệnh mỗi năm có tới vài chục cháu vào khám, điều trị các biểu hiện hành vi tự kích thích hay còn gọi là rối loạn cảm giác tương tự (trong đó có cả những cháu chỉ khoảng 9-12 tháng tuổi). Nguyên nhân của các hành động tự kích thích một phần do ảnh hưởng từ môi trường sống như, bố mẹ không giữ ý trong chuyện sinh hoạt vợ chồng, ảnh hưởng từ phim ảnh... dẫn đến việc trẻ bắt chước, học theo. Hành động trên có thể gặp ở cả bé trai và bé gái (nhưng tỉ lệ gặp nhiều hơn ở các bé gái). Các bé gái thường có hành động kẹp hai chân vào nhau, nghiến răng, mặt đỏ bừng, vã mồ hôi. Một số người nhìn thấy còn dễ nhầm lẫn, tưởng bị... động kinh.

"Không nên quá hoang mang..."

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Thúy (khoa Tâm bệnh): "Khi gặp phải những trường hợp này, các bà mẹ không nên quá hoang mang, nên có sự khuyên bảo như: Hành động đó là xấu, là hư, không nên làm thế... Trường hợp nặng hơn, cha mẹ phải lập bảng theo dõi hành vi (một ngày con làm như vậy bao nhiêu lần), đồng thời giám sát chặt chẽ, liên tục để có phác đồ điều trị của bác sỹ một cách hợp lý".

Minh Lý