Giật mình vì trí tuệ Việt Nam đang lao dốc

Giật mình vì trí tuệ Việt Nam đang lao dốc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Có ý kiến cho rằng, một giải Fields của GS Ngô Bảo Châu không thể đưa nền Toán học của Việt Nam đứng ngang hàng các nước phát triển.

Vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization- WIPO thuộc LHQ) đã công bố bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu với 141 nước. Theo đó, vị trí của Việt Nam đứng 76/141, ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng thụt lùi xa so với các nước láng giềng. Con số này khiến nhiều người phải giật mình suy ngẫm.

Xã hội - Giật mình vì trí tuệ Việt Nam đang lao dốc

Nhiều người cho rằng việc chăm lo cho con người ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức

“Ngụp lặn” trong bảng xếp hạng

Nghiên cứu này chỉ rõ, trí tuệ của một quốc gia không đơn thuần là phép cộng của trí tuệ từng con người. Nó là do cả một hệ thống tạo lập nên. Đó chính là Hệ thống đổi mới/sáng tạo của quốc gia (national innovation system -NIS), trong đó trí tuệ của từng con người là một thành tố.

Theo WIPO, đổi mới/sáng tạo là động lực quan trọng cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh đối với các nước đã phát triển cũng như đang phát triển. Và từ năm 2008 đến 2010, Việt Nam vẫn đứng ở nửa sau của bảng xếp hạng với các thứ hạng lùi dần, từ 64, 65 đến 71. Bất ngờ, năm 2011, Việt Nam vươn lên top trên với thứ hạng 51/125, chứng tỏ chúng ta đã và đang có những nỗ lực để cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt về mặt trí tuệ và sáng tạo. Tuy nhiên, năm 2012, thứ hạng của Việt Nam lại chỉ đạt ở mức 76/141 nước.

Với những con số ở trên, chúng ta có thể thấy,Việt Nam vẫn giậm chân tại nửa sau của thế giới, trong khi các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan và đặc biệt là Singapore lại vững vàng đứng ở top trên với những điểm số cực cao.

Nghiên cứu này nhận định: Nếu quốc gia nào thường xuyên xếp hạng ở dưới mức trung bình thì có nguy cơ bị xem là một quốc gia trí tuệ kém phát triển. Xưa nay, chúng ta luôn tự hào là con người và dân tộc Việt Nam thông minh, sáng tạo. Thế nhưng, những con số trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới và sáng tạo quốc gia Việt Nam đang thụt lùi rất đáng suy ngẫm.

Người Việt Nam thiếu sáng tạo?

Liên tiếp những năm gần đây, sự kiện các học sinh, sinh viên giỏi của Việt Nam tham gia tranh tài tại các kỳ thi Olympic Toán học, Vật lý, Sinh học và đạt được huy chương vàng, bạc khiến dư luận và những người nặng lòng với giáo dục cảm thấy xúc động và tự hào, thậm chí thỏa mãn vì trí tuệ Việt đang vươn xa. Nhưng qua bảng xếp hạng Trí tuệ toàn cầu của WIPO, chúng ta thấy Việt Nam vẫn còn thua rất xa các nước trong khu vực, chứ không nói đến các nước phát triển của Châu Âu, Châu Mỹ. Nhiều ý kiến nhận định, dẫu rằng Việt Nam có những nhân tài, nhưng một, hai cá thể xuất sắc không làm nên tập thể giỏi giang. Chỉ một mình giải thưởng Fields của giáo sư Ngô Bảo Châu không thể đưa nền Toán học Việt Nam đứng ngang hàng với các nước phát triển.

Một chuyên gia giáo dục lý giải, nguyên do Việt Nam đứng vị trí thấp trên bản đồ giáo dục thế giới là do sự bất cập của Tổ chức quản lý Nhà nước và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho vốn con người.

Trên các diễn đàn mạng, nhiều bạn đọc thẳng thắn đưa ra ý kến bàn luận xung quanh đề tài làm gì để trí tuệ Việt Nam hết “ngụp lặn” ở nửa dưới thế giới? Độc giả Hà Trang (Trương Định, Hà Nội) nhìn nhận: “Giáo dục là xương sống của toàn xã hội, nhưng với thực trạng nền giáo dục như hiện nay thì việc trí tuệ Việt Nam xếp hạng tụt dốc là điều hoàn toàn có thể đoán được. Từ những sự kiện như Đồi Ngô, đạp đổ cổng trường hay chuyện thầy giáo đánh học sinh, chạy trường, chạy điểm đã khiến bộ mặt giáo dục Việt Nam càng trở nên đen tối. Hơn nữa, giáo dục chúng ta hiện nay khuyến khích việc làm theo hơn là sáng tạo, trong khi môi trường làm việc thì chưa nhiều bất cập không khuyến khích cạnh tranh. Cơ chế đãi ngộ trong các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu không đảm bảo được cuộc sống cho người nghiên cứu thì chắc chắn chúng ta sẽ còn tụt hạng nhiều hơn nữa”.

Bàn về việc người Việt Nam thiếu sáng tạo, nhiều độc giả cho rằng: Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh về kinh tế và mạnh mẽ tri thức thì yếu tố con người là cốt lõi và được biểu hiện bằng sức sáng tạo và tri thức khoa học đích thực. Thế nhưng, thực tế vẫn tồn tại những tiêu cực trong giáo dục và thực trạng chảy máu chất xám nặng nề. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số đổi mới /sáng tạo của nước ta ngày càng thụt lùi so với thế giới. Đâu đó vẫn còn tình trạng chạy trường, chạy điểm, chạy chức chạy quyền. Bởi thế mới có chuyện, vô số các ông chủ tịch xã, huyện mới chỉ mon men học hết lớp 9, kiếm cái bằng bổ túc cho hợp chuẩn?!

N.Giang- H.Mai