"Giấy phép con", quy định trớ trêu của Cục bảo vệ Thực vật

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
– Trong thời gian gần đây, Nguoiduatin.vn liên tục nhận được phản ánh của các DN xuất nhập khẩu gỗ tại địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh than phiền vì thủ tục “hành là chính” do Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đề ra.

Mặc dù trong Thông tư 39 mới đây của Bộ NN&PTNT không quy định các DN nhập khẩu gỗ truyền thống phải xin giấy phép mới được kiểm dịch, các mặt hàng cũng không nằm trong đối tượng áp dụng phải phân tích nguy cơ dịch hại. Thế nhưng không hiểu sao, các trạm kiểm dịch thực vật khu vực các cửa khẩu trên toàn quốc vẫn ép doanh nghiệp phải ra Hà Nội để được cấp phép, rồi mới cho hàng hóa thông quan.

Ông Trần Phát Đạt, chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phản ánh: DN ông và hàng trăm DN kinh doanh ngành nghề này đang hết sức bức xúc trước quy định mới của cơ quan kiểm dịch thực vật.

Theo đó, khi đưa hàng hóa làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu Cha Lo nói riêng và trên cả nước nói chung, cán bộ kiểm dịch đều yêu cầu các DN nhập khẩu gỗ phải trực tiếp ra Cục BVTV xin giấy phép trước khi làm thủ tục thông quan.

Xã hội - 'Giấy phép con', quy định trớ trêu của Cục bảo vệ Thực vật

Gỗ xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Khi DN thắc mắc thì các cán bộ chỉ giải thích rằng, đó là quy định mới của Cục BVTV, cơ sở dựa trên Thông tư số 39 mới đây của Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, điều ông Đạt cũng như nhiều DN thắc mắc là trong thông tư này, không có dòng chữ nào quy định việc phải ra Cục BVTV tận Hà Nội để xin cấp phép.

“Họ bảo là theo quy định mới trong Thông tư 39 của Bộ NN&PTNT, các mặt hàng gỗ nhập khẩu phải có giấy phép do Cục BVTV cấp. Khi chúng tôi xem lại các quy định trong thông tư, thấy hàng hóa của chúng tôi không thuộc đối tượng áp dụng. Và cũng không có dòng nào trong quy định bảo là phải ra Cục xin giấy phép”, ông Đạt cho biết.

“Rõ ràng quy định này chỉ gây ra phiền hà cho các DN như chúng tôi. Phải mất công sức, tiền bạc, thời gian mà không hề thực tế. Như việc một DN tại Hà Tĩnh nhập khẩu gỗ qua đường Cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) thì cũng phải dừng xe ở bên kia biên giới. Đáp máy bay ra Hà Nội xin giấy, rồi quay lại làm thủ tục. Như thế thì vô lý quá”, ông Đạt bức xúc chia sẻ tiếp.

Một số DN kinh doanh mặt hàng này đều thừa nhận, việc Cục BTTV “đẻ” ra quy định “giấy phép con” đối với các mặt hàng lâu nay vẫn nhập khẩu (không tác hại), đã đi ngược với chủ trương “thông quan điện tử”, “luồng xanh luồng đỏ” trong việc cải cách thủ tục hành chính tại các cửa khẩu của nhà nước ta.

Ông Cao Xuân Mai, cán bộ kiểm dịch Trạm Kiểm dịch Thực vật Cửa khẩu Cha Lo giải thích, việc yêu cầu các DN phải ra xin giấy phép là do quy định của Cục BVTV khi thực hiện Thông tư 39. Việc thông tư không ghi rõ có thể là do soạn thiếu nội dung..

Tuy nhiên, trong Thông tư 39 có nêu rất rõ các đối tượng phải thực hiện việc phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào VN. Đối chiếu với quy định đó, chúng tôi thấy việc áp dụng đối với các DN nhập khẩu gỗ truyền thống từ Lào qua Việt Nam như DN của ông Đạt và các DN khác ở Hà Tĩnh là không đúng.

Cụ thể, điều 2 của thông tư quy định, các mặt hàng phải phân tích nguy cơ dịch hại là “lần đầu tiên nhập khẩu vào VN” và “có xuất xứ mới”. Điều 3 quy định tiếp: “Phải đánh giá lại kết quả phân tích dịch hại” khi “có bằng chứng khoa học và thực tế về sự bùng phát dịch hại...”.

Khi chúng tôi nêu những thắc mắc trên thì vị cán bộ của Trạm kiểm dịch không thể giải thích được, mà chỉ chống chế rằng, đó là quy định của Cục.

“Vừa rồi, DN nào chưa biết thì trạm thông cảm cho lần đầu, còn các lần sau bắt buộc phải xin giấy phép”, ông Mai nói.“Để việc kiểm dịch được chính xác thì phải làm trực tiếp tại cửa khẩu, trang bị thêm kiến thức, máy móc để đủ khả năng tìm ra mầm bệnh, chứ không thể làm theo cách mà Cục BVTV đang áp dụng được. Mà việc bắt buộc phải ra Hà Nội xin giấy phép hoàn toàn không có cơ sở”, chủ tịch hội DN huyện Hương Khê nói.

Thúy Nga