Giới trẻ

Giới trẻ "nhảy việc" để khẳng định bản thân

Chủ nhật, 06/01/2013 | 08:13
0
Một năm chuyển đến bốn công ty, làm chưa "ấm chỗ" đã muốn đi nơi khác... đang là trào lưu để khẳng định mình của nhiều bạn trẻ hiện nay. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, nhảy việc để chứng tỏ mình là người năng động, thông minh...

Chuyển việc vì văn phòng... quá xấu

Gặp Hà An (25 tuổi) khi cô đang làm hồ sơ để chuyển công ty. Hà An cho biết, sau hai năm tốt nghiệp trường đại học Kinh tế quốc dân, cô vẫn chưa tìm được cho mình một vị trí phù hợp. Tốt nghiệp đại học, nhưng đến công ty, cô vẫn chưa được làm việc chuyên môn. Hàng ngày, công việc của cô là đến văn phòng sớm, pha trà, cắm hoa vào phòng sếp và làm một số công việc liên quan đến hành chính với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Quá chán, Hà An đã quyết "nhảy việc" để tìm cơ hội mới cho mình. Cô bảo: "Ngoài việc chưa được cất nhắc lên vị trí mới cho đúng với chuyên môn, lý do em chuyển việc là văn phòng... quá xấu. Một người ăn mặc hợp thời trang như em mà ngày nào cũng phải đến công ty quét nhà, pha trà thì phí quá!".

Thị trường lao động, nhất là lao động trẻ hiện nay rất phong phú, cho nên nhiều người muốn chuyển việc ngay cả khi có một công việc khá ổn định. Trần Văn Nam (tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: "Mọi người cho rằng, tìm việc thời gian này khó, nhưng em lại nghĩ khác, nếu có năng lực và quyết tâm thì còn nhiều cơ hội làm việc. Đang làm kiến trúc sư cho một công ty xây dựng, nhưng hàng ngày em vẫn vào mạng để tìm cơ hội chuyển việc. Vì ngoài những công ty có môi trường làm việc tốt thì cũng có nhiều công ty ở nước ngoài thực sự cần đến những người có kiến thức và năng lực thực sự”.

Xã hội - Giới trẻ 'nhảy việc' để khẳng định bản thân

Cuối năm là thời điểm mà nhiều người muốn thay đổi việc làm. Bởi, nó liên quan đến tiền thưởng tết và bình bầu cuối năm. Linh Nga (họa sĩ thiết kế) cho biết: "Nhiều người ở công ty mình muốn chuyển việc, nhưng đều đợi đến thời điểm cuối năm vì còn liên quan đến tiền thưởng tết. Vì nếu tính ra, không phải là đơn vị kinh doanh nên ngoài tiền lương hàng tháng, chúng tôi chỉ trông chờ vào tiền thưởng tết. Ai bỏ sớm coi như bao công sức cả năm làm lụng đổ xuống sông xuống biển. Chỉ có cơ hội nào tốt quá, buộc phải nắm bắt ngay thì mới chấp nhận bỏ ngang tiền thưởng cuối năm thôi. Còn bình thường, ra giêng là mọi người "đi" ngay. Mình cũng đã ướm được một công việc khá phù hợp ở một công ty mới".

"Có công ty tính thưởng bằng mốc 6 tháng. Ai làm dưới 6 tháng tính 1/2 tiền thưởng mức trung bình. Ai làm trên 9 tháng được tính cả 100% và được xếp vào diện "bình bầu" A, B, C. Nhưng cũng có công ty tính thưởng trung bình chia 12 tháng rồi nhân số tháng, hoặc tính theo mốc 1 năm = 12 tháng. Bởi vậy, đây là thời điểm thuận lợi nhất để bắt đầu. Mình đã đi phỏng vấn một công việc mới từ trước Tết và mùng 8 âm lịch vừa rồi đã đi làm ngày đầu tiên ở công ty mới", Thu Anh, đồng nghiệp của Linh Nga chia sẻ.

Có trăm ngàn lý do để người trẻ nghỉ việc và "nhảy việc", đó là những người không ngại sự thay đổi và tìm kiếm cho mình nhiều cơ hội tốt hơn. Phương Loan - một "chuyên gia nhảy việc" cho rằng: "Bất tài thì mới không dám chuyển việc và ngại sự thay đổi. Chứ làm việc ở mỗi môi trường khác nhau sẽ cho người trẻ nhiều kinh nghiệm, biết lựa chọn nhiều công việc tốt, mức lương tương xứng, phù hợp với năng lực của mình".

Những kinh nghiệm... chắp vá

Rất nhiều người đã tìm được việc làm ổn định sau một thời gian... "nhảy việc". Tuy nhiên, nhiều người cũng trở về... con số không, khi mạo hiểm "nhảy việc" mà năng lực vẫn còn hạn chế. Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, chuyển việc nhiều trong một thời gian ngắn sẽ khiến nhiều người bị stress, trầm cảm do không tìm được niềm vui trong cuộc sống. Nhiều người "trong cuộc" cho rằng, "nhảy việc" nhiều, đi đến đâu, họ cũng phải làm lại từ đầu, đôi khi những kinh nghiệm thu được chỉ mang tính chắp vá.

Có không ít bạn trẻ cứ loay hoay trong vòng luẩn quẩn "nhảy việc". Hoàng Minh (29 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Đi làm 5 - 6 năm nhưng sổ bảo hiểm xã hội của tôi trống rỗng. Đi đâu tôi cũng làm lại từ đầu với mức lương khởi điểm. Thưởng tết cũng rất thấp, vì có mấy khi tôi làm đủ 12 tháng. Điểm yếu của tôi là chỉ cần sếp to tiếng hay đồng nghiệp nhắc nhở làm tôi tự ái thì ngay lập tức tôi dọn đồ đạc về nhà. 29 tuổi rồi mà tôi chưa tìm được việc làm ổn định, vì thế chuyện tình duyên vẫn còn... lận đận, vì không ai muốn "rước" người thất nghiệp "dở" về làm vợ cả...".

Nhiều người cũng đồng tình rằng, khi "nhảy việc", nhiều  người sẽ có điều kiện tiếp xúc với một môi trường mới, văn hóa công ty mới, có thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực hơn và năng động hơn. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, khi quyết định "nhảy việc" nghĩa là nhiều người cũng đang dấn thân vào một sự mạo hiểm vô hình. Bởi, bạn không thể chắc chắn vị trí mới có thực sự đem lại cơ hội như mình muốn hay không và ở "thì tương lai" này, cũng khó mà biết được, mình sẽ "trụ" lại ở công ty bao lâu?

Hà An cho biết, người bạn tên Mai của cô làm cho một công ty xây dựng với mức lương 3 triệu/tháng. Ngay sau khi biết nhân viên của mình có thể chuyển việc, giám đốc công ty "hứa" sẽ nâng lương nhưng Mai vẫn quyết tâm chuyển việc để tìm môi trường làm việc mới với lý do: "Học  khoa Kiến trúc mà em lại vào phòng hành chính làm việc nên rất phí kiến thức, cộng với hàng ngày sếp hay gọi vào phòng để "dọn dẹp" nhưng lại thích "động chân, động tay" vào những chỗ nhạy cảm  khiến em "khiếp vía..."”.

Các chuyên gia nhân sự cho rằng, có thể nhiều người trẻ muốn "nhảy việc" là do... sở thích, nhưng họ vẫn muốn tuyển dụng một người trung thành và gắn bó với công việc. Bởi, từ trước đến nay, người thành công là người kiên trì và nắm bắt cơ hội tốt. Những người được cất nhắc lên vị trí cao là những người có sự cống hiến với công ty, gắn bó và kiên trì, cũng là một tiêu chí để thăng tiến.

Thay đổi và tìm thêm những cơ hội mới là xu hướng của nhiều người trẻ. Chuyển việc để tìm được một công việc mới, có  mức lương tốt đang là trào lưu của nhiều người trẻ. Tuy nhiên, cần cân nhắc trước khi "nhảy việc", bởi gắn bó với một trường làm việc, cũng là một ưu điểm để người trẻ được cân nhắc lên một vị trí cao hơn, có thu nhập tốt hơn.

Nhà tuyển dụng e dè trước các ứng viên thích "nhảy việc"

Ông Trần Ngọc Lâm, Giám đốc Nhân sự, công ty Nội thất Nhà đẹp cho biết: "Nhảy việc đang là trào lưu của nhiều người trẻ mới ra trường, bởi họ vẫn còn tâm lý "nhõng nhẽo" với công việc, ngay khi đã tìm được việc phù hợp với năng lực của mình. Với vai trò là nhà tuyển dụng, chúng tôi đánh giá cao những người có kiến thức tốt và có ý định gắn bó lâu dài với công ty. Nhiều đợt tuyển dụng, chúng tôi đọc CV (hồ sơ xin việc) thấy ghi 4 năm chuyển đến 10 công ty, hỏi ra mới biết là người đó hay có sở thích... chê, lúc thì công ty sếp khó tính, ghê gớm, lúc thì đồng nghiệp ích kỷ... Những ứng viên như thế, chúng tôi thường phải nâng lên, đặt xuống khi tuyển dụng...".

L.T

Giới trẻ và hành vi "lệch chuẩn" học đường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Trong giới học đường hiện nay đang rộ lên trào lưu gọi thầy cô giáo bằng những biệt danh như "cá bảy màu","chú lùn", "cây sậy", "hạt mít"..., tùy vào hình dáng hoặc tính cách của thầy, cô. Thậm chí còn tồn tại quy định phải cùng nhau đánh giá thầy cô bằng ngôn từ riêng thì mới là “play dân” (dân chơi).

Tập đoàn đa quốc gia thích sinh viên ngoại tỉnh

Thứ 6, 28/12/2012 | 13:36
“Chúng tôi thích tuyển dụng những bạn sinh viên ngoại tỉnh, đặc biệt có thể là con cả của một gia đình nhiều anh chị em. Bởi những bạn đảm đang trong gia đình cũng sẽ làm tốt công việc”, nữ CEO của Honeywell tại Việt Nam chia sẻ.