Gọi

Gọi "bác sĩ" tiêm vác xin dễ hơn gọi taxi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Thiều, Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư cổ tử cung tại nước ta là một loại ung thư có tỷ lệ phụ nữ mắc cao nhất Đông Nam Á. Tại TP. Hồ Chí Minh và miền Nam nói chung, tỷ lệ phát sinh ung thư hàng năm khoảng 26/100.000 phụ nữ, cao gấp 4 lần so với Hà Nội và phụ nữ phương Tây.

Chính vì tỷ lệ phụ nữ bị ung thư cổ tử cung cao nên nhu cầu tiêm vác xin phòng chống ung thư trong phụ nữ có điều kiện kinh tế tăng lên khá mạnh thời gian qua.

Phụ nữ nên đến cơ sở y tế để tiêm vác xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung để tránh nạn thuốc giả (Ảnh minh họa)

Suy giảm tình dục vì dùng phải thuốc giả

Hiện ở nhiều nơi đã xuất hiện một đội ngũ làm công tác tiêm vác xin ung thư cổ tử cung di động. Chỉ cần 1 cuộc điện thoại là được nghe chào hàng, giá cả, hẹn ngày đến tiêm và thu tiền. Chị Nguyễn Thị Anh Hương (ở Từ Sơn, Bắc Ninh), nghe người quen giới thiệu, gọi một người tên Hòa, số điện thoại 091509... hỏi: "Chị còn vác xin phòng chống ung thư cổ tử cung không, Chủ nhật này về khám, tiêm cho em nhé!". Đầu dây bên kia: "Ok. Cô đọc địa chỉ đi...". Sáng Chủ nhật, chị Hòa cùng 2 người nữa được giới thiệu là giúp việc, đi taxi về, có một hộp xốp rất to đựng thuốc và dụng cụ. Chị Hòa cho biết: "Tiền taxi và tiền thuốc, khổ chủ đều phải chịu". Chị Hòa giới thiệu: "Mình là bác sỹ của bên y học dự phòng nên rất thạo các loại vác xin. Gia đình có nhu cầu thì cứ gọi, chị tiêm cho, giá hữu nghị, chất lượng thuốc "xịn"”.

Tôi hỏi chị Hương: "Tổng thiệt hại" trong vụ tiêm vác xin phòng chống ung thư cổ tử cung là bao nhiêu? Chị Hương cười: 1,1 triệu tiền thuốc, 400.000 nghìn đồng tiền taxi. "Chị tiêm bao nhiêu lần rồi?". Chị Hương thành thật: "Bạn tôi tiêm 2 lần rồi. Họ bảo cách 2 hoặc 3 năm tiêm một lần cho chắc. Phòng được bệnh thật thì đó là cái giá quá rẻ. Nếu bị ung thư cổ tử cung thật, chị em mình mất hết...". Hóa ra là vậy. Chị Hương, bạn chị là những người phụ nữ có điều kiện kinh tế thì một vài triệu là rẻ nhưng với phụ nữ vùng sâu, khó khăn thì thật là xa xỉ. Họ còn chẳng biết ung thư cổ tử cung là gì chứ chưa nói đến chuyện chữa, phòng nó ra sao.

Chị Nguyễn Hoài Mỹ (TP.Hải Dương) cho biết, qua mấy chị cơ quan rỉ tai, chị Mỹ cũng gọi bác sỹ về tận nhà tiêm vác xin phòng chống ung thư cổ tử cung. Giá thì 1,5 triệu đồng, chưa kể những phụ phí khác. Tiêm xong được 1 tuần, chị Mỹ phát hiện thấy triệu chứng lạ, gọi điện hỏi bác sỹ, được bác sỹ tư vấn và cũng giống như lời bác sỹ nói: "Triệu chứng đó sẽ hết trong khoảng từ 3-5 ngày khi phát hiện ra nó”. Cũng theo chị Mỹ thì từ ngày tiêm loại vác xin này vào, nhu cầu tình dục của chị giảm đáng kể. Đã có một thời gian ngắn, vợ chồng lục đục... Chồng chị tìm hiểu, biết vợ tiêm vác xin nên đã hiểu được vì sao lại có chuyện đó.

Thật - giả khó kiểm soát

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nếu bạn đến một cơ sở y tế dự phòng hoặc bệnh viện chữa ung thư, tiêm vác xin phòng chống ung thư cổ tử cung, có giá từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng. Theo chuẩn y tế, tất cả các loại vác xin đều phải đảm bảo về nhiệt độ, môi trường.

Có tác dụng nhưng dễ dùng phải thuốc giả

"Muốn biết đó là vác xin giả - thật thì người tiêm qua việc "tiếp thị" phải tự tìm hiểu: Thuốc này có nguồn gốc ở đâu? Đã hết hạn sử dụng chưa? Cho xem bao bì và lưu lại bao bì để làm vật chứng khiếu nại nếu tiêm xong mà bị biến chứng?

Vác xin phòng chống ung thư cổ tử cung có tác dụng phòng chống tốt nhưng chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định rằng tiêm vác xin đó vào sẽ vĩnh viễn không bị ung thư cổ tử cung. Tức là vẫn có phần trăm xác suất nhất định, tiêm vác xin vẫn bị bệnh".

(Bác sỹ Nguyễn Văn Thiều, Bệnh viện K, Hà Nội)

Với giá vác xin ung thư cổ tử cung được "tiếp thị" đến tận nhà như trên, liệu có đảm bảo chất lượng hay chỉ là vác xin trôi nổi, vác xin giả? Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế cho biết: “Điều kiện đảm bảo đúng cho vác xin ở góc độ nhiệt độ, môi trường là rất khắt khe. Vác xin không được để ra ngoài quá 30 phút. Ngay cả khi chúng ta chuyển vác xin tiêm chủng thôi cũng phải có những thùng chuyển thuốc chuyên dụng. Vác xin được chuyển ra những thùng đá nhỏ, y tá mở lắp lấy thuốc tiêm rồi lại phải đóng vào để đảm bảo nhiệt độ cho những ống vác xin còn lại trong thùng... Những loại vác xin nhập từ nước ngoài về như vác xin phòng cúm, phòng dịch SARS, ung thư... thì điều kiện bảo vệ cho nó khắt khe hơn, vì khí hậu của chúng ta có độ ẩm trung bình rất cao”.

Tiến sỹ Nga nhấn mạnh: "Có thể đó là vác xin trôi nổi trên thị trường, chưa được kiểm định hoặc vác xin đã bị loại vì hết hạn sử dụng, vì không đảm bảo chất lượng do tác động của nhiệt độ, môi trường...". Tiêm chủng cho trẻ em, chỉ tiêm vác xin một lần đối với một bệnh, song trong trường hợp này, một số phụ nữ khuyên nhau, 2 đến 3 năm tiêm phòng /lần, liệu có đúng không? Tiến sỹ Nga khẳng định: "Nguyên tắc tiêm phòng chỉ tiêm một lần đối với một loại bệnh. Có thể là nhiều mũi tiêm trong những thời điểm nhất định nhưng là mũi tiêm nhắc lại, tiếp theo chứ không phải là mũi tiêm bắt đầu của đợi phòng chống mới...".

Tại các thành phố, đô thị, phụ nữ thường đến tận các cơ sở chuyên khoa y tế để thực hiện các biện pháp phòng chống. Nhưng phụ nữ ở vùng ven, có điều kiện kinh tế thường ngại, nên hay chữa, phòng bệnh qua giới thiệu. Bác sỹ Nguyễn Văn Chung - chuyên ngành y tế dự phòng cho rằng: “Phụ nữ không nên tiêm vác xin phòng chống ung thư cổ tử cung qua "tiếp thị". Hiện nay có rất nhiều loại vác xin không đảm bảo chất lượng, thậm chí là hàng giả mà chúng ta chưa thể kiểm soát được lưu hành trên thị trường”.

Cũng theo bác sỹ Chung, theo nghiên cứu tổng hợp gần đây, có đến 96% các trường hợp ung thư cổ tử cung có tiền sử bị nhiễm HPV (Yếu tố nguy cơ chính gây nên phần lớn trường hợp ung thư cổ tử cung là virút human papilloma virus (viết tắt là HPV)... Vì thế, cách phòng chống tốt nhất vẫn là giữ vệ sinh, đi khám phụ sản định kỳ để biết được tình trạng "sức khỏe" của cổ tử cung rồi có hướng điều trị đúng.

Nguyên Hằng