Ngày 29/3, tại Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 15), Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội năm học 2023-2024.
Theo đó, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thống nhất điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2024. Cụ thể, tổng biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước là 116.185 biên chế, trong đó bao gồm số biên chế viên chức theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp là 113.537 biên chế; bổ sung 2.648 biên chế theo Quyết định số 2362-QĐ/BTCTƯ ngày 6/12/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của thành phố năm 2024.
Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội cũng giao bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023-2024 cho Sở Giáo dục và Đào tạo, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã. Trong đó, biên chế viên chức các trường trung học phổ thông là 447 chỉ tiêu; biên chế viên chức các trường trung học cơ sở là 1.033; biên chế viên chức các trường tiểu học là 977; biên chế viên chức các trường mầm non là 191.
Cụ thể, giao ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai giao bổ sung biên chế viên chức giáo dục theo đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch; thực hiện việc quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên được giao; chỉ đạo việc tuyển dụng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, cơ cấu môn học theo từng bậc học.
Tiếp tục đẩy mạnh việc nâng mức tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục công lập, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng chủ trương theo Kết luận số 40-KL/TƯ ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Biên chế được giao bổ sung được thực hiện từ tháng 1/2024.
Theo Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2022 - 2023, thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người. Tính đến năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp (mầm non: 51.955, tiểu học: 33.112; THCS: 19.304; THPT: 13.882), số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022.
Thông tin trên báo Dân Việt, theo dự báo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) năm học 2023 - 2024, toàn ngành cần hơn 1,1 triệu giáo viên các cấp (trong các cơ sở giáo dục công lập). Cả nước cần tuyển bổ sung hơn 81.500 giáo viên các cấp. Số lượng biên chế được giao chưa tuyển dụng ở các địa phương là hơn 74.100 giáo viên; trong đó, hơn 24.400 giáo viên tiểu học; trên 15.500 giáo viên THCS và hơn 5.500 giáo viên THPT.
Trước tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, thời gian qua, Bộ GD&ĐT cho biết, đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa thiếu giáo viên và đề xuất chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026.
Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022- 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, năm học 2023-2024 giao bổ sung 27.860 biên chế.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến hết học kì I năm học 2022-2023, các địa phương tuyển dụng được 55,5% chỉ tiêu được giao (15.450/27.850 biên chế), trong đó cấp mầm non là 5.673/13.015 đạt tỉ lệ 43,6%, tiểu học 5.398/8.162 đạt tỉ lệ 66%; THCS 2.906/4.665 đạt tỉ lệ 62,3%; THPT 1.474/2.008 tỉ lệ 73,4%.
Như vậy có thể thấy, bậc học nào cũng thiếu giáo viên nhưng bậc mầm non là bậc thiếu nhiều giáo viên nhất.
Trúc Chi (t/h theo Hà Nội Mới, Giáo dục Việt Nam)