Hà Nội vẫn quyết tâm mở rộng phân làn đường

Hà Nội vẫn quyết tâm mở rộng phân làn đường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Dù không thành công ở những lần trước, Hà Nội vẫn "quyết tâm" đổ hàng chục tỉ đồng vào phân làn tuyến phố.

Theo thông tin từ cuộc họp giữa Sở GTVT Hà Nội và các ban ngành mới đây, thời gian sắp tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phân làn trên một số tuyến phố nội thành như: Hoàng Quốc Việt, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Yên Phụ. Một lãnh đạo của Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện đang giao cho các bộ phận liên quan chuẩn bị hạ tầng xong trước ngày 30/5 để bắt đầu thực hiện phân làn vào đầu tháng 6 năm nay.

Xã hội - Hà Nội vẫn quyết tâm mở rộng phân làn đường

Dù có biển báo, nhưng người dân vẫn đi sai làn đường

Theo kế hoạch, các tuyến phố Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải mỗi chiều đường sẽ được tách thành hai làn. Phần đường dành cho ô tô là 6m, phần còn lại dành cho xe máy và xe thô sơ. Đường Hoàng Quốc Việt sẽ dành 5,5m mỗi làn cho ô tô và khoảng 5m cho xe máy và xe thô sơ.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực GTVT, việc phân làn đường cần phải thực hiện đúng lộ trình và có sự tính toán kỹ lưỡng. Bài học phân làn đường từ năm 2011 là minh chứng cụ thể nhất. Năm ngoái, Hà Nội đã phân làn ở một số tuyến phố như Xã Đàn, Bà Triệu, Phố Huế... Tuy nhiên những kết quả mang lại không được bao nhiêu trong khi đó số tiền "đổ" vào phân làn là không nhỏ. Theo tính toán, lần trước Hà Nội đã phải chi 1 tỉ đồng/ngày cho phân làn.

Anh Quang Trung (Đống Đa - Hà Nội) cho biết, nhà anh ở đường Đê La Thành, hàng ngày anh đi làm qua phố Xã Đàn, là tuyến phố đã được phân làn từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, dù đã có biển báo và kẻ vạch đầy đủ nhưng có đến 90% người tham gia giao thông đều đi sai làn đường của mình. "Người vi phạm nhiều, nhưng hầu như không có lực lượng nào xử phạt các trường hợp đó. Do đó, những biển báo phân làn giữa đường nhiều khi lại làm vướng người tham gia giao thông. Tôi thấy vừa tốn tiền mà lại không hiệu quả", anh Trung chia sẻ.

Chi nhiều tiền nhưng lại không hiệu quả, Hà Nội vẫn bất chấp dư luận để tiếp tục phân làn trên nhiều tuyến phố. Nhiều người lo ngại, nếu phân làn nửa vời như lần trước, Hà Nội sẽ tiếp tục "đổ" hàng chục tỉ đồng để đổi lại sự bức xúc cho người dân.

Trao đổi với PV Người đưa tin, TS Khuất Việt Hùng, giảng viên khoa Quy hoạch và Quản lý GTVT (trường ĐH GTVT) cho biết: "Việc phân làn giao thông là việc làm phù hợp với Luật Giao thông đường bộ tuy nhiên phải tiến hành ở những tuyến phố phù hợp. Các cơ quan chức năng cần phải tính toán kỹ xem tách làn ở phố nào thì phù hợp, không thể tùy tiện làm ẩu, làm không hiệu quả. Theo tôi, đầu tiên nên làm ở những tuyến đường nhu cầu giao thông tiếp cận thấp, chúng ta tách làn thì mới phù hợp và có hiệu quả. Còn những tuyến phố mà ta cho xây dựng liền kề, giao thông tiếp cận ra vào, mật độ sử dụng đất hai bên đường lớn thì phân làn không phù hợp. Ví dụ như phố Huế, phố Bà Triệu là phân làn không hợp lý. ở những tuyến phố như Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Hoàng Quốc Việt ... trong một chừng mực nào đấy là chấp nhập được".

Xã hội - Hà Nội vẫn quyết tâm mở rộng phân làn đường (Hình 2).

Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 - Hà Nội

Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 - Hà Nội, là người có nhiều năm kinh nghiệm điều hành giao thông ở cầu Chương Dương, Trần Khánh Dư cho rằng: "Nếu phân làn mà có lực lượng duy trì, bảo đảm thì rất tốt, còn nếu không có lực lượng duy trì thì chắc chắn sẽ rất khó để đạt hiệu quả cao được. Đặc thù của đường Trần Khánh Dư, đường Trần Quang Khải là có đường dân sinh nối với đường lớn rất nhiều, chính vì thế phải tính toán thật kỹ lưu lượng ra vào. Phân làn là phải tính toán lưu lượng xe trên tuyến đường đó, ví dụ như lưu lượng xe máy trên tuyến đường đó lớn mà lại để làn xe máy bé thì chắc chắn sẽ xảy ra ùn tắc. Những đường ấy nếu phân làn thì phải có biển báo đầy đủ, bao gồm cả biển chuyển làn phải thật chuẩn vì nó có đường dẫn lên cầu Chương Dương, nếu không tính toán kỹ dễ gây hỗn loạn giao thông trên tuyến này".

Phân làn giao thông: Mỗi ngày 1 tỉ đồng?

Tháng 11/2011 Hà Nội tiến hành phân làn trên nhiều tuyến phố như: Phố Huế, Giải Phóng, Bà Triệu, Xã Đàn, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt. Trong hai mươi ngày đầu sau khi phân làn, số tiền mà Hà Nội chi cho công tác phân làn là hơn 1 tỉ đồng/ngày. Tốn rất nhiều tiền, nhưng kết quả lại rất thấp, vì không đủ lực lượng túc trực và hướng dẫn người tham gia giao thông nên tình trạng đi sai làn, lấn làn diễn ra phổ biến. Thậm chí, nhiều người còn đâm vào cột biển báo phân làn giữa đường, gây nên nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.

Quốc Triều