“Hái tiền” trên cây, thách thức tử thần

Phương Dung

Hè đến, tiếng ve kêu râm ran, sấu vào mùa. Và khi những con phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Tràng Thi…thưa thớt tiếng xe, phố thị chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc những “thợ hái sấu” bắt đầu công việc của mình.

Mưu sinh mùa sấu

Những người đàn ông trèo thoăn thoát, đứng vắt vẻo trên các cành cây cao chót vót hái sấu mà không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào. Mưu sinh mùa sấu giúp kiếm tiền triệu mỗi ngày nhưng cũng đầy rẫy nguy hiểm…

Cầm chiếc điện thoại bắt đầu cuộc gọi, đầu dây bên kia nhấc máy, anh Nguyễn Văn Hậu (quê Thanh Hoá) nhanh nhảu nói: “Anh Hưng à, hôm nay có sấu to anh đặt rồi đây. Em trẩy được hơn 10kg, lát anh ra lấy nhé!”. Vội cúp máy, người đàn ông dáng người rắn khỏe, chân trần, khuôn mặt đen nhẻm ướt đẫm mồ hôi bắt đầu đặt những bịch ni lông toàn sấu non mới hái, bày ra vỉa hè rồi rao bán cho người đi đường. Sấu sau khi hái được bán tại gốc với giá dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg.

Sấu được bán với giá trung bình từ 35.000-45.000 đồng/kg.

Khi mùa sấu đến, những người lao động tự do từ tỉnh lẻ lại tụ về Thủ đô để bắt đầu công cuộc hái sấu của mình.

Trên những con phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lý Nam Đế…lúc 4h sáng, không dây bảo hộ, chỉ với đôi tay trần, những người đàn ông thuần thục thoăn thoắt leo lên những cây sấu cổ thụ cao hàng chục mét.

Lẩn vào tán sấu xanh thẫm giữa màn đêm, chiếu theo ánh đèn điện lờ mờ, chỉ thấy những tán lá rung rinh rồi rụng xuống. Hơn 1 tiếng sau, anh Hậu dùng dây dù thòng những bao tải sấu nặng đến 50kg xuống mặt đất.

Một thợ hái sấu trên một cây sấu cao hơn 20m lúc rạng sáng.

“Mỗi năm chỉ có một mùa sấu, mùa thường diễn ra khoảng 3 tháng đầu hè nên phải làm cật lực, bắt đầu từ đầu tháng 5 đến hết tháng 7 dương lịch. Mấy anh em chúng tôi rủ nhau trèo hái bán kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Buổi hái sấu thường diễn ra từ 1h đến 5h sáng, muộn lắm cũng phải xong trước 7h sáng để kịp bán và tránh lực lượng chức năng”, anh Hậu nói, rồi nhanh tay cân bán sấu cho khách.

Nói rồi, anh Hậu chỉ tay về phía cây sấu cách đó vài mét. Anh nói rằng, nghề trèo hái sấu rất nguy hiểm bởi cành sấu nhỏ, giòn và dễ gãy rất khó trèo. Công việc vất vả và nguy hiểm, ai không sợ độ cao mới có thể làm được.

Anh Hậu chia sẻ: “Một ngày tôi và bạn cùng phòng chia làm hai ca hái. Tôi hái lúc sáng sớm rồi ngồi bán xong thì về nghỉ. Đến trưa thì đổi ca. Ca chiều thì hái xong khoảng 2h chiều lại ngồi bán tiếp. Ngày nào gặp cây sai quả to thì trẩy được khoảng 70-80kg, bán với giá 35 nghìn/kg. Ngày mỗi thằng kiếm được vài trăm, có ngày kiếm tiền triệu đút túi, vất vả tí nhưng hơn mấy nghề khác. Nếu hết vụ thì chúng tôi quay lại công việc thường ngày kiếm sống thôi”.

“Sấu thủ” đều là lao động nghèo

Hầu hết, những người hái sấu phần lớn đều là dân tỉnh lẻ, đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định…Người dân trên các tuyến phố này vẫn hay gọi họ là dân hái sấu chuyên nghiệp, dù công việc việc chính của họ là chạy xe ôm, đánh giày, thợ hồ… nhưng đa phần là có sức khoẻ tốt.

Dụng cụ hành nghề của thợ sấu khá đơn giản: một chiếc sào có móc sắt, bao tải, cân mini và đoạn dây thừng dài chừng 30-40 mét. Nghề hái sấu đã giúp những người ngoại tỉnh nghèo khó kiếm thêm thu nhập nhưng theo những thợ trèo sấu lâu năm thì công việc này luôn kề cận những nguy hiểm.

Một thợ sấu ngồi bán trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Làm thợ trèo sấu cũng hơn 6 năm, anh Dũng (quê Thanh Hoá) ngại ngùng chia sẻ: “Ai cũng chỉ nghĩ là chúng tôi thu nhập ngày công cao từ hái sấu nhưng không ai biết rằng chúng tôi cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt và rất nguy hiểm. Hái sấu khó nhất là lúc chằng dây. Dây phải chằng thật cẩn thận, cành sấu giòn lắm, không cẩn thận là trượt chân ngã như chơi”.

Lại có khách ghé mua, anh Dũng nhanh tay cân, tính tiền xong anh nói tiếp: “Đa phần tất cả những cây sấu ở mấy tuyến phố này tôi hầu như đã từng trèo lên ít nhất 1 lần. Để không bị lên nhầm với khác, từ chiều hôm trước mấy anh em đã phải đi chọn để đánh dấu những cây chưa hái. Nói thật, nhờ mùa sấu mà có thêm tiền để gửi về quê cho vợ nuôi hai con nhỏ ăn học, trang trải cuộc sống được phần nào”.

Cũng theo anh Dũng, công việc này chỉ thực hiện khi trời không có mưa, và nắng ráo. Chủ yếu hái nhiều vào lúc rạng sáng, vì khi đó mới vắng bóng lực lượng chức năng.

Nói nghề hái sấu buồn cũng đúng vì nó rất nguy hiểm nhưng nói vui cũng không sai. Bởi lẽ, với nhiều người dân động tự do ở các tỉnh lẻ thì những quả sấu đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho họ.

Sấu là loại quả có thể để được lâu, nhiều người tranh thủ mua nhiều về trữ đông để dùng cả năm.

Nhanh tay chọn được 5kg sấu tươi, anh Thắng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Năm nào đến mùa sấu tôi cũng tranh thủ mua về trữ đông để ăn dần, hoặc mua biếu hai bên gia đìng nội, ngoại. Sấu ở đây rất ngon, giai đoạn đầu mùa này giòn hơn sấu chín, vị chua thanh rất dịu”.

Sấu là loại quả có thể để được lâu, nên cứ đến mùa, nhiều người tranh thủ mua nhiều về trữ đông để dùng cả năm, vì với họ, sấu dầm chua cay, nước sấu mùa hè mát lạnh, mứt sấu ngòn ngọt là món yêu thích, hay canh sấu, là món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Sấu đã trở thành món quà đặc biệt của người dân Thủ đô gửi tới bạn bè trong và ngoài nước. Thế nhưng, ít ai biết bên cạnh vị chua chua ngon ngọt đặc biệt của sấu còn có cả vị chua chát của những người làm nghề hái sấu.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó tổng Giám đốc công ty Cây xanh Hà Nội cho biết, việc hái quả trên cây thì tác động ít đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh. Tuy nhiên, điều này gây ra sự phản cảm đối với hệ thống cây ở đô thị.

Những trường hợp trèo hái như vậy, thường việc xử phạt nhẹ thì nhắc nhở, còn nếu để ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển cây xanh thì sẽ có mức xử phạt nghiêm khắc hơn. Theo ông Mạnh, để đảm bảo, phía công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền trên địa bàn thực hiện công tác tuần tra, nhắc nhở.

P.D