Hàng không quá tải vì sửa chữa đường băng: Sao phải khởi công đúng đợt cao điểm hè?

Nguyễn Lâm - Lê Trà

Mặc dù được áp dụng nhiều biện pháp để đáp ứng nhu cầu đi lại, thế nhưng tình trạng máy bay ùn ứ, hành khách vạ vật chờ bay vẫn đang diễn ra tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian vừa qua. Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi rằng, tại sao bộ GTVT lại thực hiện dự án trong đợt cao điểm du lịch hè?

Tình trạng khẩn cấp, không thể trì hoãn

Lý giải với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về thời gian thực hiện dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh văn phòng bộ GTVT - cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là vô cùng cấp bách và không thể trì hoãn. Bởi theo ông Dũng nếu không được sửa chữa kịp thời 2 sân bay này hoàn toàn có thể phải ngừng khai thác, khi hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tiếp tục xuống cấp trong thời gian tới.

Ông Dũng cho biết: “Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Ngay sau khi nhận được quyết định, bộ GTVT đã khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để có thể giao thầu theo lệnh khẩn cấp. Do đó, việc khởi công 2 dự án này vào đầu tháng Bảy là một nỗ lực của bộ GTVT và các đơn vị liên quan”.

Ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh văn phòng bộ GTVT.

Bộ GTVT cũng xác định, việc sửa chữa đường băng này mang tính chất kéo dài, thời gian sớm nhất có thể hoàn thành toàn bộ dự án là đầu năm 2022. Vì vậy, trong thời gian dài thực hiện dự án không thể tránh khỏi ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là mùa cao điểm du lịch hè và Tết Nguyên đán.

“Để việc di chuyển của người dân được thuận tiện nhất, bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thi công hoàn thành đúng tất cả nguyên tắc về an ninh, an toàn trong quá trình thi công, huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Đồng thời, chỉ đạo cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không phải cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời tới quý hành khách, thực hiện bán vé theo slot đã được quy định.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã có tâm thư gửi tới người dân, hành khách để xin lỗi về những bất cập phát sinh từ việc sửa đường băng tại 2 dự án này”, ông Dũng thông tin thêm.

Hành khách vạ vật chờ bay

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp Luật tại khu vực sảnh chờ của sân bay Nội Bài vào những ngày cuối tháng Bảy, tình trạng hành khách vạ vật chờ làm thủ tục và đợi bay vẫn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân của sự chậm trễ các chuyến bay có nguyên nhân do việc thi công đường băng. Do phải chờ đợi trong thời gian dài dưới cái nắng gay gắt tại Hà Nội nên các vị khách này đều lộ rõ vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lương Văn Việt (22 tuổi, trú tạiTP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Hôm nay, chuyến bay của tôi bị hoãn từ 10 giờ 30 đến tận 14 giờ cùng ngày. Trước đó, hãng bay có nhắn tin thông báo về việc chuyến bay cất cánh muộn hơn dự kiến. Tuy nhiên khi tôi đến sân bay thì hãng lại thông báo trên loa rằng chuyến bay của tôi vẫn tiếp tục bị hoãn”.

Vị hành khách này cũng bày tỏ sự bức xúc bởi trong thời gian chờ baykhông nhận được bất kì sự chăm sóc nào mặc dù phải đợi chờ rất lâu. “Do đặc thù công việc phải thường xuyên di chuyển nên chuyện chậm trễ chuyến bay ảnh hưởng rất lớn tới công việc”, anh Việt cho hay.

Một hành khách tranh thủ chợp mắt trên băng ghế dài tại sảnh chờ trong thời gian chờ bay.

Thông tin thêm về tình trạng các chuyến bay cất cánh muộn khiến hành khách phải chờ đợi, chúng tôi cũng có cơ hội được trò chuyện với chị Hoàng Thủy (36 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) khi chị đang ngồi đợi giờ vào làm thủ tục cùng 2 con của mình.

Là người thường xuyên đi lại bằng máy bay, chị chia sẻ, hầu hết các chuyến bay trong thời điểm này đều bị muộn hơn khoảng 1 - 2 tiếng. Việc chậm trễ giờ bay cũng khiến các cháu nhỏ mệt mỏi, quấy khóc vì phải đợi chờ lâu.

“Sau khi bị chậm giờ bay, hãng bay còn chuyển hành khách sang một chuyến bay khác hoặc đổi cửa lên máy bay khác khiến chúng tôi “không kịp trở tay”. Vì có con nhỏ nên việc thay đổi là rất phức tạp, việc này khiến chúng tôi mệt mỏi và gấp gáp thời gian”, chị Thuỷ bức xúc.

Việc phải chờ đợi ở sân bay 1 tiếng hoặc thậm chí là nhiều tiếng liền khiến cho toàn bộ hành khách đều mệt mỏi, có người đã ngủ lại trên những chiếc ghế dài tại sảnh chờ. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực mà chúng tôi ghi nhận được là các hành khách đều tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang hay hạn chế tiếp xúc với người lạ.

N.L-L.T