Nhà bà Hường bên bờ sông Nậm Piệt.
Chỉ vào dòng Nậm Piệt đang hiền hòa chảy, bà Lương Thị Hường (45 tuổi), bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An lắc đầu cho biết: “Giờ thì nhìn vậy thôi chứ người dân chúng tôi đang lo lắm. Mùa mưa bão sắp đến rồi, không biết lũ quét tồi tệ đến như thế nào, mấy căn nhà tạm không khéo mà bị cuốn mất thôi”.
Gia đình bà Hường từng có một căn nhà rất khang trang. Thế nhưng, trận lũ giữa tháng 7/2018, ngôi nhà này bị nước cuốn, sập hoàn toàn. Không có chỗ ở, bà đi vay mượn khắp nơi dựng lại căn nhà mới trên nền đất cũ. Thế nhưng, căn nhà này cũng có nguy cơ bị cuốn trôi khi sạt lở đã vào tới chân móng. Không còn tiền, cũng chẳng có nơi nào để đến tá túc, gia đình bà Hường đành phải sống chung với lũ. Cả nhà hiện phải chen chúc nhau trong một nửa căn nhà còn lại.
“Trong trận lũ quét năm 2018, không chỉ riêng nhà tôi mà có gần 10 ngôi nhà của người dân bị sạt lở, trong đó có những ngôi nhà sập hoàn toàn không thể ở được nên người dân đã bỏ đi nơi khác. Nhưng, cũng có nhiều người giống gia đình tôi không có tiền di chuyển đành chấp nhận sống trong những ngôi nhà xuống cấp. Ai cũng biết nguy hiểm nhưng lại chẳng thể làm cách nào khác”, bà Hường nói.
Ông Lương Văn Huân - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, cho biết, nhiều hộ dân bản Mường Phú, Mường Piệt nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, nước lũ cuốn. Khu vực sạt lở có tới 126 hộ dân sinh sống, trong đó có 34 hộ đối diện nguy cơ sạt lở cao. Các hộ dân tại đây phải sống trong cảnh thấp thỏm.
“Ba năm trở lại đây đều xuất hiện lũ quét. Nghiêm trọng nhất là trận lũ vào tháng 7/2018. Nhiều căn nhà xây kiên cố bằng bê-tông ở sát dòng Nậm Piệt bị nước lũ cuốn phăng. Không được di dời tới nơi ở mới an toàn, hằng ngày nhiều hộ dân bản Mường Phú, Mường Piệt phải sống trong những căn nhà bên mép sông. Mỗi lần có mưa lớn không phải chỉ người dân lo mà chính quyền cũng đứng ngồi không yên, luôn phải cử cán bộ xuống túc trực, hỗ trợ người dân di tản tới nơi an toàn”, ông Huân nói.
Lũ quét đã khiến bờ sông bị xói mòn.
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Tình trạng này không phải mới đây mà đã xảy ra từ nhiều năm nay. UBND huyện đã nhiều lần có tờ trình gửi UBND tỉnh kiến nghị về việc di dời các hộ dân đến nơi an toàn hơn. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà các kế hoạch này đều không được phê duyệt”.
Trước đó, năm 2017, UBND huyện Quế Phong đã có tờ trình xin đầu tư dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở nhất. Tuy nhiên, tháng 12/2017, dự án trên không được phê duyệt. Theo giải thích của sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An là do “không cân đối được nguồn vốn đầu tư và không nằm trong quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh...”.
Nhiều ngôi nhà bị hư hỏng trong trận lũ quét năm 2018.
Tháng 7/2018, sau trận lũ quét kinh hoàng khiến nhiều nhà dân bản Mường Phú, Mường Piệt bị nước cuốn trôi, UBND huyện Quế Phong tiếp tục đề nghị thực hiện dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân. Lúc này, UBND tỉnh Nghệ An mới có văn bản hỏa tốc gửi sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, tham mưu đề xuất chủ trương xây dựng dự án.
Cuối cùng, sau nhiều lần kiểm tra, lập hồ sơ, tháng 7/2019, dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Tưởng như ngay sau đó, dự án này sẽ nhanh chóng được thực hiện. Thế nhưng, sau hơn 1 năm được phê duyệt, dự án vẫn nằm trên giấy, chưa hề được triển khai. Nguyên nhân một lần nữa là do “chưa bố trí được vốn”.
Mùa mưa sắp đến, người dân vô cùng lo lắng, thấp thỏm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cách đó không xa, một khu tái định cư đã bỏ hoang gần 10 năm nay. Đây là vị trí được xây dựng nhằm phục vụ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện. Tuy nhiên, do thiếu đất canh tác, vị trí xây dựng lại quá cao so với mặt đường nên những hộ này không chịu đến ở. Sau nhiều năm bỏ hoang, hiện các khu nhà ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Chúng tôi đã có tờ trình xin chủ trương đầu tư di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét. Mục tiêu của dự án này là cải tạo lại khu tái định cư đang bỏ hoang, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để chuyển 34 hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp về đây. Phía thủy điện cũng đồng ý bàn giao lại khu tái định cư bỏ hoang này cho huyện Quế Phong. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể làm được gì bởi chưa được phê duyệt”, ông Giáp nói.
Ông Nguyễn Bá Hiền – Trưởng ban Phát triển Nông thôn Miền núi huyện Quế Phong cho biết: “Sau trận lũ quét, UBND huyện đã rà soát và tìm được khu đất tái định cư mới, nhưng đến nay nguồn vốn vẫn chưa được tỉnh hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng quan tâm để di dời người dân đến nơi an toàn”.
A.N