Hành trình đi tìm... “rượu độc”

Hành trình đi tìm... “rượu độc”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Xin nói ngay chữ "độc" ở đây được hiểu là "hàng độc", hàng hiếm có và được quảng cáo uống vào giúp đấng mày râu cường dương, đại bổ... Tuy nhiên, theo các bác sĩ Đông y, hãy cảnh giác với "rượu độc" vì nếu ngâm và uống không đúng công thức sẽ dẫn đến hậu quả "tiền mất tật mang".

Càng "độc" càng quý?

Nhìn cách anh Sơn, nhà ở đường Giải Phóng (Hà Nội), chọn vị trí trang trọng nhất trong phòng khách để đặt hai bình "rượu độc" đủ biết chủ nhân tự hào về chúng thế nào. Bình bằng thủy tinh trong suốt, mỗi bình có dung tích khoảng 50 lít, trên miệng bình quấn nhiều lớp băng keo và niêm chì cẩn thận. Bình bên trái ngâm bộ mãng xà với một con hổ mang to cỡ cổ chân người lớn đang ngậm cùng lúc hai con cạp nong trông rất hãi hùng. Bình bên phải ngâm nguyên một con gấu chó ngồi thu lu như đang ngủ gật.

Ngoài hai bình "rượu độc" trị giá hàng chục triệu đồng này, anh Sơn còn có một hầm rượu đặt dưới gầm cầu thang với đủ hũ, lọ ngâm các loại côn trùng, thành quả của gần chục năm sưu tầm và tuyển chọn trong các chuyến công tác dọc miền đất nước. "Nghe người ta nói uống gì bổ nấy nên gặp gì tôi cũng ngâm, từ ngọc dương cho đến con bổ củi và bò cạp núi..." - Anh Sơn nói.

Tuy nhiên, so với bộ sưu tập "rượu độc" của anh Quang - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, thì bộ sưu tập "rượu độc" của anh Sơn mới chỉ xếp vào hàng "chiếu dưới". Ngay tại phòng tiếp khách của công ty, anh Quang đầu tư hẳn một quầy trưng bày các loại "rượu độc" ngâm đủ loại rắn, rết, côn trùng và bào thai dê... để dành mời khách quý. Trên mỗi bình rượu đều được ghi thời điểm ngâm, cả ngày dương lẫn ngày âm, trong đó có những bình đã trên 10 năm vẫn chưa đủ "tuổi khui".

Đặc biệt, anh Quang còn sở hữu bình rượu ngâm cặp "pín" hải cẩu vô giá, được người thân ở nước ngoài gửi về tặng. Anh Quang cho biết, trong những dịp tiệc tùng chiêu đãi đối tác, hiếm khi nào anh dùng rượu Tây vì vừa nóng và vừa dễ bị nốc phải đồ dỏm. Do đó, trong cốp chiếc "Mẹc" của anh lúc nào cũng có sẵn vài chai "rượu độc" được chiết từ nhà, khi cần là tài xế xách vào phòng.

"Nhờ có nó mà nhiều lúc bàn tiệc trở thành diễn đàn rôm rả, mỗi người một câu nói về công dụng, về hiệu quả khi uống rượu ngâm với "của quý" mà cánh mày râu dễ dàng trở nên thân mật, thông cảm và hiểu nhau hơn" - Anh Quang thổ lộ.

Theo lý lẽ của những người chơi "rượu độc", hàng nào càng quý hiếm thì càng "sung", nên ngày càng có đông đấng mày râu ở độ tuổi trung niên săn tìm mặc dù giá không phải rẻ. Tuy nhiên, phần lớn những người uống "rượu độc" đều không xác nhận được thực sự nó có hiệu quả như đồn đại hay không, chỉ biết rằng: "Nghe bảo uống gấu thì sẽ khỏe như gấu, uống bổ củi thì sẽ bổ như bổ củi, uống ngọc dương vì một con dê đực có khả năng cai quản cả đàn dê cái...".

Coi chừng mang bệnh!

Có cung ắt có cầu, trước phong trào chơi "rượu độc" của một bộ phần mày râu tuổi trung niên với mong muốn trở về cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", trên thị trường bắt đầu xuất hiện những điểm bán "rượu độc" từ bình dân đến cao cấp gồm: rượu cao mèo, trăn, hổ, khỉ; rượu cá ngựa, bò cạp, rắn, rết... "Rượu độc" có mặt khắp nơi từ các chợ chồm hổm đến các quán xập xệ trên vỉa hè; từ các cửa hàng thủ công mỹ nghệ đến các xe hàng rong bán đồ lưu niệm cho khách du lịch...

Rượu bán theo xị cũng có, bán theo chai cũng có, giá từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng một chai tùy "hiệu quả". Bất cứ ở đâu cũng dễ dàng tìm được những bình, những hũ, những chai "rượu độc" được đóng đậy sơ sài bày bán trên các sạp hàng tạm bợ bám đầy bụi đường.

Tại những nơi bán "rượu độc" ở Hạ Long (Quảng Ninh), khách thường được nghe giới thiệu về các loại rượu đẻn, rượu cá ngựa, rượu bìm bịp, rượu rắn, rượu ngán... với lời quảng cáo "đảm bảo 100% chất lượng". Kèm theo đó là một lô một lốc những tác dụng "tuyệt vời" do rượu mang lại như: chống đau lưng, chữa nhức mỏi, bổ huyết, cường dương... Người bán đôi khi đọc vanh vách như một thầy thuốc, thậm chí còn bắt mạch kê toa... bán rượu cho khách. Nếu khách chưa tin, người bán sẵn sàng "mời nếm thử".

Tại một số cửa hàng bán mỹ nghệ cũng bày bán la liệt các chai "rượu độc" bên trong ngâm rắn hổ mang, bò cạp núi, mối chúa... Có chai kích cỡ trung bình, nhưng cũng có chai chỉ nhỏ bằng hai ngón chân cái. Chủ một cửa hàng mỹ nghệ ở Hạ Long cho biết: "Người ta mang rượu đến ký gửi, bán được thì ăn hoa hồng, còn độc hại thế nào thì... cũng chịu". Vậy mà khi có du khách ghé vào tiệm, bà chủ này cứ thao thao bất tuyệt giới thiệu hết chai rượu này đến chai rượu khác, lại còn khuyến khích: "Cứ uống đi, nó chữa được bách bệnh đấy, chẳng bổ ngang thì cũng... bổ dọc!".

Theo quy định, tất cả các loại rượu đóng chai và có nhãn mác bày bán trên thị trường đều phải được các trung tâm y tế kiểm định, các cơ sở sản xuất và kinh doanh phải có cấp giấy phép. Nhưng trên thực tế, hầu hết "rượu độc" không có nguồn gốc xuất xứ và cũng bỏ ngỏ chẳng ai kiểm định, nhưng người tiêu dùng vẫn mua về uống bất chấp những cảnh báo có thể "tiền mất bệnh mang".

Theo các bác sĩ Đông y, riêng với "rượu độc" do người dân tự ngâm và pha chế nếu làm đúng theo các bài thuốc dân gian thì rất tốt. Tuy nhiên, khi ngâm cũng như sử dụng cần phải có chỉ định chuyên môn, vì nếu ngâm và uống không đúng công thức sẽ dẫn đến hậu quả phản tác dụng. Các thứ cặn bã hỗn tạp từ xác côn trùng, động vật được xem là "đại bổ và cường dương" ấy dễ gây những tác hại về lâu dài cho gan, thận...

Nguyên tắc dùng rượu thuốc

Vì rượu thuốc cũng là dược phẩm nên khi dùng phải tuân thủ nguyên tắc: đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tùy tiện và thái quá. Nếu để trị bệnh thì trước hết người bệnh phải được thầy thuốc chuyên khoa khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương và bào chế cho phù hợp. Ví như, cùng là bệnh Dương nuy (liệt dương), nhưng với những người thuộc thể bệnh âm hư thì loại dược tửu chọn dùng hoàn toàn khác so với thể bệnh Dương hư... Nếu để bồi bổ với mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe thì cũng phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng như tuổi tác, giới tính, thể chất... Nghĩa là, phải xác định được phần nào trong cơ thể bị hư yếu (âm hư, dương hư, khí hư hay huyết hư) và tạng phủ nào cần bồi bổ (tâm, can, tỳ, phế, thận...) để từ đó chọn phương, lựa dược cho thích đáng. Chỉ trên cơ sở chẩn bệnh một cách biện chứng mới có thể lựa chọn và điều chế rượu thuốc phù hợp và có chất lượng; Ngược lại, nếu chẩn bệnh sai thì khi dùng sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại.

Anh Tuấn