Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (35 tuổi) là con kế út trong gia đình có 12 anh chị em ở Đồng Nai. Do hoàn cảnh khó khăn, từ năm lớp 6 chị đã đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, xong lớp 9 thì chị quyết định nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, bắt đầu cuộc sống mưu sinh. Chị gặp ông xã năm 24 tuổi, lập gia đình và có con không lâu sau đó.
Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ gặp vô vàn khó khăn vì thu nhập bấp bênh, cũng chẳng có người thân ở bên giúp đỡ. Sau khi con trai chào đời, theo ý chồng, chị Vân gác lại công việc để dành thời gian chăm sóc gia đình nhỏ. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng lớn, rồi hôn nhân đổ vỡ. Không nghề nghiệp, không tiền, không có người thân bên cạnh, chị Vân bắt đầu ấp ủ suy nghĩ về việc tự kinh doanh để có thể làm chủ kinh tế.
Nỗ lực làm chủ cuộc đời
Chị Vân sau đó may mắn được người quen sang lại một quầy nước nhỏ trên đường Mạc Đĩnh Chi để bán cà phê, sinh tố, nước ép. Nhanh chóng nắm bắt cơ hội, bằng số vốn ít ỏi cùng với sự chắt chiu, dành dụm trong quá trình buôn bán, chị Vân dần hoàn thiện quầy hàng nhỏ của mình. Cô chủ dáng dấp nhỏ bé với gương mặt dễ mến, tính tình dễ gần, thật thà, chu đáo được nhiều vị khách quý mến và quay lại ủng hộ. Chị bắt đầu có đồng ra đồng vào, đủ để làm nhẹ bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Chị Vân tâm sự, dù chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, chị vẫn không ngừng học hỏi để trau dồi kiến thức bản thân. Không có điều kiện theo đuổi những khóa chuyên sâu về kinh doanh, pha chế, chị Thanh Vân tự mày mò học trên mạng, học qua trải nghiệm thực tế hằng ngày. Chị cũng để ý ghi nhận ý kiến của khách hàng để hoàn thiện món đồ uống của mình. “Khi mới ra một món nào đó, tôi thường pha uống thử mấy lần rồi nhờ những người quen nếm sau đó đưa ra công thức ngon nhất để bán cho khách. Khi những vị khách đầu tiên dùng thử món đó quay lại, tôi thường xin họ góp ý, rồi cân đối lại thành một công thức hợp lý, làm vừa lòng số đông”, chị Vân cho biết thêm.
Việc buôn bán ngày càng thuận lợi, chị mở thêm quầy cà phê khác trên đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Đậu và thuê thêm người hỗ trợ. Tuy nhiên, do không đủ sức quán xuyến, sau một thời gian, chị trả lại những mặt bằng cũ, dồn tiền thuê một căn nhà nhỏ khang trang rộng 45 mét vuông trên đường Điện Biên Phủ để tập trung kinh doanh.
Chưa kịp ổn định việc làm ăn ở quán mới thì Covid-19 ập tới khiến quán nhỏ của chị phải gồng mình trước vô vàn khó khăn. Khoản dành dụm trước đó của chị vơi dần trong khoảng thời gian cầm cự qua mùa dịch vì hàng loạt chi phí phải chi: tiền thuê nhà, tiền đầu tư hàng quán...
Bắt kịp xu hướng kinh doanh mới
Sau thời gian khủng hoảng vì dịch, chị Vân nỗ lực vực dậy tình hình kinh doanh của cửa hàng với mong muốn thu hút được lượng khách ổn định như trước đây. Tuy nhiên, chị nhận thấy tình hình kinh doanh có khó khăn hơn, quán của chị khó thu hút khách hàng mới do nằm trên làn đường một chiều, lại ở vị trí hơi khuất tầm nhìn.
Giữa lúc đang tìm kiếm giải pháp mới để cải thiện việc kinh doanh, chị Vân biết đến khoá học “Quán nhỏ vượt sóng to” của Gojek dành cho những chủ kinh doanh hàng quán quy mô nhỏ thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh nên đã đăng ký tham gia ngay.
Dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” của Gojek giúp các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ cải thiện sinh kế.
Theo chia sẻ của chị Thanh Vân, khi tham gia lớp học của Gojek, chị được truyền đạt nhiều kiến thức tài chính trong kinh doanh hàng quán, như cách cân đối thu chi, cách tính nguyên vật liệu, định giá hàng bán… Chị cũng được chỉ dẫn cách chụp hình ảnh món ăn, thức uống sao cho đẹp mắt, thu hút khách hàng. Ngoài ra, chị Vân cùng các học viên khác được giới thiệu về cách vận hành của một nền tảng đặt đồ ăn, được hướng dẫn cách tận dụng các tính năng giúp quản lý đơn hàng, chạy các chương trình tiếp thị trên nền tảng GoFood của app Gojek như một phương thức để thu hút khách hàng mới, cải thiện doanh thu.
Trong quá trình tham gia lớp học, chị Vân có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ những kinh nghiệm với những người đang kinh doanh quy mô nhỏ như mình. Các kiến thức trong lớp học giúp chị quản lý quán cà phê của mình một cách thông minh, hiệu quả hơn. “Những gì được học từ khóa học này giúp tôi có thêm nhiều kiến thức về việc sắp xếp quán online, quản lý tài chính, lên thực đơn, v.v. Bình thường tôi cũng có biết sơ sơ nhưng qua lớp học thì hiểu rõ hơn về cách mình kinh doanh, như vậy thì buôn bán mới hiệu quả”, cô chủ chia sẻ.
Hiện chị Thanh Vân đang trong quá trình chuẩn bị để đưa quán cà phê của mình lên GoFood của Gojek với hy vọng lớn nhất là tiếp cận với nhiều khách hàng mới và có nguồn thu nhập tốt hơn. “Tôi chọn Gojek vì tôi được hỗ trợ rất nhiều về thông tin, kỹ năng cần thiết để có thể vận hành kinh doanh online. Gojek kết nối được với nhiều người dùng, tôi cũng không phải lo chuyện khuyến mãi hay quảng cáo cho quán vì đã được tham gia vào các chương trình có sẵn ở trên app”, chủ quán Star Coffee chia sẻ.
Chị Thanh Vân đang trong quá trình đưa quán lên GoFood của Gojek với hi vọng sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng mới, gia tăng thu nhập.
Bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood, Gojek Việt Nam cho biết, “Gojek ra đời với sứ mệnh sử dụng công nghệ để dỡ bỏ rào cản trong các vấn đề của cuộc sống hàng ngày, cụ thể là hỗ trợ cửa hàng ăn uống nhỏ trong giai đoạn khó khăn. Kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi lớn, ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử. Việc chuyển đổi thành các doanh nghiệp kỹ thuật số có thể giúp các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ thích ứng theo những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, từ đó giúp nâng cao doanh thu”.