Hành trình tìm lại niềm vui con tim của nhạc sĩ Đức Huy

Hành trình tìm lại niềm vui con tim của nhạc sĩ Đức Huy

Thứ 6, 22/03/2013 | 08:44
0
Không trữ tình lãng mạn như Ngô Thụy Miên hay sầu thương bi lụy như Lê Uyên Phương, những ca khúc của nhạc sĩ Đức Huy luôn để lại những dấu ấn riêng và dễ làm người nghe có cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản.

"Lạc loài niềm tin"

Nhạc sĩ Đức Huy sinh trưởng trong một gia đình Công giáo, từ năm 4 tuổi, ông đã phải liên tục thay đổi nơi ăn chốn ở, hết ở với cô lại chuyển đến sống cùng với bác do điều kiện gia đình khó khăn. Năm 1954, Đức Huy cùng gia đình di cư vào Nam, lưu lạc ở rất nhiều nơi từ Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang rồi cuối cùng mới dừng chân tại Sài Gòn.

Nhân vật - Hành trình tìm lại niềm vui con tim của nhạc sĩ Đức Huy

Chính nhờ tháng ngày sống tại Sài Gòn, giữa lúc các phong trào văn nghệ của học sinh, sinh viên phát triển mạnh mẽ, rầm rộ với nhiều những cây bút, nhạc sĩ trẻ tài năng mà Đức Huy đã được tiếp cận với đời sống văn hóa đa màu sắc, huyên náo và những cuộc gặp gỡ của những tâm hồn đồng cảm, đồng điệu ấy đã giúp anh bộc lộ năng khiếu đặc biệt với âm nhạc.

Không chỉ được nghe những tình khúc của Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng hay Ngô Thụy Miên tại các đêm biểu diễn văn nghệ, các quán cà phê mà ảnh hưởng của âm nhạc đường phố ở Mỹ cũng tác động tích cực đến thẩm mỹ và cảm hứng sáng tác của Đức Huy.

Thời gian còn ngồi trên ghế đại học, nhạc sĩ Đức Huy tham gia, trở thành nhân tố tích cực của nhiều nhóm nhạc trẻ khi đó như Crazy Boys, Strawbery Four. Năm 1969 nhạc phẩm Cơn mưa phùn ra đời như một ghi tạc cho quá trình hoạt động sôi nổi của Đức Huy.

Vào những ngày cuối cùng của năm 1975, Đức Huy lúc này là một binh nhì đóng quân tại Bình Dương đã không trở về để đi di tản cùng gia đình. Ông phải sang tị nạn tại Philipines mất một thời gian dài. Nhờ khả năng ngoại ngữ tốt, ông được tham gia vào tổ chức người tị nạn. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một phóng viên Mỹ, Đức Huy nhận lời chăm sóc hai cô nhi lai Việt để không phải ở lại trong trại tị nạn lâu.

Sau một chuyến bay dài và khó quên nhất trong đời, cuối cùng Đức Huy cũng đã tới được thành phố San Francisco (Mỹ) và bắt đầu hành trình tìm lại gia đình. Kỷ niệm này vẫn được Đức Huy nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều những bài phỏng vấn: "Chưa làm cha, vậy mà cùng một lúc tôi phải chăm sóc hai đứa trẻ 7 tháng tuổi, cứ vài tiếng lại cho chúng ăn một lần, rồi cho đi vệ sinh, dỗ nín khóc, ru ngủ... Đến khi đặt được chân lên nước Mỹ thì tôi bị dội ngay một gáo nước lạnh: "Nơi đây không phải thiên đường, chỉ có vui chơi, tình yêu như mình xem phim. Trong túi còn đúng 30 USD, tôi hoang mang, sợ hãi, thấy tương lai thực sự rất mơ hồ".

Đến Mỹ với vỏn vẹn 30 USD trong túi và cân nhắc để tiêu từng cent, Đức Huy đã phải nếm trải những nhọc nhằn, cô độc của một kẻ ly hương nơi đất khách quê người. Gọi một cuộc điện thoại chỉ có 10 cent, nhưng phải đắn đo như một quyết định trọng đại.

"Số tôi cũng may mắn, đọc trên trang vàng, tìm được một nhà hàng Việt Nam. Họ hỏi tôi có kinh nghiệm làm nhà hàng không? Tôi nói dối là có và xin làm bất cứ việc gì, miễn cho tôi ngày hai bữa cơm và một chỗ nằm. Thế là họ cho tôi vào trong bếp. Trước khi tìm được việc làm, tôi đã ở phòng dành cho những người trẻ bần cùng nhất. Cái phòng mà sáng thức dậy vươn vai thì hai tay đụng vào hai bên tường. Đi ăn phải xếp hàng vào nhà thờ...", Đức Huy cho biết.

Nhân vật - Hành trình tìm lại niềm vui con tim của nhạc sĩ Đức Huy (Hình 2).

Nhạc sĩ Đức Huy trong một lần trình diễn.

"Tìm một con đường..."

"Cho đến ngày vào nhà thờ xếp hàng xin ăn, tôi thấy sự tự lập của mình chưa đủ để đối chọi và lần đầu tiên trong đời tôi đã khóc, khóc vì tủi phận. Lúc kẹt, xếp hàng xin ăn cũng không sao, nhưng những hình ảnh hỗn độn diễn ra trước mắt làm tôi không thể dằn lòng được. Nhưng rồi, nhờ từ cuộc gặp với người bạn Cu Ba có hoàn cảnh giống với mình, Đức Huy đã thay đổi và bắt đầu hồi sinh.

Sau một thời gian nhờ tiếng tăm chơi nhạc khi còn ở Việt Nam, Đức Huy được một người bạn Hàn Quốc giới thiệu gia nhập ban nhạc San Francisco, vừa hát vừa đệm đàn cho ban nhạc Holiday in. Lúc này, Đức Huy cũng tham gia học thêm về nhạc căn bản và hòa âm tại trường San Francisco City College.

Đến năm 1985, Đức Huy chính thức tham gia con đường âm nhạc chuyên nghiệp, cùng ban nhạc biểu diễn trên một chiếc du thuyền, đi khắp các vùng biển nổi tiếng của Mỹ và Bắc Mỹ biểu diễn trong bốn năm như một gã du ca thực sự.

Trong những chuyến đi đó, Đức Huy đã gặp Thảo My - một ca sĩ nghiệp dư và tình yêu giữa họ nảy nở, đơm hoa kết trái bằng một đám cưới vô cùng hạnh phúc, lãng mạn. Hai vợ chồng Đức Huy mở phòng thu tại nhà được 10 năm. Do kỹ thuật vi tính phát triển, việc làm ăn trở nên khó khăn, các ban nhạc ở Mỹ hoạt động cũng ảm đạm, chỉ có các trung tâm lớn mới đủ khả năng vượt qua cơn địa chấn. Vì vậy, phòng thu của vợ chồng Đức Huy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau đó, Đức Huy bỏ phòng thu chuyển sang kinh doanh nhà hàng và ông chịu trách nhiệm làm tất cả các khâu từ quản lý, đầu bếp, bưng bê và trình diễn văn nghệ. Đời sống hôn nhân viên mãn với ba đứa con xinh xắn cũng rơi vào vực thẳm vì những mâu thuẫn xung quanh lý do tài chính. Một cuộc chia tay thường bắt đầu từ tình hoặc tiền. "Cuộc chia tay của chúng tôi rơi vào lí do thứ hai!".

Đức Huy chua chát nói về cuộc hôn nhân từng vô cùng hạnh phúc. Với tình yêu chiếu ánh sáng vào đời, anh hy vọng được ơn cứu rỗi và trên thế đứng của một người đàn ông, anh nhận tất cả về phần mình: "Lỗi của tôi rất nhiều, gần như hoàn toàn. Công việc không quen, lại cực nhọc, tất cả chồng chất lên vai, lúc nào tôi cũng lo lắng, không viết được nhạc. Tôi trở thành con người nóng nảy, nói chuyện với đồng nghiệp, với vợ thiếu nhỏ nhẹ, luôn tạo nên sự căng thẳng. Càng ngày chúng tôi càng cảm thấy xa nhau. Xa quá, đến một ngày giật mình không biết mình có phải người lạ hay không? Muốn cứu vãn nhưng đã trễ. Tôi nhận lỗi của mình và gắng để tâm hồn được bình an. Bây giờ tôi mê thuyết Phật, cố tu, kiểm soát sự nóng giận của mình".

Trở về Việt Nam sau những tháng ngày bôn ba trên đất Mỹ, Đức Huy để lại ba đứa con cho vợ và bắt đầu làm lại khi đã không còn quá trẻ. May mắn cho Đức Huy là nơi quê nhà vẫn còn quá nhiều người say mê giai điệu của những ca khúc trẻ trung, mới mẻ đầy hiện đại mà vẫn thơ mộng, lãng mạn của ậnh.

Những ca khúc sống đời cùng thời gian và đến giờ vẫn được người ta nghe đi, nghe lại một cách thích thú. Tình yêu âm nhạc vẫn nuôi sống tâm hồn Đức Huy sau rất nhiều những thăng trầm trong cuộc đời, nhưng còn tình yêu với người phụ nữ của đời mình thì có lẽ đến giờ đối với Đức Huy vẫn là một ẩn số và vẫn chưa có dịp thăng hoa.

Đức Huy bước chân vào con đường âm nhạc từ năm 15 tuổi khi được người anh họ là Nguyễn Tuấn Khanh (sau này chính là nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Vũ) phát hiện khả năng và đào tạo. Với tư duy âm nhạc mới mẻ và sự sâu sắc, Đức Huy đã bắt đầu sáng tác những bản nhạc đầy suy tư và giàu chất tự sự ngay từ khi bắt đầu cầm bút, cầm đàn chơi nhạc. Ca khúc Cơn mưa phùn nhạc phẩm như tấm vé đưa cái tên Đức Huy chính thức bước vào làng nghệ sĩ Sài Gòn đã được công chúng, đặc biệt là giới trí thức vô cùng yêu thích. Đức Huy đã nói về hành trình ghi dấu với âm nhạc của mình: "Tôi như một tờ giấy trắng vào buổi đầu đến với âm nhạc. Tôi không được học Nhạc viện hoặc được huấn luyện chuyên môn. Tôi chỉ làm theo cảm xúc và bản năng của mình, dựa trên kinh nghiệm bản thân và nghiên cứu, học hỏi từ những tác phẩm mà mình yêu thích”.

Hương Giang