Hành trình “vô tiền khoáng hậu” của người đàn ông Nga đạp xe vòng quanh thế giới cách đây 100 năm

Mạnh Kiên

Không biết một ngoại ngữ nào, không mang theo vũ khí hay hộ chiếu ngoại giao, Onisim Pankratov đã rong ruổi qua hàng chục quốc gia, thậm chí ngồi tù rồi nằm viện, chỉ để nỗ lực đạt được mục tiêu của cuộc đời mình - đạp xe vòng quanh thế giới.

Giấc mơ của cha

Onisim Pankratov sinh ra ở tỉnh Penza năm 1888. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả, được ăn học đầy đủ. Năm 1896, khi Onisim vẫn còn là một cậu học sinh, cha ông, Pyotr Pankratov, đọc được thông tin trên báo về việc Liên đoàn Đạp xe Quốc tế trao thưởng một nhành cọ kim cương cho người đi xe đạp đầu tiên đi vòng quanh châu Âu theo lộ trình đề xuất.

Pyotr yêu thể thao và là một fan hâm mộ của đô vật nổi tiếng Ivan Poddubny, vì vậy ông đã truyền cảm hứng và định hướng cho con trai mình yêu thể dục thể thao ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, để thực hiện ước mơ đi vòng quanh thế giới khi đó vẫn là điều không tưởng.

Năm 1908, gia đình Pankratov chuyển đến Cáp Nhĩ Tân. Tại đây, Pankratov lớn lên và trở thành một chàng trai mạnh mẽ, người luôn đứng đầu mọi môn thể thao ở địa phương. Đến năm 1911, khi đã tiết kiệm đủ tiền để mua một chiếc xe đạp đường trường hạng nhẹ Gritzner của riêng mình, Pankratov bắt đầu chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu đạp xe vòng quanh thế giới.

Ban đầu, ông đi cùng ba người bạn rời Cáp Nhĩ Tân đến Moscow vào ngày 10/7/1911. Tuy nhiên, những người đồng hành đã sớm phải bỏ dở cuộc hành trình do không đủ thể lực. Xuất phát từ thị trấn Chita, Pankratov tiếp tục chuyến đi một mình.

“Khi đạp xe qua Mông Cổ và Mãn Châu, tôi đã được người dân địa phương đón tiếp đầy thân thiện. Họ cho tôi ăn uống rất đầy đủ, chặng đường đi qua các lãnh thổ của Trung Quốc cực kỳ thoải mái về mọi mặt. Tuy nhiên, ngay từ phút tôi đặt chân vào vùng đất Nga, cuộc hành trình của tôi đã đầy ắp những cuộc phiêu lưu và thử thách”, Pankratov kể lại.

Pankratov có một cuốn nhật ký hành trình ghi chép về chuyến đi của mình. Nông dân vùng Siberia thời đó hoài nghi bất kỳ người nào biết chữ lảng vảng quanh họ, chưa nói đến người đi xe đạp một mình bỗng xuất hiện nơi đây. Thứ duy nhất khiến họ tin tưởng là những con tem và con dấu chính thức mang phù hiệu đại bàng hai đầu.

Đó là lý do tại sao Pankratov yêu cầu bất kỳ quan chức nào mà ông gặp trên đường đi - người mà ông giải thích mục đích chuyến đi của mình - đóng dấu vào nhật ký hành trình để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, điều đó cũng không giúp Pankratov tránh khỏi những trở ngại trên đường khiến ông suýt thiệt mạng vài lần.

Pankratov từng bị thợ săn địa phương nhắm mục tiêu và bị một vết thương nhẹ ở lưng. Ở vùng Krasnoyarsk, ông bị bọn cướp tấn công, nhưng chúng đã để ông đi vì ông không có tiền trên người, mà cướp xe đạp thì cũng không bán được cho ai. Vì không có đường ở một số vùng ở Siberia, Pankratov thường phải đạp xe dọc theo đường ray, nơi ông bị các nhân viên đường sắt truy đuổi, nên đành phải đi vào ban đêm.

Bất chấp tất cả khó khăn, vào giữa tháng 11, Onisim Pankratov đã đến được Moscow, nơi ông nhận được sự chào đón nhiệt tình từ những người đi xe đạp ở Moscow, những người đã cung cấp thức ăn, điều trị y tế và thậm chí quyên góp tiền để giúp ông tiếp tục hành trình.

Qua Châu Âu

Qua Petersburg, Onisim Pankratov đến Konigsberg (ngày nay là Kaliningrad) và từ đó một mạch đến Berlin. Ông đi qua biên giới của Đế quốc Nga vào ngày 12/12/1912. Tại châu Âu, Pankratov phát hiện ra rằng tuyến đường xe đạp vòng quanh thế giới được trao giải năm xưa trên báo đã có người hoàn thành từ lâu. Tuy nhiên, Pankratov vẫn không từ bỏ giấc mơ của mình và tiếp tục hành trình trên chặng đường châu Âu. Thay vì đạp xe xuyên qua lục địa, ông đã chọn một lộ trình phức tạp hơn như để tăng gấp đôi “thử thách” do Liên đoàn Đạp xe Quốc tế đặt ra ban đầu.

Lộ trình của ông từ Thụy Sĩ, Italy, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp – rồi lại quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa, đến Italy, Pháp, miền Nam Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bắc Tây Ban Nha và Pháp. Từ đó, ông đi tàu hơi nước đến Anh, để tiết kiệm tiền mua vé đến Mỹ, Pankratov đã làm công việc bốc xếp tại cảng.

Chặng đường châu Âu của cuộc hành trình cũng không hề dễ dàng chút nào. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông bị cảnh sát giam giữ vì nhầm với một điệp viên Nga, trong khi ở Italy, ông đổ bệnh sốt rét.

Tại đây, nhờ đến sự giúp đỡ của Ekaterina Peshkova, vợ chính thức của nhà văn Maxim Gorky mà ông mới không bị chết đói. Khi ở Anh, ông tham gia các cuộc thi đua xe đạp và đấu vật để kiếm tiền lộ phí. Cuối cùng, Pankratov và chiếc Gritzner của mình lên tàu hơi nước đến Mỹ.

Có rất ít thông tin về khoảng thời gian Pankratov ở lại Mỹ. Chỉ biết rằng, cuộc hành trình qua Mỹ của ông thậm chí còn khó khăn hơn cuộc hành trình đến Nga.

"Bạn đang đạp xe dọc theo con đường, đến gần một trang trại, bạn muốn nghỉ ngơi ở đó, nhưng bạn sớm nhìn thấy một khẩu súng trường nạp đạn sẵn chờ đợi”, nhật ký của ông kể lại.

Từ San Francisco, Pankratov đến Nhật Bản, rồi đến Trung Quốc, và ngày 10/8/1913, sau 2 năm 18 ngày rong ruổi trên đường, ông trở về Cáp Nhĩ Tân. Trong cuộc hành trình, ông đã thay 52 chiếc lốp, 36 săm, 9 xích, 8 bàn đạp, 4 yên xe, 2 ghi đông, nhiều đèn, chuông và các bộ phận khác trên chiếc xe đạp của mình.

Anh hùng không quân

Ngay sau khi hoàn thành hành trình kỳ tích nói trên, Pankratov được ca tụng như một danh nhân quốc gia. Các tờ báo và tạp chí tranh giành viết bài về ông và tiền bạc đối với Pankratov không còn là vấn đề.

Tuy nhiên, niềm khao khát về những chuyến phiêu lưu mới trong Pankratov không hề giảm đi. Lần này không còn trên những bánh xe nữa mà sẽ là đôi cánh trên bầu trời.

Theo các tài liệu, vào tháng 6/1914, Pankratov gia nhập một trường hàng không quân sự ở Gatchina. Vào tháng 8, ông được cấp quyền lái một chiếc máy bay Farman và được gia nhập Quân đoàn Hàng không số 12, giữa lúc Thế Chiến I diễn ra.

Đáng ngạc nhiên, Pankratov cũng chứng tỏ khả năng xuất sắc của mình trên bầu trời. Vào tháng 1/1914, máy bay của ông bị bắn rơi nhưng ông may mắn sống sót. Sau đó ông liên tiếp lập chiến công và được trao tặng nhiều huân chương khác nhau.

Vào tháng 7/1916, trong một nhiệm vụ trên không, ông bị bắn hạ và thiệt mạng. Onisim Pankratov rất nổi tiếng trong lực lượng vũ trang. Hồi còn phục vụ trong Quân đoàn 12, ông đã được báo chí ca tụng là một trong những "anh hùng không quân".

Tuy nhiên, người Nga không nhớ nhiều về thành tích trong quân đội của Onisim Pankratov mà chỉ nhớ đến ông với tư cách là người Nga đầu tiên đi xe đạp vòng quanh thế giới.

M.K