Theo TASS, hôm 8/5, người đứng đầu bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai hệ thống phòng không đất đối không S-400 của Nga và đã kích hoạt các bộ phận của hệ thống phòng thủ này.
“Quá trình triển khai S-400 sẽ được tiếp tục và chắc chắn hệ thống sẽ được đưa vào hoạt động”, ông Demir cho hay.
Tuy nhiên, Nga sẽ không có “quyền tiếp cận như mong muốn” với hệ thống S-400 đã được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
“Mặc dù thỏa thuận chuyển giao S-400 bao gồm các điều khoản về huấn luyện cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng S-400, bảo dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật, nhưng quân đội Nga không có quyền tiếp cận như mong muốn đối với S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Demir nhấn mạnh.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết, hôm 30/4 rằng quá trình triển khai hệ thống S-400 ở nước này đã buộc phải hoãn triển khai do đại dịch virus corona gây ra. Tuy nhiên, quan chức này cho biết “quá trình này sẽ được tiếp tục theo đúng kế hoạch đã đặt ra trước đó”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố hôm 21/4 rằng Washington “thực sự quan ngại” với các báo cáo rằng Ankara tiếp tục nỗ lực để vận hành hệ thống S-400.
Hồi tháng 9/2017, Nga thông báo nước này đã ký thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD với Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển giao hệ thống phòng thủ S-400. Theo thỏa thuận này, Ankara sẽ mua 2 hệ thống S-400. Thỏa thuận này cũng bao gồm việc Nga chuyển giao một phần kỹ thuật cũng như công nghệ sản xuất cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO mua hệ thống phòng thủ từ Nga. Các bệ phóng S-400 được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 12/7/2019.
Mỹ và các nước trong khối NATO đã nỗ lực ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 từ Nga. Washington cảnh báo về những khả năng mà nước này có thể áp dụng trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara cương quyết mua S-400.
Hôm 17/7/2019, thư ký báo chí của Nhà Trắng tuyên bố trong một văn bản rằng quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc triển khai S-400 mua từ Nga đã cản trở nước này trong việc tiếp tục tham gia chương trình sản xuất máy bay ném bom chiến đấu F-35 của Mỹ.
Ankara chọn mua S-400 của Nga sau khi Mỹ từ chối thông qua thương vụ bán các hệ thống tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mua S-400 Nga là cần thiết cho nền an ninh quốc gia và từ chối đề nghị của Mỹ về việc từ bỏ mua tên lửa Nga.
S-400 Triumf là hệ thống phòng thủ tầm xa tân tiến nhất được Nga đưa vào sử dụng từ năm 2007. Vũ khí này được thiết kế để phá hủy máy bay, tên lửa đạn đạo gồm cả những vũ khí tầm xa, và có thể được sử dụng nhằm vào hệ thống mặt đất. S-400 có thể nhắm đến tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách 400km chiều xa và chiều cao tới 30km.